[CN29TN-B] Trở Nên Người Phục Vụ Tin Mừng

21-10-2018
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 1560 lượt xem

Is 53,10-11; Hr 4,14-16; Mc 10,35-45

Cha Quirico Pedregosa, thuộc tỉnh dòng Đa Minh Philippines đã viết một tập sách nhỏ suy tư về sứ mạng của những người thánh hiến, với tựa đề: “Love that is mission.” Sách đã được một sơ Dòng Đa Minh Thánh Tâm chuyển ngữ sang tiếng Việt với tựa đề “Tình yêu chính là sứ vụ.”

Câu hỏi, Đức Giêsu ba lần hỏi ông Phêrô “Anh có mến Thầy không?” được tác giả lấy làm điểm khởi đầu cho những suy tư về sứ vụ trong Hội thánh, cách riêng những người thánh hiến. Những ai tự nguyện bước đi theo Chúa Kitô trong ơn gọi tận hiến, thì có nghĩa là dâng hiến chính mình để cho tình yêu của Chúa Kitô chiếm hữu và hiến thánh. Rồi đến lượt mình, những người được thánh hiến nhờ tình yêu Đức Kitô lại được sai đi để sống tình yêu đối với tha nhân. Thế nhưng tình yêu, sự hiến dâng ấy có khuôn mặt cụ thể thế nào trong cuộc sống của các môn đệ Đức Giêsu.

Bài Tin Mừng Chúa Nhật XXIX hôm nay, được đọc trong ngày toàn thể Hội thánh cầu nguyện con việc truyền giáo, là một gợi mở để chúng ta có thể hiểu hơn mối liên hệ giữa tình yêu và sứ vụ. “Thiên Chúa là tình yêu”, thánh Gioan đã nói với chúng ta như vậy. Nhưng chúng ta chỉ có thể nhìn thấy được, đụng chạm được, cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa nhờ vào Đấng đã “đến không phải để  được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống là giá chuộc muôn người”(Mc 10,45). Chúng ta chỉ có thể gặp gỡ được tình yêu Thiên Chúa nhờ Đấng “sẽ làm cho muôn người trở nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ” (Is 53,11), như ngôn sứ Isaia đã loan báo trong bài đọc thứ nhất. Chúng ta chỉ có thể “mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh nhận ơn trợ giúp mỗi khi cần” (Hr 4,16), nhờ Đấng đã chịu thử thách như chúng ta về mọi phương diện và được tôn phong làm vị Thượng tế siêu phàm, như lời của thư Hípri trong bài đọc thứ hai. Đấng ấy chính là Đức Kitô, Người là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa.

Các Tông đồ được Đức Giêsu mời gọi đi theo Người. Các ông cứ tưởng rằng theo Đức Giêsu là con đường đưa các ông đến địa vị của kẻ được phục vụ, được “ăn trên ngồi trước”. Thế nhưng không phải như vậy, trở nên môn đệ Đức Giêsu, có nghĩa là trở nên người phục vụ như Thầy đã làm. Trở nên môn đệ Đức Giêsu có nghĩa là chia sẻ lối sống phục vụ của Thầy, chấp nhận vị thế “là người phục vụ anh em… và làm đầy tớ mọi người”, để chỉ cho người khác thấy Tình yêu và ân sủng cứu độ của Thiên Chúa. Khởi đầu hành trình đi theo Chúa, các Tông đồ cho thấy nơi các ông cũng đầy những tham vọng quyền lợi và tranh chấp địa vị. Nhưng rồi, nhờ kiên trì ở với Chúa Giêsu, các ông đã được tình yêu của Người biến đổi để trở thành những con người phục vụ Tin Mừng, làm nền tảng cho sự khai sinh và phát triển của Hội thánh.

