[Đến Mà Xem 70] Nỗi niềm của cha

27-05-2017
Bởi: Nguyễn Hoàng Bảo Có: 0 bình luận 2144 lượt xem

Nguyễn Ngọc Thạch

Hãy lên đường, hãy tiếp tục cuộc hành trình mà chính con đã bắt đầu, đừng lo lắng nhưng hãy luôn hy vọng những điều tốt đẹp nhất sẽ đến.

Nó đi tu cũng được gần ba năm rồi.

Ba năm đối với nó không biết thế nào, nhưng với tôi đó lại là ba năm của suy tư. Bắt đầu từ ngày nó bảo nó sắp đi thi vào Dòng, tôi khá bất ngờ bởi lâu nay không thấy nó nhắc gì đến việc đi tu. Tôi chẳng nói gì ngoài chữ “ừ”, nhưng chữ đó lại chất chứa biết bao niềm vui. Đứa con tôi đặt nhiều hy vọng nhất, đứa luôn vâng lời, luôn làm tôi hài lòng lần này cũng đã không làm tôi thất vọng. Ước mơ đi tu là ước mơ từ thời còn nhỏ của nó và mong ước mấy đứa con của tôi đi tu là mong ước của tôi từ khi chúng ra đời. Tôi nhớ là không ít lần tôi nói nửa đùa nửa thật với chúng rằng nếu đứa nào đi tu thì tôi lo hết trái lại đứa nào cưới vợ, lấy chồng thì tự mà lo lấy. Nhà có ba đứa con, đứa con cả thì học xong không màng gì tới đi tu, học xong muốn đi làm nhưng nộp đơn này, đơn nọ mà không có công ty nào nhận đành về lao động chân tay. Khá thất vọng nhưng biết làm sao bây giờ, đành tự an ủi rằng biết bao người học xong không kiếm được việc đó thôi.

Nó là đứa thắp lên ngọn lửa hy vọng trong tôi, niềm hy vọng mà đứa con cả đã vô tình dập tắt. Nghe tin nó đậu vào Dòng Đa Minh, không biết nó vui như thế nào nhưng tôi chắc chắn rằng tôi phải vui gấp mấy lần nó. Tôi vui vì Chúa gọi và chọn con tôi trong vô vàn người, vui vì từ nay nó sẽ đi tu, vui vì mong ước của mình phần nào được thực hiện. Một giáo xứ khá lớn mà ơn gọi lại hiếm, một giáo xứ mà người ta yêu mến, coi trọng người đi tu thì cha mẹ nào mà chẳng muốn con mình đi tu. Là cha, là mẹ ai mà chẳng mong muốn cho con mình những điều tốt đẹp nhất. Tôi cũng vậy, tôi luôn ước mong cho con cái trở thành cha, thành sơ, thành thầy vì trong tôi những vị ấy là những hình mẫu lí tưởng, là những người giỏi giang, đạo đức, thánh thiện, hiền lành, được yêu mến, tôn trọng… Con mình mà được như thế thì không chỉ vinh dự cho chúng mà mình còn được thơm lây. Nói thế thì người ta lại bảo mình hám danh hám lợi nhưng thực sự là vậy.

