[Đến Mà Xem 71] Nên Thánh Vì Được Xót Thương

06-02-2018
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 2351 lượt xem
Giuse Nguyễn Hoàng Tâm

"Chọn nên thánh là chọn sự sống, chọn trở nên sung mãn và chọn trở về với cùng đích thực sự trong Đấng Thánh."

1. Dẫn nhập

“Các ngươi hãy là thánh vì Ta là Thánh” (x.1Pr 1, 16). Nên thánh là một lệnh truyền và, vì Thiên Chúa là Thánh, nên nếu con người đặt lệnh truyền này ra khỏi cùng đích của cuộc đời thì con người đã từ chối thông phần vào sự sống viên mãn của Đấng là Thánh. Chọn nên thánh là chọn sự sống, chọn trở nên sung mãn và chọn trở về với cùng đích thực sự trong Đấng Thánh. Biết bao con người đã quyết chọn “nên thánh” làm con đường duy nhất cho cuộc đời, đã chấp nhận gian khổ, mệt nhọc và đánh đổi cả mạng sống để đi cho trọn con đường này. Những con người này làm tất cả cũng chỉ vì muốn đến được cùng đích của mình, chính là Thiên Chúa, vì biết rằng, chỉ nơi Người, họ mới được an nghỉ thực sự [1].

Nhưng con đường nên thánh là con đường nào? Không khó cho người tín hữu của Chúa Giêsu để trả lời. Chính Chúa đã khẳng định dứt khoát muốn nên thánh phải đi bằng con đường hẹp (x. Mt 7,13-14). Đây chính là con đường duy nhất dẫn vào Nước Trời.

Lời khẳng định của Chúa dẫn ta tới điều quan trọng hơn cần suy tư, vì biết đường hẹp thôi thì chưa đủ, nhưng cũng cần biết làm thế nào để sống đến cùng con đường này mới quan trọng. Động lực nào để con người dám bắt đầu, dám bước đi và kiên trì đến cùng, vì đường hẹp thập giá là đường khó; nó khó vì những đòi hỏi dứt khoát mà không phải ai cũng sẵn sàng chấp chận. Nếu chẳng có tính chắc chắn và khả thi nơi con đường hẹp thập giá mà chính Chúa đã chỉ rõ, thì không ai lại đánh đổi tất cả mà đi theo. Đường hẹp thì vững chắc; nó vững vì được Chúa khẳng định cách minh nhiên là đường đi vào Trời, nó khả thi vì là đường luôn được phủ lấp bằng lòng thương xót của Chúa – lòng thương xót luôn hiện diện và giúp thân phận mỏng manh của con người hoàn toàn đi được đến cùng. Thêm nữa, chính những gì định hình nên con đường hẹp – chính là Lề luật được kiện toàn nhờ các Mối Phúc, chỉ có thể trọn vẹn trong nhãn quan của lòng thương xót[2]. Vì vậy, toàn thể đường hẹp thập giá này chẳng thể vắng bóng Lòng Thương Xót được, vì thương xót làm nên đường hẹp và đường hẹp được viên mãn, hoàn tất nhờ Lòng Thương Xót.

Ngày nay, Hội thánh tôn vinh đời sống các thánh và tìm hiểu đời sống các vị chính là lúc Hội thánh tôn vinh một Thiên Chúa “giàu lòng xót thương” (x. Ep 2,4) và học biết tình yêu vĩ đại của Danh Thánh Xót Thương kỳ diệu được biểu lộ trong đời sống các ngài. Một Danh Thánh không hề tách biệt sự thánh thiện và làm giảm đi sự công chính của Thiên Chúa, nhưng ngược lại, lại làm biểu lộ trọn vẹn sự thánh thiện của Thiên Chúa và thể hiện sự hoàn hảo của sự công chính nơi Người. Một Danh Thánh biến đổi tất cả, đem đến niềm vui hoàn hảo và mở ra một tình yêu vô điều kiện cho mỗi con người[3]. Chính bởi vì,“một khi Thiên Chúa thương xót chính là lúc Ngài tỏ bày quyền năng cách tỏ tường hơn cả’[4]. Đời sống các thánh, do vậy, phản ánh và minh chứng rõ nét cho quyền năng biến đổi nơi Danh Thánh Thương Xót. Thật khó hiểu được đường nên thánh nếu chưa nhận ra tầm quan trọng của lòng thương xót. Với ý nghĩa vậy, trong giới hạn cho phép, người viết mong muốn trình bày những suy tư có hạn về Danh Thánh Thương Xót tuyệt vời và nhiệm mầu trong hành trình nên thánh ngày hôm nay. Hy vọng những đóng góp của mình sẽ đem lại chút cảm nghiệm trong việc suy tư về con đường hẹp thập giá này.

