Mục Lục
Phanxicô Assidi Đặng Công Danh
Thiên Chúa là Đấng nào? Hẳn không có câu trả lời nào trọn vẹn và ý nghĩa cho bằng lời của thánh Gioan Tông đồ: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,16). Thật vậy, dù con người có thể quên lãng hay chối từ Thiên Chúa, nhưng chính Thiên Chúa vẫn không ngừng kêu gọi mọi người tìm kiếm Người để họ được sống và được hạnh phúc (x. GLHTCG, số 30).
Thiên Chúa tự bản thể là Đấng vô cùng hoàn hảo và hạnh phúc. Theo ý định của lòng nhân hậu, Người đã tự ý tạo dựng con người, để cho họ được thông phần sự sống hạnh phúc của Người (x. GLHTCG, số 1). Mỗi người trong chúng ta đều được Thiên Chúa chọn gọi từ trong hư vô sinh đến trên trần gian này. Chính vì thế, chẳng ai chào đời một cách tình cờ hay ngẫu nhiên, tất cả mọi người đều có một vai trò, vị trí đặc biệt trong chương trình của Thiên Chúa mà không ai có thể thay thế được:
“Con mới là bào thai mắt Ngài đã thấy;
mọi ngày đời được dành sẵn cho con
đều thấy ghi trong sổ sách Ngài,
trước khi ngày đầu của đời con khởi sự”
(Tv 139,14.16)
Kitô hữu là những người đã được tái sinh nhờ ân sủng của bí tích Rửa tội, được quy tụ thành một dân mới để bước theo Đức Giêsu trên hành trình tìm về hạnh phúc đích thực là chính Thiên Chúa. Ơn gọi của người Kitô hữu là ơn gọi nên thánh. Vì chính Đức Giêsu đã dạy rằng: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Tất cả mọi Kitô hữu đều được kêu gọi và thậm chí có nghĩa vụ phải luôn tìm kiếm sự thánh thiện và trọn lành trong bậc sống của mình.[1] Do đó, để sống trọn vẹn ơn gọi nên thánh của mình, mỗi người cần phải biết mở rộng lòng mình để lắng nghe, đáp trả và sống đúng Thánh Ý Chúa được tỏ hiện qua từng biến cố trong cuộc đời. Đức Maria là “thụ tạo được Thiên Chúa yêu mến” và cũng là mẫu gương sống động trong việc sống ơn gọi nên thánh. Thánh Augustinô đã xác tín rằng: “Đức Maria thật là diễm phúc vì Mẹ đã tin vào Đức Kitô hơn là vì Mẹ đã cưu mang thân xác Người.” (x. GLHTCG, số 506) Lần mở lại những trang Kinh Thánh, chúng ta cùng nhìn lại hành trình đức tin của Mẹ, để cùng học với Mẹ “bài học nên thánh” trong ơn gọi của mình.
1. Xin vâng theo Thánh Ý Chúa
Maria là một thiếu nữ trẻ người Do Thái, đã thành hôn với ông Giuse, thuộc dòng tộc Đavit và đang sống tại làng Nadarét, miền Galiê. Tại thời điểm đó, Thiên Chúa đã sai sứ thần đến loan báo rằng Mẹ đã được tuyển chọn để làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Dẫu biết rằng mọi việc đến một cách quá bất ngờ, nhiều điều lo lắng cùng những hiểm họa có thể xảy ra sau đó, Mẹ vẫn quảng đại đáp trả lời mời gọi của Chúa bằng tất cả sự tín thác: “Vâng, tôi là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Đức Maria, kẻ “đầy ơn phước”, khi tự nhận mình là “nữ tỳ của Chúa”, đã bày tỏ quyết tâm muốn đích thân thi hành cách hoàn hảo sự phục vụ mà Thiên Chúa đang chờ đợi nơi Dân của Người.[2] Thật vậy, Đức Maria khi nói lời “Xin vâng” trong ngày truyền tin và như vậy bày tỏ sự đồng thuận của mình đối với mầu nhiệm Nhập Thể, đã cộng tác vào toàn bộ công trình Con của Mẹ phải hoàn thành (x. GLHTCG, số 973).
