[Đến Mà Xem 71] Vì Sao Trong Đêm…

28-04-2018
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 1656 lượt xem

Vincentê Phùng Tuấn Anh

…Giữa một xã hội nghiêng về tăm tối, một người nữ bé nhỏ với trái tim tràn ngập tình yêu đã hóa cuộc đời mình thành ánh sao huy hoàng cho Giáo hội… 

Năm ấy, tôi lại đón Noel một mình trong căn phòng tầng thượng quen thuộc. Mặc dù mùa lễ hội, khung cảnh phố phường từ trên cao khác xa với vẻ nhộn nhịp nơi mặt đất, vẫn tĩnh mịch như mọi ngày vốn có. Trời ngả sang chiều hôm, đôi cánh đêm sương giang rộng khắp bầu trời chỉ để lại những ánh sáng tinh anh của muôn vàn tinh tú. Một màu xanh đêm nhè nhẹ buông xuống trên những nếp nhà thành thị khiến các ô cửa sổ phải lên đèn, nom tựa như những vì sao của mặt đất, phần nào giúp xua đi vẻ trầm lắng của đêm tối. Trông lúc thư thả, tôi dừng lại trước một khung cửa sổ gói gọn một con người đang suy tư. Một cậu bé với đôi mắt xa xăm hướng lên bầu trời. Thoạt trông, tôi cứ tưởng em đang buồn rầu hay có niềm tâm sự. Tôi tò mò theo dõi. Bất chợt, với đôi mắt ánh lên màu bình an, tôi thấy em trao cho khung trời một nụ cười rạng rỡ, một nụ cười đến từ vẻ đẹp trong tâm hồn – nụ cười của hạnh phúc. Đó là nét vẽ của cảm xúc đã xóa đi những ý nghĩ ngờ vực của tôi về em, bởi tôi biết rằng giữa chốn thành đô hối hả không dễ dàng bắt gặp được nụ cười ấy. Tôi cũng là một người con của phố phường, có lẽ tôi đã thả trôi tháng ngày cho công việc nên hình ảnh từ khung cửa số kia đã làm tôi bối rối. Điều gì làm tôi cảm thấy hạnh phúc? Là một nghệ sĩ trẻ, tôi có thể viết nên muôn vàn câu chuyện chỉ từ một nét vẽ thế mà tôi lại không thể trả lời câu hỏi lớn của đời mình. Tôi chìm vào suy nghĩ và mang theo “những gì đã diễn ra nơi ô cửa” vào giấc ngủ.

Mặt trời đánh thức tôi bằng những tia nắng ấm áp dịu dàng. Khung cảnh nơi tầng thượng êm đềm trong tiết trời se lạnh của mùa Noel. Ngay khi chồm dậy, tiềm thức nhắc tôi nhớ đến ô cửa sổ của đêm qua. Leonardo Da Vinci lao công với mọi giá để ghi lại nụ cười của nàng Mona Lisa, tôi cũng vậy. Nỗi thao thức trước cái đẹp và trí tò mò đã thôi thúc tôi tìm gặp cậu bé ấy. Sự việc tựa như một câu chuyện lạ lùng, tôi biết nếu kể ra, sẽ là dịp để mọi người viết nên một câu chuyện cổ tích. Sau một thời gian lắt léo len mình qua những con hẻm nhỏ – bởi lẽ nhà cửa ở thành thị cứ như những cái cây trong khu rừng, bạn có thể trông thấy ngọn cây nhưng thật vất vả để đến được gốc rễ – tôi đã dừng chân trước thềm ngôi nhà của em. Mọi người vắng cả nhưng tôi biết được em là người Công giáo vì có ngôi sao Giáng sinh và tượng Đức mẹ trước cổng. Tôi đành tìm cơ hội khác.

