Có Điều Gì Trong Niềm Vui Của Maria Mađalêna?

23-04-2019
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 2697 lượt xem

“Niềm vui Chúa Phục Sinh của Maria Mađalêna là niềm vui lớn của toàn thể nhân loại; đó là niềm vui mà chính Thiên Chúa đã định cho chúng ta được hưởng ơn cứu độ nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.”
__Đa Minh Martinô Nguyễn Ngọc Huy __

Từ những chương đầu, Luca thuật lại một danh sách gồm “các bà” đã rong ruổi theo chân Chúa Giêsu trên hành trình rao giảng Tin Mừng. Đứng đầu danh sách là Maria Mađalêna, một người phụ nữ đến từ một thành phố Tây duyên hải Galilê. Chị là người được Chúa giải thoát khỏi bảy quỷ. Tuy nhiên đến ngày hôm nay, còn nhiều người đồng hóa Maria Mađalêna với người phụ nữ phạm tội ngoại tình (Lc 7,36) hay bà Maria ở Bêthania. Sự nhầm lẫn này đã trở thành “thâm căn cố đế” qua nhiều thế kỉ và là một đề tài phong phú trong nghệ thuật, văn chương của tôn giáo Tây phương. Vì hiểu chưa đúng, hình ảnh của Maria Mađalêna trong nghệ thuật thường được xây dựng như một người phụ nữ lả lơi, tội lỗi và sau đó mới thống hối ăn năn. Một cách chính xác hơn thì Maria Mađalêna là một một nữ đạo đức và có lòng nhiệt thành. Trong các Tin Mừng, chị được coi là một người phụ nữ có vai trò rất quan trọng. Chị đi theo Chúa Giêsu để phục vụ. Chị có một tình cảm thiêng liêng đặc biệt dành cho Thầy chí thánh. Chị chứng kiến phút khắc cuối cùng của Chúa, là người lo hậu sự cho Chúa và đồng thời chị còn là người đầu tiên diễm phúc loan báo Tin Mừng Phục Sinh.

Niềm vui Phục sinh của Maria Mađalêna

Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, không đợi đến khi trời sáng tỏ, Maria Mađalêna đi đến mộ Chúa và thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Chị chạy về báo tin cho Simôn Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu yêu mến. “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ rồi”. Khi hai môn đệ kia đã đến nơi chôn cất Chúa, “người môn đệ kia” đến trước nhưng không vào. Simôn Phêrô đến sau và ông vào thẳng trong mộ. Tin Mừng thuật lại rằng khi hai môn đệ này trở về thì Maria Mađalêna vẫn ở lại. Chị đứng ngoài gần bên cửa mộ và khóc. Chị khóc, rồi lại cúi nhìn vào trong mộ.  

Maria Mađalêna đã trải nếm nhiều cung bậc cảm xúc mãnh liệt trong một khoảng thời gian ngắn. Chị đi từ hoang mang sợ hãi: “Người ta đã lấy mất xác Chúa tôi rồi và tôi không biết họ để xác Người ở đâu”. Trong nỗi hoang mang ấy, thì “hai người đàn ông y phục trắng xóa” đã có những bước chuẩn bị cho niềm vui Vinh Thắng Khải Hoàn chị sắp đón nhận. “Tại sao bà khóc?” Câu nói đó với Maria Mađalêna trong hoàn cảnh ấy thuần túy là một câu hỏi. Nhưng chúng ta cảm nhận đó là sự nhẹ nhàng ủi an. Đó là một phép tu từ: “Này bà xin hãy đừng khóc nữa, hãy vui lên”. Không ai chắc Maria Mađalêna còn khóc hay không nhưng khi chị nhận ra “người làm vườn” chính là Chúa thì có lẽ chị đã nức nở, nghẹn ngào vỡ òa trong hạnh phúc sung sướng mà cất lời: “Rápbuni – Lạy Thầy”.

Nén chặt những xúc cảm mạnh mẽ, chị chỉ có thể thốt lên một lời: “Rápbuni”. Chúng ta có thể hiểu được một phần tình cảm lớn lao chị dành cho Chúa khi gẫm về cuộc đời của chị. Lúc Thầy chí thánh còn đồng bước một cách hữu hình với các môn đệ trên hành trình rao giảng Tin Mừng, bà Salomê đã mong muốn cho hai người con của mình có được một “vị trí” bên cạnh Chúa. Cũng vậy, Maria Mađalêna cũng mong muốn có một vị trí. Hoặc hơn thế nữa, chị mong muốn được chiếm hữu Thầy: Người ta đã lấy mất xác “Chúa tôi” rồi. Đó là một tình cảm chân thành được thể hiện qua những hành động tha thiết và cụ thể vốn thường được trông thấy nơi Maria Mađalêna. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã ân cần nói với chị: “Thôi, đừng giữ Thầy lại vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em” (Ga 20,17). Chúa Giêsu vẫn hằng khát vọng được lên cùng Chúa Cha, vì Người đã đến từ Chúa Cha và phải trở về với Chúa Cha. Đây là tình yêu cao cả nhất trên đời. Có thể Maria Mađalêna cũng đã cảm nhận được tình yêu lớn lao ấy. Chị đã vội vã chạy về trong vui mừng và “kể lại những điều Người đã nói với chị.”

