Hoàng Khanh Nguyễn Văn Thọ
Trong cuộc lữ hành trần gian, người Ki-tô hữu được mời gọi để trở nên trọn lành, nghĩa là trở nên giống Thiên Chúa – trở nên “đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô” (Rm 8,29). Hơn ai hết, thánh Gioan Thánh Giá đã hiểu thấu lời mời gọi đó và đã chọn thập giá Đức Ki-tô làm gia nghiệp của đời mình.
Thật vậy, nguồn gốc của sự trọn lành là Thiên Chúa và duy chỉ có Thiên Chúa mới là Đấng trọn lành, trọn hảo, hoàn thiện. Nhưng nhờ ơn thánh sủng, chúng ta được thông dự vào bản tính Thiên Chúa. Chúng ta trở nên trọn lành qua việc đón nhận ơn thánh hóa của Chúa và để cho ơn sủng phát sinh những hoa trái thánh thiện.1 Xuất thân từ một gia đình nghèo khổ và sống trong một xã hội đang bị thế tục hóa, thánh Gioan đã nhận biết và đi tìm hạnh phúc không ở nơi trần gian, nhưng ở nơi Thiên Chúa. Vì thế, Thánh nhân đã luôn khắc khoải để có được hạnh phúc viên mãn chính là Thiên Chúa. Thánh nhân đã sống cả cuộc đời xứng với tên gọi Gioan Thánh Giá.
Ở tuổi niên thiếu, dù phải lam lũ để kiếm sống nhưng Gioan vẫn tỏ ra là một người đạo đức, có lòng yêu thương người nghèo và tinh thần say mê học tập. Khi phục vụ ở bệnh viện, Gioan đã chăm sóc các bệnh nhân với một tấm lòng yêu thương và quảng đại. Cậu đã làm đủ mọi thứ việc để có thể giúp đỡ các bệnh nhân, kể cả những công việc tưởng chừng như một đứa bé không thể kham nổi. Cậu tắm rửa cho các bệnh nhân, giúp họ ăn, thay băng cho họ, an ủi họ trong giờ chết, và cả việc đi xin đồ bố thí cho các nhu cầu của bệnh nhân. Tuy bộn bề, vất vả như thế nhưng Gioan cũng là một trong những học sinh giỏi nhất ở trường. Bởi cậu rất tích cực trong việc học hành, học một cách chuyên cần và say mê. Trong mọi việc, Gioan có thói quen tự hỏi bản thân: “Vào trường hợp tôi, Chúa Giêsu sẽ làm gì?” Cho thấy cậu luôn muốn bắt chước và trở nên giống Đức Ki-tô trong mọi khía cạnh của cuộc đời. Vì đối với cậu, mọi hành động, cử chỉ và mọi lời nói trong cuộc đời Đức Ki-tô đều có năng lực thông truyền ánh sáng và tình yêu của Ngài để biển đối ta.
Trong tương quan với Đức Kitô, thánh Gioan gọi Ngài là người bạn tình tuyệt hảo. Đức Ki-tô, Đấng Mặc Khải và là Đấng Tình Quân, là Đấng mà Thánh nhân dành hết linh hồn, hết trí khôn, và hết sức lực của mình để yêu mến. Qua đó, Thánh nhân diễn tả một mối thâm tình, cá biệt mạnh mẽ giữa linh hồn với Thiên Chúa, một mối hiệp nhất sâu xa nơi cốt lõi hiện hữu của chính mình.
Trong màn đêm dày đặc,
Người yêu tôi rình rập,
Người chụp lấy thân tôi,
Người nghiền nát thân tôi thành tro bụi,
nhưng tôi lại hạnh phúc xiết bao.2
Sự thân mật này được diễn ra trong mọi giây phút cuộc đời Thánh nhân, đặc biệt trong những giờ phút cầu nguyện riêng tư. Vì thế, khi gia nhập và sống trong Dòng Cát Minh, Ngài đã hăng say cầu nguyện, sống đời nhiệm ngặt, quyết tâm xa lánh thế gian như tinh thần thuở ban đầu của Đấng sáng lập. Tuy nhiên, ngài đã bị anh em trong tu viện ghen ghét, chống đối và coi là lập dị. Dẫu vậy, ngài vẫn can đảm sống theo tiếng gọi của trái tim.