2. Lòng Thương Xót khai mở một con đường

Vào cuối những năm 90 của thế kỷ XX, khoa học đem đến cho xã hội đầy bất ngờ. Liên tiếp các phát minh vượt trội xuất hiện. Con người chứng kiến sự phát triển thuộc tất cả các lĩnh vực: từ các vấn đề giao thông hay các vấn nạn y tế đều đang được giải quyết tốt đẹp, tới cả cách mạng giáo dục, truyền thông với hình thức kết nối liên quốc gia, cùng hàng loạt các phát minh khác đã thay đổi hoàn toàn lối sống của con người. Bởi vậy, nhờ khoa học, con người hoàn toàn có cơ sở để hy vọng một xã hội viên mãn, và để “loại bỏ đức hy vọng Kitô giáo với việc hứa hẹn hưởng hạnh phúc ngay tại trần gian này”[5]; thậm chí, mà theo như Francis Bacon, đến độ sẽ đưa “con người trở về vườn địa đàng mà trước đây nó bị trục xuất… hay nói cách khác, giúp con người có thể làm mọc lên thiên đường ở mặt đất” [6]. Tuy nhiên, trải qua những năm đầu của thế kỷ XXI, chắc hẳn nhiều người đã không còn hy vọng như thế được nữa. Các vụ khủng bố đẫm máu, cứ làm ta hình dung, như đã tới lúc ứng nghiệm cách rõ nét lời Chúa Giêsu tiên báo:“Sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa” (x. Ga 16,2). Hay, nền y học đạt được những bước tiến khổng lồ, nhưng dịch bệnh, căn bệnh thế kỷ, các bệnh mới hiểm nghèo chẳng những có dấu hiệu giảm, mà nghịch lý thay, lại đang gia tăng chóng mặt. Nền kinh tế thị trường trở thành chiến trường khắc nghiệt nơi chỉ những người mạnh thống trị, kẻ yếu bị loại trừ; và xã hội còn tồn tại những học thuyết vô thần mê hoặc, chủ nghĩa cá nhân, cùng lối sống buông thả nhan nhản khắp nơi. Tất cả dấu hiệu này đang dần chỉ ra sự hão huyền của “quyền năng” khoa học mà con người đã từng tin tưởng và làm lộ ra một thế giới “sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và việc xét xử” (x. Ga 16, 8). Trước tình cảnh này, niềm hy vọng về xã hội hoàn hảo thật sự đã lùi rất xa. Cuộc sống nhân loại rồi sẽ đi về đâu? Có còn con đường thật chắc chắn sẽ đem đến hy vọng chăng?

Xưa tới nay, xã hội không phải chỉ có thế kỷ này mới rơi vào khủng hoảng, mà phải nhìn nhận khủng hoảng luôn tồn tại trong xã hội mọi thời điểm, có khác cũng chỉ là mức độ và hình thức thôi. Vì tội là nguồn gốc của sự hỗn loạn đã bước vào thế giới kể từ sự bất tuân và kiêu ngạo của tổ tiên loài người (x. Rm 5,12). Một khi tội thống trị, nó sẽ làm mất đi trật tự của muôn vật mà “Thiên Chúa thấy thế là tốt lành” (x. St 1,31) vào thuở tạo dựng ban đầu; nó cũng làm mất đi khả năng hiệp thông của con người với nhau và với Thiên Chúa. Hơn nữa, hậu quả của nó còn làm con người “bị thương tật trong các sức lực tự nhiên của mình, u mê dốt nát, phải đau khổ, bị sự chết thống trị và hướng chiều về tội lỗi”[7]. Thật vậy, sau tội đầu tiên, tội đã thống trị và tràn ngập thế giới, nó phá hủy mọi kế hoạch tình yêu của Thiên Chúa cho con người, tước đi mọi hy vọng của con người để khi không còn hy vọng thì cũng chẳng còn niềm tin nơi Thiên Chúa[8] và vì vậy, con người sẽ dần dần tiến về sự chết. Thế nhưng, một “Thiên Chúa tình yêu giàu lòng thương xót” (x. 1 Ga 4,8; Ep 2,4) đã không để con người phải chịu cảnh đen tối này mãi. Người không bỏ rơi con người dưới quyền lực sự chết. Trái lại, Người đã để “một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng vì chúng ta” (Is 9,5). Người con đó chính là Đức Kitô, người con của Thiên Chúa (x. Mc 9,7) và là dung mạo thương xót của Chúa Cha[9], đã đến để làm cho chúng ta được nên thánh (x. 1 Cr 6,11) và trở thành hy vọng của chúng ta (x. 1 Tm 1,1).

