[CN28TN-C] Tạ Ơn Thiên Chúa Nhờ Đức Kitô

12-10-2019
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 3000 lượt xem

2V 5,14-17; 2Tm 2,8-13; Lc 17,11-19

Tạ ơn và chúc tụng là một trong những tâm tình thờ phượng đặc biệt của người Do thái đối với Đức Chúa Giavê. Trong các dịp đại lễ, người Do thái thường tụ tập về Giêrusalem. Họ cùng nhau tưởng niệm, tạ ơn và tôn vinh Thiên Chúa vì Người đã nhiều lần can thiệp vào lịch sử để giải phóng dân tộc và đã máu chiên, dê để làm lễ ký kết Giao Ước với họ. Đặc biệt, trong bầu khí của đại lễ Vượt Qua, sau khi đã sát tế chiên và cùng nhau tưởng niệm biến cố xuất hành khỏi Ai Cập, người Do thái luôn kết thúc bữa tiệc chiên mừng lễ bằng các thánh vịnh tạ ơn và ngợi khen:

“Hãy tạ ơn Chúa, cầu khẩn danh Người
vĩ nghiệp của Người loan báo giữa muôn dân.
Hát lên đi, đàn ca mừng Chúa
và suy gẫm những kỳ công của Người” (Tv 104,1)

Tâm tình tạ ơn và chúc tụng của người Do Thái đối với Đức Chúa Giavê không chỉ dừng lại trong các cuộc đại lễ mà còn biểu lộ ra ngay cả trong đời sống thường nhật, đặc biệt là trong các bữa ăn gia đình.

Ấy vậy mà trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca lại kể cho chúng ta một câu chuyện về thái độ xem ra vô ơn của chín trong số mười người phong cùi: sau khi được Đức Giêsu chữa cho lành bệnh, họ đã không trở lại gặp Đức Giêsu để tôn vinh Thiên Chúa. Duy chỉ có một người trở lại; và Đức Giêsu cho biết người ấy lại là người ngoại bang. Thái độ tạ ơn của người ngoại bang này còn được minh hoạ thêm bởi hình ảnh ông Na-a-man trong bài đọc một. Ông là tướng chỉ huy quân đội của nước Aram. Sau khi được ngôn sứ Êlisa chữa khỏi bệnh phong, ông đã tuyên xưng và ca tụng danh Đức Chúa.

Câu chuyện khiến cho người ta khó hiểu rằng tại sao chín người phong cùi kia, họ là những người Do Thái chính cống, họ thuộc về dân riêng của Chúa lại tỏ ra vô ơn với chính Thiên Chúa. Thật ra, giáo huấn của Đức Giêsu ở đây không chỉ đơn thuần dạy về lòng biết ơn đối với Thiên Chúa. Qua câu chuyện mười người phong cùi, Người mặc khải cho chúng ta một chân lý cao sâu hơn: Đâu là con đường đích thực đưa con người đến hành vi tạ ơn Thiên Chúa cách xứng hợp?

Chúng ta biết rằng, người phong cùi thời nào cũng vậy, vì mắc thứ bệnh dễ lây lan nên họ thường bị mọi người lánh xa. Đặc biệt, với quan niệm Do Thái thời ấy, người phong cùi bị liệt vào hạng người tội lỗi. Theo Lề luật được ghi trong sách Lêvi, những người người này đi đâu cũng phải hô lớn tiếng : ‘Ô uế ! Ô uế !” để mọi người biết mà tránh xa họ ra. Nếu người nào may mắn khỏi bệnh, thì phải đến trình diện với tư tế để được xác nhận. Và từ đó họ được gia nhập lại với cộng đồng tôn giáo của mình.

Chín người phong cùi này, sau khi đã được Đức Giêsu chữa khỏi bệnh và đến gặp tư tế, thì chắc rằng họ đã được gia nhập vào cộng đồng Do Thái giáo. Và như vậy, cũng như những người Do Thái khác, họ có cơ hội để tham gia vào nghi lễ tôn giáo của dân tộc mình. Họ lại hành hương lên Giêrusalem vào mỗi dịp đại lễ để cùng với mọi người tạ ơn và chúc tụng Đức Chúa Giavê. Như vậy thì chín người phong cùi được chữa khỏi này đâu có vô ơn. Thái độ vô ơn của họ có chăng là vô ơn với Đức Giêsu, người đã làm ơn cho họ; nhưng Đức Giêsu lại không khiển trách họ về chuyện đó. Người chỉ nói rằng tại sao chín người kia lại không trở lại tôn vinh Thiên Chúa.

