[Đến Mà Xem 70] Ra đi loan báo Tin Mừng

08-06-2017
Bởi: Nguyễn Hoàng Bảo Có: 0 bình luận 1711 lượt xem

Ngô Xuân Hùng

“Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép, cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này!” (Lc 10, 3 – 5)”

Khi nói đến việc tin và bước theo Chúa Kitô, linh mục nhạc sĩ Thành Tâm đã gởi gắm tâm tình của mình vào nhạc phẩm “Theo Chúa” để diễn tả lại cảm nhận của bản thân về con đường ơn gọi. Tâm tình trong nhạc phẩm như sau:

Này Chúa hỡi, con nguyện xin yêu Chúa chẳng khi ngơi
Dù gian truân, con nguyện xin theo Chúa suốt đường đời!
Dù có lúc, tâm hồn con xao xuyến cay đắng nhiều,
Thì trung kiên, con nguyện xin theo Chúa không rời!
Con xin theo Chúa đến giây phút cuối cuộc đời,
Để đáp ân tình Ngài thương ban cho từ lâu!
Con xin tha thiết thốt lên một lần nữa
Là: con quyết luôn theo Ngài.

Phong thái của người lên đường đi theo Chúa Kitô trong nhạc phẩm xem ra đầy hứng khởi, kiên quyết và hào hùng. Người theo Chúa vẫn ý thức mình phải đối diện với nhiều gian nan thử thách, mọi cám dỗ đời thường, nhưng vẫn không chùn bước, không so đo tính toán, vì theo Chúa chính là đáp lại tình yêu tuyệt hảo của Thiên Chúa, là mở rộng trái tim với con người, và hoàn thành ý nghĩa đời mình. Đối diện với thực tế của hành trình theo Chúa trong hiện tại, tôi có thực sự phấn chấn và hiên ngang như thế không? Đoạn Tin Mừng Lc 10, 3-5 tường thuật việc Chúa Giêsu sai 72 môn đệ lên đường loan báo Tin Mừng để dọn đường cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Chúa. Trình thuật này cũng là lời mời gọi đang mở ra cho chúng ta, những người đi theo Chúa trong ơn gọi tu trì, hướng đến hành trình sống đời dâng hiến và thi hành sứ vụ đem Tin Mừng ân sủng của Chúa đến với muôn dân.

     Đức Giêsu vào lúc sai các môn đệ ra đi, đã báo trước cho các ông một viễn tượng đầy gian nguy: “này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói”! Các môn đệ phải là những chiên con hiền lành, khiêm nhường và đơn sơ, nhưng phải dấn thân đi vào giữa bầy sói dữ nơi thế gian, đó là một thách đố quá lớn lao! Tuy nhiên, khi đưa ra sự đối lập giữa hai đối tượng “chiên” và “sói”, Chúa khích lệ các môn đệ thực hành bí quyết về sự cảm hóa theo Tin Mừng, là lấy sự lành để cảm hóa sự dữ. Để thắng vượt các sự dữ và điều ác nơi thân phận con người và trong thế gian, chúng ta không dùng đến gươm giáo, gậy gộc, hay bạo lực của thế tục, nhưng sức mạnh nâng đỡ chúng ta là những lời tạ ơn và ca tụng Thiên Chúa, là tinh thần phó thác cho sự quan phòng của Thiên Chúa, là chính sự dịu hiền và sức mạnh do Thiên Chúa ban cho chúng ta: “Chúa cho miệng con thơ trẻ nhỏ, cất tiếng ngợi khen chống lại địch thù, khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan” (Tv 8, 3).