Sau những lần dò kiếm, tôi gặp được em sau giờ lễ chiều nơi ngôi thánh đường nhỏ trong xóm. Quả thật, ngoài vẻ mặt rạng rỡ tôi đã xem thấy, còn lại em cũng chỉ là một con người như tôi. Tôi đã trao cho em một câu hỏi, để trả lời – lần gặp sau em đưa tôi một tập sách “Catarina Siena”. Nghệ thuật đã cho tôi một tâm hồn cởi mở và lòng yêu thích cái đẹp, tôi tôn trọng các chân lý và triết lý sâu xa của cuộc sống. Vốn không theo tôn giáo nhưng từ lâu tôi vẫn thầm cảm ơn một bàn tay vô hình đã vẽ nên thế giới toàn mỹ này. Thần linh hiển nhiên không thể xem thấy bằng mắt nhưng ta có thể nghiệm thấy sự hiện diện của người ở nơi thâm sâu trong vẻ đẹp của tạo vật xung quanh. Nóng lòng, hồi hộp, tôi dốc tâm vào “lời giải” cho câu hỏi của mình…

Hiện lên từ những trang sách đầu tiên là hình ảnh một người nữ tu sống giữa đời thường ở thời trung cổ, sinh ra tại thành Siena nước Ý trong bối cảnh Giáo hội Công giáo có sự xuống dốc từ tổ chức quyền bính đến đạo đức của hàng giáo sĩ. Người chỉ sinh sống vỏn vẹn 33 năm nhưng các biến cố được ghi chép đã cho tôi biết đây là người nữ tu của lòng can đảm và nhiệt thành: các hoạt động bác ái giúp người khốn khổ, liều mình với Đại Địch Đen để chăm sóc các bệnh nhân, đóng vai trò sứ giả hòa bình của Hội thánh Công giáo và của xã hội lúc bấy giờ,… Ví như người có thể làm tất cả các việc tốt lành mà tôi có thể tưởng tượng ra. Tôi thắc mắc, một người phụ nữ tầm thường sao lại làm được những điều to lớn như vậy, mặc dù thân thế gia đình không cao quý, đúng hơn thuộc tầng lớp thấp bé của xã hội. Xét về mặt triết lý, con người chỉ thực sự hành động hoặc làm những việc mang lại lợi ích cho bản thân mình, giúp đỡ người khác cốt là để giúp bản thân. Nhưng tôi lại đọc được từ vị thánh nữ một sự dấn thân triệt để, bởi lẽ tôi chẳng thấy người được ích lợi gì từ những hoạt động này cả, chẳng thế mà còn hăng say đến nỗi có những lúc suy kiệt vì việc bác ái. Như một ánh lửa được thắp lên trong xã hội u tối, nhân đức của người đôi lúc lại là cớ để nhiều người chỉ trích, châm biếm. Tôi suy tư, xếp lại những trang sách đầu tiên, tôi tự hỏi: Còn điều gì nữa tôi có thể tìm được từ tập sách này? Đâu là động lực cho các việc làm của thánh nữ?

Ngoài trời, xóm giếng đã chìm vào giấc ngủ bình yên, loáng thoáng có những vầng mây trôi ngang mảnh trăng lượn lờ. Tôi trầm tư ít lâu, trước khi lần dở các trang kế tiếp, tôi xin mượn một hình ảnh bé nhỏ của tự nhiên để nói về người nữ tu này: con thiêu thân, chẳng mấy ai bận tâm đến. Thế nhưng, bởi khao khát mãnh liệt, nó đã dám lao mình vào ngọn lửa, mặc dù biết rằng mình sẽ chết nhưng trong khoảnh khắc ngắn ngủi ấy của đời mình, nó đã được sống những giây phút hạnh phúc nhất mà không loài nào có được. Thiêu thân không đẹp như loài bướm cũng chẳng rạng rỡ hơn con ong ngoài đồng nhưng với tôi nó là sinh vật can đảm và hạnh phúc nhất thế gian.

