[Chuyện Về Một Nhà Giảng Thuyết] Chương 3: Huấn luyện để thi hành sứ vụ

12-07-2017
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 2004 lượt xem

Donald J. Goergen, O.P.

Thời gian: 1206 – 1215
Địa điểm: Miền Tây Nam nước Pháp

Chúng ta không biết những nhà giảng thuyết mới này thành công như thế nào. Chắc chắn, người ta nhận thấy họ khác với những giáo sĩ Công giáo. Có nhiều người hoán cải, trong số đó có các phụ nữ. Đức cha Diego và cha Đa Minh bắt đầu giảng thuyết trong vùng Fanjeaux, miền Tây Nam nước Pháp. Fanjeaux là cái nôi của lạc giáo. Montreal, cách đó khoảng năm dặm, cũng là thành lũy của phái Cathar. Chính tại Montreal, mùa xuân năm 1207, có lẽ đã xảy ra “cuộc thử thách bằng lửa”. Theo truyền thống khác, sự việc này diễn ra ở Fanjeaux. Không phải là ngày một ngày hai, đúng hơn, cuộc tranh luận giữa những người Cathar và Công giáo đã trải qua khoảng vài tuần. Để cuộc tranh luận đặc biệt này được giải quyết và để chân lý được sáng tỏ, cha Đa Minh đưa ra những luận chứng, hoặc ít là các bản văn Tân ước, của phía Công giáo bằng văn bản. Bấy giờ, một số người Cathar quyết định ném cuộn giấy ấy vào lửa để kiểm tra giáo huấn được viết trong đó. Nếu nó cháy, luận chứng của cha Đa Minh là sai lầm. Nếu nó không cháy, luận chứng đó là vững chắc, và vì thế chân lý đức tin Công giáo cũng đúng đắn. Những quan tòa tự xưng, là những người có thiện cảm với giáo phái Cathar, đã ném cuộn giấy vào lửa ba lần, nhưng nó không bao giờ cháy, mà bật ra khỏi đống lửa. Câu chuyện này được cả cha Giođanô và Peter Vaux-de-Cernai ghi lại.1 Cha Peter cho rằng sự kiện ấy diễn ra ở Montreal, và sau này cha Vicaire cũng theo giả thuyết này. 2

Năm 1207, Đức cha Diego và cha Đa Minh thể hiện vai trò lãnh đạo trong cuộc tranh luận ở Montreal. Peter Castelnau và Raoul, trong vai trò đại diện Đức Giáo hoàng, cũng ở đó, chứng tỏ tầm quan trọng của sự kiện. Không lâu sau đó, 12 viện phụ Xitô khác đến cùng với một số đan sĩ, là những người dường như được bổ nhiệm vào địa hạt của họ. Raoul qua đời vào tháng Bảy năm đó. Đức cha Diego, và có lẽ cả cha Đa Minh, tham gia cuộc tranh luận chính thức khác ở Pamiers vào tháng Tám hoặc tháng Chín. Đây là cuộc tranh luận với giáo phái Vanđô. Các đan sĩ Xitô tiếp tục giảng thuyết dưới quyền lãnh đạo của Guy Vaux-de-Cernai. Những người gắn bó với Đức cha Diego cũng tiếp tục công việc. Khi Đức cha Diego không còn hiện diện, cha Đa Minh phụ trách nhóm của Đức cha. Không lâu sau cuộc tranh luận ở Pamiers, Đức cha Diego lên đường trở về giáo phận của ngài ở Tây Ban Nha.

Prouilhe và Fanjeaux

Khi “việc giảng thuyết” –hoặc “thánh thuyết” (dường như Đức Innocente nói đến trong một lá thư sau này)3 – tiếp tục, các nhà giảng thuyết phân tán ra nhiều trung tâm, nhưng Đức cha Diego và cha Đa Minh vẫn ở lại trong vùng Fanjeaux và Prouilhe, là hai vùng gần nhau, dễ dàng qua lại. Các ngài xây dựng trụ sở tạm thời ở đó. Trong thời gian này, William Claret, một linh mục từ Pamiers và một đan sĩ Xitô đã đến nhập đoàn. Tuy nhiên, Đức cha Diego bị đau tay. Phải làm gì với các phụ nữ hoán cải ? Các phụ nữ giữ một vai trò quan trọng giữa những người Cathar, cũng như trong lịch sử đời tu thời đó.4 Các chị không trở lại các nhà hay tu viện Cathar nữa. Đức cha Diego và cha Đa Minh cung cấp cho họ một số nhu cầu. Các ngài phải cung cấp những gì tương ứng với sự khắc khổ của đời sống Cathar mà các chị đã rời bỏ. Hình thức đời sống tu viện là cần thiết.

