[ĐMX72] Tuổi Trẻ & Những Thách Đố Trong Đời Sống Ơn Gọi

25-06-2019
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 4104 lượt xem

__Phêrô Trần Văn Hùng__
“Chúa Giêsu luôn khích lệ chúng ta “đừng sợ” vì Ngài luôn ở cùng chúng ta trong những thời điểm gian nan, thử thách nhất.”

Cố nhạc sĩ Trần Lập đã từng viết trong ca khúc “Đường tới ngày vinh quang”:

“Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng
Bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai
Đường vinh quang đi qua muôn ngàn sóng gió.”

Thật vậy, cuộc sống là một cuộc hành trình đi tìm kiếm hạnh phúc của đời mình. Nhưng chẳng có con đường nào được trải hoa hồng mà bàn chân lại không bị thấm đau vì những mũi gai cả. Cũng thế, hành trình bước theo Chúa Kitô là một con đường tìm đến những giá trị Chân – Thiện – Mỹ. Trên con đường đó cũng xuất hiện không ít những khó khăn, gian nan và thử thách mà đòi hỏi những ai muốn bước theo Chúa phải can đảm đối mặt, hy sinh và mạo hiểm với chính bản thân mình.

Việc học hành

Sao đi tu lại học nhiều thế? Đó là câu hỏi không chỉ những người ở ngoài đời mà thậm chí những người đã bước vào đời tu cũng đã từng tự đặt ra câu hỏi đó cho bản thân mình. Nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng tu sĩ thì phải chuyên tâm phụng sự Chúa bằng cách đọc kinh cầu nguyện, tập tành các nhân đức; còn việc học hành thì là việc của ngoài đời. Mình đi tu rồi mà cũng học như vậy thì không còn tuân đúng theo căn tính của đời tu. Không ít anh em mới chập chững bước vào đời sống tu trì có thể cảm thấy hơi lạ lẫm vì ngoài giờ kinh, đôi khi họ phải “biến bàn học thành chiếc bàn thờ thứ hai.” Nhiều anh em tỏ ra lo ngại trước những rủi ro, hệ lụy tiêu cực của việc học hành đối với đời sống tu trì: thích lao vào thế giới tri thức rồi ngủ yên trong đó, càng học nhiều càng sinh lắm ý kiến, gây cãi cọ chia rẽ, chểnh mảng kinh kệ, chiêm niệm, xao nhãng việc tìm kiếm Thiên Chúa hay thánh ý của Ngài. Bên cạnh đó, việc học hành nhiều, học giỏi dễ dẫn đến sự kiêu ngạo và háo danh.

Tuy nhiên, khi bước vào đời tu, người tu sĩ phải lãnh nhận sứ mạng ngôn sứ là nhắc nhở và phục vụ ý định của Thiên Chúa đối với loài người. Để chu toàn sứ mạng đó, Giáo hội Kitô giáo luôn đòi hỏi “người tận hiến phải có một kinh nghiệm sâu xa về Thiên Chúa và ý thức được các thách đố của thời đại mình, khám phá ra ý nghĩa thần học sâu xa của chúng, nhờ biết biện phân với sự trợ lực của Thần Khí.”[1] Điều ấy đòi hỏi hỏi người tu sĩ phải học mỗi ngày để có thể trang bị cho mình một kiến thức vững chắc về đạo lý thánh và nếu cần bổ túc những kiến thức cần thiết khác. Cách riêng với Dòng Đa Minh, xuất phát từ đặc sủng giảng thuyết của Dòng, để rao giảng Lời Thiên Chúa một cách thật hữu hiệu, đòi hỏi người tu sĩ Đa Minh phải thấu hiểu điều mà mình công bố. Để thi hành sứ vụ này, các tu sĩ cần được đào tạo. Khi đó, hoa trái của việc học không chỉ được trổ sinh nơi đời sống tu trì của anh em, mà còn “trở nên hữu ích cho linh hồn tha nhân.”[2] Chính vì lý do đó mà thánh Đa Minh đã đặt việc học hành vào số những sinh hoạt chính yếu của đời tu, ngang bằng với việc cầu nguyện và khổ chế vào Dòng của mình.

