[Đến Mà Xem 70] Ra khơi cùng Thánh Phêrô

31-05-2017
Bởi: Nguyễn Hoàng Bảo Có: 0 bình luận 1966 lượt xem

Nguyễn Chí Quốc

Cuộc đời trần thế của thánh Phêrô đã dừng lại, nhưng Giáo hội mà Ngài được đặt làm nền tảng vẫn tiếp tục ra khơi đến những miền đất mới.

Trong Nhóm Mười hai Tông đồ được Chúa Giêsu tuyển chọn, có lẽ thánh Phêrô là một trong những nhân vật được nhắc đến nhiều nhất trong bốn Tin Mừng. Trong đó, hành trình theo Chúa của Ngài được miêu tả khá chi tiết qua những sự kiện trọng đại. Hai dấu ấn lớn trong cuộc đời ngài đều xảy ra sau khi ngài đã bắt cá suốt đêm mà không được gì: một là khi ngài được kêu gọi làm môn đệ cho Chúa (x. Lc 5,1-11), hai là khi ngài được trao cho nhiệm vụ dẫn dắt Giáo hội (x. Ga 21,1-23). Cả hai lần Chúa đều xuất hiện và nói: “Hãy ra khơi thả lưới” và tuyệt nhiên cả hai lần, thánh nhân đều vâng lời mặc dù đã qua một đêm dài đánh bắt vô vọng. Kết quả nằm ngoài mong đợi, cả hai lần ngài đều thu về những mẻ cá to đến nỗi rách cả lưới. Hai sự kiện này không phải là ngẫu nhiên, chúng mang nhiều ý nghĩa soi sáng cho con đường ngài sẽ đi. Hành trình ngài đi bắt đầu với hai bàn tay trắng và qua những chỉ dẫn của Chúa Giêsu trong suốt thời gian đồng hành đã tạo nên một Phêrô bản lĩnh, trung kiên, xứng đáng là cột trụ của Giáo hội. Quả thật, hành trình theo Chúa của thánh Phêrô không chỉ thu về những con cá mà quan trọng nhất đó là những chiếc lưới đầy các linh hồn được nhận lãnh ơn cứu độ. Hành trình đầy hy vọng nhưng cũng không thiếu gian nan thử thách của ngài đáng để chúng ta suy tư về ơn gọi theo Chúa của chính chúng ta.