Tháng Mười Hai năm 1206, Đức cha Diego và cha Đa Minh tìm cho các chị một mảnh đất, nơi các chị có thể sống đời tu, bên cạnh nhà thờ thánh Maria Prouilhe. William Claret giúp cha Đa Minh trong việc quản trị tài sản vật chất tại Prouilhe. Về mặt pháp lý, các phụ nữ tại Prouilhe không phải là đan sĩ. Đó chưa phải là một đan viện. Mảnh đất được bao kín năm 1211, nhưng không giới hạn cho phụ nữ mà thôi ; có các nam nữ giáo dân sống trong không gian được bao kín ấy. Mãi đến năm 1211, những tòa nhà đan viện đầu tiên được hoàn thành. Một số chị em vẫn phải sống ở Fanjeaux. Prouilhe là cơ sở đầu tiên mà cha Đa Minh thiết lập. Cơ sở của Đức cha Diego, hay của cả hai vị ? Cuối cùng, cơ sở ấy trở thành một đan viện, ban đầu theo lối sống Xitô, bởi vì lúc đó chưa có bất kỳ luật lệ Đa Minh nào. Sau này, khi Dòng được thành lập, đan viện ấy trở thành đan viện Đa Minh.

Có một truyền thuyết về việc chọn địa điểm Prouilhe. Một buổi tối nọ, từ Fanjeaux, cha Đa Minh nhìn ra cánh đồng trước mặt, một quả cầu lửa bay đến và dừng lại tại Prouilhe. Sự kiện này diễn ra ba đêm liên tiếp. Đó là seignadou –dấu chỉ của Thiên Chúa– là dấu chỉ cha cần. Thiên Chúa đã phán. Chính nơi này đây, nơi mà bây giờ cha thuộc về. Alea iacta est : “Số phận đã được an bài”. Caleruega là nơi cha được huấn luyện khởi đầu, Palencia là nơi cha được giáo dục, và Osma là nơi nảy nở ơn gọi, Fanjeaux, Prouilhe, và Toulouse trở thành nơi cha tiếp tục được huấn luyện để thi hành sứ vụ.

Chúng ta cần có vài ghi chú về các phụ nữ này : rất nhiều người trong số các chị, danh tánh không được nhắc đến nhiều trong lịch sử. Vì thế, chúng ta dừng lại đây để nhớ đến các chị, vì lòng can đảm và đức tin của các chị. Raimonde Claret, Alazais, Richarde de Barbaira, Guilhelmine de Fanjeaux, Guilhelmine de Belpech, một chị khác cũng tên là Raimonde, Passerine, Bérengère, Jourdaine, Curtolane, Gentiane, và Ermessende –ít nhất có lưu trong công hàm.5 Mười hai chị này, có lẽ phần lớn hoán cải từ giáo phái Cathar, thuộc vào số những người đầu tiên sống tại nhà mới ở Prouilhe, dưới chân đồi Fanjeaux. Prouilhe nhanh chóng trở thành một kiểu “đan viện kép”, vì nó cũng là nhà cho anh em giảng thuyết nữa, anh em đến rồi đi mỗi khi cần. Nhưng “cộng đoàn” đan viện có chị bề trên riêng. Mặc dù, cha Đa Minh ít nhiều được trao việc quản trị, nhưng chưa bao giờ cha trở thành bề trên của đan viện này.6

