[ĐMX 71] Metanoia

28-08-2018
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 2453 lượt xem

Đa Minh Martin Nguyễn Ngọc Huy

Lạy Chúa, con kêu tên Ngài trong nước mắt, trên con đường ngập tràn bóng tối chẳng còn ai qua lại chỉ mình con. Lạy Chúa! Ngài là ai? Lạy Chúa! Con là ai? Chỉ khi con nhận ra Chúa, và nhờ ơn Chúa con nhận ra con.

I

Theo tiếng gà gáy, ta được dịp trở về dinh thượng tế và gặp lại Phêrô – người chài lưới. Đó là một đêm Jerusalem không một ai chợp mắt để theo dõi vụ án về Giêsu – một người tự xưng là vua dân Do Thái. Tại vườn Gethsemani, Chúa Giêsu bị trao nộp bởi người môn đệ trong nhóm Mười Hai tên là Giuđa. Một cảnh tượng hỗn loạn đã xảy ra sau cái hôn như một dấu chỉ. Đã có gươm dao, bắt bớ và đổ máu. Các môn đệ theo chân Thầy mình bấy giờ chạy hết vì có lời kinh thánh: ta sẽ đánh người chăn chiên, và đàn chiên sẽ tan tác. Riêng chỉ có Phêrô vẫn can đảm theo Chúa đến cùng dẫu phải vượt qua những nỗi sợ hãi, hoảng loạn và khiếp đảm. Ông đã lẻn vào dinh thượng tế không phải vì cái lạnh và nhu cầu sưởi ấm, nhưng hành động liều lĩnh ấy của vị Tông đồ Cả cho chúng ta thấy trong ông vẫn chất chứa một tình yêu vô cùng lớn lao nhưng kín đáo dành cho Thầy của mình. Rạng sáng hôm đó, Phêrô sống cùng với sợ hãi và thổn thức.

Trái tim của Phêrô cũng chỉ là một trái tim nhỏ bé chất chứa đầy yếu đuối như chúng ta. Khối óc của Phêrô lúc ấy còn mang nặng lấy não trạng của dân Do Thái. Đa số người Do Thái lúc bấy giờ tưởng tượng ra một đấng cứu thế mới xuất hiện dưới hình ảnh của một nhà lãnh đạo trên mọi phương diện chính trị, quân sự và tôn giáo, phải thuộc tầm cỡ Đavít. Vị cứu tinh ấy mang cương vị của người giải phóng dân tộc, sẽ chấm dứt những nỗi khổ của người Do Thái sống dưới ách của đế quốc Rôma. Đó là lý do khiến Giuđa “bán Chúa” vì tưởng rằng trong bước đường cùng, Thầy của mình sẽ dấy lên một cuộc khởi nghĩa và những vinh hoa phú quý đang chờ đợi ông sau chiến thắng vẻ vang về phương diện chính trị ấy. Đó là lý do khiến Phêrô mang theo gươm bên mình để sẵn sàng lập công với Thầy, và chém đứt tai tên đầy tớ Mankhô.

Não trạng ấy đã hun đúc trong Phêrô một tinh thần hăng hái: “Lạy Chúa, dầu có phải vào tù hay chết với Chúa đi nữa, con cũng sẵn sàng” (Lc 22,33). Hay khi nghe Đức Giêsu nói đến cuộc khổ nạn và các môn đệ thân tín sẽ bỏ Người, Phêrô đã tuyên bố: “Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấy ngã”. Phêrô đã không hề dối trá và giả tạo khi nói những điều ấy. Tất cả những gì trong thâm tâm của ông lúc ấy chỉ gói gọn trong hai chữ: Sẵn sàng. Biết thế, Đức Giêsu đã cảnh tỉnh ông bằng những lời nhẹ nhàng, thấu cảm và không một chút trách móc: “Thầy bảo thật anh, nội đêm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần” (Mt 26,34). Như muốn chứng minh niềm tin và sự trung thành của mình, ông đã thề mà rằng: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy” (Mt 26,35). Thế nhưng khi chứng kiến cái chết gần đến với Thầy của mình, Phêrô vỡ mộng. Lời thề hứa càng mạnh mẽ bao nhiêu thì sự “chối Thầy” càng đau đớn bấy nhiêu. Sau tiếng gà gáy lần thứ hai, Phêrô đã chối Chúa đến ba lần. Ông òa lên khóc nức nở.