Thánh Phêrô hay được nhắc đến là Tông đồ cả, vị Giáo hoàng tiên khởi, Người giữ chìa khóa nước trời. Những danh hiệu cao quý đó đáng lẽ phải dành cho những người có học thức, mạnh mẽ, có tài lãnh đạo. Nhưng những gì chúng ta biết về ngài qua các sách Phúc Âm lại có vẻ ngược lại. Tên trước đây của ngài là Simon, một người làm nghề chài lưới và có một người anh em ruột cũng nằm trong Nhóm Mười hai Tông đồ của Chúa là Anrê. Một ngư phủ chài lưới, có lẽ là người khỏe mạnh, vạm vỡ, chất phát, cục nịch và ít biết về sách vở. Simon biết đến Chúa Giêsu đầu tiên qua ông anh Anrê. Ông này đã được gặp và ở lại với Chúa Giêsu, chắc chắn ông đã hiểu phần nào sứ vụ của Chúa Giêsu trên thế gian và cảm thấy có điều gì đó thôi thúc mãnh liệt nên đã giới thiệu cho Simon. Sau đó, hai anh em cùng đến gặp Đức Giêsu và được nhận làm môn đệ cho Người. Đặc biệt, Simon còn được Chúa đặt cho một danh hiệu mới là Phêrô. Cái tên mới tượng trưng cho một con người mới, con người theo Chúa nên sẽ phải từ bỏ những cái cũ, bỏ lại tài sản, gia đình, nghề nghiệp, lối sống cũ. Có thể nói, ơn gọi của Simon xuất phát từ gia đình. Những cảm nghiệm của những người thân trong gia đình đã đưa ông đến gần với Chúa hơn. Chính gia đình là cái nôi nuôi dưỡng ơn gọi tốt nhất cho mỗi người. Sự thánh thiện, đạo đức và sự dạy dỗ, chỉ bảo của ông bà, cha mẹ, anh chị sẽ là tấm gương sáng về lòng mến Chúa, để rồi từ đó, hạt mầm ơn gọi sẽ được nảy nở và lớn dần theo năm tháng. Có một chi tiết khá thú vị: lần đầu tiên Phêrô được đưa đến gặp Chúa Giêsu, thì chính Chúa là người ngỏ lời trước, chứ không phải Phêrô hay người giới thiệu là Anrê lên tiếng trước. Điều này cho ta thấy ơn gọi khởi đi từ quyền năng và tình yêu Đức Kitô, chính Người kêu gọi mỗi người, mời gọi họ quảng đại hiến dâng đời sống của mình để đi theo ngài, sống theo các lời khuyên Tin Mừng mà ngài đã truyền dạy khi đi rao giảng Nước Chúa. Như vậy, ơn gọi của mỗi người xuất phát từ tình yêu Thiên Chúa và gia đình là cái nôi nuôi nấng ơn gọi đó.Mặc dù đã đi theo Chúa nhưng đức tin của Phêrô vẫn chưa được chín muồi. Trong sự kiện Chúa đi trên mặt biển và truyền cho Phêrô cũng đi trên mặt biển, ban đầu niềm tin của ông rất mạnh mẽ, dám bước ra khỏi thuyền, nhưng đi được vài bước, thấy biển gào sóng vỗ, ông hốt hoảng, mất hết niềm tin, và bị chìm xuống. May mắn là ông đã được Chúa ra tay cứu lấy. Người môn đệ theo Chúa, dù có được chứng kiến nhiều sự lạ lùng biểu lộ quyền năng của Chúa, vẫn có những lúc nghi ngờ, hoang mang về Chúa. Những lúc như vậy, chỉ cần một cơn gió thoảng hay một gợn sóng nhỏ cũng đủ để người ta quỵ ngã. Niềm tin phải được chứng thực qua hành động. Ta không thể nói ta tin vào Thiên Chúa nhưng ta không dám thực hiện như lời Chúa dạy, điều này làm cho ta trở nên không xứng đáng làm con Chúa chứ đừng nói gì là người môn đệ trung thành theo Chúa.

Khi nhiều người đã không theo mình nữa, Chúa Giêsu liền hỏi các môn đệ có muốn bỏ đi hay không, Simon liền đáp: “Bỏ thầy con biết theo ai? Thầy mới có lời ban sự sống đời đời” (Mt 6, 68). Đến lúc này, Phêrô đã xác quyết được niềm tin của mình. Sau những biến cố phi thường được tận mắt chứng kiến khi đi theo Chúa, ông đã nhận ra giá trị đích thực của việc theo Chúa. Đồng hành cùng Chúa không phải là để tìm kiếm của cải, địa vị trong xã hội, cũng không phải chỉ để chứng kiến các sự lạ trên đời, nhưng là để có được sự sống đời đời trong Nước Chúa. Đây mới chính là hạnh phúc đích thực mà trong sâu thẳm mỗi người luôn hướng đến.

