[Đến Mà Xem 70] Hành trang đời tu

24-03-2017
Bởi: Nguyễn Hoàng Bảo Có: 0 bình luận 1877 lượt xem

Hoàng Nghĩa Ánh

Người lữ khách phải biết lược bỏ đi những thứ lỉnh kỉnh, những gì không cần thiết có thể cản bước họ trên con đường tu trì.

Người ta thường nói rằng: “Cuộc đời là những chuyến đi” và kinh nghiệm cho ta thấy quả đúng như vậy. Cuộc sống là cuộc hành trình đi tìm kiếm hạnh phúc đích thực của đời mình. Nhưng chẳng có con đường nào trải bước trên hoa hồng mà bàn chân lại không thấm đau vì những mũi gai cả. Đời tu cũng là một con đường, con đường tìm đến Chân – Thiện – Mỹ, cũng đầy những gian nan, tràn ngập khó khăn, thử thách. Vậy, để vững bước trên con đường đã chọn, điều cần phải làm trước hết là phải chuẩn bị cho mình một hành trang.

Hành trang của người lữ hành cần gọn nhẹ, nhưng lại vẫn phải đầy đủ những gì cần thiết cho chuyến hành trình. Tùy theo mục đích của chuyến đi, cũng như độ dài của hành trình mà chúng ta lựa chọn những hành trang thích hợp. Đi du lịch trong vòng mấy ngày thì hành trang có thể đơn giản gọn nhẹ hơn so với những chuyến hành trình dài ngày. Một hành trang đầy đủ với những vật dụng thiết yếu sử dụng cho những tình huống khác nhau sẽ là một chọn lựa tốt hơn cho những chuyến hành trình dài, nhất là khi chúng ta lại không biết khi nào chuyến hành trình ấy mới kết thúc.

Đời tu là một chuyến hành trình dài suốt cả cuộc đời. Để thực hiện cuộc hành trình này, người lữ khách phải chuẩn bị mọi thứ thật tốt để có thể đối diện với những khó khăn thử thách trên đường.

Một người lữ hành khôn ngoan sẽ biết mình cần đem theo những thứ gì và bỏ lại những thứ gì để hành trang được gọn gàng, nhưng vẫn đầy đủ.

Lòng can đảm

Thứ đầu tiên những lữ khách đời tu cần trang bị cho mình chính là lòng can đảm. Can đảm bỏ lại rất nhiều thứ thiết thân để lên đường, can đảm để có thể đối diện với những thử thách sắp tới, can đảm để có thể đi đến cuối con đường. Chỉ khi chúng ta gạt bỏ đi nỗi sợ hãi, rụt rè, chần chừ, chúng ta mới có thể vững vàng để tiến bước và vươn tới mục tiêu mà chúng ta mong muốn.

Vượt trên cả đức tính nhân bản, lòng can đảm của những lữ khách đời tu đặt nền trên niềm tin vào sự dẫn dắt của Chúa. Tổ phụ Ápraham ngày xưa đã vững tin nơi Chúa mà can đảm lên đường tiến về Đất Hứa (St 12, 1tt). Cũng vậy, kẻ lữ hành đời tu luôn phải vững tin vào Chúa, tin tưởng vào sự quan phòng của Người thì mới có đủ can đảm để dấn thân trên con đường tận hiến.

Niềm hy vọng

Điều thứ hai kẻ lữ hành đời tu phải trang bị là niềm hy vọng. Niềm hy vọng là sức mạnh giúp người lữ hành vượt qua khó khăn mà không gục ngã giữa đường.

Sau khi thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập, cuộc hành trình 40 năm ròng rã trên sa mạc với biết bao nhiêu gian nan, thử thách, dân Israel nhiều lúc mệt mỏi, tuyệt vọng đến nỗi phạm tội chống lại Thiên Chúa, nhưng với hy vọng tiến vào Đất Hứa, họ tiếp tục cuộc hành trình (x. Xh 12, 37tt). Cũng vậy, trên con đường tu trì, đầy những tảng đá lớn nhỏ khác nhau, cũng có khi là sừng sững một ngọn núi chắn đường hòng cản bước tiến của chúng ta. Đấy có thể là nỗi nhớ khôn nguôi về gia đình, là tình cảm nam nữ bất chợt ùa đến, là của cải, là danh lợi của cõi đời, chúng chỉ chực chờ, rình sẵn để đánh gục chúng ta. Không ai có thể né tránh được nó cả và cách duy nhất để đi tiếp là đối diện, chiến đấu để vượt qua những chướng ngại đấy. Thật không dễ gì đối với những lữ khách mới chập chững trong đời tu. Họ là những người trẻ, chưa trải đời nhiều, kinh nghiệm sống còn non nớt, những khó khăn ấy có thể sẽ đánh gục họ. Hành trình đời tu không phải chỉ trong một sớm, một chiều, nhưng là một quãng đường dài, người lữ hành sẽ cảm thấy mệt mỏi, những bước chân sẽ có lúc rệu rã. Thế nhưng niềm hy vọng sẽ giúp họ đủ dũng khí, kiên trì vượt qua những thử thách đấy. Thật vậy, hành trang của người lữ khách đời tu cần lắm niềm hy vọng để rồi cũng như dân Israel có thể tiến về được Đất Hứa. Sau bao nhiêu gian khổ, thức thách, rồi cũng sẽ đến lúc người lữ hành đạt đến cùng đích của con đường mình đi.