Đêm biến dạng khi nghe gà gáy,
Vừng kim ô trỗi dậy huy hoàng,

Thuở xưa gà gáy trong dinh,
Phê-rô chối Chúa giật mình ăn năn[1]

Phêrô đã khóc, ắt hẳn rằng ông thấy hối hận về việc vừa diễn ra. Không những khóc, ông còn khóc nức nở như một người đàn bà, khi đâu đó vọng lại tiếng của Thầy. Từng lời Chúa Giêsu đã nói, một cách rõ ràng vang lên, lẫn trong những tạp âm xuất phát từ đám đông trong dinh thượng tế và tiếng gà vừa mới cất lên gọi bình minh.

– “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mc 1,17).

– “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” (Mc 6,50).

– “Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,17).

– “Xatan, lui lại đằng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16,23).

Khi còn ở cùng các môn đệ của Người, Đức Giêsu đã hơn một lần muốn khai trí và nhắc nhở cho các môn đệ biết Người là ai và sứ mạng của Người ở trần gian là gì, bằng cách hỏi các môn đệ thân tín của mình một câu hỏi dư luận: “Người ta bảo thầy là ai?” (Mt 16,13)

“Người ta bảo Thầy là ai?” Câu hỏi được đặt ra giữa các môn đệ lúc bấy giờ trước nhất để xem các ông có bị đánh động bởi những quan niệm của dư luận hay không? Sau là câu trả lời của các ông cho bản chất của vấn đề: “Thầy là ai?” Các môn đệ lần lượt thuật lại những lời “người ta nói” về Đức Giêsu: người ta bảo rằng Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ khác thì nói là ông Êlia, còn kẻ khác nữa thì cho rằng Thầy là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ. Nhưng đối với ông Phêrô, nhờ được mặc khải, thánh nhân đã mạnh mẽ tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Có lẽ lời tuyên tín ấy chưa đủ để làm nên một Phêrô độc đáo trong đức tin và đức mến, Ngài còn phải gian nan nhiều trên con đường “trưởng thành”. Quá trình tiệm tiến trong việc nhận thức “Thầy là ai?” của vị tông đồ cả xem ra tương đối khó khăn và qua nhiều giai đoạn.

Có một sự chuyển biến khá nhẹ nhàng trong nhận thức của Thánh Phêrô qua việc gặp gỡ lần thứ ba sau khi Chúa Giêsu Phục sinh và hiện ra tại biển hồ Tibêria.

Chúa Giêsu hỏi Phêrô lần thứ nhất: “Simon, con có yêu mến Thầy không?” (agapâs-me) tức yêu Thầy bằng một tình yêu hoàn toàn và vô điều kiện. Trước kinh nghiệm đau đớn chối Thầy, vị Tông đồ trả lời trong sự đau khổ của bất trung và sự thấu hiểu những yếu đuối của mình, cùng tất cả tấm lòng, Thánh nhân đã khiêm tốn: “Lạy Thầy, con yêu mến Thầy” (filô-se), có nghĩa là: con yêu mến Thầy bằng tình yêu “nghèo nàn” của con người mỏng giòn con. Lần thứ hai Chúa Giêsu nhấn mạnh: “Simon, con yêu mến Thầy với một tình yêu hoàn toàn mà Thầy mong đợi không?” Phêrô tiếp tục đau khổ và lặp lại câu trả lời của mình với tình yêu khiêm tốn của ông: “Kyrie, filô-se – Lạy Chúa, con rất yêu mến Thầy như Thầy biết con yêu mến Thầy.” Lần thứ ba, Chúa hỏi ông: “Fileîs-me ? – Yêu mến Thầy lắm phải không?” Phêrô đáp: “filô-se”. Chính vì điểm này làm nảy sinh lòng tin tưởng giúp cho Phêrô có khả năng bước theo Thầy tới cùng. “Chúa Giêsu nói vậy để ám chỉ ông phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi Người nói: Hãy theo Thầy!” (Ga 21, 19)