Năm 1206 được ghi vào biên niên sử cuộc đời cha Đa Minh, cũng như năm 1207. Cha Đa Minh và Đức cha Diego tiếp tục lối tiếp cận giảng thuyết mới mẻ. Tuy nhiên, cuối cùng, Đức cha phải trở về để chăm lo cho nhu cầu của giáo phận, từ tháng Chín năm 1207, nhưng ngài cũng muốn đảm bảo ngân quỹ cho việc giảng thuyết và các cộng đoàn ở Prouilhe, và để người bạn, nhà giảng thuyết đáng tín nhiệm của mình tiếp tục công việc. Bây giờ cha Đa Minh tự mình xoay xở, dù cha không ở một mình, và chắc chắn thiếu vắng người bạn là Đức cha Diego, người có ý định trở lại một khi đã hoàn thành công việc ở Tây Ban Nha. Nhưng Đức cha Diego không bao giờ trở lại, vì không lâu sau đó, ngài qua đời tại Tây Ban Nha ngày 30.12.1207. Cha Đa Minh đã nghe tin này khi nào ? Ngài có đau buồn không, và sự kiện đó có ý nghĩa thế nào đối với ngài ? Ngài đã ở lại ? Ngài vẫn có thể ở lại ? Đó là điều Đức cha Diego muốn. Bây giờ đời sống của cha Đa Minh là đời sống giảng thuyết : ở Caleruega – gia đình, ở Palencia – sinh viên, ở Osma – kinh sĩ chiêm niệm, và bây giờ, ở Languedoc – giảng thuyết. Những năm huấn luyện khởi đầu đã kết thúc. Chúng ta dừng lại và hỏi xem cha Đa Minh, và cả chúng ta nữa, có thể học được điều gì trong những tháng đầu năm 1208, khi cha nghe tin Đức cha Diego qua đời, và Peter Castelnau bị ám sát. Sự ra đi của Đức cha Diego và Raoul, và sau đó là cái chết do bị ám sát của Peter, để lại những hậu quả khủng khiếp cho tương lai của chiến dịch giảng thuyết.

Raymond VI là bá tước quyền lực của thành Toulouse từ năm 1194 đến 1222. Ông do dự giữa việc ủng hộ Công giáo hoặc ủng hộ Cathar, bây giờ đã lan tràn trong địa hạt của ông. Ông được cho là người có liên quan trong vụ ám sát Peter Castlenau, đặc sứ của Đức Giáo hoàng. Ông bị công khai tuyệt thông năm 1207 với tội bảo vệ lạc giáo. Ông cũng đã bị Đức Innocente III ra vạ tuyệt thông (và tha thứ) nhiều lần khác : 1208, 1209, 1211, rồi sau đó ông không còn được hòa giải nữa cho đến năm 1214. Năm 1215, Raymond tới Rôma trong Công đồng Lateranô để cố gắng chiếm lại những vùng đất đã bị mất của ông. Năm 1217, ông đã có thể tái chiếm và bảo vệ Toulouse khỏi Simon de Montfort, là người qua đời năm sau trong cuộc vây hãm. Raymond qua đời khi vẫn còn bị vạ tuyệt thông, và không được an táng theo nghi thức Công giáo.

Các sự kiện diễn ra nhanh chóng. Tháng Mười Hai năm 1207, Đức cha Diego trở về giáo phận ở Tây Ban Nha, trao sứ vụ tại Languedoc cho cha Đa Minh và William Claret. Ngày 14 tháng Giêng năm 1208, Peter Castelnau, người ở lại để thi hành sứ vụ giảng thuyết, bị ám sát, và người ta nghi ngờ Bá tước Raymond thành Toulouse có liên quan đến vụ việc. Bá tước Raymond VI, vị lãnh đạo thế tục, đã không giữ cam kết giúp đỡ việc bài trừ lạc giáo. Nhiều lần, ông bị tuyệt thông, được tha thứ, rồi lại bị tuyệt thông và được tha thứ. Đức Giáo hoàng ở vào thế nguy hiểm. Vị đại diện được chính ngài ủy nhiệm đã bị giết. Ngài muốn phong thánh cho Peter, nhưng điều gì cần làm hơn ? Việc giảng thuyết mới được bắt đầu, nhưng rõ ràng không thành công như ngài hy vọng. Không có gì khả quan. Cần có một chiến dịch mới, nhưng chắc chắn, chiến dịch này không phải là chiến dịch cha Đa Minh nghĩ tới. Đức Giáo hoàng tuyên bố chiến tranh.