Đối với thánh Gioan Thánh Giá, tình yêu luôn cần thử thách và phải được thanh luyện. Mọi người trên đường tìm kiếm Thiên Chúa đều phải trải qua đêm dày của u tối. Chính trong đêm u tối này, Thiên Chúa sẽ đưa chúng ta vào “trường học” của Ngài để không ngừng thanh luyện chúng ta. Đau khổ, thử thách là phương tiện giúp linh hồn tiến sâu hơn vào trong sự khôn ngoan đầy hoan lạc của Thiên Chúa. Thánh Gioan Thánh Giá đã cảm nhận được sự trần trụi của Đức Kitô trên thập giá. Vì thế, ngài đã luôn say mê cuộc sống khắc khổ, mến chuộng sự đau khổ. Ngài luôn hiến mình để phục vụ người nghèo và người bệnh. Trong cuộc cải tổ Dòng Cát Minh trở về nguồn cùng với Mẹ Tê rê xa Avila, thánh Gioan đã bị anh em coi như kẻ quá khích, phản loạn. Bởi anh em trong Dòng không muốn chấp nhận thay đổi nếp sống cũ. Họ ngại hy sinh và đau khổ nên tìm mọi cách để ngăn cản công việc của các ngài. Vì thế, thánh Gioan đã bị các anh em trong Dòng bắt giam tại Toledo từ tháng 12 năm 1577 đến tháng 8 năm 1578. Ngài bị nhốt trong một xà lim nhỏ hẹp, và bị tra tấn ba lần một tuần bởi chính các tu sĩ trong Dòng. Trong cái tăm tối, lạnh lẽo, và cô quạnh của xà lim, tình yêu và đức tin của Ngài bừng lên như ngọn lửa. Mặc dù thân xác bị giam cầm, nhưng tâm hồn Ngài thì tràn ngập Thiên Chúa. Ngài đã mất hết tất cả ngoại trừ Thiên Chúa – và Thiên Chúa đã đem cho ngài niềm vui vĩ đại trong cái xà lim nhỏ bé đó.
Ôi ngọn lửa bừng cháy,
bừng lên như ánh thiều quang,
xin hãy tinh luyện lòng tôi
khỏi bóng tối ngập tràn,
để ở đó:
yếu đuối sẽ biến thành sức mạnh,
tối tăm và lạnh lẽo,
sẽ biến thành sức ấm và ánh sáng.
Êm ái xiết bao nhưng cũng mãnh liệt xiết bao
Người đã đánh thức con tim tôi,
im lặng sẽ sàng.
Người ở đó một mình,
Người thở hơi ngọt ngào,
tràn trề bình an và thiện hảo.
Người đã rung tim con:
bằng tình yêu cao xa vời vợi.3
Quả vậy, cuộc gặp gỡ giữa thánh Gioan Thánh Giá và Mẹ Têrêxa Avila đánh dấu một mốc quan trọng trong cuộc đời của thánh nhân. Tình bạn thánh thiện giữa thánh Gioan và Mẹ Têrêxa đã tạo nên một sự kết hợp hoàn hảo dẫu có bao điều khác biệt giữa hai người. Khác biệt về giới tính, tính cách, tuổi tác, trình độ học vấn, địa vị gia đình …, nhưng giữa họ có một điểm chung là say mê Thiên Chúa. Chỉ với điểm chung duy nhất này, họ đã mang lại cho nhau sự bổ trợ cần thiết để hoàn thiện tâm hồn với Đấng mà họ say mê, yêu mến. Họ cùng chia sẻ và hỗ trợ nhau trong công việc cải tổ. Nhờ cuộc gặp gỡ này, thánh Gioan trở thành một ngọn lửa tình yêu soi chiếu trong đêm tối để hướng dẫn cho dòng Cát Minh. Một cách khôn ngoan và kiên quyết, thánh Gioan đã hướng dẫn cho anh em hướng đến sự trọn lành, trọn hảo của Thiên Chúa. Với sự đồng cảm sâu sắc, Thánh nhân đã an ủi, chia sẻ với tất cả những ai đau khổ. Hướng dẫn họ chấp nhận đau khổ với niềm vui, sự trông cậy vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa. Một cách độc đáo và mạnh mẽ, thánh Gioan nhấn mạnh đến sự mâu thuẫn của Phúc Âm: Thập giá dẫn đến sự cứu chuộc; đau khổ dẫn đến sự ngất ngây; tăm tối dẫn đến sự sáng. Khi từ bỏ là lúc làm sở hữu, hy sinh bản thân để kết hợp với Thiên Chúa. Nếu bạn muốn giữ mạng sống mình thì bạn sẽ mất. Thánh Gioan quả thật là “người của Thánh Giá.”
Thánh nhân thuộc trong số ít những người “ở trong thế gian, nhưng họ không thuộc về thế gian” (x. Ga 17, 11-14). Thánh nhân đã để lại cho thế giới hôm nay một tấm gương sáng về đời sống khắc khổ, khó khèo và sự khao khát mãnh liệt tình yêu Chúa. Ước mong đời sống của Thánh nhân như là ngọn đuốc sẽ bừng lên thiêu rụi những cám dỗ “ngọt ngào” của thời đại hôm nay. “Hãy đi nhanh lên! Đừng dậm chân tại chỗ trong một thứ đạo đức hời hợt hay trong một cố gắng tập nhân đức suông. Phải chấp nhận đêm tối, vượt qua khổ đau mà đạt tới đích.”4 Đó là sự cảm nghiệm chắc chắn Tình Yêu Thiên Chúa ngay từ bây giờ mà thánh Gioan Thánh giá đang mời gọi mỗi người, đặc biệt là thế hệ trẻ và những người sống ơn gọi tu trì, hãy sẵn sàng gọt bỏ con người cũ của mình để lên đường, đáp lại lời mời gọi của Đức Giê-su: “Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình vác thánh giá mà theo Ta” (Mt 16,24) một cách mạnh mẽ và xác tín:
Đêm đen giăng kín bầu trời,
Nhưng lòng tôi vẫn sáng ngời không thôi.
Lửa nào bừng cháy trong tôi,
Để hồn tôi được suốt đời tạ ơn.
Hiểm nguy tứ phía nào sầu,
Bởi tôi đã có Thiên đường trong tôi.5