Mãi cho đến hôm nay, Thiên Chúa vẫn đang mời gọi chúng ta cộng tác vào chương trình cứu độ của Người. Người mời gọi ta từ bỏ những ý riêng của mình để vâng nghe và sống những điều mà chính Người đã mạc khải qua Thánh Kinh và Thánh Truyền. Người còn trao cho mỗi người những khả năng, tài năng riêng biệt để ta biết sử dụng cách khôn ngoan các tạo vật được ban tặng hầu xây dựng và phát triển một thế giới giàu đẹp. Người vẫn luôn đồng hành, hướng dẫn và ban những ơn cần thiết để giúp ta đủ sức để hoàn thành những điều mà Người đã khởi sự nơi ta. Lo lắng, sợ hãi, suy tính là điều hiển nhiên và luôn tồn tại nơi mỗi người khi đứng trước những điều đã, đang và sẽ xảy ra trong cuộc sống. Tuy nhiên, chúng ta thường quên rằng Thiên Chúa là Cha yêu thương, Người luôn chuẩn bị cho ta mọi điều tốt nhất để giúp ta đạt tới hạnh phúc cả đời này và đời sau. Thiên Chúa có thể vẽ đường thẳng từ những đường cong, Người có thể lấy ra điều tốt đẹp từ chính trong những điều ta cho là xấu. Vì vậy, chúng ta cùng học nơi Đức Maria luôn biết mở rộng tâm hồn để lắng nghe, quảng đại đáp trả và luôn tin tưởng, phó thác vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa. Bởi vì đây chính là thái độ đầu tiên ta cần có để bước những bước đầu tiên trong hành trình nên thánh.
2. Lên đường loan báo Tin Mừng
Ơn gọi luôn gắn liền với sứ mạng. Đáp trả bằng lời thưa “Xin vâng”, dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần, Đức Maria đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể làm người trong cung lòng thanh khiết của Mẹ. Ngay sau đó, Mẹ đã vội vã lên đường, đến thăm viếng bà Êlisabét – người chị họ đang mang thai lúc tuổi già và ở lại đó ba tháng để giúp đỡ bà ấy trong thời kì sanh nở (x. Lc 1,39-56). Thánh Luca đã thuật lại rằng: “Khi bà Êlisabét vừa nghe lời chào của và Maria, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng” (Lc 1,41). Niềm vui của Gioan cũng chính là niềm vui của cả nhân loại. Hôm nay Thiên Chúa đã đến thăm dân Người và lời hứa về Đấng Mêsia sẽ đến giải thoát dân Người khỏi ách nô lệ tội lỗi đã được thực hiện. Ngoài ra, bản văn Phúc Âm nói rằng Đức Maria lên đường “vội vàng” (Lc 1,39). Kể cả sự ghi chú “về miền núi” (Lc 1,39) trong mạch văn của Luca còn muốn nói cái gì hơn là một địa điểm địa lý, bởi vì nó gợi lên sự liên tưởng tới người mang tin mừng được ngôn sứ Isaia (52,7) diễn tả:
Đẹp thay trên đồi núi
bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an,
người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ
và nói với Xion rằng: “Thiên Chúa ngươi là Vua hiển trị.”
Thánh Luca cũng mời gọi chúng ta hãy nhìn nơi Đức Maria như là kẻ “rao giảng tin mừng” tiên phong, phổ biến tin vui, khai trương cho những cuộc hành trình truyền giáo của Con mình. Đức Maria trở thành mẫu gương cho những kẻ trong Hội thánh lên đường để mang ánh sáng và niềm vui của Chúa Kitô cho những người mọi nơi mọi thời.[3]
Thánh Phêrô đã định nghĩa Kitô hữu là: “những người đang sống trong Đức Kitô” (1Pr 5,14). Thật vậy, hằng ngày chúng ta được mời gọi đến dự bàn tiệc Lời Chúa, đón rước Mình và Máu Thánh là thần lương nuôi dưỡng linh hồn, được sai đi loan báo Tin Mừng cho nhân loại. Do đó, người Kitô hữu cũng “cưu mang” chính Đức Kitô trong tâm hồn mình. Theo gương Mẹ Maria, chúng ta cùng tiến bước hăng hái ra đi đem niềm vui Tin Mừng đến cho tất cả mọi người.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã từng nhắn nhủ với mọi Kitô hữu rằng:
Mọi người đều phải có thể cảm nghiệm được niềm vui vì được Thiên Chúa yêu thương, niềm vui ơn cứu độ! Đó là một tặng phẩm mà người ta không thể giữ cho riêng mình, nhưng phải được sẻ chia. Nếu chúng ta muốn giữ nó cho riêng mình, chúng ta sẽ trở thành những người Kitô hữu cô lập, cằn cỗi và ốm yếu. Rao giảng Tin Mừng là một phần của việc là môn đệ Đức Kitô và đó là một dấn thân liên lỉ làm sống động trọn vẹn đời sống trong Giáo Hội.[4]