Tông đồ Phaolô, dù được kêu gọi về sau, nhưng có thể được xem làm khuôn mặt tiểu biểu trong số các tông đồ của Hội thánh sơ khai. Khi nói với dân thành Philíphê, vị Tông đồ dân ngoại đã tự xưng mình là người được Thiên Chúa kêu gọi để trở nên người phục vụ cho “kế hoạch ân sủng của Thiên Chúa.” Kế hoạch ân sủng vốn được giấu kín, nay được tỏ bày qua Đức Giêsu Kitô. Đó chính là Tin Mừng mà thánh nhân được uỷ thác rao giảng. Sách Công vụ Tông đồ cũng như các thư của ngài cho thấy thánh nhân thực sự trở nên người phục vụ Tin Mừng như thế nào. Có thể xem đoạn thư thứ nhất Côrintô sau đây như một bản tóm tắt đầy đủ những nỗi khó khăn vất vả mà nhà truyền giáo Phaolô phải chịu khi trở nên người phục vụ Tin Mừng:

“Họ là người phục vụ Đức Ki-tô ư ? Tôi nói như người điên : tôi còn hơn họ nữa ! Hơn nhiều vì công khó, hơn nhiều vì ở tù, hơn gấp bội vì chịu đòn, bao lần suýt chết. Năm lần tôi bị người Do-thái đánh bốn mươi roi bớt một ; ba lần bị đánh đòn ; một lần bị ném đá ; ba lần bị đắm tàu ; một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi ! Tôi còn hơn họ, vì phải thực hiện nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em. Tôi còn phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng. Không kể các điều khác, còn có nỗi ray rứt hằng ngày của tôi là mối bận tâm lo cho tất cả các Hội Thánh ! Có ai yếu đuối mà tôi lại không cảm thấy mình yếu đuối ? Có ai vấp ngã mà tôi lại không cảm thấy lòng sôi lên ?”

Thưa anh em, cuộc đời của một tu sĩ giảng thuyết theo chân cha thánh Đa Minh, nói cho cùng cũng không là điều gì hoàn toàn mới, mà chỉ đơn thuần là hoạ lại lối sống của các tông đồ thuở xưa, tức trở nên những con người phục vụ để Tin Mừng và ân sủng của Thiên Chúa có thể đến với con người. Trở nên người phục vụ Tin Mừng có nghĩa là chấp nhận mọi gian khó và thử thách như thánh Phaolô.

Cha Đa Minh được mệnh danh là con người của Tin Mừng, của phục vụ. Cha phục vụ anh em trong tình huynh đệ, gần gũi và thân tương. Cha phục vụ những người lạc giáo bất chấp mọi hiểm nguy, cốt sao có thể đưa họ trở về với đức tin chân thật. Cha phục vụ Hội thánh bằng tất cả con tim yêu mến nồng nàn. Cha phục vụ ơn cứu độ tha nhân đến hao mòn thân xác và sức lực, vì ban ngày người đi giảng và ban đêm người thức để cầu nguyện các tội nhân.

Hè vừa qua, các anh em thỉnh sinh nội trú đã có cơ hội đến một số điểm truyền giáo của Tỉnh dòng ở Tây Nguyên. Những kinh nghiệm thực tế trước một cánh đồng truyền giáo con rất bao la ít nhiều khơi dậy cho anh em tinh thần dấn thân. Cụ thể là sự dấn thân vào nếp sống Thỉnh viện: trong cử hành phụng vụ, trong kỷ luật học hành và sống cộng đoàn huynh đệ. Chính khi trung tín với những phận vụ theo ơn gọi của mình, anh em cũng đang trở nên người phục vụ Tin Mừng. Hơn nữa, việc đào luyện tâm linh và đời tu chuẩn bị cho anh em hành trang đi vào tương lai, đi đến những biên cương sứ vụ của Dòng.

Đức thánh cha Phanxicô, trong Sứ điệp truyền giáo 2018, ngỏ với các bạn trẻ những lời giáo huấn như sau:

Tham gia vào sứ mạng đi đến tận cùng trái đất, đòi hỏi chúng ta sự trao hiến bản thân trong ơn gọi mà Thiên Chúa trao ban (x. Lc 9,23-25), qua việc Người đặt để chúng ta trên trái đất này. Cha nói với các bạn với sự xác tín rằng, một người nam người nữ bước đi theo Đức Kitô, điều cơ bản nhất là tìm kiếm, khám phá và kiên trì trong ơn gọi của mình.

Nguyện xin Chúa, qua lời chuyển cầu của thánh Đa Minh, khơi dậy tinh thần dấn thân trong ơn gọi và nuôi dưỡng lòng nhiệt thành sứ vụ của mỗi anh em chúng ta. Amen.

Từ khóa: , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com