Tình yêu thương xót đã khiến Ngôi Lời cất giấu thần tính Thiên Chúa mà mặc lấy thân phận mỏng dòn, yếu đuối của con người hầu có thể nâng nó lên một tầm vóc mới. “Tình yêu thương xót cũng đã được Thiên Chúa đặt lên trên lôgíc của lỗi lầm và hình phạt, nhưng tuyệt đối, nó không chống lại mà luôn hỗ trợ cho công lý.”[10] Vì thế, Người đã dùng chính lòng thương xót của mình mà cho con người được sống, được tái tạo trong khi con người đáng bị chết và xét xử, đem lại hy vọng cho con người đang khi con người không còn gì để hy vọng (x. Rm 4,18), phá tan xiềng xích tội lỗi mà phục hồi lại tự do thực sự. Con đường cứu độ được mở ra từ đây.

Ơn cứu độ đã đem đến bao hy vọng cho con người mọi thời đại. Khi ta nhìn lại cuộc đời các thánh thì thấy rằng, quả nhiên, con đường nên thánh chỉ có một; vì chỉ có một mình Đức Kitô là con đường duy nhất thánh thiện, nhưng cách đi lại muôn màu muôn sắc. Mỗi thánh có một cách đi riêng cho mình, nhưng tất cả đều có một điểm chung, một điểm quyết định tất cả sự thành bại, chính là lòng thương xót của Thiên Chúa. Tại sao? Nếu không phải vì chính hy vọng được yêu thương, được tha thứ và được phần thưởng là chính Thiên Chúa cho những ai dám tin vào lòng thương xót mà đi trọn con đường tình yêu này. Điều kỳ diệu Thiên Chúa thực hiện nơi một vị thánh, không phải chỉ những cố gắng sức người đáng kinh ngạc nơi các vị, nhưng trên hết, chính là việc Người đã thực thi lòng thương xót của mình. Đây là điều Giáo hội luôn luôn ca tụng : “Mirabilis Deus in Sanctis suis[11]. Bởi vậy, Hội thánh không ngừng mời gọi chiêm ngưỡng liên lỉ, cậy tin vào lòng thương xót để tìm được niềm hy vọng trọn hảo hầu giúp con người đạt tới ơn cứu độ.

Chúng ta cần liên lỉ chiêm ngưỡng mầu nhiệm của lòng thương xót. Đây là suối nguồn tươi vui, tĩnh lặng và an bình. Đây là điều kiện để chúng ta lãnh nhận ơn cứu độ. Lòng thương xót là lời mặc khải mầu nhiệm Ba Ngôi Chí Thánh. Lòng thương xót là hành động chung cuộc và tối thượng, qua đó Thiên Chúa đến với chúng ta. Lòng thương xót là luật căn bản được đặt vào trái tim của những ai biết dùng đôi mắt chân thành để nhìn vào người anh em gặp thấy trên đường đời. Lòng thương xót là con đường nối kết Thiên Chúa với con người, hướng lòng chúng ta về niềm hy vọng sẽ được yêu thương luôn mãi, bất chấp tội lỗi của chúng ta.[12]

Tóm lại, sẽ chẳng có con đường hẹp – con đường của hy vọng và đem lại sự sống viên mãn – nếu vắng bóng lòng thương xót. Vì dù con người bất trung tội lỗi, đáng bị trừng phạt thế nào, thì lòng thương xót đã “kìm nén cơn giận chính đáng của Người, một ý nghĩa nào đó thì Người kìm nén chính mình”[13] để cho con người một thời hạn hoán cải và để thi ân hồng phúc của Người. Và, cao trọng hơn hết, lòng thương xót đầy tràn nơi Người đã thúc đẩy một Tình Yêu đến nỗi đã trao ban chính Con Một[14]. Người Con chính là “Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14,6a) dẫn đưa con người tới sự sống viên mãn.