Học tập và cầu nguyện có một mối dây liên kết không thể tách rời. Việc học của người tu sĩ Đa Minh mang một chiều kích chiêm niệm chứ không đơn thuần như kiểu học của thế gian. Anh em vẫn luôn tin rằng việc học và cầu nguyện là hai phương tiện dẫn tới sự chiêm niệm chân lý. Hơn thế nữa, cả hai phương tiện này bổ túc cho nhau.“ Việc học cung cấp chất liệu cho sự chiêm niệm; sự cầu nguyện mang lại ánh sáng và sự trợ lực của ơn thánh cần thiết cho việc học.”[3] Việc học sẽ lôi kéo chúng ta đến với cầu nguyện, giúp chúng ta hiểu hơn về Chúa, làm cho ta ngày càng gắn bó mật thiết hơn với Người và cầu nguyện cũng sẽ làm cho chúng ta suy tư nhiều hơn về Thiên Chúa. Từ đó chúng ta suy tư nhiều hơn về Thiên Chúa và có thể khám phá sâu sắc hơn sự hoạt động của Thiên Chúa giữa trần thế này.

Đời sống cộng đoàn

Chúng ta đều biết rằng đời sống cộng đoàn chiếm một vị trí quan trọng trong sự phát triển của đời sống tâm linh. Đời sống cộng đoàn cũng là một điểm chính yếu trong linh đạo Đa Minh. Thánh Đa Minh đã thiết lập một đời sống theo gương các thánh Tông Đồ vì thánh nhân đã tìm thấy nơi cộng đoàn tiên khởi những ý tưởng phù hợp cho việc rao giảng Tin Mừng. Thật vậy, đời sống cộng đoàn tiên khởi là mẫu gương cho chúng ta về đời sống chung, đời sống hiệp thông huynh đệ. Một cộng đoàn quy tụ lại với nhau nhờ chuyên cần với giáo huấn các Tông Đồ, tụ họp lại với nhau để cùng nhau cầu nguyện, bẻ bánh; một cộng đoàn mà trong đó tất cả mọi người đều một lòng, một ý, một con tim, đồng tâm nhất trí để cùng nhau xây dựng Nước Chúa ở trần gian này.

Ngoài xã hội, đa số những bạn trẻ phải vất vả ngược xuôi vì mối lo gánh nặng cơm áo gạo tiền. Với những tranh đấu của xã hội, không ít người cảm thấy lạc lõng giữa dòng đời. Riêng với những người trẻ đang tìm kiếm ơn gọi, thời điểm bước vào đời sống cộng đoàn tu trì cũng chính là lúc họ đi vào một nơi cũng thử thách không kém những người trẻ ở ngoài đời. Bước vào đời sống tu trì, đời sống mà nhiều người vẫn quan niệm rằng đó là một môi trường thanh thoát, sung sướng hay ít là không phải suy nghĩ nhiều. Nhưng thật ra một khi bước chân vào đời tu cũng chính là thời điểm ta phải hy sinh tuổi xuân, là phải cột mình vào cái kỷ luật khắt khe hơn với chính mình, sống nhiều hơn cho người khác và vì người khác. Thậm chí đôi lúc phải ngậm ngùi từ bỏ những đam mê, những ước mơ của bản thân để theo đuổi một hướng đi mới – hướng đi mang đến niềm hạnh phúc, một cuộc sống tốt đẹp hơn trong tình yêu Thiên Chúa.

Có thể lúc đầu ta chỉ mới tưởng tượng về một môi trường “tu trì” với những hình ảnh thiêng liêng, thánh thiện mà bao người, bao sách vở mô tả. Dưới bàn tay Chúa quan phòng, mỗi con người, mỗi tính cách, mỗi người có nét đặc trưng và tính cách riêng, tất cả hình thành nên một cộng đoàn tu trì. Cộng đoàn đó là nơi chiếu toả “ánh sáng nhân đức”: đạo đức, khiêm nhường, lắng nghe, chia sẻ, nâng đỡ lẫn nhau, v.v.. Nhưng cũng có thể ánh sáng chỉ le lói bởi bóng tối của những xung đột, đố kỵ, loại trừ, v.v.. xảy ra trong đời sống chung.

