[Đến Mà Xem 70] Lên đường

04-05-2017
Bởi: Nguyễn Hoàng Bảo Có: 0 bình luận 1390 lượt xem

Nguyễn Phú Quý

“Lên đường”, tự thân nó được khoác lên chiếc áo nhiều lớp bằng vô vàn cách thức khác nhau.

Theo sử học, đạo Công giáo có mặt tại Việt Nam cách đây gần 5 thế kỉ. Khoảng năm 1533, một tu sĩ Thừa sai người Bồ Đào Nha đến đất nước Đại Việt (tên gọi nước Việt Nam vào thời đó), giới thiệu đạo Gia-tô (đạo Công giáo) cho người dân Đại Việt. Vậy, tính tới thời điểm này (năm 2016) đạo Công Giáo đã có mặt tại Việt Nam được 483 năm. Nhờ cuộc lên đường truyền giáo của nhà Thừa sai Inêkhu mà mỗi chúng ta – những Kitô hữu có thể biết về Thiên Chúa, biết được giáo lý của Ngài. Tiếp nối dòng chảy lịch sử đó, mỗi người Kitô hữu chúng ta có trách nhiệm tiếp tục lên đường đem Chúa đến với mọi người. Thật thế, cuộc đời của mỗi tín hữu theo Chúa đều là những cuộc lên đường.

Kinh Thánh cho ta thấy rõ lịch sử dân Thiên Chúa là lịch sử của những cuộc lên đường: Cuộc lên đường của ông Nô-ê cùng với gia đình ông trong con tàu để thoát nạn Hồng Thủy (St 6, 13tt); cuộc lên đường của tổ phụ Ápraham tiến về miền đất Chúa hứa (St 12,1tt); cuộc lên đường của dân Hípri thoát khỏi lưu đày Ai Cập (Xh 12, 37tt)… và cách đặc biệt đối với Dòng Anh Em Giảng Thuyết thì cuộc đời của thánh Đa Minh cũng là cuộc lên đường.

Những hình ảnh của các cuộc lên đường bên trên giúp ta phần nào hiểu được ý nghĩa của việc lên đường. Lên đường là dám từ bỏ quê hương, đi theo tiếng Chúa mời gọi và đặc biệt là mang Chúa tới mọi người qua những nơi mình đến. Mỗi một thời, ta lại có những cách thức lên đường khác nhau. Thời đất nước ta chưa biết đến đạo Thiên Chúa thì các nhà truyền giáo mang Chúa đến với chúng ta bằng cách lên đường đi truyền giáo, rao giảng lời Chúa cho mọi người. Thời bách hại đạo, các tín hữu Kitô giáo lên đường theo Chúa bằng cách lấy cái chết của mình để tuyên xưng đức tin vào Đấng mà các ngài hằng tin tưởng, trông cậy. Thời đại ngày nay, thời đại phát triển của công nghệ và khoa học, con người có xu hướng “khử thiên tục hóa”, đề cao giá trị vật chất, thì những “cuộc lên đường” mang Chúa đến của mỗi người chúng ta không thể chỉ diễn tả bằng lời nói mà nó phải được thể hiện qua hành động cụ thể trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, thiết nghĩ rằng “cuộc lên đường” đó mới ý nghĩa, có giá trị. Đối với quan điểm của người viết – một Thỉnh sinh Dòng Đa Minh, “lên đường” trong thời đại ngày nay không nhất thiết phải là chuyện xách ba lô lên, rời bỏ quê hương của mình và đi tới một nơi xa xôi nào đó để nói về Chúa, nhưng “lên đường” mang một ý nghĩa mới mẻ khác. “Lên đường” là dám can đảm bước ra khỏi cái tôi của chính mình, dám bước ra khỏi “vỏ ốc” an toàn của bản thân để sống những giá trị Tin Mừng mà Thiên Chúa mời gọi. Thật vậy, trong môi trường Thỉnh viện này – nơi mà mỗi anh em Thỉnh sinh chúng tôi bắt đầu những bước đi chập chững đầu đời của mình trong hành trình ơn gọi tu trì, anh em chúng tôi cũng cần phải dám “lên đường” tại môi trường mình đang sống này.