Sau một thời gian theo Chúa, một lần nữa các môn đệ buộc phải có câu trả lời cho những chất vấn về đức tin mà Chúa đưa ra. Người hỏi các ông “Anh em bảo thầy là ai.” Lần này, thánh Phêrô lên tiếng một cách nhanh chóng và quả quyết: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 16). Thánh nhân thể hiện một đức tin mạnh mẽ cần có của người đi theo Chúa và phần thưởng cho ông Phêrô là quyền tháo cởi và cầm buộc cả trên trời cùng dưới đất. Quyền năng đó được ví như viên đá vững bền, không một quyền lực nào có thể thắng nổi. Quả thật, những người xác quyết đi theo Chúa và dám mạnh dạn tuyên xưng đức tin sẽ được Chúa gìn giữ và ban sức mạnh để chiến đấu với mọi kẻ thù, nhằm làm rạng danh nước Chúa trên khắp hoàn cầu. Nhưng ngay sau lời tuyên xưng mạnh mẽ đó, Simon lại tỏ ra là người sợ đau khổ nên đã can ngăn Chúa khi Người loan báo về cuộc khổ nạn sắp tới. Như thế, ta mới thấy được người môn đệ theo Chúa luôn cần phải được rèn luyện không ngừng thì mới xứng đáng lãnh nhận những gì Chúa đã hứa ban.
Trên hành trình theo Chúa, thánh Phêrô còn được chứng kiến nhiều phép lạ như việc Chúa cho đứa con gái ông trưởng hội đường sống lại, việc Chúa hiển dung trên núi cao cùng với Môsê và Êlia… Qua mỗi sự kiện, Chúa lại củng cố niềm tin cho thánh nhân để khi Chúa không còn hiện diện hữu hình trên trần gian, thánh nhân sẽ mạnh dạn tuyên xưng đức tin và rao truyền niềm tin ấy cho mọi người ở khắp mọi nơi. Ơn gọi của mỗi người cũng được Chúa tỏ bày qua cách này cách nọ hoặc cũng có thể qua những thành công hay thất bại trong cuộc sống để qua mỗi biến cố, niềm tin của ta vào ơn gọi đó càng được phát triển và đến khi đủ lớn mạnh, ta sẽ quyết bước theo Chúa theo con đường Chúa đã đặt ra cho mỗi người.

Phêrô là người có đức tin nhưng vẫn chưa hiểu hết những việc Chúa làm cũng như những đau khổ mình sẽ chịu nên rất quả quyết khi nói: “Con sẽ thí mạng con vì Thầy” (Ga 13, 37). Nhưng trên ai hết, Chúa Giêsu vừa là Chúa vừa là người Thầy của ông nên rất hiểu rõ bản tính yếu đuối của Phêrô. Vì vậy, Người đã căn dặn ông: “gà chưa gáy, anh đã chối thầy ba lần”. Quả vậy, với thân phận con người yếu đuối mỏng giòn, ngài đã có những hành động sai lầm trong con đường theo Chúa mà nặng nề nhất là việc ba lần chối Chúa trong một đêm, cho dù chỉ phải đối diện với những đầy tớ nhỏ mọn. May mắn thay, sau khi tiếng gà gáy cất lên, thánh nhân đã bừng tỉnh và ra sức ăn năn hối lỗi. Phêrô là người hay phạm lỗi lầm nhưng trên hết ngài luôn biết nhận ra sai phạm và ăn năn. Trên con đường theo Chúa, không ai không mắc sai lầm nhưng qua những sai lầm đó ta biết nhận ra thân phận yếu đuối của con người mà ăn năn đền tội để sửa đổi và quyết đi theo con đường Chúa đã đi hầu trở thành môn đệ đích thực của ngài.

Sau khi Chúa Giêsu sống lại, trong lúc các môn đệ đã trải qua một đêm dài đánh bắt cá mà không được gì cả. Người nói các ông: “Hãy ra khơi thả lưới”. Cho dù các ông chưa nhận ra Người, nhưng vẫn nghe theo với hy vọng sẽ thu về ít cá sau một đêm dài vất vả mà công cốc. Khi lưới đầy cá thì cũng là lúc các môn đệ nhận ra Chúa. Sau đó, họ cùng ăn uống với Người và riêng Simon Phêrô được Chúa chất vấn. Ông được Chúa hỏi ba lần với cùng một câu hỏi: “Con có yêu mến Thầy không?”. Ba câu hỏi giống nhau cho ta một liên tưởng đến ba lần chối Chúa của Phêrô, nhưng ta nên hiểu đó không phải là câu hỏi dành cho người tội lỗi hay là để nhắc lại lỗi lầm xưa, nhưng đây là ba câu hỏi của tình yêu, ba câu hỏi xuất phát từ trái tim và ba câu trả lời được nhận lại cũng chắc chắn là thật lòng, tận tâm. Giống như trong tình yêu đôi lứa, người con gái hay hỏi người con trai: “Anh có yêu em không?”. Mặc dù đã biết chắc chắn câu trả lời là: “có” nhưng người con gái vẫn cứ muốn hỏi đi hỏi lại để người con trai được thể hiện tình yêu của mình. Trong tình huống này cũng vậy, Chúa Giêsu biết câu trả lời nhưng vẫn muốn hỏi và sau đó là trao cho Phêrô sứ vụ chăm sóc đoàn chiên của Chúa để nhấn mạnh với thánh nhân rằng nhiệm vụ Chúa trao phó cho ngài xuất phát từ tình yêu thực sự của Chúa dành cho ngài và ngài nhận trách nhiệm đó cũng vì tình yêu Đức Kitô.