Đức Giáo hoàng kêu gọi một cuộc thập tự chinh, là chiến dịch đã từng được ngài và các giáo hoàng khác sử dụng. Nhiều người ngày nay tỏ vẻ khó chịu, nhưng chúng ta phải đặt nó trong bối cảnh Trung cổ.7 Đó là một cuộc “chiến tranh thánh” mà Đức Innocente tuyên bố chống lại những người lạc giáo Albi và các lãnh đạo thế tục bê trễ trong việc ủng hộ Giáo hội, thậm chí thông đồng với lạc giáo. Những nơi mà việc giảng thuyết dường như thất bại, thập tự chinh lại thành công, hoặc Đức Innocente cho rằng ý định của mình là vĩ đại. Một trong các đại diện của ngài bị ám sát. Đức Giáo hoàng kêu gọi Philip II nước Pháp (Philip Augustus), mà động cơ đáp lời của ông bao hàm những tham vọng chính trị. Philip không đích thân tham gia thập tự chinh, nhưng đã khuyến khích các chư hầu và hiệp sĩ tham gia nhằm mở rộng nước Pháp xuống phía Nam.

Thập tự chinh

Simon de Montfort IV (khoảng 1175 -1218) là quý tộc từ miền Bắc nước Pháp, đã tham gia cuộc thập tự chinh lần thứ tư, nhưng đã từ chối tiếp tục khi rõ ràng cuộc thập tự chinh chuyển hướng với sự phê chuẩn của Đức Innocente III. Ông gia nhập cuộc thập tự chinh chống Albi năm 1209, và sau khi thành Carcassonne thất bại, ông trở thành lãnh đạo được chọn của thành này. Là người Công giáo sùng đạo chống lại lạc giáo, ông cũng được biết đến như kẻ tàn bạo khi chiến đấu chống lạc giáo Albi. Đối với Đức Innocente, động cơ tôn giáo của cuộc thập tự chinh thật quan trọng. Simon cũng có động cơ mạnh mẽ nhằm mở rộng đất đai và tài sản. Simon ủng hộ những cố gắng của cha Đa Minh chống lại lạc giáo, nhưng cha Đa Minh có lẽ hầu như không ở miền Nam nước Pháp trong giai đoạn đầu của cuộc thập tự chinh. Năm 1213, Simon đánh bại Peter II thành Aragon, anh rể của Bá tước Raymond VI, trong cuộc chiến Muret, làm giáo phái Albi suy yếu nhiều, dù Simon tiếp tục chiến tranh vì lợi ích của chính mình. Sau chín tháng vây hãm Toulouse, Simon bị giết ngày 25 tháng Sáu năm 1218. Đầu tiên, ông được an táng trong nhà thờ chính tòa thánh Nazaire ở Carcassonne, sau đó được chuyển đi, dù ở đó vẫn còn một tấm bia tưởng niệm ông.