3. Lòng Thương Xót nâng đỡ hành trình tiến về Nước Trời

Trong thánh lễ tuyên thánh cho thánh nữ Faustina, Đức giáo hoàng Gioan Phaolo II đã nói:

Tôi không biết trong những năm tới sẽ mang chúng ta tới đâu? Tương lai của con người trên trái đất sẽ thế nào? Chúng ta chưa được biết. Dẫu vậy, có điều chắc chắn rằng, trên tiến trình của những cái mới, không may mắn rằng, ta sẽ không thiếu những kinh nghiệm của đau khổ. Nhưng, ánh sáng của lòng Thương xót […] sẽ chiếu sáng con đường cho những người nam và người nữ của thiên niên kỷ thứ ba này.[15]

Đức Thánh Cha đã cho thấy một niềm hy vọng không bị lạc lối giữa những đau thương của thời đại nhờ ánh sáng lòng thương xót. Nhưng ánh sáng diệu kỳ này chiếu tỏa trên chúng ta bằng cách nào? Ta có khả năng đón nhận và được sưởi ấm nhờ ánh sáng này hay không? Trong hành trình sa mạc lạnh lẽo, nhiều ngã rẽ và tối tăm thì có còn cột mây ban ngày, cột lửa ban đêm[16] để dẫn đường cho ta?

Dưới cái nhìn này, hạnh các thánh đem lại cho ta nhiều bài học. Lêvi – một tay thu thuế, lại trở thành một tác giả sách Tin Mừng Mátthêu, một anh chàng bắt đạo Saolô thì trở thành Phaolô – vị Tông đồ dân ngoại đầy nhiệt huyết; và còn rất nhiều mẫu gương khác nữa, như một Âu Tinh đã có quá khứ là tay ăn chơi thứ thiệt mà nhiều người đương thời còn cho rằng “khó theo kịp”, cũng đã thành Thánh Tiến sĩ; hay thậm chí một thời làm tư tế của quỷ như Bartolo Longo, vẫn còn kịp trở lại và đạt được tên gọi là “vị thánh của Đức Mẹ” [17]. Những mẫu gương này không những nói lên sức mạnh biến đổi của ánh sáng lòng thương xót, bất kể họ là người có quá khứ tội lỗi thế nào, mà còn gợi lên cho con người tội lỗi thời đại này một hy vọng về một khởi đầu mới là không bao giờ trễ.

Quả vậy, thời đại hôm nay chứa đựng rất nhiều nguy cơ làm dập tắt hy vọng của chúng ta. Nó dễ khiến ta mất khả năng sống trọn giây phút hiện tại. Khi mà một mặt, thế gian này làm ta đứng ở hiện tại cứ mải nhìn về quá khứ trong cảm giác lỗi lầm, vì tất cả chúng ta đều là sản phẩm của quá khứ[18], mặt khác khi nhìn về tương lai lại sinh ra toàn nỗi sợ, và sự bếp bênh. Ta khó lòng yên ổn mà chu toàn “bổn phận tức là ý Chúa trong giây phút hiện tại”[19] được. Ta càng không thể vực dậy sau thất bại. Mọi sự khởi đầu đều bị gián đoạn. Thật vậy, những lỗi lầm quá khứ luôn ám ảnh người vấp phạm, họ có thể dễ dàng vực dậy, nhưng tiếp tục bước đi mới là vấn đề. Sự yếu đuối trước cám dỗ luôn làm con người có cảm giác, trong tương lai, cho dù họ có bắt đầu lại nhưng rồi họ sẽ vẫn tiếp tục thất bại, thậm chí thảm hại hơn. Niềm tin về sự thay đổi, vào sự chiến thắng trở thành cản trở cho chặng đường làm lại từ đầu.