Khởi đi từ chính trong môi trường mà mình đang sinh sống và làm việc, chúng ta hãy đem niềm vui đến cho tất cả những người mà ta gặp gỡ hằng ngày như người thân bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp,… Hãy đến với những người chưa nhận biết Đức Kitô và ơn cứu độ của Người để trở nên những người thân cận của họ, để rồi từng ngày một ta trình bày cho họ nghe về chính Thiên Chúa là cội nguồn tình yêu, là chân lý và là hạnh phúc đích thực mà con người cần hướng tới. Hãy chạy đến với Chúa Thánh Thần, chính Người là “Thần chân lý” (Ga 16,13), Người sẽ dạy chúng ta biết nói gì và mở rộng tâm hồn mọi người để Tin Mừng mà ta loan báo được đón nhận và trổ sinh hoa trái. Và sau cùng, nguyện xin Đức Trinh Nữ giúp chúng ta nói lên lời “xin vâng” của mình, khi ý thức nhu cầu cấp bách phải làm cho Tin Mừng của Đức Giêsu vang dội trong thời đại chúng ta. Xin Mẹ cầu Chúa ban cho chúng ta nhiệt tâm mới để đem Tin Mừng đến với mọi người, là Tin Mừng của sự sống chiến thắng sự chết. Xin Mẹ chuyển cầu cho chúng ta có được sự táo bạo thánh thiện cần thiết để khám phá ra những cách mới hầu đem ơn cứu rỗi đến cho mọi người.[5]
3. Sống chứng tá giữa đời
Đức Giêsu đã bắt đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng khởi đi từ Galilê và Mẹ Maria vẫn luôn đồng hành cùng Người trên con đường Người đi. Theo trình thuật Tin Mừng của thánh Gioan, dấu lạ đầu tiên xảy ra ở Cana là nhờ sự chuyển cầu của Mẹ Maria (x. Ga 2,1-12). Giữa khung cảnh nhộn nhịp của tiệc cưới, việc thiếu rượu vừa làm mất đi niềm vui, vừa là sự xấu hổ cho cô dâu chú rễ. Là một bà nội trợ từng trải và tinh mắt, Đức Maria nhận biết tình cảnh và can thiệp để khỏi mất niềm vui của mọi người, và nhất là để giúp đỡ đôi tân hôn đang gặp khó khăn. Mẹ Maria đã ngỏ lời với Đức Giêsu như sau: “Họ hết rượu rồi” (Ga 2,3). Người đã bày tỏ lòng ưu tư của mình trước một tình trạng, và chờ đợi một sự can thiệp để giải quyết. Sự lựa chọn của Đức Maria, thay vì đi tìm rượu ở chỗ khác, đã biểu lộ lòng can đảm của niềm tin của Người, bởi vì cho tới lúc đó Đức Giêsu chưa bày tỏ quyền năng của Người, dù ở Nadarét dù ở nơi nào khác.[6] Mẹ Maria đã dạy chúng ta bài học về việc biết quan tâm chia sẻ với những người đang gặp khó khăn trong cuộc sống và thái độ tín thác trọn vẹn vào quyền năng của Thiên Chúa.
Trong xã hội hiện đại ngày nay, con người bịt tai, che mắt trước những nỗi đau, tiếng kêu cứu của những con người cùng khốn đang chìm ngập trong đau khổ và bế tắc. Lối sống hận thù, chia rẽ, độc đoán, tham quyền, ích kỷ, kiêu căng, giả dối và nhiều tội ác khác nữa đang gieo rắc đau thương khắp mọi nơi khiến con người không thể có được hạnh phúc. Do đó, để thức tỉnh con người, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết:
Con người không thể sống mà không có tình yêu thương. Con người sẽ là kẻ không thể hiểu được đối với chính bản thân mình, cuộc sống con người mất nghĩa nếu không nhận lấy mạc khải về tình yêu, nếu không gặp tình yêu, nếu không kinh nghiệm tình yêu và không nhận lấy kinh nghiệm đó làm của mình và dự phần vào đó cách mãnh liệt.[7]
Công đồng cũng viết: “Tất cả mọi tín hữu, dù thuộc bất cứu bậc sống hay hoàn cảnh nào, đều được kêu gọi đạt tới sự sung mãn của đời sống Kitô hữu và sự trọn lành của đức ái.”[8]
Chính vì vậy, đã là người môn đệ của Đức Kitô, chúng ta phải biết “vui với kẻ vui, khóc cùng kẻ khóc” (Rm 12,14), cùng “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm, đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng, dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu.”[9] Hãy dang rộng đôi bàn tay, mở rộng tấm lòng quảng đại và đôi chân miệt mài ra đi trao gửi tình thương đến tất cả mọi người quanh ta. Bởi vì “con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa” (St 1,27) và tình thương chính là căn tính, là bản chất của con người. Và qua chứng tá đời sống yêu thương cũng chính là lời rao giảng hữu hiệu cho hết thảy mọi người tin vào chính Thiên Chúa là tình yêu tuyệt đối.
