[CN08TN-A] Có Thiên Chúa là có tất cả

25-02-2017
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 3163 lượt xem

Is 19,14-15; 1Cr 4,1-5; Mt 6,24-34

Các nhà khoa học cho rằng con người khởi thuỷ tìm kiếm thức ăn bằng cách hái lợm, săn bắt và trú ẩn trong các hang động để tránh cái rét và thú dữ. Khi xã hội loài người ngày càng đông thêm và phát triển hơn, người ta biết cách tự tạo ra nguồn thức ăn bằng cách trồng tỉa và thuần dưỡng thú vật, và biết làm nhà cửa để có nơi trú ngụ thuận tiện hơn cho sinh hoạt hằng ngày của mình. Xã hội loài người tiến bộ, văn minh được như hôm nay, đã phải tiệm tiến qua nhiều giai đoạn. Con người biết tự lo cho mình có ăn có mặc đầy đủ, có nơi ăn chốn ở tiện nghi, chứ không chỉ cậy dựa những thứ có sẵn do thiên nhiên cung cấp. Đó là chưa kể con người biết làm cho đời sống của mình có văn hoá hơn nhờ giáo dục và truyền thụ kinh nghiệm từ đời này sang đời khác.

Những thành quả con người đạt được để phát triển bản thân, làm thăng tiến xã hội và biến trái đất thành nơi cư ngụ thích hợp, là điều hoàn toàn phù hợp với thánh ý Thiên Chúa. Bởi lẽ, Sách Sáng Thế nói rằng, khi tạo dựng con người, Thiên Chúa ban cho con người trí khôn để họ có thể tham gia vào công trình tạo dựng của Thiên Chúa và làm chủ trái đất, “làm chủ chim trời, cá biển”.

Với bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta được nghe Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Đừng lo lắng cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo lắng cho thân thể: lấy gì mà mặc.” Thoạt nghe, ta có cảm giác giáo huấn của Đức Giêsu ra như khuyến khích người ta sống vô lo, lười biếng, phó thác đời mình theo qui luật thiên nhiên, theo kiểu “trời sinh voi, trời sinh cỏ.”

Thật ra Đức Giêsu không có ý bảo ta không cần phải lo toan cho cuộc sống. Người chỉ muốn cảnh báo ta về một sự lo lắng tìm kiếm vật chất thái quá, xem tiền bạc như mục tiêu của đời mình. Sự lo lắng về của cải vật chất như thế có thể khiến ta rơi vào một lối sống ích kỷ, ít có sự quan tâm đến nhau kể cả trong những quan hệ gần gũi nhất. Nhiều bố mẹ vì quá mải mê làm ăn, kiếm tiền mà bỏ bê việc giáo dục con cái, phó thác tất cả chúng cho nhà trường. Nhiều chuyện đau lòng xảy ra: vì của cải, anh em xảy ra tranh chấp, vợ chồng đưa nhau ra toà. Thậm chí vì tiền bạc, người ta có thể bất chấp đạo lý: làm ăn bất chính, gian lận, tham nhũng, hối lộ, huỷ hoại môi trường, v.v. gây phương hại đến công ích, xâm hại quyền lợi người khác. Một khi tiền bạc đã trở thành ông chủ đời mình, thì lương tâm hướng về điều thiện sẽ không còn chỗ đứng; kể cả nơi những người tự xưng là có niềm tin, Thiên Chúa cũng sẽ bị loại ra khỏi cuộc sống của họ.

Đức Giêsu nói thêm rằng: “Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?” Trong cuộc sống hằng ngày, Người muốn các môn đệ có được sự phân biệt giữa cái gì là chính cái gì là phụ. Con người sống không chỉ để tìm thoả mãn cái ăn, cái mặc, mà còn hướng đến nhiều thứ khác nữa: nhu cầu hiểu biết, nhu cầu tương quan, tình yêu gia đình, tình cảm bạn bè, sự chia sẻ, liên đới giữa người với người.

Cho dù tiền bạc là cần thiết vì nó đem lại tiện nghi và nhu cầu vật chất gia đình, nhưng tình yêu và chăm sóc cho nhau giữa các thành viên trong gia đình không bao giờ được xem là thứ yếu. Cho dù vật chất là quan trọng, nhưng không phải vì thế mà ta chỉ lo thu tích giữ cho riêng mình, cho gia đình mình, mà không có sự chia sẻ liên đới với bạn bè, hàng xóm, nhất là khi họ gặp hoạn nạn.

