Giuse Nguyễn Thái Hậu Sự khiết tịnh của Thánh Giu-se không được nói đến một cách rõ ràng như sự khiết tịnh, đồng trinh của Đức Ma-ri-a nhưng điều này đã được khẳng định một cách rõ ràng và được chứng minh nhờ sự lập luận của các giáo phụ, các vị thánh tiến sĩ và thông qua cái nhìn của đức tin.
“Đây bậc thánh cả thiên đàng hãnh diện,
Niềm cậy trông và cột trụ trần gian,
Chúng con dâng lời tán tụng đôi hàng
Xin hiền phụ Giu-se thương nhận lãnh…”
Trong các sách Tin Mừng, có rất ít những chỉ dẫn về thánh Giu-se, vì vậy rất khó để cho chúng ta tái tạo một cách chính xác và đầy đủ về cuộc sống của Ngài. Tuy nhiên, đó không phải là lý do làm cho Thánh Giu-se bị lãng quên; ngược lại, ta thấy có một số lượng không hề nhỏ những suy tư về thánh Giu-se. Ngài thật xứng đáng khi là “Cha nuôi con Đức Chúa Trời” bởi vì nơi Ngài hội tụ nhiều nhân đức trổi vượt cho chúng ta noi theo: Ngài là người công chính, Ngài là một người gia trưởng trong gia đình Na-da-rét, Ngài là mẫu gương cho những người lao động, v.v.. Vì vậy, trong bài viết này tôi chỉ xin được trình bày quan điểm nhỏ về sự khiết tịnh của thánh Giu-se.
Trong lịch sử Giáo hội, sự thanh khiết, khiết tịnh của Thánh Giu-se đã trở thành đề tài cho nhiều cuộc tranh luận. Trước tiên, chúng ta cùng đi tìm hiểu khái niệm “đồng trinh” và “trinh khiết”. Thông thường khi nói đến “đồng trinh” hay “khiết tịnh” người ta thường hay gắn với người nữ hơn là người nam. Trong Từ điển Công giáo của Hội đồng Giám mục Việt Nam, đồng trinh là một đặc sủng, một quà tặng, Thiên Chúa ban cho những người tự nguyện hiến thân vì Nước Trời, và là một hồng ân cho Hội thánh. Trinh khiết được hiểu là giữ thân xác trong sạch, không quan hệ tính dục. Sách Giáo lý của Hội thánh Công Giáo từ số 2337 đến số 2359 khi bàn về Ơn gọi sống khiết tịnh có ghi:
Sự khiết tịnh là việc hòa nhập thành công tính dục trong nhân vị, và qua đó, là sự thống nhất nội tâm của con người là thực tại vừa thể xác, vừa tinh thần…Nhân đức khiết tịnh bao gồm toàn bộ nhân vị và sự trọn vẹn của việc hiến thân.
Đồng trinh là tình trạng những người thanh sạch, về mặt thể lý và luân lý, dù nam hay nữ (Kh 14,4-5). Trong Tin Mừng Mát-thêu (19,10-12), Đức Giê-su đề cập đến sống khiết tịnh:
Quả vậy, có những người là hoạn nhân vì từ lòng mẹ sinh ra đã như thế; có những người là hoạn nhân vì bị người ta hoạn; và có những người là hoạn nhân do họ tự ý sống như thế vì Nước Trời.
Như vậy, có thể hiểu một cách chung nhất về sự “trinh khiết” hay “khiết tịnh” là một nhân đức, chỉ những người thanh sạch, họ luôn giữ thân xác và tâm hồn trong sạch.