Mẹ Têrêsa Calcutta đã từng nhắn nhủ rằng:
“Tất cả chúng ta phải nên thánh trong thế giới này. Thánh không phải là món xa xỉ dành cho một số ít người. Đó là bổn phận của bạn và của tôi. Vậy ta hãy nên Thánh để tôn vinh Thiên Chúa.”
Cùng với Mẹ Maria ta hãy hăng hái tiến bước trên con đường nên thánh mà chính Thiên Chúa đã dọn sẵn cho từng người trong chúng ta. Mẹ Maria sau khi hoàn tất ơn gọi của mình ở trần thế, đã được Thiên Chúa đưa cả xác cả hồn lên trời chung hưởng vinh quang. Mẹ chính là hình ảnh báo trước và bảo đảm cho ơn cứu độ cho tất cả con cái của Mẹ còn đang trong cuộc lữ hành trần thế. Nhờ lời Mẹ chuyển cầu, chúng ta sẽ luôn trung thành sống trọn vẹn ơn gọi Kitô hữu với một đức tin kiên cường, đức cậy vững vàng và tiến xa hơn nữa trong đức mến. Tin chắc rằng mai này sẽ chúng ta sẽ được sum họp với Mẹ chung hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên thiên đàng.
* * *
Maria! Mẹ rất thánh, khi sống ơn gọi làm người của mình Mẹ đã chọn phần tuyệt hảo là lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa. Xin cho chúng con hằng biết noi gương Mẹ quyết tâm trở thành người môn đệ trung tín thi hành những lời Đức Kitô đã truyền dạy, biết quảng đại dâng hiến cuộc đời mình để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân. Amen.
[1] Lumen gentium, số 42.
[2] Đức Gioan Phaolô II, “Nữ tỳ vâng phục Thiên Chúa” trong Những bài giáo huấn về Đức Maria, Dg. Phan Tấn Thành (1999), tr. 129.
[3] Gioan Phaolô II, “Mầu nhiệm thăm viếng, khai mào sứ mạng của Đấng Cứu Thế” trong Những bài giáo huấn …, tr.134.
[4] Đức Phanxicô, Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo (2013), số 1.
[5] Đức Phanxicô, Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo (2017), số 10.
[6] Gioan Phaolô II, “Đức Maria tại tiệc cưới Cana” trong Những bài giáo huấn…, tr. 170.
[7] Gioan Phaolô II, Thông điệp Đấng Cứu Chuộc con người, số 10.
[8] Lumen gentium, số 40.
[9] Thánh Phanxicô Assidi, Kinh Hòa Bình.
Ave, Maris Stella, Dei Mater alma, Atque semper virgo, Felix cœli porta. | Kính chào Mẹ là Sao Bắc Ðẩu, Ðấng mệnh danh Hiền Mẫu Chúa Trời, Chói loà trinh tiết gương soi, Cửa vào cõi phúc tuyệt vời thiên cung |
Sumens illud Ave, Gabrielis ore, Funda nos in pace, Mutans Evae nomem. | Khi nhận tiếng “Kính Mừng” vinh dự Gáp ri en thần sứ tặng ban, Chữ “Eva” Mẹ đảo vần Thành “Ave”gửi bình an cho đời. |
Solve vincula reis, Profer lumen caecis, Mala nostra pelle, Bona cuncta posce. | Xin cởi dây trói người tội lỗi, Mở mắt ai tăm tối đui mù, Ðuổi xa hoạn nạn rủi ro, Ðổ tuôn hồng phúc tựa hồ mưa sa. |
Monstra te esse matrem, Sumat per te precem, Qui pro nobis natus, Tulit esse tuus. | Xin chứng tỏ Mẹ là Từ Mẫu Chuyển lời cầu đạt thấu Hoàng Thiên, Toà cao Thánh Tử uy quyền Vua Trời Cứu Thế đã nên người trần. |
Virgo singularis, Inter omnes mitis, Nos culpis solutos, Mite fac et castos. | Ôi Trinh Nữ siêu phàm khôn ví, Ôi hiền hoà tuyệt thế Nữ Trinh, Cứu đoàn con khỏi tội tình Trở nên thanh khiết hiền lành từ đây ! |
Vitam praesta puram, Iter para tutum, Ut videntis Jesum, Semper collaetemur. | Xin giúp sống chuỗi ngày trong trắng, Mẹ dẫn đường là chẳng phải lo, Mai ngày gặp Chúa Giêsu, Vui mừng hưởng phúc thiên thu chan hoà. |
Sit laus Deo Patri, Summo Christo decus, Spiritui Sancto, Tribus honor unus. Amen. | Lạy Thiên Chúa Ngôi Cha từ ái, Lạy Ngôi Con quảng đại vô lường, Thánh Thần trải rộng tình thương Ba Ngôi hiển trị thiên đường quang vinh. |