Dưới cái nhìn của người không tôn giáo, các cuộc diện kiến Thiên Chúa và trạng thái xuất thần của thánh nữ thật khó cho tôi tiếp nhận. Tôi không phủ nhận thần thánh nhưng với tôi Thiên Chúa quả thật là Đấng xa lạ. Tôi tiếp tục đọc, tiếp tục ngẫm nghĩ, các trang sách tiếp theo thánh nữ trình bày một số giáo lý Công giáo uyên thâm. Thú thật, tôi không hiểu thấu đáo được nhưng một sức hút kỳ lạ cứ mãi cột xoáy trong tư duy khiến tôi không tài nào dừng bước được. Tôi bắt gặp hai chữ “tình yêu” được nhắc lại rất nhiều lần trong sách. Thánh nữ bày tỏ tình yêu của mình với Thiên Chúa, với mọi người, đồng thời Thiên Chúa cũng chỉ cho người cảm nghiệm được tình yêu vô biên của Ngài: “Đức bác ái là sợi dây êm dịu và thánh thiện ràng buộc linh hồn với Chúa: trói buộc con người với Chúa và trói buộc Chúa với con người”1, hoặc một chỗ khác: “chúng ta biết yêu tha nhân nhờ sự hoàn thiện mà ta yêu Chúa”2, “mọi nhân đức đều có mặt tha nhân làm mục tiêu chung,… đức ái là linh hồn của các nhân đức, không tìm ra một nhân đức phi đức ái, chỉ có lòng mến Chúa mới tạo ra nhân đức.”3. Tôi nghiệm thấy có ba đối tượng chính trong suốt cuộc đời của người: bản thân thánh nữ, tha nhân và Thiên Chúa ràng buộc với nhau bởi sợi dây đức ái trong đó mọi sự đều xuất phát từ Thiên Chúa. Nghĩ cũng lạ, bởi ít khi tôi nghe thấy đạo giáo nào nói rằng họ chìm đắm trong tình yêu mến bậc thần thánh của họ đến nỗi hóa ra say mê và cũng chưa thấy tôn giáo nào diễn tả một tình yêu mãnh liệt của Đấng thánh dành cho con người.

Từ thinh không, cơn gió của đêm sương mang theo hơi giá lạnh của mùa Noel, khẽ lùa qua ô cửa. Những chiếc rèm cửa sổ đung đưa, nhẹ nhàng đón gió. Tôi tìm kiếm hơi ấm từ những trang sách đang đọc dở của mình. Phải chăng tình yêu là hạnh phúc? Phải chăng hạnh phúc của thánh nữ là được gặp gỡ Đấng thánh và yêu thương mọi người với cả trái tim mình? Hạnh phúc đó có phải là điều tôi đang tìm kiếm? Quả thật, khoa học có thể giả thiết được nguồn gốc của sự sống nhưng lại không biết được tình yêu có tự bao giờ? Tôi tìm lại các triết lý triết học về hạnh phúc mà tôi đã biết. Với Phật giáo : “Niết Bàn là hạnh phúc”, với Karl Marx: “Hạnh phúc là đấu tranh”, với Friedrich Nietzche: “Hạnh phúc là cảm giác bản thân trở nên quyền năng hơn, là khi bạn có thể vượt qua những rào cản”. Dưới góc nhìn khách quan, tôi thấy có sự đối lập giữa các điều tôi đọc được từ thánh nữ và những triết lý nêu trên. Một bên họ đi tìm sự thỏa mãn bản thân khi vượt qua nghịch cảnh, một bên thánh nữ lao mình vào nghịch cảnh để kiếm tìm hạnh phúc. Có thể thấy các triết gia đặt chân lý của hạnh phúc trên nền tảng của sự giải thoát trong khi mọi hoạt động của thánh nữ đều được xây dựng từ tình yêu: Tôi muốn yêu, bởi vì lương thực của tôi là tình yêu”4. Khó khăn không làm hao mòn một trái tim nồng nàn lửa yêu mến. Hạnh phúc đích thực đến từ một tình yêu vô lượng vì bản chất của tình yêu là sự trao tặng, không ai giữ lại tình yêu cho riêng mình như thế là một tình yêu vị kỷ bất toàn. Một tình yêu trổi vượt trên cả giới hạn đôi lứa, mạnh mẽ như một khí cụ, có thể giúp con người chiến thắng được những phản ứng tự nhiên của mình. Đoạn tôi thấy thánh nữ đã không ngại các ung nhọt đầy mùi hôi của một bệnh nhân ung thư, với tấm lòng quả cảm người trao cho anh ta tất cả sự chăm sóc từ trái tim mình… Với tập sách này, tôi xem thấy thánh nữ Catarina có một đức ái nồng nàn bởi sự liên kết bền chặt, thâm sâu và sự thụ hưởng tình yêu từ Đấng mà tôi còn xa lạ. Bấy giờ, câu hỏi của tôi đã có đáp án nhưng tôi có dám đón nhận hay không? Có dám tin vào thánh nữ và Đấng quyền năng của người hay không?