Khi nhìn vào các ảnh tượng về Thánh Giu-se, chúng ta có thể nhận thấy rằng: Phần lớn, Thánh Giu-se được phác họa như một ông lão với râu tóc đã bạc mầu, nhưng đặc biệt hơn nữa là chúng ta thường thấy Thánh Giu-se tay cầm cành hoa huệ. Phải chăng hình ảnh ngụ ý về nhân đức khiết tịnh của thánh Giu-se, vì chúng ta thường thấy hoa huệ gắn liền với sự khiết tịnh, trinh khiết. Không có đoạn văn nào trong Tân Ước nói đến sự khiết tịnh của Thánh Giu-se; và cũng không có đoạn văn nào trong Tân Ước khẳng định ngược lại. Vì thế, sự khiết tịnh của Thánh Giu-se là điều suy đoán dựa trên sự thánh thiện của ba nhân vật trong gia đình Na-da-rét. Các thánh Giáo phụ cũng giải thích sự khiết tịnh của Thánh Giu-se thông qua lời nói của Đức Ma-ri-a khi sứ thần truyền tin cho mẹ: “Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” (Lc 1,34). Sứ thần truyền tin cho Đức Ma-ri-a, vào thời điểm này cô đã thành hôn với Thánh Giu-se: “Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít …” (Lc 1, 26-27) . Vậy thì tại sao Đức Ma-ri-a lại trả lời với sứ thần “…vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” – một câu hỏi lớn được đặt ra ở đây. Các thánh giáo phụ giải thích rằng dù Thánh Giu-se và Mẹ Ma-ri-a đã đính hôn với nhau nhưng cả hai đều đã khấn giữ đồng trinh, nên Mẹ Ma-ri-a mới trả lời với sứ thần như vậy. Sau này, thánh Tô-ma A-qui-nô trong Tổng luận Thần học của ngài cũng đã khẳng định sự khiết tịnh của Thánh Giu-se.[1]
Người ta có thể so sánh cuộc gặp gỡ giữa Thánh Giu-se và Đức Ma-ri-a với cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa A-đam và E-và, cuộc gặp gỡ vô cùng đặc biệt, nó diễn ra trước khi tội lỗi xâm chiếm con người và trước khi ngọn lửa dục vọng gặm nhấm tâm hồn con người. Thánh Giu-se và Đức Ma-ri-a đã tìm lại, khơi dậy được sự trong trắng ban đầu của cái nhìn giữa người nam và người nữ, các ngài không bị khuấy động do những thèm muốn lộn xộn của một xác thịt luôn chống kháng tinh thần. Trong đời các Ngài, xác thịt trở lại ý nghĩa đích thực của nó, giúp cho vẻ đẹp tâm hồn được tỏa chiếu. Tất cả những gì Thiên Chúa tạo dựng đều tốt đẹp. Xác thịt ở lại vị trí của nó, chỗ mà Thiên Chúa đã đặt để trước khi tội lỗi xâm chiếm loài người. Nghe những tất cả điều đó có vẻ như bất bình thường, lạ lùng với ta nhưng lại là điều vô cùng tự nhiên đối với Thánh Giu-se và Đức Ma-ri-a, và là sự hoàn tất những khát vọng căn bản của các Ngài: một cuộc kết hợp trinh khiết. Thật là một điều có thể rất khó hiểu, khó lý giải: Tại sao có thể nói Thánh Giu-se đồng trinh, trinh khiết khi đã kết hôn cùng Mẹ Ma-ri-a? Tại sao đã khấn đồng trinh rồi mà còn thành hôn với Đức Ma-ri-a? Thánh An-be-tô và Thánh Tô-ma A-qui-nô đã khẳng định rằng[2]:
Việc khẳng định đức khiết tịnh trọn hảo của Thánh Giu-se không nhất thiết đòi hỏi rằng Ngài đã khấn hứa hoặc riêng với Chúa hay cùng Đức Ma-ri-a. Không có tài liệu nào khẳng định điều đó (nhưng cũng không có tài liệu nào nói ngược lại). Thiết tưởng nên hiểu sự khấn hứa như là một điều dốc quyết của ý chí hơn là một thứ nghi thức đặc thù.
Thánh Hê-rô-ni-mô quả quyết rằng: “Kẻ đáng được gọi là dưỡng phụ của Chúa thì trót đời giữ mình đồng trinh.”[3] Trong nhiều tác phẩm của mình, thánh Âu-tinh đã chứng minh rằng:
Thánh Giu-se là kẻ trinh khiết; hôn nhân với Đức Ma-ri-a là giá thú thực sự; Thánh Giu-se là dưỡng phụ của Đức Giê-su một cách độc đáo. Thánh Giu-se là chồng của Đức Ma-ri-a không phải vì ăn nằm nhưng do tình yêu, không phải vì giao hợp thân xác nhưng là kết hợp tinh thần.[4]
Một trong ba nữ Tiến sĩ Hội thánh – thánh Tê-rê-sa A-vi-la đã nói rằng: “Thánh Giu-se trong trắng tựa Thiên Thần, nên Thiên Thần năng hiện đến cùng ông”. Tin Mừng Mát-thêu thuật lại Thiên thần đã hiện ra với Thánh Giu-se ba lần: Truyền tin cho ông Giu-se (Mt 1, 18-25), chỉ dẫn Thánh Giu-se trốn sang Ai Cập để tránh sự tìm giết của vua Hê-rô-đê (Mt 2, 13-18), thông báo cho Thánh Giu-se từ Ai Cập trở về đất Ít-ra-en (Mt 2, 19-23). Sau đây, là một đoạn suy tư của Lê-ô-na-đô:
Ngay đối với một vị Thiên sứ, bà còn giữ ý e dè, thì hỏi ai là người có diễm phúc được bà tín cẩn? Thưa có, người ấy là Thánh Giu-se! Ông đã được bà tin cậy, sẵn sàng trao duyên gửi phận cùng đức đồng trinh nguyên vẹn của bà….Lạ thay! Đức Trinh Nữ đã rùng mình khi tiếp chuyện một vị Thiên sứ mà lại an lòng lúc chung sống với một người đàn ông. Tại sao thế? Chính vì Thánh Giu-se còn trinh khiết hơn cả Thiên Thần.[5]
Không chỉ các thánh giáo phụ, nhiều vị giáo hoàng gần đây cũng có những suy tư, những bài huấn giáo liên quan đến sự khiết tịnh của Thánh Giu-se, đặc biệt là Đức Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II. Chúng ta có thể tìm thấy trong loạt bài giáo huấn về Đức Ma-ri-a, Đức Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II có đề cập đến vấn đề này như sau:
Có thể giả thiết rằng giữa ông Giu-se và bà Ma-ri-a, vào lúc đính hôn, họ đã đồng ý với nhau về cuộc sống trinh khiết. Mặt khác, Chúa Thánh Thần, Đấng đã gợi hứng cho Đức Ma-ri-a lựa chọn sự trinh khiết để nhằm tới mầu nhiệm Nhập Thể và đã muốn cho mầu nhiệm này diễn ra trong khung cảnh một gia đình thích hợp cho sự tăng trưởng của Hài Nhi, thì ắt là Ngài cũng có thể gợi nơi ông Giu-se lý tưởng trinh khiết. Kiểu hôn nhân mà Chúa Thánh Thần hướng dẫn bà Ma-ri-a và ông Giu-se chỉ có thể hiểu được trong toàn bộ kế hoạch cứu độ và trong khung cảnh một linh đạo cao siêu. Việc thực hiện cụ thể mầu nhiệm Nhập Thể đòi hỏi sự hạ sinh trinh khiết để nêu bật Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, và đồng thời đòi hỏi một gia đình để bảo đảm cho nhân cách của Hài Nhi được phát triển hài hòa. Chính vì phải góp phần vào mầu nhiệm của Ngôi Lời nhập thể mà ông Giu-se và bà Ma-ri-a đã lãnh nhận ơn thánh để họ vừa sống đặc sủng trinh khiết vừa sống hồng ân hôn nhân. Sự hiệp thông tình yêu trinh khiết giữa Đức Ma-ri-a và ông Giu-se, tuy tạo nên một trường hợp hết sức đặc biệt, gắn liền với việc thực hiện mầu nhiệm Nhập Thể, nhưng vẫn là một hôn nhân đích thực.[6]
Phải nhìn nhận rằng đây là trường hợp độc nhất vô nhị trong lịch sử loài người.
Tin Mừng Mát-thêu (12, 46) viết “Người còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người”. Dựa vào đoạn Tin Mừng này một vấn đề đã được đặt ra: Đức Ma-ri-a và Thánh Giu-se đều sống khiết tịnh thì sao lại có “anh em của Người”? Phải chăng phải xem xét lại sự khiết tịnh này? Về vấn đề này Thánh Tô-ma A-qui-nô đã giải thích rằng[7]: Các anh em của Đức Giê-su phải hiểu là anh em họ chứ không phải là anh em ruột hay là anh em cùng cha khác mẹ.
Một cách nữa có thể lý giải được về sự khiết tịnh của Thánh Giu-se, đó là Thiên Chúa luôn ban cho con người có đủ những khả năng để con người có thể làm rạng danh Thiên Chúa, để con người có đủ để thực hiện công trình của Chúa. Ở trên đời này, có ai được Thiên Chúa ủy thác trách vụ cao quý như là Đức Ma-ri-a và Thánh Giu-se? Vì thế, sau Đức Ma-ri-a, Thánh Giu-se chắc chắn đã lãnh nhận những ân huệ tương xứng với ơn gọi của mình. Chẳng lẽ Thiên Chúa lại không ban cho Thánh Giu-se những ơn cần thiết để công trình cứu độ của Ngài được thực hiện hay sao? Vì vậy, việc Thánh Giu-se vừa là chồng, vừa là dưỡng phụ, vừa sống khiết tịnh là điều dễ hiểu và chẳng có gì lấy làm lạ.
Như vậy, sự khiết tịnh của Thánh Giu-se không được nói đến một cách rõ ràng như sự khiết tịnh, đồng trinh của Đức Ma-ri-a nhưng điều này đã được khẳng định một cách rõ ràng và được chứng minh nhờ những suy tư của các giáo phụ, các vị thánh tiến sĩ dưới ánh sáng của đức tin.
Lạy Thánh Giu-se! Xin Ngài luôn cầu bầu, giúp đỡ để chúng con đủ cam đảm vượt qua những đam mê tầm thường và tìm thấy niềm vui theo chân Cha trên con đường lữ hành hành trần thế, và trong phận người yếu đuối và đầy tội lỗi. Xin cho chúng con luôn nhớ rằng thân xác chúng con là đền thờ Chúa Thánh Thần và chúng con biết tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác chúng con. Amen.
[1] X. ST. III, q. 28, a. 4.
[2] Phan Tấn Thánh, Thánh Giu-se trong cuộc đời Chúa Ki-tô và Hội thánh, tr. 105.
[3] Adversus Helvidim, 19: PL 23, 213.
[4] Bối cảnh là những cuộc tranh luận với nhóm Pelagio và nhóm Manikhe. Xc. T.Stama San Giuseppe nel pensiero di Sant’Agostino. L’unione coniugale, in: Temi di Predicazione 98 (2006).
[5] Châu Thủy, Thánh Giu-se trong Phúc Âm, tr.109, 110.
[6] Bài huấn giáo, ngày 21/08/1996.
[7] X. ST. III, q. 28-29, a. 4.