Thực tế cho thấy, đời sống cộng đoàn luôn có những thách đố cho những người mới chập chững trên con đường ơn gọi. Nơi cộng đoàn có nhiều người sống với nhau, nhưng lại khác nhau về hoàn cảnh, văn hóa vùng miền, suy nghĩ, lối sống và quan điểm. Những khác biệt này ít nhiều cũng gây những xung khắc hay va chạm trong đời sống anh em. Trong cộng đoàn, không phải ai cũng hợp tính với mình, không phải ai cũng có cùng sở thích với mình, cùng quan điểm với mình. Người trẻ mang vào nhà Dòng toàn bộ con người yếu đuối của mình, chứ chẳng phải một con người đã hoàn thiện. Có thể sống chung dưới cùng một mái nhà, cùng ăn, cùng uống, cùng sinh hoạt với nhau, nhưng nhiều khi người ta lại không xây dựng được những tương giao cần thiết để thấu hiểu và cảm thông nhau. Hơn nữa, trong cộng đoàn luôn còn tồn tại một thứ cám dỗ rất lớn là con người muốn loại trừ những khác biệt, muốn nắn đúc người khác theo suy nghĩ và ý muốn của mình, muốn cho mình là khuôn mẫu để người khác phải sống theo. Những xung khắc, bất hòa và sự chia rẽ vẫn còn tồn tại khi mà mỗi thành viên trong cộng đoàn tu trì chưa biết lắng nghe, biết hiểu và đón nhận những vấn đề của nhau. Tất cả những khó khăn trên khiến cho tâm hồn của chúng ta bất an. Từ đó khiến cho việc cầu nguyện khó có thể sốt sắng. Do đó, những bất hòa trong cộng đoàn chính là một thách đố lớn lao trong hành trình tâm linh của những ai mới chập chững bước vào đời sống tu trì.

Lý tưởng của đời tu

Ngày nay, nhiều bạn trẻ quyết định chọn con đường đi tu nhưng khi được hỏi lý do tại sao thì có bạn lại im lặng và có bạn khác lại nói rằng vì “thấy cuộc sống bon chen” hay ‘chán đời.” Cũng không ít bạn trẻ đi tu theo kỳ vọng của người thân để rồi bị trói chặt vào danh dự đó và sau cùng đắm chìm đời mình trong những ước muốn, kỳ vọng của người khác.

“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Lc 10,2). Trước khi Chúa Giêsu về trời, Ngài đã trao cho các môn đệ sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho muôn dân, loan báo ơn cứu độ của Thiên Chúa cho tất cả mọi người. Ngày nay, cánh đồng truyền giáo bát ngát nhưng lại thiếu nhiều thợ gặt. Nhưng, Thiên Chúa cũng cho thấy Người không phải là một ông chủ mùa gặt dễ tính. Tuy cánh đồng đầy lúa chín vàng nhưng Ngài lại không cần những thợ gặt “nửa mùa” khi mà xin đi tu chỉ vì những lý do như “chán đời”, như muốn được coi trọng, được hưởng vinh quang, xa lánh thế gian hay những lý do thiếu chính đáng khác. Người mà Thiên Chúa cần chính là những thợ gặt trung thành biết chăm lo cho cánh đồng và rồi khi lúa vàng chín thì gặt về những bó lúa thơm. Hơn nữa cũng có nhiều bạn trẻ xin đi tu vì lý tưởng hoạt động tông đồ và phục vụ tha nhân. Và các bạn ấy nghĩ rằng cần phải học hành thật giỏi để có khả năng phục vụ, hoạt động tông đồ. Nhưng sợ không có khả năng học hành, ngại vì mình kém ngoại ngữ mà không ít các bạn trẻ từ bỏ ý định đi tu. Hoặc có những bạn đã bước vào đời tu rồi, nhưng chưa hiểu rõ ý nghĩa của đời tu nên đã bị sa vào “cơn cám dỗ học hành” khi chỉ tập trung học những môn mình thích vì nghĩ rằng những môn học đó sẽ rất hữu ích cho công việc phục vụ sau này.