Qua cuộc đối thoại trong lần hội ngộ vào buổi sáng mùa xuân ấy, ta thấy não trạng của Phêrô về một đấng Mêsia xé trời mà đến để vực lại vương quốc đang bị chiếm đóng đã không còn. Nhưng điều còn lại và có lẽ là chả bao giờ cạn kiệt và bị lấy đi trong Phêrô là tình yêu Thánh nhân dành cho Thầy của mình. Nhưng phải đợi mãi cho đến khi Chúa Thánh Thần hiện xuống, khi “mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2,1-3). Chỉ sau khi nhận lãnh Thánh Thần, Thánh nhân đã bước theo Thầy một cách kiên quyết và vững vàng. Từ những bốc đồng ban đầu, trải qua những kinh nghiệm đau thương khi chối Thầy với giọt nước mắt ăn năn. Nay ông Phêrô đã nhận ra khuôn mặt của Thầy, sứ mệnh của Thầy, như việc ông được rọi sáng bằng một thứ ánh sáng chân lý mạnh mẽ, rồi một lần nữa ông lại “sẵn sàng” cho sừ mệnh mới nhiều gian gian, thử thách và cam go hơn, đó chính là mang ánh sáng chân lý mà ông lãnh nhận nơi Thầy của mình đến với mọi loài thụ tạo. Mọi lầm tưởng của Thánh nhân về Chúa Giêsu đã bị phá hủy hoàn toàn khi ông nhận lãnh Thánh Thần.

Vị Tông đồ Cả ấy đã luôn mở lòng ra đón nhận mọi hoạt động của Thánh Thần, bằng một sự hiểu biết tròn đầy về những điều mình đã tuyên tín, vị tông đồ đã nhận ra ngài là ai và tự giới thiệu: “Tôi là chứng nhân của những đau khổ của Chúa Kitô và được dự phần vinh quang sắp tỏ hiện trong tương lai.” (1Pr 5, 1) Khi nói những điều ấy, thánh nhân đã sắp hoàn tất cuộc đời qua việc tử đạo của mình, minh chứng cho những điều Ngài đã tuyên xưng.

Mỗi người trong chúng ta cũng được mời gọi để suy tư về câu hỏi “Thầy là ai?” của Đức Giêsu Kitô. Tuy rằng có thể mỗi người tin Chúa sẽ có những “tuyên tín” khác nhau chẳng hạn như: Thầy là Đấng con yêu mến. Thầy là Ngôi Hai cứu chuộc nhân loại. Thầy là niềm ủi an và hoan hỉ cho tâm hồn khô héo của con… thế nhưng sau mỗi lần xác tín ấy ta lại có cơ hội để nhận ra chính mình. Trước sự cao cả, toàn năng của Đấng Chí Thánh, ta nhận ra được những yếu đuối và giới hạn của bản thân. Song le bằng sức con người, chúng ta gặp nhiều khó khăn để nhận ra điều đó, trừ phi có ơn soi sáng. “Nhờ đức tin, cả những người bình thường nhất cũng được soi sáng. Bởi vì họ thấy điều mà những người khác, dù trí thức hơn không nhận ra. Theo nghĩa này, đức tin là một sự soi sáng. Theo người Hy Lạp, Phép Rửa được gọi là phtismos, nghĩa là sự soi sáng, là đạt tới ánh sáng, tới thị kiến.”[2] Và nếu như vị Tông đồ cả sau khi đã nhận biết được Thiên Chúa và giới thiệu mình là “chứng nhân của những đau khổ” thì bạn sẽ là ai trong cùng một niềm tin vào Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta? (Hãy nói với chính bạn về điều đó.)

II

Nếu thánh Phêrô phải trải qua từng giai đoạn để nhận ra ý nghĩa của khoảng thời gian ba năm ở bên Thầy, hiểu được Thầy mình và tiếp tục sứ vụ của Thầy trao phó là: “đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15), và “làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa con và Chúa Thánh Thần” (Mt 16, 17) thì thánh Phaolô trải qua một biến cố tác động mạnh mẽ đến ông; hay nói cách khác biến cố ấy là một cú giáng thức tỉnh, là một điểm bắt đầu mới cho cuộc sống chứng tá của ông sau này.