Thầy là sự sống lại và là sự sống (Ga 11,25)

Khi cảm nhận niềm vui Chúa Phục Sinh của Maria Mađalêna, đâu đó gợi lên trong ta một mảng quá khứ ít ỏi của chị trong chi tiết “bảy quỷ”. Có thể chị bị quỷ ám hoặc bị bệnh nặng. Trong não trạng của người Do Thái lúc bấy giờ, bệnh tật là dấu hiệu thống trị của Satan và tội lỗi. Khi nói về vấn đề này, Cha W.J. Harrington, O.P. viết trong cuốn New Catholic Commentary: Bị bảy quỷ ám không có nghĩa là thánh Maria Mađalêna đã sống một cuộc đời tội lỗi. Việc Chúa Giêsu chữa lành cho chị còn có một ý nghĩa sâu xa hơn là quyền lực của Thiên Chúa luôn chiến thắng ác thần. Khởi đi từ việc được chữa lành về thể xác, chúng ta vững lòng tin tưởng rằng Con Người nhập thể đã dùng Thánh giá là cờ vua cả toàn thắng đã cứu chúng ta là những người hằng tin tưởng và trông cậy khỏi tay ma quỷ và khỏi phải chết. Tin Mừng Gioan đã diễn tả việc cứu chuộc này một cách rất ý nghĩa: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Bên bờ giếng Giacóp với người phụ nữ Samari, Chúa Giêsu cũng đã nói về chính mình: “[…] vì ơn cứu độ đã phát xuất từ dân Do Thái”. Sách Công vụ có đoạn chép: “Đấng ấy (Chúa Giêsu) là tảng đá mà quý vị là thợ xây loại bỏ, chính tảng đá ấy lại trở nên đá tảng góc tường. Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4, 11-12). Niềm vui Chúa Phục Sinh của Maria Mađalêna là niềm vui lớn của toàn thể nhân loại; đó là niềm vui mà chính Thiên Chúa đã định cho chúng ta được hưởng ơn cứu độ nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Phúc thay những người không thấy mà tin (Ga 20,29)

Phụ nữ thường không được coi trọng trong xã hội của người Do Thái thời bấy giờ. Không ai làm thầy dạy mà lại nói chuyện với một người phụ nữ một cách công khai, và phụ nữ không được bước chân vào hội đường vì nơi này chỉ dành riêng cho đàn ông. Dẫu vậy, vẫn còn những người phụ nữ công khai đi theo Chúa Giêsu, thậm chí có người còn đụng chạm vào thân thể của Chúa trước mặt những người đạo đức đương thời và điều ấy làm họ gai mắt khó chịu.

Vậy điều gì đã thực sự thúc đẩy “các bà” theo Chúa bất chấp lời ra tiếng vào? Chỉ có một điều. Khởi đi từ thái độ và lời giáo huấn của Chúa Giêsu đã gợi lên trong các bà một sự tin tưởng mạnh mẽ vào người đàn ông mà các bà gọi là “Rápbuni”. Niềm vui của Maria Mađalêna có được là niềm vui mà chị cảm nếm bằng sự tin tưởng vào người đã mang lại cho chị sự tự do. Chị hiểu rằng thái độ và lời lẽ của Chúa Giêsu là một giáo lý mới lạ giúp con người trong mọi thời đại, và mọi xã hội sống đúng với phẩm giá của mình. Hành trình theo Chúa càng dài, chị càng có thêm những bước tiến thiêng liêng trong niềm tin tưởng vào Đấng Cứu Thế. Sau cùng, chị đã hoàn toàn cậy tin vào Người; chị đã hiện diện đến những phút giây cuối cùng.

“Người làm vườn” đã gieo vào tim chị niềm vui Vinh Thắng Khải Hoàn và nơi chị chúng ta học được bài học về việc tin. Phần các Tông Đồ, điều gì đã trì kéo lòng các ông khiến các ông chậm tin đến thế? Trình thuật Tin Mừng Luca cho thấy nhóm Mười Một đã không để tâm đến lời loan báo của những người phụ nữ. Các ông cho rằng đó là “chuyện vớ vẩn, nên chẳng tin”. Vài ngày sau, Chúa Giêsu hiện ra với các Tông Đồ. Người đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em”. Rồi Người nói: “Sao lại hoảng hốt, Sao lòng anh em còn ngờ vực?” (Lc 24,38)

Cụ thể hơn, Tin Mừng Gioan thuật lại một nhân vật trong nhóm Mười Hai tên là Tôma (Đi-đy-mô) – người “chẳng có tin” vì ông đã không có mặt cùng các Tông Đồ khác khi Chúa hiện ra. Tôma mong đợi điều gì khi nói: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”? Phải chăng Tôma ngờ vực…? Đúng hơn Tôma đại diện cho những người mong muốn được nhận ra Chúa Giêsu từ những dấu chỉ quan trọng hơn hết là thương tích Chúa đã mang vì yêu thương. Tám ngày sau Đức Giêsu lại hiện ra, lần này cũng có mặt Tôma, Người nói: “Hãy đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy, đừng cứng lòng nữa nhưng hãy tin”. Lập tức, Tôma đã tuyên xưng niềm tin của mình: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”. Đức Giêsu tiếp tục nói: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những kẻ không thấy mà tin”.