Peter Castlenau được phong thánh ngày 10 tháng Ba, chưa đến hai tháng sau khi ngài bị ám sát. Trong chính ngày đó, Đức Innocente kêu gọi một cuộc thập tự chinh, nhưng cũng cần thời gian để thu phục binh lính và huấn luyện quân đội. Chỉ trong 40 ngày, nhiều chiến binh đã đăng ký. Tháng Ba năm 1208, Arnaud Amaury, viện phụ Xitô từ 1201 đến 1212 và là đại diện thứ ba của Đức Giáo hoàng, được chỉ định đồng hành trong cuộc thập tự chinh để trợ giúp các nhu cầu thiêng liêng. Trách nhiệm lãnh đạo quân đội cuối cùng được trao cho Simon de Montfort IV, là người được viện phụ Arnaud thuyết phục. Với vai trò này, ông nhận phụ trách lực lượng của Pháp thay mặt vua Philip. Ông xuất thân từ dòng dõi quý tộc miền Bắc nước Pháp, một vị tướng tài năng, hết lòng quý mến đạo Công giáo, nhưng tàn nhẫn. Giữa Simon de Montfort và cha Đa Minh có một mối tương quan tốt đẹp, nhưng quyết định kêu gọi thập tự chinh của Đức Giáo hoàng đẩy cha vào thế khó xử. Chúng ta biết rằng, suốt nhiều năm, cha đã khắc khoải vì số phận của các tội nhân nói chung cũng như những người theo lạc giáo. Cha lớn tiếng cầu nguyện rằng : “Lạy Chúa, xin thương xót dân Ngài, những người tội lỗi rồi sẽ ra sao ?”8 Lời cầu nguyện của cha giờ đây không phải chỉ là “những người tội lỗi sẽ ra sao ?”, mà là “việc giảng thuyết sẽ ra sao ?” Cha Đa Minh không mất niềm tin vào việc giảng thuyết. Cha sẽ tiếp tục. Cha nghĩ gì về cuộc thập tự chinh, chúng ta không biết chắc chắn. Không có bằng chứng cho thấy cha đã từng giảng về thập tự chinh, và chắc chắn cha không hề tham gia.9 Cha hiến mình cho việc giảng thuyết ngay giữa cuộc thập tự chinh. Đó là thời gian đầy nguy hiểm. Cuộc sống của con người vui tươi này là cuộc sống được hòa lẫn với nỗi buồn.

Ngày 22 tháng Bảy năm 1209, ngày lễ thánh Maria Mađalêna, sau khi hát kinh Te Deum, cuộc thảm sát diễn ra ở Beziers. 15.000 người bị chém trong vòng ba giờ. Phụ nữ và trẻ em cũng không được tha. Ngay cả dân không Công giáo cũng không thoát.10 Giữa tháng Tám cùng năm, một phần do sợ nổ ra cuộc Beziers khác, Carcassonne đã đầu hàng quân thập tự chinh sau hai tuần. Sau đó, Fanjeaux, Montreal, Mirepoix, Limoux, Pamiers, Castres, Lombers, và Albi đều đầu hàng như vậy. Trong cùng tháng đó, Simon de Montfort IV được chọn để lãnh đạo cuộc thập tự chinh, và vì thế trở thành hầu tước của Beziers và Carcassonne, một tước hiệu do Raymond Roger thành Trencavel nắm giữ trước đây. Lãnh địa của ông này bây giờ thuộc về Simon. Simon đã lập trụ sở tại Fanjeaux, trong lâu đài trống của một lãnh chúa Cathar, bị bỏ hoang trong thời gian ông tới. Simon cũng trở thành ân nhân của cha Đa Minh –người có thể đã rửa tội cho một trong các con gái của Simon11 và chúc hôn cho Amaury, con cả của ông, ở Carcassonne năm 1214.

Tương quan của cha Đa Minh và Simon không phải là tương quan bạn bè thân thiết, nhưng cũng không mờ nhạt. Đối với Simon, chiến tranh là chiến tranh, và ông đã quen với các cuộc thập tự chinh, đã tham gia cuộc thập tự chinh lần IV thảm khốc mà Đức Innocente III kêu gọi với hy vọng chiếm lại Đất Thánh. Người ta làm những gì được coi là phải làm để hoàn thành nhiệm vụ, dù có thể điều ấy bi thảm, thiển cận và đáng tiếc. Thập tự chinh chống lại Albi được xem là cuộc chiến tranh tôn giáo tàn khốc nhất trong lịch sử.