Giữa lúc nguy khó này, Thiên Chúa trấn an họ bằng tình yêu thương xót. Người để lòng thương xót vô hạn trở thành nơi bám víu, cậy dựa cho những ai đang hoang mang, hoảng sợ. Chính tình yêu của Thiên Chúa giúp mọi tội nhân, mọi kẻ thất vọng thấy họ được yêu thương vì chính họ là, chứ không phải vì điều họ có. Một tình yêu nhưng không làm vực dậy can đảm, hy vọng cho một sự khởi đầu mới. Tình yêu đó cũng cho họ biết rằng trên đời “chẳng có một thánh nhân nào mà không có quá khứ, không có tội nhân nào mà chẳng có tương lai”[20]. Bởi vậy, họ sẽ dám tin vào bản thân mình có thể, với sự trợ lực của Thiên Chúa, thay đổi từ cục diện bi đát thành vinh quang trong cuộc đua về Trời. Ai biết mình được Thiên Chúa yêu thì sẽ biết rằng, mọi sự bắt đầu lại đều là có thể, và cả cuộc đời của họ luôn được an bài trong kế hoạch của Thiên Chúa, luôn được Người che chở; để rồi dù gặp gian nan, dù “bất hạnh ngập tràn, họ vẫn xem đó là một tiến trình giáo dục: Thiên Chúa, Đấng Trừng Phạt, có thể chữa lành và an ủi”[21].

Tuy nhiên, nếu chỉ đề cập đến Lòng thương xót hằng nâng đỡ các tội nhân, giúp họ vững tiến về tương lai, thì quả thật chưa đủ ! Bởi vì, trong thế giới thực tại này, hằng triệu con người vô tội đang phải đối diện những khủng hoảng do chính đồng loại gây nên như chiến tranh, phân biệt chủng tộc, khủng bố, bất bình đẳng rõ nét..; hay thậm chí phải đối mặt với những hậu quả kinh hoàng mà con người, theo nghĩa nào đó, không đóng vai trò tác nhân then chốt gây nên như: thiên tai, bão lũ, dịch bệnh. Hàng loạt câu hỏi được gợi lên: Một Thiên Chúa tình yêu lại để bao nỗi thương đau xảy đến? Người đã bỏ quên chúng ta hay sao khi để sự dữ như muốn ăn tươi nuốt sống con người ? v.v.. Trước vô vàn những vấn nạn này, chẳng phải những người lớn mới ngờ vực, mà cả những trẻ em đang phải sống trong tình trạng bi đát cũng phải thốt lên rằng: “Lạy Chúa, tại sao thế?”. Lòng thương xót có thể làm gì để giúp họ hay chăng?

Với niềm tin vào quyền năng Thiên Chúa, mỗi người tin phải xác quyết câu trả lời rằng : “Chắc chắn có thể”, tuy rằng chúng ta không có đủ khả năng trả lời hết mọi câu hỏi, mà chỉ có Thiên Chúa mới biết câu trả lời cho tất cả các vấn nạn này thôi.

Chính vì vậy, đứng trước những bi đát của cuộc sống, con người luôn được mời gọi đặt sự chán nản, thất vọng trong lời than vãn thậm chí là tranh cãi với Người. Trong Thánh Kinh đã chứng minh những lời kêu van, không những chẳng phải là điều cấm mà còn gợi lên cho ai thất vọng niềm hy vọng[22]. Đau khổ và gian truân là một phần đời sống của con người, bởi vậy, Đức Kitô, một Thiên Chúa làm người, đã chẳng để mình thoát khỏi điều đó, vì Người muốn “giống như chúng ta trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi”[23]. Do vậy, Người đã để nỗi thất vọng, sự chán nản xảy đến với mình, đến độ trên thập giá Người đã thốt lên: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (x. Mc 15,34). Trong tâm điểm bị bỏ rơi đến tột cùng, Người không để thất vọng chiến thắng, nhưng làm chứng cho niềm tin và hy vọng khi Người thốt lên rằng: “Lạy Cha, Con phó linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46). Đây là chính sự tin tưởng vào chiến thắng cuối cùng của Thiên Chúa trên sự dữ.

