[ĐMX72] Tìm Được “Niềm Vui” Trong Kế Hoạch Của Thiên Chúa

20-02-2019
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 1458 lượt xem

“Các điều ấy, Thầy nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui với Thầy và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn” (Ga 15,11)

“Khi nhận ra được tiếng Chúa kêu mời, ta có thể phân định được sứ mệnh của mình, cộng tác vào kế hoạch Chúa trao phó và sống trọn vẹn với sứ mệnh ấy trong thế giới hôm nay.”

Đa Minh Máctinô Nguyễn Ngọc Huy

“Được hưởng niềm vui với Thiên Chúa là kế hoạch mà Thiên Chúa dành cho mọi người nam, người nữ trong mọi thời đại, và cho cả tất cả những người trẻ nam nữ của ngàn năm thứ ba.”[1] Bên cạnh đó, Thiên Chúa cũng đã ủy thác cho Giáo hội nhiệm vụ loan báo niềm vui ấy cho mọi người. Qua Thượng Hội đồng Giám mục về Tân Phúc Âm hóa và Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, Giáo hội đã trình bày những cách thức để loan báo Tin Mừng, thi hành nhiệm vụ được giao phó. Cũng vậy, THĐGM năm nay với chủ đề “Người trẻ – Đức tin – Sự phân định Ơn gọi” đã mở ra những cơ hội mới mẻ. Trước hết, đây chính là cơ hội để người trẻ có thể đặt vấn đề và nói lên ước vọng của mình với các vị chủ chăn. Thứ đến, lắng nghe các bạn trẻ, Giáo hội không những có được những phương thức hiệu quả để hướng dẫn người trẻ tìm được “niềm vui” trong kế hoạch Thiên Chúa dành sẵn cho họ, mà còn có thể xác định được những cách thức hiệu quả và phù hợp trong việc loan báo Tin Mừng trong thế giới hôm nay.

THĐGM năm nay đã khép lại với nhiều vấn đề quan trọng và mở ra cho mỗi người chúng ta, đặc biệt là những người trẻ một hy vọng lớn lao khác đến từ việc được lắng nghe. Trước đây, người trẻ ít có cơ hội được ngỏ lời, bày tỏ những vấn đề của mình. Trong những buổi họp trước THĐGM rất nhiều bạn trẻ cảm thấy tiếng nói của họ không được quan tâm trong lĩnh vực xã hội cũng như tôn giáo. Trong một cuộc họp khác, ý kiến được nêu lên là: “Giáo hội chưa chủ động trong việc lắng nghe những hiện trạng mà giới trẻ đang trải qua” và “ý kiến của họ thường không được xem xét một cách nghiêm túc”. Vì vậy mà “giới trẻ mong đợi Giáo hội hướng đến họ để lắng nghe và cùng đối thoại”. Đó là điều cấp thiết vì họ nhận ra rằng “ở đâu đó trên thế giới, một số đông người trẻ khác đang rời khỏi Giáo hội.”[2] Cũng trong bài giảng Thánh lễ tạ ơn và bế mạc THĐGM, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra lời xin lỗi – ngài nói: “nhiều khi chúng tôi đã không lắng nghe các bạn. Trong tư cách là Giáo hội của Chúa Giêsu, chúng tôi muốn lắng nghe các bạn với tình yêu thương.” Đức Thánh Cha bày tỏ niềm xác tín như sau: “cuộc sống của các bạn là quý giá trong mắt của Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa trẻ trung và yêu mến những người trẻ, và cuộc sống của các bạn cũng quý giá trong mắt chúng tôi.”