Còn người ngoại bang trở lại với Đức Giêsu là ai? Anh ta không hoàn toàn là dân ngoại, nhưng là người Samari. Người Samari vốn là người Do Thái, nhưng bị người Do Thái chính gốc xem thường, coi họ như dân ngoại bang vì đã sống chung lộn với dân ngoại. Dân Samari không được phép hành hương lên Giêrusalem. Họ thờ Giavê trên núi Garidim. Như vậy, cho dù người phong cùi Samari này đã được khỏi bệnh, anh ta cũng không thể hoà nhập lại với cộng đồng tôn giáo Do Thái truyền thống được. Sự bế tắc này đã khiến anh đã quay trở lại với Đức Giêsu để tôn vinh Thiên Chúa. Và đây chính là điểm mấu chốt mà Đức Giêsu muốn bày tỏ: Người ta chỉ có thể thực hiện hành vi tạ ơn đích thực qua trung gian của Người mà thôi.

Chín người phong cùi kia đã trở về với truyền thống tôn giáo Cựu ước của họ. Truyền thống ấy vốn tốt, nhưng lại không cho họ khả năng để tạ ơn và chúc tụng Thiên Chúa cho hoàn toàn xứng hợp. Truyền thống phụng tự của Giao ước cũ chỉ có giá trị khi Đức Giêsu chưa đến; còn giờ đây, bất cứ ai muốn thờ phượng và tôn vinh Thiên Chúa đích thực, thì sẽ thờ phượng và tôn vinh Thiên Chúa qua trung gian Đức Giêsu.

Một lần khác, trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu nói với người phụ nữ Samari “Đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem. Nhưng đã đến giờ – và chính là lúc này đây – giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật” (Ga 4,21.23). Thần khí và sự thật ấy ở nơi chính bản thân Người.

Đức Giêsu đã đến khai mở một một Giao ước mới. Giao Ước được ký kết bằng máu của Người. Hy tế Thập giá là lời tại ơn chúc tụng hoàn hảo và vĩ đại nhất mà Đức Giêsu với tư cách vừa là Thiên Chúa vừa là con người dâng lên cho Thiên Chúa Cha. Hy tế Tạ ơn ấy đã khai mở và dẫn đưa chúng ta vào một nền phụng tự mới. Trung tâm điểm của phụng tự mới ấy chính là Thánh thể mà Giáo hội cử hành mỗi ngày. Thánh thể tái diễn lại công cuộc hy tế tạ ơn của Đức Kitô. Từ ‘Thánh Thể” được dịch ra từ nguyên ngữ Hy Lạp có nghĩa là “Tạ Ơn”. Chính vì vậy chúng ta còn gọi Thánh Thể là Bí tích Tạ Ơn. Trong thánh lễ, phần cao điểm của phụng vụ bắt đầu từ lời Tiền tụng cho đến trước kinh Lạy Cha cũng được gọi là “kinh Tạ Ơn”

Như vậy, trong nền phụng tự mới, hành vi thờ phượng chính yếu của chúng ta cũng vẫn là những tâm tình tạ ơn và chúc tụng Thiên Chúa như dân Do Thái thời xưa. Tuy nhiên giờ đây, tâm tình tạ ơn và tôn vinh ấy đã được mặc một ý nghĩa mới và một giá trị mới. Chúng ta tôn thờ và chúc tụng Thiên Chúa nhờ Đức Kitô. Trong bất cứ lời nguyện nào của phụng vụ, chúng ta cũng đều kết thúc với câu “chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô”. Khi kết thúc kinh Tạ Ơn trong thánh lễ, linh mục đọc lời tung hô: “Chính nhờ Đức Kitô, cùng với Đức Kitô, và trong Đức Kitô mọi lời chúc tụng tôn vinh đều quy về Chúa là cha toàn năng đến muôn thuở muôn đời”

Tóm lại, tạ ơn và chúc tụng là những tâm tình thờ phượng thích hợp của con người dâng lên Thiên Chúa. Dân Do Thái thời xưa đã không ngừng tôn vinh và tạ ơn Thiên Chúa vì Người đã giải phóng họ khỏi ách nô lệ ngoại bang. Và giờ đây, trong Đức Giêsu Kitô, chúng ta cũng dâng lên Thiên Chúa Cha lời chúc tụng và tôn vinh vì Người đã ban ơn cứu độ giải phóng ta khỏi ách nô lệ của tội lỗi.

* * *

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta, mỗi khi tham dự thánh lễ biết sốt sắng mặc lấy tâm tình của chính Đức Kitô, để cùng với Người, chúng ta tạ ơn và tôn vinh Thiên Chúa Cha.  

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com