Nguyễn Hoàng Bảo
Cuộc lên đường của mỗi người là một cuộc lên đường với Đức Kitô và vì Đức Kitô.
Cuộc đời là một cuộc hành trình dài với nhiều lối đi riêng. Và dĩ nhiên, cuộc hành trình đó luôn đòi hỏi mỗi người phải biết dấn thân lên đường. Tuy có những xuất phát điểm khác nhau, thế nhưng, đối với một Kitô hữu, những cuộc lên đường đều có một nét tương đồng với nhau. Bởi lẽ, đó là một cuộc lên đường với Đức Kitô và vì Đức Kitô. Và một lần nữa, chúng ta cùng lần về bước chân của hai cuộc lên đường mang ý nghĩa đó: cuộc lên đường của Đức Maria và cuộc lên đường của Cha Thánh Đa Minh.
Cuộc thăm viếng hồng phúc
“Thứ hai thì ngẫm: Đức Bà đi viếng Bà Thánh Isave. Ta hãy xin cho được lòng yêu người”.
Có lẽ, đây là cuộc lên đường thăm viếng được nhắc nhiều trong năm Phụng vụ cũng như trong lời kinh Mân côi mà hằng ngày chúng ta vẫn thường đọc. Không mang tính lịch sử và thời đại như cuộc lên đường của Ápraham, cuộc lên đường của Đức Mẹ chỉ là một cuộc thăm viếng đơn giản và âm thầm tại “một thành xứ Giuđa miền sơn cước” – một nơi được nhắc đến không mấy gì nổi tiếng. Tuy nhiên, cuộc lên đường đó lại mang nhiều ý nghĩa to lớn trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
Nhìn lại toàn cục, cuộc lên đường của Đức Mẹ được diễn ra ngay sau ngày Đức Mẹ được sứ thần truyền tin. Như vậy ta thấy, tiền đề của cuộc lên đường viếng thăm phần nào liên quan đến những lời truyền tin đó. Thật thế, theo như lời sứ thần báo, Đức Maria sẽ thụ thai Con Thiên Chúa, và người Con đó sẽ được gọi là Giêsu, nghĩa là Đấng Cứu Thế. Và trước sự ngỡ ngàng của Đức Maria, sứ thần cũng cho hay rằng người họ hàng với Mẹ là bà Isave cũng đang mang thai sáu tháng ở độ tuổi được xem là không thể. Vậy, có điều gì ở giữa hai sự việc này? Lời tiên báo của sứ thần như một lời gợi mở và thúc bách cho cuộc lên đường của Đức Maria. Mẹ đã tin và với niềm hy vọng mãnh liệt về sự Giáng thế của Con Thiên Chúa, Mẹ đã “đon đả ra đi” trong suốt mấy tháng trời. Như thế, cuộc lên đường của Đức Mẹ được xem như là một sự xác nhận về lời tuyên bố của sứ thần rằng: “Với Thiên Chúa, nào có gì là không thể!”
Cuộc lên đường của Đức Mẹ kết thúc sau lời chào của bà Isave: “Em có phúc hơn mọi người nữ và hoa quả lòng em thật đáng chúc tụng”. Ấy vậy, không phải tự nhiên mà bà Isave có thể thốt lên những lời đẹp đẽ như thế nếu không phải là nhờ Thánh Thần của Thiên Chúa và lời tiên báo của người con trong lòng bà. Thật vậy, thánh Gioan đã thực thi sứ vụ tiền hô của mình bằng chính sự vui mừng nhảy lên trong cung lòng của bà Isave. Nhờ đó ta thấy được, Lời Chúa phán qua lời truyền tin cho Đức Maria cũng như lời hứa ban ơn cứu độ cho cha ông xưa thì nay đã thành hiện thực. Như thế, cuộc lên đường của Mẹ Chúa như một lời loan báo và nhắc nhở chúng ta rằng: hôm nay ơn cứu độ đã đến gần.
Thêm vào đó, cuộc lên đường của Đức Mẹ còn mang ý nghĩa của sự chia sẻ và cho đi. Tiên vàn đó là sự chia sẻ niềm vui. Niềm vui vì cả hai đều được mang thai cách lạ lùng, và càng vui hơn nữa khi người Con trong dạ Mẹ Maria lại chính là niềm vui mà mọi người đang mong chờ, đó chính là Con Thiên Chúa. Và với việc mang trong mình chính Đức Kitô, nghĩa là đang sống trong một mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa, Mẹ được ví von như Hòm Bia Giao Ước Mới, là trung gian để Thiên Chúa ban phúc lành và ơn cứu độ cho nhân loại. Sự hiện diện của Mẹ không những là sự chia sẻ nguồn ơn cứu độ mà còn giúp củng cố niềm tin của người họ hàng mình. Hơn thế nữa, có chăng vì lòng thương cảm và biết tin người chị họ của mình đang mang thai ở tuổi xế chiều nên mẹ đã viếng thăm. Mẹ đã ở lại đó độ ba tháng để chăm sóc người chị họ sau sinh nở rồi mới trở về nhà. Đó là ý nghĩa mà lời xướng trong phép lần hạt vẫn thường cho ta thấy.
Chung hết, cuộc viếng thăm của Mẹ là một cuộc viếng thăm hồng phúc, vì Mẹ đã tin, đã đón nhận, và đã cho đi cội nguồn của ơn phúc là chính Đức Giêsu Kitô, Đấng đang ngự trị trong cung lòng Mẹ. Và, những bước gót sen của Mẹ Maria trong việc lên đường này cũng đã được tiên tri Isaia diễn tả như sau: “Đẹp thay trên các núi non, chân người sứ giả, kẻ loan báo bình an, kẻ loan Tin Mừng, kẻ loan báo ơn cứu độ và nói với Sion: Thiên Chúa của ngươi là Vua” (Is 52:7).