Các chiến dịch ở Languedoc dưới sự chỉ huy của Simon, và hầu như chính cuộc thập tự chinh, ít nhiều là câu chuyện của Simon. Ông nắm quyền chỉ huy năm 1209 và trở thành hầu tước hoặc người lãnh đạo Beziers và Carcassonne sau khi các thành này sụp đổ. Ông thất bại trong cuộc tấn công giành Toulouse năm 1211-1212. Vận số của Simon lúc thịnh lúc suy : ông sẽ giành chiến thắng trong trận Muret nổi tiếng năm 1213;12 trong trận này, Peter Aragon, người tới để trợ giúp Bá tước Raymond thành Toulouse, bị giết. Không chiếm được Toulouse, nhưng Simon sẽ trở lại vào năm 1217. Trong cuộc vây hãm, ngày 25 tháng Sáu năm 1218, ông bị giết. Năm 1223, Louis VIII (người có vợ là Blanche miền Castile) trở thành vua nước Pháp. Năm 1226, ông chỉ huy cuộc thập tự chinh, chiến thắng trận quyết định ở Avignon, và từ trần ít lâu sau, cùng năm đó. Cuộc thập tự chinh chính thức kết thúc bằng hiệp ước Paris năm 1229. Hiệp ước này cung cấp viện trợ cho các giáo sư thần học và các giáo sư khác đến giảng dạy ở Toulouse. Các giáo sư này cuối cùng đã xây dựng một trường đại học tại Toulouse. Những người Cathar vẫn còn hoạt động bí mật. Họ chỉ được xem là thất bại hoàn toàn khi Montségur sụp đổ vào năm 1244. Nhưng đỉnh điểm của chiến tranh chống Albi là những chiến dịch do thiên tài quân sự Simon de Monfort chỉ huy.

Cuộc sống của cha Đa Minh đầy rủi ro. Đứng ở ngọn đồi phía trên Prouilhe, hướng nhìn về Fanjeaux, khách hành hương ngày nay vẫn có thể thăm một thập giá “ám sát”, được cho là nơi những kẻ ám sát sẵn sàng lấy mạng cha Đa Minh. Câu trả lời của cha không chút sợ hãi, thậm chí còn chút vui vẻ. Chân phước Giođanô Saxônia cho biết cha Đa Minh đã nói rằng : “Tôi không xứng lãnh nhận vinh quang tử đạo, tôi không xứng với cái chết như thế” (Libellus, số 34), và vì thế, mạng sống của cha được bảo toàn. Thiên Chúa lại quan phòng ! Nhưng cha Đa Minh đã làm gì, và gánh nặng nào cha phải mang ?

Cha Đa Minh, 1209–1215

Từ năm 1209 đến 1211, hoạt động của cha Đa Minh ra sao ?13 Giữa cuộc gặp tại Montpellier năm 1206, cái chết của Đức cha Diego, lời kêu gọi thập tự chinh của Đức Innocente năm 1208, chúng ta có thể dễ dàng dõi bước theo cha Đa Minh. Nhưng chúng ta có thể nói gì về giai đoạn từ khi Đức cha Diego qua đời, suốt cuộc chiến tranh, cho tới năm 1215, khi cha Đa Minh thiết lập hội giảng thuyết thuộc giáo phận trong giáo phận Toulouse ? Làm sao chúng ta có thể lấp đầy những khoảng trống này ? Cha Vicaire, người ghi tiểu sử cha Đa Minh, viết : “Giữa tháng Tám năm 1207 và tháng Năm năm 1211, không có bất cứ ghi chép về sự kiện, không có tài liệu nào trong công hàm cho chúng ta những chi tiết về các hoạt động của cha Đa Minh.”14 Dựa theo cha Giođanô Saxônia : “trong khi quân thập tự chinh vẫn còn trong xứ, cha Đa Minh tiếp tục ở lại đó cho tới khi Bá tước Montfort qua đời, và không ngừng giảng lời Thiên Chúa” (Libellus, số 34), cha Vicaire hiểu rằng cha Đa Minh vẫn ở trong vùng này suốt những năm tháng đó. Phải chăng cha Đa Minh âm thầm chuyển từ làng này sang làng khác, giảng thuyết, tín thác vào quyền năng của chân lý, tranh luận, thực hiện một số cuộc hoán cải, cổ vũ hòa bình ? Cha có thất vọng vì cuộc thập tự chinh nổ ra ? Cha có phản đối thập tự chinh không ? Cha Đa Minh không bao giờ tham gia thập tự chinh. Cha không bao giờ chiều theo sự chuyển động của Giáo hội từ “thánh thuyết” sang “thánh chiến”. Rất tự nhiên, người ta sẽ hỏi phải làm gì khi thất vọng để tránh rơi vào chủ nghĩa hoài nghi, vì không phải là vấn đề liệu chúng ta có thất vọng trong đời hay không, nhưng đúng hơn, làm thế nào chúng ta đối diện với nó. Thách thức này sẽ là điểm bắt đầu hoặc điểm kết thúc một hành trình thiêng liêng sâu sắc. Đối với cha Đa Minh, điều đó cũng phải như vậy. Nhưng cha Đa Minh tiếp tục ở lại Languedoc trong thời gian này, như cha Vicaire nói không ?