Trong Bữa Tiệc Ly trước lúc bước vào cuộc khổ hình, chính Đức Giêsu đã hứa với các Tông đồ:

“Vì thế, Thầy sẽ trao Vương Quốc cho anh em, như Cha Thầy đã trao cho Thầy, để anh em được đồng bàn ăn uống với Thầy trong Vương Quốc của Thầy, và ngự tòa xét xử mười hai chi tộc Israel” (Lc 22, 29-30).

Chính bởi hy vọng vào lời hứa của Đức Giêsu mà các Tông đồ đã dấn thân trên con đường loan báo về một Thiên Chúa mà vì tội lỗi nhân gian mà chịu treo trên thập giá nhục hình, về một Đức Giêsu đã chiến thắng sự chết và phục sinh vinh hiển. Lữ khách đời tu cũng phải nên như những môn đệ trung thành của Chúa trong thực tại trần thế. Luôn vững tin và hy vọng, vì Chúa đã hứa làm cho người môn đệ trở nên chứng tá của Người giữa thế gian, biết yêu thương và phục vụ như Người đã làm, và sau hết được cùng Người chung hưởng vinh quang Thiên Quốc. Lời Chúa hứa với các Tông đồ xưa cũng là niềm hy vọng của chúng ta ngày nay:

Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga, 14, 2-3).

Sự từ bỏ

Như đã nói, một hành trang đầy đủ là cần phải có những thứ cần thiết, nhưng không dư thừa. Người lữ hành phải biết lược bỏ đi những thứ lỉnh kỉnh, những gì không cần thiết có thể cản bước họ trên con đường tu trì. Thứ cản trở lớn nhất là cái tôi ích kỷ. Con người ai cũng muốn thu vén lợi lộc, lôi kéo danh vọng, quyền lực về phía mình. Nhưng đó là thứ không nên có trong cuộc hành trình đời tu lâu dài và đầy khó khăn này. Người lữ khách cần phải biết bỏ đi cái tôi ích kỷ, nhỏ nhen, cái cá nhân ham muốn đấy để có thể tiến những bước dài trên con đường ơn gọi. Con đường này cần người lữ khách hướng về cái “chúng ta” nhiều hơn và giảm bới cái “tôi” ích kỷ để hoàn thiện hơn, để không vướng bận trong việc thi hành sứ vụ. Hơn nữa, trong một số hình thái tu trì thì chính cái “tôi” đấy sẽ giết chết sự hiệp thông trong đời sống cộng đoàn, đề cao “chủ nghĩa cá nhân” sẽ khiến con người bị mọi người xa lánh. Tu trì là cùng nhìn về cái “chúng ta” mà sống hiệp thông với nhau để cùng nhau hoàn thành công việc và sứ vụ được giao.

Không chỉ dừng lại ở đấy, lữ khách đời tu còn phải xem lại hành trang của mình và lược bỏ đi những đam mê vật chất, từ bỏ những lạc thú, gạt ra những tình cảm nam nữ, để những thứ đó không trở nên gánh nặng chồng chất trên vai. Chỉ khi để những điều đó ở lại, chúng ta mới không vướng bận gì trong cuộc đối đầu với những thách thức cam go của đời tu. Trong thực tại trần thế, người tu sĩ không sống tách biệt với đời nhưng sống trong đời. Người tu sĩ vượt thắng những cám dỗ, ham muốn, đam mê của đời, để tiến gần hơn với hình ảnh trọn hảo của Đức Kitô, để yêu thương và phục vụ tha nhân như Người đã làm.

Một hành trang đầy đủ, gọn nhẹ là điều cần thiết trước mỗi chuyến đi. Chỉ khi lựa chọn cho mình hành trang phù hợp, chúng ta mới vững vàng cho cuộc hành trình. Đời tu là một hành trình dài và đầy những khó khăn thử thách. Hành trang của kẻ lữ hành tu trì là: lòng can đảm, niềm hy vọng và sự từ bỏ. Liệu một hành trang như thế đã đủ?

Từ khóa: , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com