Các bạn ấy vẫn chưa hiểu rõ mục đích chính yếu của đời tu. Mục tiêu tiên quyết của đời tu là để theo sát Chúa Giêsu, sống thân mật với Chúa. Đi tu là hoán cải mỗi ngày và thực hành đức ái, hầu trở nên “trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành” (Mt 5,48). Trong Tin Mừng, các môn đệ là những người đầu tiên được mời gọi bước theo Chúa Giêsu và các ngài đã từ bỏ tất cả để đi theo, để sống và thực hành các điều Chúa dạy. Những người bước theo con đường tu trì cũng giống như hình ảnh của những người môn đệ thuở xưa. Noi gương Chúa Giêsu và thực hành những điều mà Người chỉ dạy. “Theo Chúa Kitô như Phúc Âm dạy là tiêu chuẩn tối hậu của đời tu dòng, nên tất cả các hội dòng phải coi tiêu chuẩn ấy như là quy luật tối thượng.”[4] Hơn nữa, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã khẳng định rằng: “Các lời khấn của tu sĩ có mục tiêu là thể hiện chóp đỉnh của tình yêu: một tình yêu hoàn toàn cho Đức Kitô dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, và nhờ Đức Kitô mà tiến dâng lên Chúa Cha.”[5] Hiến dâng là phó thác trọn vẹn cuộc sống mình, cả hiện tại và tương lai cho Chúa qua linh đạo của nhà Dòng mà chúng ta theo đuổi. Việc đi tu trước hết chưa phải là việc phục vụ người khác, nhưng là để lo cho chính mình, để khơi dậy ngọn lửa tình yêu đối với Thiên Chúa trong bản thân. Khi Chúa Giêsu vào nhà hai chị em Mácta và Maria, Chúa Giêsu đã nói với cô Mácta rằng: “Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.” (Lc 10,41-42). Hoạt động, làm việc, phục vụ là cần thiết và quan trọng, nhưng cầu nguyện với Chúa, nghĩa là nói với Chúa và nghe Chúa nói còn tốt hơn, cần thiết hơn, quan trọng hơn. Lý tưởng tu trì phát xuất từ tâm tình ước muốn hy sinh phục vụ cho người khác là một ý hướng tốt đẹp nhưng phần chính yếu của đời tu vẫn là tâm tình sống thân mật với Thiên Chúa. Nhận biết ta được Thiên Chúa yêu thương và nhờ chính tình yêu Người biến đối, ta mới có khả năng yêu thương và phục vụ tha nhân.

* * *

“Thầy đây, đừng sợ !” (Ga 6,20). Chúa Giêsu luôn khuyến khích chúng ta “đừng sợ” vì Ngài luôn ở cùng chúng ta trong những thời điểm gian nan, thử thách nhất. Vì vậy, đừng ngại những khó khăn, thử thách xuất hiện trên con đường bước theo Chúa. Chính trong những lúc khó khăn, thử thách trong đời tu cũng chính là cơ hội để hun đúc tình yêu đối với Ngài và viết lên một cuộc đời dâng hiến thấm đượm tình yêu. Vượt qua được những khó khăn, gian nan trong chuyến hành trình ấy, người lữ khách sẽ cảm nhận được niềm vui, niềm hạnh phúc đích thực của đời dâng hiến.

[1] Gioan Phaolô II, Tông huấn Đời sống Thánh hiến, số 73.

[2] Sách Hiến pháp và Chỉ thị Anh Em Dòng Giảng Thuyết, số 76.

[3] Phan Tấn Thành, Tìm Hiểu Dòng Đa Minh (Tp. HCM: Học Viện Đa Minh, 2016), tr. 110.

[4] Perfectae Caritatis, Số 2.

[5] Gioan Phaolô II, “Giá trị của đời sống thánh hiến đối với sự tiến triển của sự thánh thiện trong Giáo hội” trong Theo Chúa Kitô: Những văn kiện đời tu, tập II, Bt. Phan Tấn Thành (Hà Nội: Tôn Giáo, 2015), tr. 33.

Từ khóa:

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com