[CN21TN-C] Chiến Đấu Qua Cửa Hẹp

24-08-2019
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 3284 lượt xem

Is 66,18-21; Hr 12,5-7.11-13; Lc 13,22-30

Đang khi Đức Giêsu giảng dạy, thì một người trong nhóm thính giả hỏi Người: “Thưa ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?”

Câu hỏi này phát xuất từ một quan niệm của một số người Do Thái cho rằng Thiên Chúa là Ðấng nghiêm khắc, luôn đưa ra những đòi hỏi rất gắt gao, và người nào không thực hiện những yêu cầu ấy, sẽ không được cứu thoát. Người ta cũng nghĩ rằng ơn cứu độ là do những cố gắng lập công của con người, ai thực hiện đầy đủ những tiêu chuẩn do Lề luật quy định, người ấy sẽ được cứu thoát.

Đức Giêsu đã không trả lời trực tiếp, nhưng đặt lại vấn đề theo một hướng khác. Thay vì, trả lời cho họ về số người được cứu nhiều hay ít, Đức Giêsu muốn họ tập trung vào một điều còn quan trọng hơn, đó là làm cách nào con người có thể đạt đến ơn cứu độ. Chỉ có một giải đáp duy nhất là “hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào.” Cửa hẹp là cửa nào đây? Thưa chính là Đức Giêsu và con đường cứu độ thập giá của Người. Tiếng Do Thái, Giêsu  có nghĩa là “Thiên Chúa cứu”. Nhờ Người, mọi kẻ tin đều được cứu thoát. 

Những lời nói và việc làm trong suốt cuộc đời sứ vụ của Đức Giêsu, tất cả đều nhằm minh chứng rằng người ta phải tin vào Người, phải nhờ vào Người mới được cứu thoát. Nhưng đó lại là điều mà người Do Thái không muốn chấp nhận. Họ không tin Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa, được Chúa Cha sai đến để loan báo Tin Mừng cứu độ. Họ mong chờ Ðấng Cứu Thế, nhưng họ không tin vị ấy chính là Ðức Giêsu. Người Do Thái muốn được cứu thoát, nhưng lại không chấp nhận Ðức Giêsu, không chấp đường lối cứu độ khổ giá của Người. Trong khi đó, Ðức Giêsu đã nhiều lần cảnh báo: ai không tin vào Người, thì chẳng được cứu độ; nếu không đi qua cửa hẹp, sẽ chẳng vào được Nước Thiên Chúa.

Như thế, vấn đề không phải là xem có bao nhiêu người được cứu, nhưng là ai dám bước qua cửa hẹp? Ai dám đi theo Ðức Giêsu, bỏ lại tất cả, chấp nhận làm môn đệ của Người cách vô điều kiện? Ở đây, cửa hẹp không phải là một cách thức thi tuyển nhằm loại bớt một số người, dựa theo một số tiêu chuẩn khôn ngoan hay đạo đức. Người ta sẽ không phải chỉ đi qua cửa hẹp một lần trong đời, nhưng là suốt cả đời mình. Người ta không thi tuyển vào Nước Thiên Chúa để rổi sau đó không phải nỗ lực gì nữa.

“Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp” là cả một hành trình dài, hành trình của tình yêu. Người ta sẽ phải thường xuyên theo dõi xem cuộc đời mình có đi đúng đường hay không, có đi theo Ðức Giêsu hay đã đi ra ngoài con đường do Người hướng dẫn. Cửa hẹp mở ra một con đường, và con đường đó dẫn tới Nước Trời. Người ta phải đem tất cả nỗ lực ra để sống, để đi.

Cũng chẳng cần phải chen lấn, xô đẩy nhau, vì mỗi người có cánh cửa của mình, và cánh cửa ấy Chúa đã chuẩn bị sẵn cho mỗi người. Người ta cũng chẳng phải cứ đứng ngoài cửa mà gõ, nhưng là có can đảm bước qua hay không. Muốn như thế, người ta sẽ phải vất bỏ những thứ cổng kềnh, những thứ gì cản trở để có thể đi qua cửa ấy.