Lòng Thương Xót của Thiên Chúa mở ra chân trời mới cho những con người vô tội đang hằng ngày gánh chịu những hậu quả bi đát, khi đặt sự đau thương của bản thân, của cộng đoàn gắn liền với đau thương vô lý mà Người Con Một đã phải mang lấy. Để một khi họ biết đặt trọn niềm tin nơi Người trong mọi hoàn cảnh, dù bi dát thế nào vẫn trung kiên, như Con của Người, thì họ được ban tặng bình an, niềm hạnh phúc giữa giông bão vì họ biết rằng, Thiên Chúa “làm mọi sự trở nên tốt lành cho những ai yêu mến Người” (x. Rm 8,28; Hr 12,5-7,10-11). Hơn thế, họ còn được bảo đảm rằng, một khi Người Con, Đức Ki-tô, xuất hiện, họ sẽ được nên giống như Người, vì Người thế nào, họ sẽ thấy Người như vậy (x. 1Ga 3,2). Sự phục sinh và đời sống viên mãn sẽ nâng tâm trí của những ai chẳng còn niềm hy vọng thấy được hy vọng, tìm được bình an trong chốn hoang mang, và thấy được con đường giữa những bế tắc.

4. Kết luận

Không ít người tín hữu Việt Nam đã hình dung khung cảnh cho cụm từ “De profundisTừ vực thẳm” trong Thánh vịnh 129 là tiếng kêu xuất phát từ luyện ngục; tiếng kêu của người đã chết. Tuy nhiên, tiếng kêu De profundis, phải hiểu theo nghĩa, không hẳn chỉ là tiếng kêu bế tắc của những người chẳng thể làm gì được để vãn hồi tình trạng nơi luyện ngục của mình nhưng còn là tiếng kêu não nuột nhất, thảm thiết nhất của những con người đang sống, đang bị nhấn chìm xuống vực sâu không đáy của cuộc đời. Và ngay trong tình cảnh bi thảm này, họ khẩn cầu điều gì? Cha Timothy Radcliffe đã nói rằng:

Là những kẻ tội lỗi, điều chúng ta mong đợi lúc này không phải là lòng thương xót chỉ biết quên đi những việc chúng ta làm, nhưng là lòng thương xót làm cho lúc này trở thành khoảnh khắc của sự sinh thành mới, một khởi đầu mới.

Theo ý nghĩa này, mọi người nơi “vực thẳm” đều trông đợi lòng thương xót. Vì tình trạng thảm thiết này không chỉ đơn giản là cần được xóa bỏ những vết tích dơ bẩn, nhưng rất cần quyền năng của lòng thương xót để mở ra con đường mới, một con đường đưa con người lên cao, thoát ra khỏi xiềng xích trói buộc và trở thành con người của sự tự do, của sự sung mãn đích thực.

Bởi đó mà bất cứ ai cảm nhận mình được Thiên Chúa xót thương sẽ không rơi vào ngục tù của sự chết. Đây là niềm hy vọng chắc chắn của chúng ta. Một Phêrô chối Chúa và một Giuđa bán Chúa, tội chẳng ai nhẹ hơn ai. Nhưng kết cục thì lại khác nhau. Tin vào lòng thương xót sẽ thay đổi một kết cục bi đát phải xảy ra do những hậu quả của sự dữ. Lòng xót thương đã làm Phêrô bật khóc (x. Lc 22,62), và biến đổi Phêrô thành người dám sống chết vì Thầy. Ngược lại, chối bỏ hay nghi ngờ lòng thương xót của Thiên Chúa, thì một cái kết buồn của Giuđa là điều không tránh khỏi.