Con người sinh ra và tìm cách làm chủ vận mạng đời mình. Nhưng Đức Giêsu lại bảo các môn đệ có ai “nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay.” Thật thế, đã có biết bao vua chúa, biết bao người giàu có, mong muốn kéo dài đời mình, tìm kiếm thuốc trường sinh bất lão. Dù có nhiều tiền nhiều của đến mấy, giàu sang đến mấy rồi người ta cũng phải rời bỏ cõi đời với hai bàn tay trắng. Vì vậy, cuộc sống chỉ thực sự có ý nghĩa nếu ngay ở trần gian này, người ta nhận biết Thiên Chúa và phó thác cuộc đời mình cho sự quan phòng của Người.

Đức Giêsu mời gọi chúng ta nhìn xem muông thú, chim trời, hoa cỏ ngoài đồng, và mọi thụ tạo trong vũ trụ đang vận hành trong trật tự dưới bàn tay quan phòng của Đấng Tạo Hoá. Chim trời được Chúa nuôi ăn, hoa cỏ được Chúa mặc cho thật đẹp, huống hồ là con người, chẳng lẽ Người lại không quan tâm, chăm sóc. Ngôn sứ Isaia trong bài đọc thứ nhất mô tả Thiên Chúa đối với dân Người, như người mẹ yêu thương chăm sóc cho đứa con của mình. Cho dù “ngày nào có cái khổ của ngày ấy”, người tín hữu vẫn sống trong sự tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa và nỗ lực xây dựng trần thế theo đường lối của Người.

Đi xa hơn, từ những giá trị của đời sống vật chất, giá trị tinh thần ở đời này, Đức Giêsu hướng các môn đệ đến giá trị siêu việt, “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người.” Thánh Sýp-ri-a-nô nói đại ý rằng: Ai có Thiên Chúa là có tất cả; nếu ai có mọi sự mà thiếu vắng Thiên Chúa, thì coi như không có gì cả.

Thế nhưng, người ta chỉ thể đạt được sự công chính của Thiên Chúa, một khi tin vào Đức Kitô và bước đi theo Người. Dấn thân trong ơn gọi tận hiến là đáp lại lời mời gọi của Đức Kitô, đặt ưu tiên đời mình cho việc “tìm kiếm Nước Thiên Chúa” Cuộc hành trình dấn thân của người tận hiến luôn gặp phải những thử thách, nhất là khởi đầu cho hành trình dấn thân ấy luôn đặt ta trước sự chọn lựa: ta sẽ cuộc đời bước đi theo Chúa trong ơn gọi tu trì hay sống cuộc sống giữa đời. Thêm nữa, ta cũng không dám chắc rằng mình có thể đi đến cùng trong sự chọn lựa đời tu hay không, có thể một lúc nào đó ta rút lui, hoặc cũng có thể Dòng không nhận cho ta tiếp tục đi nữa. Chính trong hành trình “tìm kiếm Nước Thiên Chúa” đầy cam go ấy, Đức Giêsu mời gọi ta hãy cứ phó thác vào sự quan phòng của Chúa, vì Thiên Chúa không bao giờ để những nỗ lực, thiện chí của chúng ta ra vô ích. Thiên Chúa luôn có cách thế của Người, để dẫn dắt chúng ta đi. Thánh Vịnh có câu:

Hãy ký thác đường đời cho Chúa,
Tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay. Amen.

_____________________________________________Pet. Nguyễn, 25.2.2017

GLHTCG, số 2632: “Theo giáo huấn của Chúa Giêsu, trọng tâm lời kinh cầu xin của Kitô giáo là sự khao khát và tìm kiếm Nước Chúa đang đến. Vì thế cần phải có một trật tự trong lời cầu xin: trước tiên là Nước Chúa, rồi đến những gì cần thiết cho chúng ta để đón nhận và cộng tác cho Nước Chúa trị đến…”

GLHTCG, số 2830: “Chúa Cha, Đấng ban sự sống cho chúng ta, không lẽ lại không ban những gì cần thiết cho sự sống, tất cả những điều thiện hảo ‘thích hợp’, vật chất cũng như tinh thần. Trong Bài giảng trên núi, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến lòng tín thác con thảo, cùng cộng tác với sự quan phòng của Cha chúng ta. Ngài không muốn chúng ta làm biếng, nhưng muốn giải phóng chúng ta khỏi mọi lo âu và bận tâm. Đó là sự phó thác hiếu thảo của con cái Thiên Chúa.”

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com