Trước biến cố Đamát, Thánh Phaolô là một người Biệt phái chính cống, là học trò của một vị thầy trứ danh Gamalien, nhiệt thành với truyền thống cha ông. Ông cũng là một thanh niên có niềm tin cuồng nhiệt vào Luật Do Thái, là một người hăng hái bách hại Kitô hữu, cụ thể ông đã cộng tác vào việc ném đá Stêphanô và tự ý đến xin các thượng tế cấp giấy phép cho mình được quyền bắt bớ ai tin vào Chúa Kitô. Nhưng rồi biến cố “soi sáng” trên hành trình Đamát đã biến Thánh nhân trở thành chứng nhân cho Đức Kitô, thành Vị Tông Đồ dân ngoại hết sức nhiệt thành. Ngài đã được “tình yêu Chúa Kitô thúc bách”, hăng say và can đảm trong việc tuyên xưng niềm tin của mình vào Đấng mà Ngài đã từng bách hại. Biến cố được ơn “soi sáng” đã biến đổi cuộc đời Ngài từ mù quáng hận thù để đi đến tình yêu và ánh sáng trong Thiên Chúa.

Chúng ta mừng lễ Phaolô tông đồ “trở lại” vào ngày 25 tháng Giêng hằng năm. Diễn ngữ “trở lại” xem ra cần được hiểu đúng hơn là “vượt lên”, có thể là vượt lên trên hoặc vượt ra ngoài nhờ ơn “soi sáng”. Đó là một bước ngoặt đánh dấu sự “vượt lên để đạt đến một trạng thái hoàn thiện – un état de perfection”[3]. Cú “ngã ngựa” ấy bao hàm cả hai ý nghĩa. Một là ông đã bị ngã từ trên lưng ngựa, một cú ngã đau về thể lý. Lý giải cho “cái đau” ấy có thể là chiều cao rất khiêm tốn của ông, bởi lẽ so với vị Tông đồ cả, nếu Phaolô đứng thẳng cũng chỉ đứng ngang tới ngực thánh Phêrô.[4] Cũng vì ngựa cao mà cú ngã lại đến bất ngờ, do choáng váng bởi luồng ánh sáng mạnh nên việc rơi tự do từ trên lưng ngựa không thể không gây đau đớn. Ý nghĩa thứ hai được đặc biệt quan tâm là thánh Phaolô đã bị khuất phục hoàn toàn bởi Đấng ngài đang bắt bớ. Đau đớn hơn, so với sự sùng đạo và nhiệt huyết theo môn phái Gamalien ở Giêrusalem nhưng cái ông nhận được sau sự nhiệt tâm bắt bớ ấy là gì? Phải chăng là sự quan tâm của những thượng tế đã cấp quyền bắt bớ ai tin vào Chúa Kitô? Phải chăng là sự an ủi của người thầy trứ danh của mình? Điều thánh Phaolô nhận được ở đây là một “tình trạng bất an khốn khổ – un état d’inquiestude malheureuse” (Hadot). Trong sách công vụ có thuật lại tình trạng khốn khổ ấy của thánh Phaolô: “Người ta phải cầm tay dắt ông vào Đamát. Suốt ba ngày, ông không nhìn thấy, cũng chẳng ăn, chẳng uống” (Cv 9,9). Tại nhà của Giuđa trên con phố Thẳng yên tĩnh, Thiên Chúa muốn để thánh Phaolô trong bóng tối và thinh lặng của lòng mình để ông cảm nhận được một chiều sâu mới trong mối tương quan mật thiết giữa ông với Thiên Chúa. Hành động của Thiên Chúa thật nhẹ nhàng, và tình yêu của Ngài đã cảm hóa được trái tim nhiệt tâm bắt bớ của Phaolô. Ta thấy điều ấy rõ ràng hơn qua cách Thiên Chúa gửi một người môn đệ tên là Khanania đến với Phaolô. Sao chỉ là một người môn đệ mà không phải một nhóm các môn đệ; hơn thế nữa, Khanania chỉ vỏn vẹn là một cái tên mà tác giả sách Công vụ không hề đưa thêm bất cứ một chú thích gì về địa vị, hay chức danh cụ thể điều ấy, mang lại cho ta một cảm giác ông chỉ là người môn đệ bé nhỏ trong số các môn đệ của Chúa Giêsu. Điều đó hóa ra lại hay! Không ồn ào và náo nhiệt… lại là cách ta nhận ra Thiên Chúa và Thánh ý của Ngài. Nhưng có lẽ ta phải đợi đến khi Khanania cho ông được thấy, đặc biệt hơn là để ông được tràn đầy Thánh Thần, thì đó mới là ngày Thiên Chúa giới thiệu cho chúng ta một Phaolô mới đầy nhiệt huyết, khôn ngoan và quả cảm, là “lợi khí” để mang Danh Người đến trước mặt dân ngoại, các vua chúa và con cái Ít-ra-en.