Đây là những năm tháng chúng ta chắc chắn hơn :

1211 – Có bằng chứng ghi chép nói rằng cha Đa Minh ở Languedoc trong tháng Sáu để làm chứng về sự quý mến của giám mục Cahor với Simon de Montfort, và cha Đa Minh phụ trách Prouilhe, đang ngày càng trở thành một đan viện đúng nghĩa.

1212 – Có bằng chứng nói rằng cha Đa Minh ở Prouilhe vào tháng Năm, và tháng Chín. Trong tháng Mười Hai, cha được chọn làm giám mục Beziers, nhưng đã từ chối.

1213 và 1214 – Cha Đa Minh sống cùng với kinh sĩ đoàn nhà thờ chính tòa thánh Nazaire ở Carcassonne như vị đại diện tinh thần cho Đức giám mục dòng Xitô, Guy Vaux-de-Cernai, là người đã được Bá tước Montfort bổ nhiệm năm 1211. Năm 1213, cha Đa Minh giảng thuyết trong mùa Chay tại nhà thờ chính tòa.

1214 – Hồng y Peter Benevento, đại diện của Đức Giáo hoàng, trao cho cha Đa Minh chức vụ lãnh đạo việc giảng thuyết và năng quyền giải quyết các vấn đề liên quan đến lạc giáo, hoặc ít ra vị hồng y đã trao quyền cho Đức cha Foulques bổ nhiệm cha Đa Minh vào chức vụ đó. Cha Đa Minh cũng được chứng nhận trong việc giữ lợi tức ở Fanjeaux (như một nguồn thu nhập cho cha và là của cha). Trong thời gian này, cha Đa Minh dường như giữ chức năng tương tự như cha xứ của thành phố. Ở Carcassonne, cha chúc hôn cho Amaury VI de Montfort với Beatrice, ái nữ của hoàng thái tử Vienne. Cha hoạt động ở Toulouse với tư cách là thừa tác viên giảng thuyết (minister praedicationis). Giữa năm 1214 và 1215, cha Đa Minh được chọn làm giám mục Couserans, nhưng cha lại từ chối. Rõ ràng, cha Đa Minh rất được tôn trọng trong vùng, và cũng được nhiều người biết đến. Cha Vicaire nói về một tài liệu liên quan đến việc từ chối làm giám mục của cha Đa Minh : “Ban đêm, cha Đa Minh quyết định trốn, không mang thứ gì ngoài cây gậy, để khỏi phải nhận chức giám mục hay bất cứ chức vụ nào trong Giáo hội.”15

Năm 1215, việc giảng thuyết –praedicatio– tiếp tục diễn ra, ngày càng có hình nét. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này sau.

Chúng ta có thể nói gì về cha Đa Minh giữa thời gian Đức cha Diego qua đời và sự hiện diện, đã được ghi lại, của cha ở Languedoc năm 1211, nghĩa là giữa thời gian Peter Castelnau bị ám sát với việc kêu gọi thập tự chinh ? Cha Đa Minh vẫn ở lại miền Nam nước Pháp giữa năm 1208 và 1211,16 hoặc cha trở về Tây Ban Nha, rồi lại trở lại Languedoc ?17 Rõ ràng, chính Đức cha Diego đã không liên tục vắng mặt trong giáo phận của ngài giữa thời gian thử nghiệm giảng thuyết ở Languedoc và trở lại Castile trong thời gian khi ngài qua đời, vì ngài hiện diện trong các hội nghị hoàng gia ở Castile suốt những năm này, và thế nên, ngài phải đến và đi.18 Chắc chắn, Đức cha Diego đặt cha Đa Minh phụ trách “thánh thuyết” ở Prouilhe trước năm 1207. Nhưng cha Đa Minh nhận thẩm quyền từ đâu một khi Đức cha Diego đã tạ thế ?