Với thời đại hôm nay, “sói dữ” mà ta gặp trên hành trình ơn gọi cũng có thể hiểu ở ba khía cạnh hay còn gọi là ba thù: ma quỷ, xác thịt và thế gian. Đó có thể là những thế lực chống đối chúng ta, là những cám dỗ về tiền tài danh vọng hay là sự giằng co trong chính con người yếu hèn với những lời mời gọi ngọt ngào của sự hưởng thụ trần gian… Ma quỷ thì luôn tìm đủ mọi cách để cám dỗ ta bỏ dở cuộc hành trình của mình, để gắn bó với những phù phiếm, những hạnh phúc giả tạo mà quên đi lý tưởng của cuộc đời. Chúng ta hay bị cám dỗ chạy theo những đòi hỏi của tính đam mê xác thịt mà quay cuồng với tình và đắm say với tiền. Tất cả những thứ đó như “sói dữ” cắn xé tâm hồn khiến chúng ta đau đớn, sợ hãi, chán nản và muốn bỏ cuộc. Vậy làm sao chúng ta có thể vượt những rào cản để bước chân khai lối sứ vụ?

     Chúa muốn các môn đệ lên đường với một sự thanh thoát triệt để: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép”…. Xét theo lẽ tự nhiên, lời đề nghị của Chúa dường như không thực tế và có vẻ thái quá. Thời đại ngày hôm nay, người ta nghĩ khi đi ra ngoài là phải mang tiền trong túi, để chắc chắn đáp ứng cho những nhu cầu cần thiết như: ăn, uống, tương giao, giải trí, giải quyết những sự cố bất trắc, v.v.. Đấy được xem là “sự tiên liệu”, tinh thần “tự lập” và “trách nhiệm”. Giày dép cũng là vật dụng tối thiểu để bảo vệ người đi đường khi họ phải vượt qua nhiều hành trình đường xa, nhiều chông gai, sỏi đá, thác ghềnh và những chướng ngại khác. Vượt lên trên tất cả những suy nghĩ đời thường, Chúa Giêsu mong muốn các môn đệ khi lên đường thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng, phải hoàn toàn tự do để thoát khỏi những ràng buộc thế giới vật chất, thoát khỏi những ràng buộc với những mưu toan sinh tồn. Họ phải lên đường với hành trang trọng yếu, là Tin Mừng, là tình yêu, niềm tin và hy vọng. Còn những việc khác, chính Chúa sẽ quan phòng sắp xếp một cách tuyệt tài để các môn đệ có thể toàn tâm toàn ý lo việc đem Tin Mừng cho muôn dân. Có như thế, hành trình loan báo Tin Mừng mới có thể vươn xa, tiến nhanh và bền lâu được.

Và thêm một đòi hỏi khó hiểu khác đối với các môn đệ: “đừng chào hỏi ai dọc đường”. Phải chăng Chúa lại muốn cho các môn đệ trở nên những con người bàng quan, vô cảm và bất cần đến sự hiện diện của tha nhân mình gặp trên đường đi? Có gì nghịch lý so với nhân cách cần có của các tu sĩ? Thực ra, các môn đệ Chúa Giêsu luôn phải đặt sứ vụ phục vụ Tin Mừng cho muôn người lên hàng đầu. Vì thế, tất cả những cuộc gặp gỡ trong hành trình của người môn đệ, đều phải được thực hiện trong tình thần lắng nghe, chia sẻ, hoán cải và thăng tiến con người theo ánh sáng Tin Mừng. Các môn đệ gặp gỡ để trao gửi sức sống và niềm vui Tin Mừng cho tha nhân, chứ không phải để trò chuyện bông đùa, dông dài, nhất là những câu chuyện làm cho người ta bị xáo trộn trong những tư tưởng phù phiếm, trần tục, xa rời tình thương cứu độ của Thiên Chúa. Chính vì cuộc lên đường đòi buộc các môn để phải sống tự do với thế gian và ý thức trách nhiệm đối với sứ mạng phục vụ Lời Chúa, nên đây là một hành trình đầy thách đố và mạo hiểm đối với những người sẵn sàng dấn thân. Bài hát “Lên Đường cùng Người” của nhạc sĩ Lê Đức Hùng có viết “lên đường, lên đường, cùng Người lội dòng nước ngược…” cho ta thấy nỗi gian truân của con người trên đường truyền giáo. Lội dòng nước đã gian nan nay lại còn lội dòng nước ngược. Đã lội ngược dòng lại còn lỉnh kỉnh hành trang thì khó mà lội tới đích được.