Ta còn nhớ trong ngày lễ ngũ tuần, hết thảy mọi người đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần và bắt đầu tuyên xưng về Chúa Giêsu, về mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh của Người. Thánh Phaolô cũng đã nhận lấy chính Thánh Thần ấy và bắt đầu sứ vụ mới của mình. Ngay cả khi loan báo về Đức Giê su đã chịu tử nạn và phục sinh trong thư gửi tín hữu Côrintô thánh nhân cũng đã viết: “Anh em thân mến, không ai có thể nói ‘Đức Giêsu là Chúa’ mà lại không do Thánh Thần.” (1Cr 12,3b) Nhờ có Thánh Thần, Phaolô mới nhận ra khuôn mặt của người mà ông đã từng bắt bớ và nhận ra chính bản thân mình khi thánh nhân nói: “Tôi chỉ là kẻ đớn hèn của Chúa, kẻ bé mọn trong các tông đồ.”

Chẳng ai ngờ một điều, Phêrô và Phaolô là những người đã có những khuyết tật trong cuộc đời mà Chúa Giêsu đã làm trở nên hai cột trụ giữ vững Giáo hội. Chính vì thế mà Chân phước Charles de Foucauld đã xưng tụng Chúa Giêsu là “ông Chủ của những việc bất khả thi.” Qua hai vị thánh lớn – Phêrô và Phaolô, ta có một cảm nghiệm rằng, chính khi ta trở về sống trong tương quan với Thiên Chúa, ta mới thật sự là chính mình. Trong mối tương quan sâu đậm với Thiên Chúa và một trạng thái thực sự là chính mình, bằng sự nhiệt tâm và sẵn sàng đối mặt với mọi gian khổ, các Ngài đã luôn hành động để đem Tin Mừng đến tận cùng trái đất. Chính vì thế, hình ảnh của thánh nhân luôn tồn tại một cách đẹp đẽ trong lòng chúng ta và đã trở nên những tượng đài bất tử, thiêng liêng và diệu kỳ về việc nhận ra Thiên Chúa, hoán cải bản thân và trung thành với sứ vụ cho đến hơi thở cuối cùng.

Trong mối tương quan thân tình với Thiên Chúa, ta tìm ra câu hỏi lớn của cuộc đời mình: Ta là ai? Hoặc mục đích sống của ta là gì? Quá trình nhận ra điều đó còn đòi hỏi nỗ lực tìm kiếm và khát vọng trong ta. Vì bởi lẽ, “ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ thì sẽ mở cho.” (Lc 11,9)

III

Một vài lần chỉ là tình cờ, ta thơ thẩn khi thấy có một thứ gì đó óng ánh tận cùng bên trong những bông hoa hướng dương, hay bên trong sinh hồn của một bông hoa mận trắng muốt đang phơi mình trên cao, một con bướm chập chờn hay một con cá vàng đang bơi, đột nhiên thả những bọt khí trắng muốt…những điều ấy có thể làm xao xuyến một tâm hồn, đem lại những dự cảm về vài bí mật khó dò bên trong, khơi lên những khát khao khám phá và tận hưởng, bởi đó là vẻ đẹp, là tình yêu và sự khôn ngoan được thể hiện qua vạn vật trong thiên nhiên. Có lẽ nửa cuộc đời của chàng trai trẻ Augustinô cũng mang lấy cái xao xuyến tìm kiếm, khám phá và tận hưởng những cái đẹp ấy. Nói cách khác, ngài có một tuổi trẻ với sự trải nghiệm về những xáo trộn nội tâm. Quả vậy, trước khi trưởng thành, ngài đã trải qua một giai đoạn nổi loạn. Qua “tự thuật” của ngài, một tự thuật phóng khoáng, không câu lệ của một con người khao khát tìm kiếm chân lý trong cuộc đời, ta bắt gặp một Augustinô đam mê với một tuổi trẻ ngông cuồng và có lòng say yêu khôn ngoan.