Đã hơn 4 giờ sáng, tôi trao cho bầu trời đêm tiếng thở dài đầy tâm sự. Chỉ ít phút nữa thôi, mặt trời sẽ ghé thăm tôi để báo hiệu một ngày lại đến, ngay cả mặt trời cũng khoác lấy chiếc áo ngày mới của mình. Còn tôi… tôi vẫn sẽ diễn tiếp vở kịch mà tôi đã quá đỗi quen thuộc… “Thiên Chúa! Nếu quả thật Ngài hằng hữu, xin cho tôi được biết đến Ngài.”.

Từ nơi xa xôi, tôi nghe có tiếng chuông thánh đường ngân vang, vọng lại…

* * *

Vẫn như lần gặp gỡ ban đầu của tôi và đêm Giáng Sinh, tiết trời cuối năm luôn khiến mọi người tìm về nơi chốn ấm áp cho riêng mình. Năm nay tôi không đón Noel một mình nữa, căn phòng tầng thượng của tôi: nào là cây thông, nào là hang đá, nào là ngôi sao Giáng sinh. Tôi không phải nghe trộm thánh nhạc từ xa nữa, bởi âm vang quanh tôi là tiếng nhạc của bình an và hạnh phúc: tôi đã là một người Công giáo. Có lẽ ánh sao trời cũng phải ghen tỵ vì tôi đã tìm gặp được hạnh phúc lớn lao của mình. Tôi mở món quà từ cậu em nơi cửa sổ. Tôi rất đỗi ngạc nhiên, ấy là cuốn sách tôi đã trả em ngày nào, còn kèm theo một lá thư:

Gửi người anh em,

Lần đầu em gặp anh không phải nơi thánh đường: “Lạy Thiên Chúa ngự chốn cao vời, nhờ thánh nữ Catarina tâm hồn con thêm đong đầy tình Chúa, xin Chúa thương chúc lành cho người anh em đang dõi theo con…”. Đó cũng là lúc tâm hồn em tràn đầy hạnh phúc khi xếp lại những trang cuối cùng của tập sách này. Có lẽ bây giờ anh đã có câu trả lời cho câu hỏi của riêng mình,

Mến chúc anh một mùa Giáng sinh an lành, hạnh phúc.

“Dòng lệ tràn ra trước hết là để thỏa mãn cảm xúc của trái tim”5. Lần đầu tiên, tôi nếm được sự ngọt ngào của nước mắt.

Bầu trời đêm hôm luôn ánh lên những vì sao lấp lánh. Giữa một xã hội nghiêng về tăm tối, một người nữ bé nhỏ với trái tim tràn ngập tình yêu đã hóa cuộc đời mình thành ánh sao huy hoàng cho Giáo hội. Vì sao thành Siena đã chiếu tỏa những tia sáng hạnh phúc trong tâm hồn xáo trộn của người nghệ sĩ trẻ. Đó là sự kết duyên với Đấng Tạo Hóa, đó là chương sáng tác mới của người nghệ sĩ, đó là hạnh phúc đích thực của con người.

Xa xa, có tiếng thánh nhạc từ phố phường cất lên: “…Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương…”


1-2 Catarina, “Lá thư thứ 7” và “Lá thư thứ 263” trong Thánh Catarina Siena: Tiến sĩ Hội thánh (Tp. HCM: Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam, 2007), 1) tr. 48, (2) tr. 50-51.

3-5 Thánh Catarina Siena, Đối thoại, Dg. Lm Vinhsơn Bùi Đức Sinh, O.P. (San Jose: Nhóm “Phục vụ Lời Chúa”, 2006), (3) tr. 14, (4) tr.103, (5) tr. 190.

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com