Sau khi giao cho thánh Phêrô quyền bính để cai quản Giáo hội thời sơ khai, Chúa Giêsu còn tiên báo cho ngài những đau khổ, thử thách sẽ phải chịu. Nhưng với sức mạnh của Thần khí, ngài đã can đảm hoàn thành nhiệm vụ, điều khiển cộng đoàn thời sơ khai. Một số công việc tiêu biểu liên quan đến quyền bính của Phêrô được nhắc đến trong Công Vụ Tông đồ. Thánh Phêrô chủ toạ việc bốc thăm bầu chọn một môn đệ làm Tông đồ thay cho Giuđa – kẻ đã phản bội. Sau đó, thánh nhân đã thực hiện những bài giảng trước công chúng và kết quả là thu về cho Chúa những mẻ lưới: ba ngàn rồi năm ngàn người đầu tiên theo Chúa. Không chỉ đảm nhận việc rao giảng Tin Mừng cho quê hương mà ngài còn mạnh dạn lên đường đến những miền đất bên ngoài Palestina, như Antiôkia, Rôma để xây dựng Giáo hội cho những người dân ngoại. Nhiều lần bị bắt nhưng được giải thoát kỳ diệu, những tưởng ngài đã hoàn toàn vâng phục ý Chúa nhưng khi cuộc bắt hại tại Rôma xảy ra, Phêrô đã lẳng lặng bỏ đi, nhưng một lần nữa ngài được Chúa nhắc nhở qua việc gặp gỡ tại của thành Rôma. Phêrô đã hỏi Chúa: “Thầy đi đâu?” và được Chúa trả lời rằng: “Ta vào Rôma để chịu chết một lần nữa”. Lần này, ngài đã can đảm lãnh nhận triều thiên tử đạo. Đến những giờ phút cuối cùng của cuộc đời, thánh nhân vẫn thấy mình không xứng đáng được chết giống với cách thức Chúa chịu chết nên đã xin được đóng đinh ngược.

Cuộc đời trần thế của thánh Phêrô đã dừng lại, nhưng Giáo hội mà ngài được đặt làm nền tảng vẫn tiếp tục ra khơi đến những miền đất mới. Chính nền móng đức tin vững chắc mà ngài để lại đã giúp cho Giáo hội được phát triển như ngày nay và trong tương lai sẽ còn phát triển hơn nữa. Từ một ngư phủ chài lưới nhanh nhảu, bộc trực, nhưng sợ gian khổ, đôi khi nói mà không suy nghĩ, Chúa đã biến đổi thánh nhân thành một con người yêu Chúa, yêu Giáo hội hết mực để rồi ngài đã mạnh mẽ tuyên xưng và rao truyền đức tin cho đồng bào và cả những người ngoại quốc. Cả một hành trình theo Chúa của ngài để lại cho ta nhiều cảm nghiệm về ơn gọi theo Chúa của chính mình. Trên con đường ấy, có những bỡ ngỡ thuở ban đầu, có những sai lầm mà có khi đến cuối đời vẫn còn sai phạm, nhưng trên hết là tình yêu Thiên Chúa dành cho ta và tình yêu mà ta đáp trả lại cho ngài. Để từ đó, dù ra khơi với muôn vàn khó khăn thử thách, ta vẫn dám vững tay lái lướt qua biển đời với niềm hy vọng về một ngày mai tươi sáng của Giáo hội, của Nước Chúa.

Từ khóa: , , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com