Nửa đầu cuộc đời của thánh Augustinô gắn liền với những câu hỏi lớn chẳng hạn như: làm sao có được sự khôn ngoan đích thực và bình an nội tâm? Hoặc tại sao cái ác luôn luôn tồn tại trên thế giới này? Nỗi khao khát chân chính đi tìm cho mình một chân lý đã trở nên hành trang để thánh nhân lên đường. Có những khi ngài tưởng rằng đôi chân kiên vững của mình đã đi đúng con đường tìm đến đích điểm là sự khôn ngoan và chân lý, nhưng có khi những bước chân trở nên siêu vẹo bên dưới một trái tim ngả nghiêng về nhiều chân lý mơ hồ của lạc giáo.

Khi ở Carthage, lần đầu tiên Augustinô đọc quyển “Hortensius” của Cicero ngài cảm thấy có điều gì đó xao xuyến, làm bừng cháy mạnh mẽ lòng say yêu khôn ngoan của ngài. Thế nhưng, vì tác phẩm nói về chân lý mà không đề cập đến Đức Giêsu, ngay sau khi đọc xong nó, thánh nhân đã tìm đến Kinh Thánh. Thật đáng tiếc, Kinh Thánh lúc bấy giờ đã khiến cho thánh nhân vô cùng thất vọng, không những bởi văn phong Latin trong bản dịch mà nội dung của nó không thỏa mãn tâm trí của thánh nhân. Ngài tìm đến bè rối Manikê với quan điểm luân lý mang tính nhị nguyên, bản thân thánh Augustinô đã đinh ninh rằng mình đã tìm được một bản tổng hợp đặc sắc giữa lý trí, chân lý và lòng yêu mến Đức Kitô Giêsu. Thế nhưng, một thời gian trôi đi, quan điểm nhận thức của nhóm Makikê đã không thể xóa tan những ngờ vực trong lòng thánh nhân.

Khi ở Milan, vì là một nhà hùng biện, thánh nhân cũng thường đi nghe những bài thuyết giảng hùng hồn của thánh Ambrôsiô với mục đích ban đầu là làm giàu kỹ năng hùng biện vốn có của mình. Thế nhưng, chính nội dung trong bài thuyết giảng của thánh Ambrôsiô đã đụng đến đáy lòng của Augustinô. Đến thời điểm này, người ta cho rằng điểm “ngã ngựa” của thánh Augustinô là khi bài thuyết giảng của thánh Ambrôsiô đụng chạm vào tim ngài, nhưng chính xác phải là khoảnh khắc sau khi Augustinô đọc xong tác phẩm của các triết gia: Plato, Aristotle, Plotinus và toàn bộ Kinh Thánh theo lối ẩn dụ và triết học Tân – Platon mà giám mục Ambrôsiô đã vận dụng. Hôm đó là ngày 15 tháng 8 năm 386, thánh Augustinô “trở lại” Kitô giáo, kết thúc một hành trình nội tâm khá dài và gian nan.