Những điều nói trên đây chứng tỏ được rằng Giáo hội đang tích cực hướng đến người trẻ qua việc lắng nghe và “đồng hành trong đức tin”. Chúng ta hãy để ý đến những chỉ dẫn của các vị chủ chăn đưa ra nhằm giúp người trẻ khám phá ơn gọi của họ và dấn thân làm cho thế giới “một lần nữa hướng nhìn về tình yêu, vẻ đẹp, sự thật và công lý.”[3]

Bắt đầu từ câu chuyện của anh mù Bartimê, Đức Thánh Cha Phanxicô đã rút ra những bài học trong thái độ quan tâm, thương yêu của Chúa Giêsu dành anh. Chúa đã nghe thấy lời van xin của anh, Chúa để cho anh bày tỏ và anh đã xin cho mình được thấy. Chúa Giêsu đã đặt mình trong vị trí của Bartimê và hiểu được mong muốn, khát khao chính đáng của anh.

Cũng vậy, từ việc lắng nghe và thấu hiểu, Giáo hội mong muốn giúp người trẻ nhận ra được lời mời gọi của Thiên Chúa dẫu rằng trong thời đại hôm nay, việc nhận ra lời mời gọi không phải là một chuyện dễ dàng. Trong Sứ điệp cho ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi lần thứ 55, Đức Thánh Cha nói: “Tiếng của Thiên Chúa có thể bị lấn át vì tâm trí của chúng ta chất đầy những lo lắng và bận tâm”. Hơn thế nữa, người trẻ hôm nay đang bị “chìm ngập trong một xã hội đầy tiếng ồn, một xã hội bị kích động quá mức và bị dội bom thông tin.” Đó là những rào cản, những khó khăn mà người trẻ phải đối diện khi chủ tâm lắng nghe lời mời gọi của Thiên Chúa. Chính vì vậy mà Đức Thánh Cha mời gọi người trẻ chúng ta “đi sâu vào linh hồn mình” để lắng nghe và cảm nhận vì “tiếng gọi của Thiên Chúa không rõ ràng như những gì chúng ta nghe được, nhìn thấy hoặc chạm đến trong kinh nghiệm hằng ngày.”

Cũng vậy, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã từng nói trong giáo huấn của ngài: “Chúa Giêsu có những nhiệm vụ cụ thể cho mỗi người chúng ta. Ngài gọi tên từng người một và chúng ta đón nhận những nhiệm vụ ấy. Không một ai trong chúng ta không được Thiên Chúa mời gọi”. Thiên Chúa mời gọi chúng ta bằng nhiều cách khác nhau và trong thinh lặng, cầu nguyện chúng ta lắng nghe được lời mời gọi của Thiên Chúa. Ơn gọi là gì? Thánh Giáo hoàng trả lời: “Đó là tiếng gọi của tình yêu, như một hạt giống được gieo vào tâm hồn và trổ sinh trong đó.”[4] Thiên Chúa đã cất tiếng mời gọi, Ngài gọi tên từng người chúng ta và nói “hãy theo Thầy” (Ga 21,19). Đó là giọng nói kỳ diệu của Thiên Chúa trong tâm hồn mình, và chúng ta chỉ nghe thấy giọng nói ấy một cách rõ ràng trong thinh lặng và cầu nguyện.[5]

Một cách khác để nhận ra được tiếng Chúa mời gọi đó là “học cách đọc các biến cố với con mắt đức tin”. Thiên Chúa vẫn nói với chúng ta qua những biến cố hằng ngày. Để nhận ra được ý Chúa trong mọi biến cố cuộc sống, chúng ta cần có thái độ “chăm chú lắng nghe, và chú ý đến cả những chi tiết của cuộc sống thường nhật, và giữ thái độ cởi mở đối trước những bất ngờ của Thánh Thần.”[6] Lời mời gọi của Thiên Chúa riêng biệt, độc đáo cho mỗi người. Vì vậy, Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh báo chúng ta nếu cứ khép kín tâm hồn, thờ ơ với tha nhân và lãng phí cuộc đời cho những thú vui nhỏ bé riêng tư của mình, thì chẳng bao giờ khám phá được tiếng gọi của Chúa.[7]