Người lữ hành giảng thuyết
Họ là ai? Họ là những người đã được Thiên Chúa quy tụ và thánh hiến bằng ân sủng. Họ sống theo gương mẫu của đời sống tông đồ qua cách mà Cha Thánh Đa Minh đã khai mở. Và cũng nhờ ân sủng, họ được mang lấy một sứ vụ đặc biệt đó là chuyên chăm giảng thuyết về Tin Mừng ơn cứu độ. Và họ chính là những anh em Đa Minh.
Hành trình của những người giảng thuyết đó đã kéo dài hơn tám thế kỷ. Và nó vẫn đang được nối dài từ thời Cha Đa Minh cho đến tận ngày hôm nay nơi mỗi chúng ta – những con người chuẩn bị lên đường vì Tin Mừng. Chắc hẳn rằng, 800 năm, không phải là khoảng thời gian quá dài để chúng ta chìm đắm; không phải là khoảng thời gian quá ngắn để chúng ta hững hờ. Nhưng đó là khoảng thời gian tuyệt hảo để chúng ta nhìn ngắm lại những hồng ân mà Thiên Chúa đã tặng ban.
Nhìn về những bước chân của Cha Đa Minh thời kỳ đầu, ta sẽ thấy có nét gì đó tương tự với cuộc lên đường thăm viếng của Đức Maria. Bởi lẽ, cách chung nhất, mọi sự đều được diễn ra một cách êm đềm và thầm lặng. Những địa danh gắn với tên tuổi Ngài như từ Caleruega đến Palenxia, Fanjeaux hay Cacassonne, cho đến Toulouse, Bologna rồi Marid… cũng không mấy gì nổi bật. Thế nhưng, trong cuộc lên đường để thi hành sứ vụ cùng với Giám mục của mình, Cha đã nhận ra một con đường mới mang tính cấp bách hơn, con đường để có thể nói với Chúa cho người khác.
Khởi đi và cũng là hành trang cho cuộc lên đường mới đó của Cha Đa Minh là việc đón nhận Đức Kitô nhờ chìm sâu trong đời sống cầu nguyện và học hành. Cầu nguyện để có thể lắng nghe tiếng Chúa trong một mối tương quan mật thiết, và học hành để có thể hiểu và đón nhận lời ấy cách hữu hiệu nhất. Cũng không thể không kể đến những lằn roi in dấu trên người khi Cha đánh tội hằng đêm, sám hối thay cho những tội nhân. Cha khóc thương, khẩn nài Thiên Chúa, vì bất lực trước những linh hồn lạc đường chưa chịu hối cải. Chính những điều đó đã thôi thúc cha lên đường cho một sứ vụ mới – Giảng thuyết về ơn cứu độ hầu đưa những tội nhân trở về với Thiên Chúa
Nếu Đức Mẹ mang trong mình niềm vui chính là ơn cứu độ, thì cách nào đó, Cha Đa Minh cũng đang mang trong mình và công bố niềm vui cứu độ ấy qua ánh sáng của Tin Mừng. Chân lý và sự thật đã được Cha không quản ngại để trao ban cho người chủ quán trọ cũng như những người lạc giáo lúc bấy giờ. Cha đã đón nhận sứ vụ ấy đúng như mệnh lệnh Đức Kitô đã truyền: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15).
Thế rồi, cuộc lên đường của Cha Đa Minh đã sớm kết thúc trên đường trở về Bologna. Cha đã hoàn toàn kiệt sức trong những bước chân cuối cùng của mình. Có thể nói, cách nào đó, Cha đã tử đạo cách âm thầm vì Tin Mừng, và cũng vì anh em. Thế nhưng, đó chưa phải là kết thúc. Một niềm khao khát mãnh liệt để loan báo Tin Mừng cho những dân tộc xa xôi cũng dấy lên trong Ngài những niềm hy vọng lớn lao. Vì thế, trong cuộc lên đường của mình, Cha đã để lại những dấu son là chính những cộng đoàn, những anh chị em sẽ bước tiếp theo sứ mạng và cũng là theo niềm hy vọng mà Cha luôn ấp ủ. Và nhờ ân sủng, ngày nay, những người con cái theo chân Cha Đa Minh vẫn cứ tiếp tục lên đường để thực thi sứ mạng ấy. Đó là một cuộc lên đường tràn đầy hy vọng trong lời hứa mà Cha đã để lại: “Khi Cha ra đi, Cha sẽ sinh ích nhiều hơn cho anh em”.
Đức Mẹ đã lên đường, Cha Thánh Đa Minh đã lên đường và mỗi chúng ta cũng được mời gọi để lên đường để mang niềm vui ơn cứu độ đến với hết thảy mọi người. Những dấu chân thầm lặng ấy như mở đường cho mỗi chúng ta trong sự dấn thân sâu xa hơn trong thời đại mới. Và hơn hết, cuộc lên đường đó sẽ không tự nó có ý nghĩa nếu không là nhờ ân sủng của Thiên Chúa, nghĩa là sống trong một mối tương quan với Ngài. Vì có như thế, “đường con đi, Chúa mở rộng thênh thang, chân con bước không bao giờ lảo đảo” (Tv 18, 37).