– “Lạy Chúa, Ngài ở sâu trong con hơn cả chỗ sâu nhất của tâm hồn con, và Ngài cao cả hơn hết thảy những gì cao cả trong tâm hồn con”.[5]

– “Lạy Chúa, Ngài đã có sẵn ở đó trước con, nhưng con lại chạy trốn chính mình. Con đã không thể tìm thấy chính mình, thế nên con cũng không tìm thấy Chúa”.[6]

Cũng giống như thánh Phêrô đã tìm được chính mình “là chứng nhân của những đau khổ của Chúa Kitô và được dự phần vinh quang sắp tỏ hiện trong tương lai” (1Pr 5,1). Thánh Phaolô trong Đức Kitô Giêsu nhận ra chính mình là “kẻ đớn hèn của Chúa, kẻ bé mọn trong các tông đồ.” Thì bằng những tri thức và đời sống tâm linh đầy vất vả thánh Augustinô ý thức rằng một con người xa cách Thiên Chúa thì cũng xa cách và chạy trốn bản thân mình, và chỉ có thể tìm thấy chính mình một khi đã gặp gỡ Thiên Chúa. Ngài than thở với Thiên Chúa và tự trách cứ mình: “Lạy Chúa, con yêu Chúa quá muộn màng…con biết Ngài ở sâu thẳm trong con, còn bản thân con lại ở thế giới bên ngoài và kiếm Ngài nơi thế giới ấy…Ngài đã ở với con, nhưng con lại không ở với Ngài. Những thứ đẹp đẽ kia đã khiến con xa cách Ngài.” Và ngài tiếp: “Ôi Lạy Chúa của con, Ngài đã gọi con, đã cất giọng thật lớn để phá tan sự điếc lác của con.”[7]

Là một “hối nhân vĩ đại nhất trong lịch sử giáo hội Công Giáo” (ĐGH Bênêđictô XVI) và cũng theo ĐGH Bênêđictô cuộc hoán cải của thánh Augustinô không diễn ra đột xuất, cao trào và dữ dội, nhưng là một quá trình liên tục làm sâu đậm mối tương quan giữa thánh nhân và Thiên Chúa với ba bước phân biệt rõ ràng.

Bước đầu tiên ngài đã bị đánh động khi đọc thư của thánh Phaolô với niềm tin của Giáo hội Công giáo. Trong cuốn Tự Thuật, ngài nhớ lại lúc đang chăm chiêu suy niệm thì đột nghiên nghe giọng của một đứa trẻ cất lên với giai điệu lạ lùng: “tolle, lege, tolle, lege – hãy cầm lấy và đọc, hãy cầm lấy và đọc.”[8] Đoạn văn đó của thánh Phaolô khích lệ hãy từ bỏ những việc làm của xác thịt và mặc lấy con người mới là Đức Kitô (Rm 13,13-14).

Bước thứ hai, là lúc thánh nhân học cách sống và chia sẻ cho người khác những gì mình đã chiêm niệm và nghiên cứu, ngài chia sẻ những hoa trái tri thức đã thâu lượm và tích lũy cho anh chị em của mình. “Giảng thuyết liên tục, thảo luận không ngừng, nhắc lại luôn mãi, nhằm phục vụ hết thảy mọi người – đó là trách nhiệm lớn lao, và là một gánh nặng đòi hỏi phải nỗi lực hết mình” (Sermon 339, 44).

Bước cuối cùng, là sống một cuộc đời với kinh nghiệm khiêm tốn thẳm sâu về tri thức và luôn khẩn cầu được Thiên Chúa tha thứ.

Giống như thánh Phêrô và Phaolô, cuộc đời của thánh Augustinô cũng trải qua nhiều biến động. Nhưng chính khi Ngài nhận được Thiên Chúa trong cuộc sống của mình, thì Thiên Chúa lại giới thiệu cho chúng ta một Augustinô hoàn khác hẳn. Bằng chính sự say mến đức khôn ngoan và tình yêu dành cho Thiên Chúa, thánh Augustinô đã để lại một số lượng đồ sộ các tác phẩm để trình bày đức tin cho đa số mọi người có thể lĩnh hội. Và “tất cả những ai đã từng gặp gỡ và lắng nghe thánh nhân giảng dạy, đều có thể rút ra nhiều lợi ích lớn lao khi tiếp xúc với ngài, đón nhận giáo huấn của ngài và nhất là cảm nghiệm đời sống của ngài giữa mọi người.”[9] Thánh Augustinô vẫn sống mãi qua các tác phẩm của ngài và vẫn còn sinh ích cho các thế hệ độc giả hôm nay.

Thưa với bạn!