Một khi chúng ta nhận ra tiếng mời gọi một cách rõ ràng thì “đừng trì hoãn trong việc đáp lại tiếng Chúa mời gọi”. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã giúp chúng ta nhận thấy phương cách mà Thiên Chúa hành động trong mỗi ơn gọi qua một tiến trình trong trích đoạn sách Xuất hành (Xh 3, 1-6. 9-12). Đầu tiên, Thiên Chúa gợi lên những hiếu kỳ nơi con người về sự hiện diện của Ngài – bụi gai cháy. Khi chúng ta bắt đầu bị thu hút thì Thiên Chúa sẽ gọi tên từng người một, và lúc lời đáp trả của ta trở nên rõ ràng và dứt khoát, giống như Môsê chúng ta sẽ thưa với Chúa rằng: “này con đây”. Và Thiên Chúa sẽ mặc khải rõ ràng cho ta biết về bản thân và tình yêu của Người. Thiên Chúa tiếp tục hướng dẫn để chúng ta khám phá ra những cách thức mà chúng ta có thể phục vụ Người: “bây giờ, ngươi hãy đi!”. Cuối cùng, chúng ta lên đường và chắc chắn chúng ta không thể thoát khỏi sự hoài nghi cùng sợ hãi, vì vậy Thiên Chúa đã hứa rằng: “Ta sẽ ở với ngươi.”[8] Chúng ta có thể nhận thấy rằng, mỗi ơn gọi là một trải nghiệm cá nhân sâu sắc về ý nghĩa trong lời của Thiên Chúa nói “Ta sẽ ở với ngươi.”

Là những người trẻ, chúng ta đang đối diện với nhiều thách thức, cám dỗ trong một xã hội nhiều biến động căng thẳng, nhiều trào lưu và chủ thuyết đi ngược lại với Tin Mừng. Những điều ấy có thể làm sút giảm mức độ xác tín và khiến chúng ta trở nên thụ động trong việc lắng nghe, phân định và sống sứ mệnh mà Thiên Chúa trao cho mỗi người chúng ta cách riêng trong thế giới hôm nay. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắn nhủ người trẻ:

Trong những lúc khó khăn này, mầu nhiệm nhập thể đã nhắc chúng ta nhớ rằng Thiên Chúa đến và gặp gỡ mỗi người chúng ta và ở cùng chúng ta. Vì Người là Thiên Chúa trẻ trung, là Thiên Chúa của tuổi trẻ nên Người biết chúng ta lo lắng và khát khao tình yêu, Người đã mời gọi chúng ta đến hưởng niềm vui của Người.

Và để được hưởng niềm vui ấy, chúng ta cần nhận ra được tiếng Chúa mời gọi qua thinh lặng, cầu nguyện và các biến cố hằng ngày. Khi nhận ra được tiếng Chúa kêu mời, ta có thể phân định được sứ mệnh của mình, cộng tác vào kế hoạch Chúa trao phó và sống trọn vẹn với sứ mệnh ấy trong thế giới hôm nay.

Xin Chúa cho mỗi người chúng con nhận ra và biết mau mắn đáp trả lời mời gọi của Ngài, xin cùng đồng hành với chúng con trên hành trình, trong kế hoạch mà Ngài đã tiền định. Con sẽ hòa nhịp cùng những người trẻ khác, cất lên khúc ca chan chứa ân tình. Một khúc ca ngắn ngủi sẽ làm con yên tâm, thêm xác tín và yêu mến. Khúc ca là lời Chúa hứa với Môsê, là lời Chúa nói với các thánh Tông đồ và với mỗi người chúng con: Này đây, ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.


[1] Tài liệu làm việc của Thượng Hội đồng Giám mục (THĐGM) thứ 15,
Dẫn Nhập.

[2] Tài Liệu làm việc, Phần I, Chương V.

[3] Thư gửi người trẻ của các nghị phụ tham dự THĐGM 15.

[4] Kinh Truyền tin 14/12/1980.

[5] Huấn từ thứ Tư hằng tuần, 10/02/1986.

[6] Đức Phanxicô, Sứ điệp ngày cầu nguyện cho ơn gọi lần thứ 55.

[7] X. Sđd..

[8] Huấn từ, 13/01/1995.

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com