Niềm vui, niềm hãnh diện ban đầu đó trong tôi dường như không bền, thay vào đó là tình thương, nỗi nhớ của tôi dành cho nó. Năm đầu tiên nó vào Thỉnh viện, tôi nhớ và lo cho nó nhiều lắm. Hằng ngày, vô vàn câu hỏi cứ trào dâng trong tâm trí tôi rằng liệu nó có khỏe không, liệu một đứa từ nhỏ không xa gia đình có thể sống được trong môi trường cộng đoàn không, liệu với con người có phần nóng tính như nó có thể thay đổi và sống hòa đồng với mọi người hay không… Nỗi nhớ, nỗi lo đó phần nào được xoa dịu khi hằng tuần nó vẫn gọi điện về và bảo là mọi việc vẫn ổn. Những nỗi niềm đó cứ tiếp diễn cho đến khi nó báo tin nó thi đậu và chuẩn bị vào nhà Tập. Niềm vui đôi bên vỡ òa. Thế là những cố gắng của nó cũng được đền đáp và đồng thời mong ước của tôi phần nào được thực hiện. Thế nhưng, khoảng thời gian nó vào nhà Tập cũng chính là khoảng thời gian tôi trăn trở đêm ngày. Tôi nhận ra một điều là tôi sắp “mất” nó. Tôi không còn nghĩ đến những vinh dự mình sẽ nhận được khi nó đi tu, nhưng tôi nghĩ nhiều hơn về những mất mát. Tôi bắt đầu tiếc nuối về việc khuyến khích và đồng ý cho nó đi tu. Tương lai của tôi sẽ ra sao nếu không có nó? Trong ba đứa con, nó là đứa nổi bật nhất, là đứa thông minh, khỏe mạnh, ngoan hiền, là đứa luôn khiến tôi hài lòng. Một đứa như thế đáng lẽ tôi phải cho ở nhà kiếm tiền, lấy vợ, phụng dưỡng tôi chứ. Nuôi dưỡng nó, cho nó ăn học gần nửa đời người mà giờ nó chưa trả được gì lại để cho nó đi tu. Vinh dự chưa thấy lại thấy toàn là mất mát. Chân tôi bắt đầu đau trở lại, cứ đến lúc thời tiết giao mùa là cái chân lại đau ê ẩm, đến việc đi lại còn khó nói gì đến đi làm. Vợ thì gầy yếu chỉ ở nhà chăm mấy con gà, con heo; con trai cả thì không tìm được việc, đi làm lặt vặt, tiền kiếm đủ nuôi lấy thân đã là mừng rồi, đứa con gái út thì còn đang học cấp ba. Nhà chỉ có mấy sào ruộng, mỗi mùa thu hoạch chỉ để ăn chứ không có bán. Cho nên, ngoài thời gian làm đồng tôi phải đi làm thợ hồ để nuôi cả gia đình. Những ngày tôi còn đi làm được thì nhà còn có cái mà ăn, còn những lúc chân đau trở lại thì trên mâm cơm chỉ toàn rau là rau. Đứa con cả học xong đại học là nhờ vào tiền vay vốn ngân hàng lãi suất thấp, chứ tôi kiếm đâu ra tiền cho hai đứa học cùng một lúc, có trả thì trả lúc bán được con heo, con nghé, lúc xã đền bù cho miếng đất ruộng xã lấy dùng vào việc công. Cuộc sống thiếu thốn giờ lại thiếu luôn “nó”. Thiếu gì thì có thể mua lấy được nhưng thiếu nó tôi biết lấy gì mà mua đây? Chỉ vài tháng nữa là nó hoàn thành một năm sống trong nhà Tập và sẽ được khấn tạm, điều đó cũng đồng nghĩa với việc tôi dần “mất” nó, tôi dần để nó “bỏ” tôi để bước theo Chúa. Tôi chưa lúc nào thấy mình yếu đuối và thiếu kiên định như lúc này. Một phần hãnh diện nhưng phần còn lại là cảm giác mất mát, tiếc nuối. Đi tu là ước mơ của nó và cũng là mong muốn của mình đối với nó mà, sao giờ mình lại thế này. Có vài dịp tôi được tham dự lễ khấn dòng cũng như lễ truyền chức, vị linh mục chủ tế thường nhắc đến trong bài giảng việc ông Ápraham hiến tế đứa con duy nhất cho Chúa như minh chứng cho việc can đảm dâng con cho Chúa của các bậc cha mẹ có con đi tu. Lần đó tôi chưa hiểu hết ý nghĩa của bài giảng, nhưng bây giờ thì tôi đã rõ. Con mình là do Chúa ban, giờ Chúa muốn thì Chúa có quyền lấy đi. Ý nghĩ đó giúp tôi kiên vững hơn mà để nó ra đi với hy vọng Chúa sẽ nâng đỡ, gìn giữ nó. Mình có mạnh đến đâu cũng không thể giữ nó lại một khi Chúa đã muốn nó thực hiện điều Ngài muốn.

Những nỗi lòng thầm kín trên phần nào nói lên tâm tư của một người cha trong vô vàn người cha có con đi tu. Thật khó đoán được những phản ứng của nó nếu nó đọc được những điều trên, chỉ mong rằng nếu nó có đọc thì ghi nhớ những điều dưới đây, rằng: “Con à, cha thương con nhiều lắm, cha đã cố gắng hết mình trong việc nuôi nấng, dạy dỗ con. Dù không cho con cuộc sống vật chất đầy đủ như bao người giàu có khác, nhưng tình thương mà cha dành cho con là vô tận. Con cứ yên tâm, vững chí trên con đường con đã chọn, cha mẹ ở nhà vẫn mạnh khỏe, đừng lo lắng gì cho cha mẹ, có chăng thì cầu nguyện cho cha mẹ là được rồi. Con đừng nghĩ đến những bổn phận con phải thực hiện cho cha mẹ khi cha mẹ về già, thay vào đó là chu toàn bổn phận mình đối với Chúa. Cha tin rằng, cha mẹ dâng con cho Chúa thì chắc chắn Chúa sẽ lo cho cha mẹ. Con đã quyết theo con đường ơn gọi tận hiến, con hãy bỏ lại phía sau những hành trang không cần thiết kẻo nó làm con mệt sức, làm con quỵ ngã. Biết rằng tình phụ tử, mẫu tử là thiêng liêng, cao quý nhưng con đừng quá bận tâm, cầu nguyện cho cha mẹ là được rồi. Dẫu tiền tài, quyền lực, danh vọng có sức lôi cuốn mãnh liệt nhưng khi con đã chọn con đường tu trì, con hãy quyết tâm xa lánh nó càng xa càng tốt, hãy xa lánh nó. Thêm nữa, cha nghĩ thứ ảnh hưởng đến không chỉ con mà còn ảnh hưởng hết thảy những ai theo Chúa đó là những ước muốn vào những lúc cô đơn trong đời tu, là những lúc bản năng làm cha, làm mẹ nổi lên, là lúc nghĩ đến tương lai không con cái… Những lúc đó con hãy kiên định, hãy để Chúa thống trị tư tưởng, tâm hồn và thân xác con, hãy hết lòng trông cậy và hãy luôn đặt niềm hy vọng vào sự quan phòng của Ngài. Hãy lên đường, hãy tiếp tục cuộc hành trình mà chính con đã bắt đầu, đừng lo lắng nhưng hãy luôn hy vọng những điều tốt đẹp nhất sẽ đến. Cha tin rằng, Chúa đã gọi con đi theo Ngài thì chắc chắn Ngài sẽ gìn giữ, quan phòng và đồng hành với con. Đừng bao giờ đánh mất niềm hy vọng con nhé! Cha sẽ luôn cầu nguyện cho con, cha sẽ nguyện xin thánh phụ Đa Minh, Mẹ Maria cầu bầu cùng Chúa nhậm lời cha ước nguyện”.

Từ khóa: , , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com