Chúng ta đang trải qua một cuộc hành trình như các thánh đã từng trải qua, chúng ta không đơn độc trên cuộc hành trình đó vì gương sáng của các ngài để lại. Ngước nhìn lên bầu trời, gương sáng của các ngài giống như những tinh tú gần xa lấp lánh mà Thiên Chúa đã tạo dựng, ta thấy những vầng sáng lớn hơn như một dự cảm tốt lành trong chiều sâu tâm linh giữa mỗi người chúng ta và Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương chúng ta cho dẫu chúng ta yếu đuối, điếc lác, chối bỏ và không nhận ra Ngài. Chính các thánh đã là người đi trước chúng ta, bằng những trải nghiệm sâu sắc và có phần gian nan của các ngài, các ngài đã để lại cho chúng ta một gia tài đức tin quý giá, những tác phẩm kiệt suất là chính bản thân và cuộc đời các ngài được viết bằng một tâm hồn đầy rung động, xao xuyến thậm chí là đau khổ và tan nát. Thế nhưng, chúng ta có phần thờ ơ trước điều đó. Chúng ta đang mong đợi và tìm kiếm điều gì? Phải chăng là những đam mê ảo vọng của trần thế, những giá trị trong cuộc sống chóng qua hay một lý tưởng, một chủ thuyết khôn ngoan nào đó của thời đại? Phải chăng cái chúng ta cần là một “cú ngã ngựa” sấp mày sấp mặt để có cơ hội nghiệm lại những gì Chúa đã làm nơi chúng ta?

Thưa với bạn, trong cuộc sống Thiên Chúa vẫn tạo ra những “cú ngã ngựa” vừa sức với mỗi người chúng ta, đó có thể là nghèo đói, gian nan, đau khổ, thất bại … thì xin cho ta nhận ra Ngài, cùng nhận ra chính mỗi người chúng ta đang là ai, làm gì và ở đâu trong cuộc lữ thứ trần gian nhiều gian khó. Hãy luôn tin tưởng rằng, cuộc hành trình của chúng ta không hề đơn độc vì khi ta ngước mắt lên trời, ta sẽ thấy hàng triệu tinh tú với ánh sáng huyền diệu, lóng lánh mời gọi chúng ta kết hiệp cuộc đời chúng ta với Thiên Chúa là nguồn mạch của mọi điều tốt lành.

Tôi dừng tại đây khi những dòng suy tư đã bắt đầu đứt quãng như tiếng gà gáy sớm hôm vừa vang lên, khi bên kia nóc nhà thờ bắt đầu vang lên lời cầu kinh: Gloria Patri et Filio et Spiritui Sancto. Sicut erat in pricipio et nunc et semper et in saecula saeculorum. Chỉ còn một điều nhỏ muốn gửi gắm đến bạn: Các thánh đã từng là mỗi người trong chúng ta, và chúng ta cũng được mời gọi để trở nên thánh giống các ngài.

Tam Hà, tháng 11/2017

[1] Thánh thi kinh Sáng, Chúa Nhật Tuần I.

[2] Lời cuối của Đức Giáo hoàng: Trò truyện với Peter Seewald (Tp. HCM: Học viện Đa Minh, 2017), tr. 40.

[3] Pierre Hadot (1922-2010): Là một triết gia và sử gia triết học người Pháp chuyên về triết học cổ đại, được vinh danh Giáo sư danh dự (professeur honoraire) bởi Collège de France năm 1991. “Tình trạng bất an khốn khổ” trích trong Costica Bradatan, Chết Cho Tư Tưởng, Nxb. Nhã Nam.

[4] Năm 2006, người ta phát hiện trên cảo bản và hình tượng ghi trên đá có vẽ hình hài của thánh nhân. Trông ông không cao hơn đứa trẻ bình thường là mấy, nên ông cứ phải leo ngồi lên bàn mà giảng giải cho dễ chịu. (x. Kevin O’Shea, CSsR, Phaolô vị thánh của mọi thời).

[5] Tự Thuật, III, 6,11.

[6] Tự Thuật, V, 2,2.

[7] Tự Thuật, X, 27, 38

[8] Tự Thuật, VIII, 12, 29

[9] Vita Augustini, 31.

Từ khóa: , , , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com