Cha Tugwell viết : “Nếu dường như cha Đa Minh được tham dự vào việc giảng thuyết ở Languedoc hoàn toàn do sự ủy quyền của Đức cha Diego, thì ngài không được phép để thi hành, thậm chí ở lại trong vùng khi Đức cha Diego qua đời.” Đúng ra, cho tới năm 1210/1211, khi người kế nhiệm Đức cha Diego là Menendo sau cùng được phê chuẩn và tấn phong, thì ở Osma không có bất cứ giám mục nào có thể ủy quyền cho cha Đa Minh rời bỏ Kinh sĩ đoàn hợp pháp mà ngài đã tham gia, hoặc không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy “Đức Giáo hoàng trực tiếp ra lệnh hoặc cho phép cha Đa Minh tiếp tục hay khởi đầu lại công việc tại đó, hoặc là có bất cứ ủy nhiệm thư nào cho phép một đại diện của Đức Giáo hoàng chiêu mộ các nhà giảng thuyết trong những giáo phận phía Nam Castile. Vì thế, có một giả thiết rõ ràng là cha Đa Minh không có thẩm quyền theo luật để ở lại đâu khác ngoài giáo phận Osma giữa thời gian Đức cha Diego qua đời và Đức cha Menedo được chuẩn nhận.” Do vậy, thật khó để chứng minh cha Đa Minh có hiện diện ở Osma hay không. Không biết cha có trở về Osma năm 1208, và vẫn ở đó cho đến năm 1211 hay không,19 nhưng bây giờ các nhà sử học đa phần chấp nhận rằng, cha có trở về. Cha trở lại Fanjeaux/Prouilhe năm 1211, và vì thế, năm 1211 cha lại tiếp tục giảng thuyết và chịu trách nhiệm Prouilhe.

Nếu cha Đa Minh dùng phần lớn thời gian giữa những năm 1208 và 1211 ở Osma, với những lần trở lại Languedoc để có thể tiếp tục liên lạc với cộng đoàn Prouilhe, thì chắc chắn hơn, cha trở lại đó khi Osma đã có giám mục mới. Vậy thì, cha đảm nhận những trách nhiệm ở Fanjeaux, dành thời gian ở đó, ở Carcassonne và Toulouse. Năm 1214, những người khác bắt đầu tập họp quanh cha, không chỉ có anh William Claret, nhưng còn có những người bạn mới. Có một anh Đa Minh khác đến từ Tây Ban Nha, anh Noel là người kế nhiệm cha ở Prouilhe, và những người khác (Stephano Metz, Vitalis) sống cùng cha Đa Minh ở Fanjeaux. Khi trở lại Osma, trái tim cha luôn thao thức với sứ vụ ở Provence và Languedoc.

Raymond VI, bá tước Toulouse, lại bị tuyệt thông ngày 6 tháng Hai năm 1211, tại công nghị Montpellier ; sắc lệnh được Đức Giáo hoàng phê chuẩn ngày 17 tháng Tư, và các hoạt động Công giáo trong thành phố không được tổ chức do lệnh cấm. Giám mục Foulques rời thành phố trong bốn năm. Mãi đến ngày 4 tháng Hai năm 1215 ngài mới trở về.20 Tháng Tư năm đó, cha Đa Minh thiết lập một hội những người giảng thuyết trực thuộc giáo phận. Cha Đa Minh không từ bỏ công việc của mình. Chiến tranh vẫn đang tàn phá vùng này, và cha vẫn tiếp tục mở rộng sứ vụ giảng thuyết. Cha không gia nhập thập tự chinh, không đồng ý trở thành giám mục. Dường như cha đã từ chối chức giám mục ít nhất hai lần, có lẽ ba lần –Beziers, Couserans và Comminges.21 Chính mạng sống cha bị đe dọa, nhưng cha vẫn tận tâm với đời sống hành khất, lữ hành và Tin mừng, trong một vùng đang bị tàn phá bởi chiến tranh, thù ghét và tham lam. Năm 1224, thập tự chinh ít nhiều gặp thất bại, sau khi cha Đa Minh từ trần một thời gian.

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com