Lời mời gọi và lệnh truyền “Hãy ra đi” của Chúa Giêsu vẫn luôn là thách đố cho mọi thế hệ môn đệ của Người. Dẫu biết rằng hành trình phía trước thì mịt mù, đường xa gập ghềnh sỏi đá và có thú dữ bủa vây, nhưng người được sai đi vẫn can đảm lên đường với một thái độ “” và “liều”. Có lì và có liều thì chúng ta mới dám bước đi về phía trước dẫu biết phía trước là đêm đen, là mưa sa hay bão tố bập bùng. Nhưng ta hãy ra đi và xác tín là chúng ta không đi một mình vì có Chúa luôn đi cùng chúng ta trên mọi nẻo đường, sức mạnh và ơn phúc của Chúa luôn “đủ cho con”, để luôn trợ lực cho chúng ta giúp chúng ta vượt mọi nguy khó. Mặt khác, chúng ta còn có sự đồng hành, sự tương trợ giữa mỗi cá nhân với những người anh em cùng chung mục đích, cùng chung lý tưởng loan báo và sống chứng nhân Tin Mừng. Đó là lý do tại sao Chúa lại sai các Tông đồ đi “từng hai người một”.

“hãy nói: bình an cho nhà này”. Bình an luôn là ân phúc vô giá mà mọi người, trong mọi hoàn cảnh, đều khát khao đạt được. Chúng ta biết rằng thế giới ngày nay vẫn đang thiếu bóng dáng của sự bình an. Không chỉ những người nghèo khổ, những người ốm đau bệnh tật, những cô nhi quả phụ, những người bị gạt bên lề xã hội, mà ngay cả những đại gia tiền tỷ, những nhà lãnh đạo sống trong những ngôi biệt thự sang trọng cũng thiếu bình an đích thực. Tiền tài danh vọng cũng chỉ mang lại một sự bình an giả tạo. Sự bình an của Chúa vẫn là “báu vật” mà mọi người ước ao và miệt mài tìm kiếm trên hành trình dương gian. Vì thế nhiệm vụ của người ra đi loan báo Tin Mừng là mang bình an của Chúa, bình an đích thực đến với những người sống trên mảnh đất mà mình hiện diện, những con người mà mình gặp trên đường đi. Do vậy, chúng ta cần có bình an của Chúa qua việc sống gắn bó mật thiết với Người, hoà mình vào sự bình an sâu thẳm và vô tận của Người, để từ đó có thể trao tặng bình an của Người cho anh chị em của mình.

Là người đi theo Chúa trong ơn gọi Đa Minh, từng bước tham dự vào đời sống và linh đạo của những Anh Em Giảng Thuyết lữ hành, chúng ta cũng được mời gọi “lên đường” theo như khẩu hiệu năm thánh mừng kỉ niệm 800 năm thành lập Dòng “hãy đi và rao giảng”. Theo sự thúc đẩy từ đặc sủng của Dòng, với niềm hăng say dấn thân cho sứ vụ gieo hạt giống Tin Mừng, chúng ta hãy chuẩn bị để sẵn sàng lên đường theo cách thức hiện tại của đời thỉnh sinh, hướng tầm mắt tới những biên cương của sứ vụ trong tương lai đời tu của mỗi chúng ta, qua những việc bổn phận hiện tại, như học hành và trau dồi nhân cách đạo đức thích hợp cho sứ vụ, qua những bận tâm về những vấn đề của con người ngày nay trong đất nước và trên thế giới. Chúng ta sống nhiệt tình trong tất cả những phương diện khác nhau của đời thỉnh sinh, trong ước nguyện và niềm xác tín rằng chính Chúa đang và sẽ dùng chúng ta như “khí cụ bình an”, khởi đầu là cho những anh em xung quanh, rồi tiếp đến là cho anh chị em trong một môi trường rộng lớn hơn, thậm chí trong tương lai sẽ hướng đến toàn thế giới theo hoàn cảnh riêng của mỗi người trong chúng ta. Đúng thế, “đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo bình an, những người loan báo Tin Mừng !” (Rm 10,15).

Từ khóa: , , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com