Trước hết, thay đổi bản thân là một cuộc “lên đường”. Trong môi trường sống nơi Thỉnh viện này, anh em Thỉnh sinh chúng tôi được quy tụ từ nhiều vùng miền khác nhau trên dải đất Việt, thừa hưởng văn hóa, giáo dục, sự hiểu biết, v.v.. khác nhau. Vì thế mỗi người mang vào trong cộng đoàn những nếp sống, nếp nghĩ khác biệt nhau. Đôi khi anh em bất đồng quan điểm trong một số việc như trong chuyện học hành, sinh hoạt, thể thao, v.v.. Những bất đồng ấy dần dà dẫn đến những mâu thuẫn. Mâu thuẫn nhỏ dường như là nguyên nhân lớn cho những cuộc xích mích. Những lúc như thế, anh em cần can đảm bỏ cái tôi cá nhân của mình, cần biết khiêm nhường hơn để mọi chuyện có thể trở nên tốt đẹp. Mỗi lần anh em thực hiện việc thay đổi, chấp nhận bỏ đi cái tôi của bản thân là lúc anh em đang “lên đường”.

Tiếp đến, “lên đường” có nghĩa là dám bước ra khỏi “vỏ ốc” an toàn của mình, dám đóng góp những hy sinh nhỏ bé của mình cho việc xây dựng đời sống cộng đoàn. Đời sống cộng đoàn đòi hỏi mỗi anh em không chỉ biết quan tâm cá nhân mình, nhưng còn phải biết quan tâm và chia sẻ cùng với những cá nhân khác. Cụ thể trong công việc chung của cộng đoàn, anh em không chỉ làm những công việc được giao phó cho mình, mà bất kì khi nào thấy công việc gì cần làm thì anh em không ngần ngại dấn thân thực hiện. Thấy cái thang gỗ đang để ngoài trời mà anh em khác lúc lao động quên cất đi, thì mình không thể làm ngơ đi qua được; phát hiện những “bãi mìn” của những chú khuyển nhà mình làm bậy giữa sân thể thao thì anh em mình không nên giả vờ như không biết vì ngại đụng tay chân vào thu dọn; hay việc thấy lớp học còn bừa bộn, bàn ghế còn ngổn ngang thì cứ để mặc vậy vì không phải phiên của mình trực lớp… Những công việc xem ra rất nhỏ như thế trong đời sống cộng đoàn, đôi khi anh em Thỉnh sinh chúng mình thấy nhưng không muốn đụng tay tới, vì nó vụn vặt, vì có suy nghĩ nếu không làm sẽ có người khác làm. Việc “lên đường” không chỉ hệ tại trong những công việc lớn lao mà mỗi người chúng ta có thể nghĩ ra và gán cho nó một định nghĩa thật hoành tráng, nhưng việc “lên đường” nhiều khi vỏn vẹn được thực hiện trong những việc hy sinh nhỏ bé ấy.

Sau cùng, “lên đường” là dám sống bác ái, yêu thương mọi người. Cuộc sống của anh em Thỉnh sinh trong cộng đoàn Thỉnh viện đôi lúc cũng có những chuyện không hay xảy ra. Đôi khi vô tình hay cố ý, anh em hiềm khích nhau trong giờ học hay khi chơi thể thao, những lời nói đụng chạm, những hành động khiêu khích được thể hiện ra bên ngoài dẫn đến những cuộc đụng độ, và dần về sau anh em thường ngại tiếp xúc, nói chuyện với nhau cách thân thiện cho dẫu rằng anh em đang cùng sống chung một cộng đoàn. Những lúc như vậy, việc dám sống bác ái, yêu thương kể cả với những anh em mà mình đang có những xích mích là một cuộc “lên đường”. Cuộc “lên đường” lần này đòi hỏi anh em Thỉnh sinh chúng ta luôn luôn phải mãi tiến bước vì cuộc “lên đường” này sẽ là một hành trình dài với nhiều chông gai trắc trở. Với ơn Chúa, tôi tin rằng mỗi anh em Thỉnh sinh sẽ đi trọn cuộc hành trình này.

Tóm lại, “lên đường” không chỉ hệ tại việc sẽ ra đi, nhưng “lên đường” – đối với bản thân người viết – nó còn mang một ý nghĩa mới mẻ khác. “Lên đường”, tự thân nó được khoác lên chiếc áo nhiều lớp bằng vô vàn cách thức khác nhau. Việc “lên đường” quan trọng vẫn là việc mỗi người Kitô dám “lên đường” nói chung và mỗi anh em Thỉnh sinh nói riêng bằng bất kì cách thức nào. Thiết nghĩ rằng, cho dù sống ở bất kì môi trường sống nào thì việc “lên đường” luôn là một lời mời gọi, một thách thức dành cho mọi người tiến bước trên cuộc hành trình của đời mình.

Từ khóa: , , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com