Đến với Ðức Giêsu, bước đi theo Người, có nghĩa là bước đi trên con đường thập giá, chấp nhận thân phận của Người tôi tớ. Ðức Giêsu đã không đi con đường nào khác. Chính qua thập giá, Người đã đem ơn cứu độ đến cho toàn thể nhân loại.

Một điều an ủi cho con người là, trên hành trình đó, họ có Ðức Giêsu là người hướng dẫn, là bạn đồng hành, là người nâng đỡ. Người Kitô hữu không tự mình xoay xở, không cô đơn, nhưng có Ðức Giêsu cùng đi với họ. Chính Người sẽ đưa ra những chỉ dẫn cần thiết trong những chặng đường khác nhau.

Tuy vậy, đó không phải là nẻo đường dễ dàng, không phải là con đường trơn tru bằng phẳng. Qua cửa hẹp, đã cần có cố gắng. Ði trên đường, lại cần có sức mạnh và lòng kiên trì. Những người lười biếng sẽ chẳng được vào Nước Trời. Chỉ những ai đem hết sức mình để đi theo Ðức Giêsu, mới được tham dự vinh quang của Người.

Phải chăng, một ngày nào đó, chúng ta sẽ đến trước mặt Chúa và thưa : “Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt Ngài, và Ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi.” Chúng ta lấy làm tự hào về những việc đạo đức của mình, và chúng ta tin chắc rằng mình sẽ ở chỗ nhất?

Thế nhưng, câu trả lời rất có thể sẽ không phải như chúng ta mong đợi: “Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt Ta.” Ðang khi chúng ta nghĩ rằng mình sẽ chiếm được địa vị cao, thì lại có những người ở khắp mặt đất, từ đông sang tây, được mời vào dự tiệc, còn chúng ta lại bị gạt ra ngoài. Tại sao thế?

Như Ðức Giêsu đang trên đường lên Giêrusalem để chịu khổ hình, người Kitô hữu cũng lên đường tiến về quê trời. Trước khi phục sinh trong vinh quang, Ðức Kitô đã trải qua con đường đau khổ. Cũng vậy, trước khi đạt tới vinh quang vĩnh cửu, người Kitô hữu phải sẵn lòng chấp nhận những vất vả, những khó khăn của cuộc hành trình. Và, như đã nói, cuộc hành trình đó là đi theo Ðức Kitô, tiếp nối con đường Người đã đi. Bởi đó, niềm tự hào của người Kitô hữu là mình đã đi theo Ðức Kitô, gắn bó với Người và yêu mến Người. Tất cả những việc làm, dù rất đạo đức, của con người, nếu không có lòng yêu mến, cũng trở thành vô giá trị, bởi vì họ chỉ làm những việc đó theo ý mình, chứ không phải vì Ðức Kitô.

Chúng ta cứ tưởng rằng mình đã “chắc ăn” khi làm điều này, điều nọ: tôi đã dự lễ Chúa Nhật đầy đủ, tôi đã làm việc lành bố thí, v.v.. Đó không phải là tiêu chuẩn để dự tiệc trong Nước Thiên Chúa. Tiêu chuẩn duy nhất là lòng yêu mến đối với Ðức Kitô, tin vào Người, phó thác cho Người. Theo Ðức Kitô không phải là tin vào mình, nhưng là phó thác vào Người, để Người hướng dẫn, hiệp thông với Người trong tình yêu sâu xa…

“Chiến đấu để qua cửa hẹp”, tức là tin tưởng, yêu mến và bước theo Đức Giêsu. Ðó là lời mời gọi gửi đến cho tất cả những ai mong muốn được ơn cứu độ. Amen.

Từ khóa:

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com