Nói tóm lại, Chúa đã nói với chúng ta rằng: “Ngày nào có cái khổ của ngày đó” (x. Mt 6,34). Sự khổ, dưới nhiều hình thức vốn đã gắn liền với cuộc sống thực tại. Trong hành trình nên thánh, người thành công dùng cái khổ làm bậc thang bắc về Trời, còn người thất bại thì để đau khổ dựng lên bức tường ngăn trở hành trình nên thánh. Ước mong, trong con đường tìm về hạnh phúc đích thực, mỗi chúng ta biết để Lòng Thương Xót của Chúa đồng hành. Vì Lòng Thương Xót luôn hiện diện trong chiến thắng của người về đích. Hãy cứ tin rằng: “Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi khi tha thứ, không bao giờ! Chỉ có chính chúng ta mới mệt mỏi khi xin Ngài tha thứ !”[24]

Mẹ Maria đã hiện diện dưới chân thập giá để thông phần đau khổ với Con, vào lúc mà mọi sự xem ra đã đến tột đỉnh của tuyệt vọng. Chỉ nguyên việc Mẹ đứng đó đã trở thành động lực hữu hình cho Con của mẹ đang khó nhọc tiến đến thời khắc “mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19,28): Thời khắc Thiên Chúa hoàn tất lời hứa, là cho Người Con được tôn vinh (x. Ga 13,31. Hy vọng giữa những gian truân của hành trình nên thánh, những người con đang lữ hành của Mẹ cũng sẽ để Mẹ đồng hành. Mẹ sẽ giúp ta tin tưởng hoàn toàn vào Lòng Thương Xót của Chúa, và sẽ cùng ta đi tới thời khắc cuối cùng.


[1] Augustine, Tự Thuật I,1.

[2] Hồng y Nichols đã phát biểu : “Lề luật là một phần không tách rời của lòng thương xót” (x. http://www.catholicherald.co.uk).

[3] Daniel P. Horan, O.F.M, An Instrument of Mercy, https://www.franciscanmedia.org/an-instrument-of-mercy/

[4] Lời nguyện nhập lễ Chúa nhật 27 Thường Niên, Sách lễ Roma.

[5] Domingo García Guillén, “Khuôn mặt hy vọng” trong Thời sự Thần học, số 69 (Tp. HCM: Trung tâm Học vấn Đa Minh), tr. 42.

[6] Domingo García Guillén, sđd., tr. 41.

[7] Bản Toát yếu sách GLHTCG, số 77.

[8] “This path of life is lit up by a higher hope: the hope born of our faith in Christ” trong Address of his holiness pope francis to students in Apostolic journey in Cuba, https://w2.vatican.va/content/francesco/en/speeches
/2015/september/documents/papa-francesco_20150920_cuba-giovani.html

[9] ĐGH Phanxicô, Tông sắc “Dung mạo lòng thương xót”, số 1

[10] Walter Kasper, Lòng thương xót cốt lõi của Tin Mừng và chìa khóa của đời sống Kitô hữu (Hà Nội: Tôn Giáo, 2016), tr.65.

[11] Nghĩa là: Thiên Chúa bày tỏ sự diệu kỳ nơi các thánh, lấy ý từ Tv 67,36: mirabilis Deus in sanctis suis Deus Israhel ipse dabit virtutem et fortitudinem plebi suae benedictus Deus (bản Vulgata).

[12] ĐGH Phanxicô, sđd., số 2.

[13] Walter Kasper, Sđd., tr. 65.

[14] x. GLHTCG, số 211.

[15] St. John Paul II, Homily in Mass in st peter’s square for the canonization of Sr Mary Faustina Kowalska, https://w2.vatican.va/content/john-paul-ii/en/homilies/2000/documents/hf_jp-ii_hom_20000430_faustina.html.

[16] x. Nkm 9,12.

[17] x. Meg Hunter-Kilmer, “Bartolo Longo, một thời là tư tế của quỷ, vậy mà đã làm thánh! Chẳng bao giờ là quá trễ…”, http://daminhvn.net/nhan-dinh/bartolo-longo-mot-thoi-la-tu-te-cua-quy-vay-ma-da-lam-thanh-chang-bao-gio-la-qua-tre-19097.html

[18] x. Richard P.Jonhson, The 12 keys to Spiritual Viality, powerful lessons on living agelessly, 1998.

[19] Hồng y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận, Đường hy vọng, số 7.

[20] Khuyết danh.

[21] Daniel de Reynal, Thần học – Phụng vụ Giờ kinh (Tp. HCM: Học Viện Đa Minh 2017), tr. 79.

[22] Walter Kasper, sđd., tr. 142 – 151.

[23] Gaudium et Spes, số 22.

[24] ĐGH Phanxicô, Bài giảng trong thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta, thứ Sáu, 28.03.2014.

 

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com