Trong thư thứ nhất thánh Phêrô viết: “Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy, anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang, bởi đã nhận được thành quả của đức tin, là ơn cứu độ con người” (1 Pr 1,8-9).

Chúa Giêsu hiện đến với Maria Mađalêna bằng thân xác phục sinh của Người. Thoạt đầu chị đã không thể nhận ra Người bằng giác quan thông thường. Nhưng khi nghe tiếng Chúa gọi, chị “quay lại” bằng cả ký ức, tâm hồn và trái tim của mình, một trải nghiệm quen thuộc “bừng cháy” bên trong mách bảo chị: “Chúa đó”. Chị đã tin và trở thành người đầu tiên diễm phúc loan báo Tin Mừng Phục Sinh, vội vã trở về, kể lại những điều Người đã nói với chị. Niềm vui của chị đặt nền tảng ở việc tin. Chị tin Chúa Giêsu đã sống lại thật, nên niềm vui của chị bền vững và lan tỏa mãi. Các Tông Đồ cũng cảm nhận được niềm vui đó khi các ông tin. Dẫu gặp nhiều gian nan và khốn khó, các Tông Đồ đã không ngừng loan báo niềm vui dịu ngọt và phấn khởi ấy. Và chính lời loan báo của các Tông Đồ đã khơi dậy đức tin cho chúng ta để chúng ta có thể tuyên xưng Đức Kitô là Chúa và tin tưởng rằng Thiên Chúa đã làm cho con người từ cõi chết sống lại và vì vậy mà chúng ta được hưởng ơn cứu độ. Thánh Phaolô trong một lá thư đã nêu ra hai việc làm quan trọng để có được ơn cứu độ đó là: “tin thật trong lòng” và “xưng ra ngoài miệng” (Rm 10,10). Một khi môi miệng ta tuyên xưng, lời tuyên xưng đó trở thành lời chứng và chính chúng ta trở nên chứng nhân, trở nên muối men cho trần gian.

Chính anh em là chứng nhân về những điều này (Lc 24,48)

Trong câu chuyện mà Cơ-lê-ô-pát trên đường Emmau kể cho “người đàn ông duy nhất” không biết những chuyện gì đang xảy ra trong thành mấy bữa nay, thì Maria Mađalêna là một trong những người đã chạy về mang tin báo Chúa đã phục sinh. Các bà ấy đã ra mộ từ sáng sớm và không thấy xác người đâu cả, khi về các bà còn nói đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống.

Thật không khó để chúng ta tưởng tượng ra một Maria Mađalêna mang trong mình một “niềm vui khôn tả” vội vàng chạy về gặp các Tông Đồ, kể lại cho các ông nghe về những gì Chúa đã nói với mình. Niềm vui Chúa phục sinh quá đỗi lớn lao và chị đã chia sẻ Tin Mừng ấy cho người khác. Cũng vậy cứ mỗi lần chị “kể lại”, chị lại cảm nhận được niềm vui.

Đọc lại trích đoạn cuối cùng trong Tin Mừng Luca, chúng ta cảm nhận được niềm vui của các tông đồ. Những cuộc gặp gỡ sau cùng, Chúa Giêsu giải thích cho các Tông Đồ ý nghĩa của sứ mạng ngắn ngủi và sáng chói của Người. Người đã cứu chúng ta khỏi tội lỗi. Tất cả những gì đã chép về Người đều được ứng nghiệm. Sau cùng Chúa đã đặt các ông làm chứng nhân Tin Mừng của Người, các ông sẽ là người đứng ra loan báo và bảo đảm cho đức tin ấy. Trước khi về trời, Chúa chúc lành cho các ông. Bấy giờ lòng các ông đầy hoan hỉ. Đáp trả lại tình yêu của Thầy và cảm nhận được tâm hồn reo ca hỉ hoan, các ông đã lên đường loan báo Tin Mừng cứu độ. Thánh Phaolô trong thử gửi giáo đoàn Côrintô viết: “Tình yêu của Đức Kitô thúc bách tôi” (2Cr 5,14). Các ngài đã để cho tình yêu của Đức Kitô xâm chiếm tâm hồn mình và chìm nổi như muốn tan ra trong cảm nghiệm sâu xa trong niềm vui trọng đại ấy. Và niềm vui trọng đại ấy là gì nếu không phải là sự đáp trả tiếng gọi tình yêu của Thiên Chúa và luôn đặt mình trong tâm thế sẵn sàng lên đường trở thành chứng nhân Nước trời. Cảm nhận được điều ấy, rồi một lúc nào đó chính chúng ta cũng sẽ thưa lên rằng: “Vô phúc cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”.

Từ khóa: , , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com