Cv 9, 31-42; 1Ga 3,18-24; Ga 15,1-8
Suốt mùa Phục sinh, trong các thánh lễ Chúa Nhật cũng như ngày thường, chúng ta được nghe sách Công vụ Tông đồ thuật lại đời sống của Hội thánh tiên khởi. Sau khi phục sinh, Chúa Giêsu trao ban Thánh thần cho các Tông đồ. Các ông ra đi rao giảng, mạnh dạn làm chứng cho Đức Kitô. Dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần, Hội thánh ngày càng lớn mạnh và lan rộng.
“Hồi ấy, trong khắp miền Giuđê, Galilê, và Samari, Hội thánh được bình an, được xây dựng vững chắc và sống trong niềm kính sợ Chúa, và ngày một thêm đông, nhờ Thánh Thần nâng đỡ.” (Cv 9, 31)
Chỉ với một câu ngắn gọn, Bài đọc I trích Công vụ Tông đồ đã mô tả Hội thánh Chúa Kitô với bốn đặc tính:
Thứ nhất: Hội thánh sống trong bình an. Sau khi ông Têphanô chịu tử đạo, Hội thánh ở Giêrusalem phải đối diện với sự bách hại gắt gao hơn. Nhiều Kitô hữu buộc phải tản mác đi khắp nơi. Không bao lâu, cuộc bách hại ở Giêrusalem tạm lắng dịu. Các tín hữu phần nào được hưởng bình an và tự do để tổ chức đời sống phụng tự của mình. Nhưng sự bình an sách Tông đồ Công vụ diễn tả ở đây còn có nghĩa ý nghĩa sâu xa hơn, đó là sự bình an được xây dựng bởi mối dây hiệp nhất, yêu thương giữa các tín hữu. Sự bình an do chính Đức Kitô hiện diện trong cộng đoàn mang lại, như Người đã nói với các môn đệ sau khi phục sinh: “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy.” (Ga 14, 27).
Thứ hai: Hội thánh được xây dựng vững chắc. Bất kỳ một công trình kiến trúc nào cũng cần phải có nền tảng. Được ví như toà nhà thiêng liêng, Hội thánh cũng cần phải có nền tảng vững chắc để phát triển. Nền tảng ấy chính là Đức Kitô. Trong Chúa Kitô, mỗi Kitô hữu trở thành một viên đá sống động để xây nên Hội thánh. Thế nhưng, Hội thánh chỉ thể được được xây dựng, nếu các Kitô hữu có sự gắn kết với nền tảng Đức Kitô, như cây cành nho gắn liền với thân. Chỉ cành nào gắn liền với thân thì mới có đầy đủ nhựa sống và chất dinh dưỡng để sinh hoa trái, như lời thánh Gioan trong bài Tin Mừng: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái.” (Ga 15,5).
Thứ ba: Hội thánh sống trong niềm kính sợ Chúa. Các Kitô hữu kính sợ Thiên Chúa vì họ nhận biết quyền năng Thiên Chúa đang hiện diện sống động trong Hội thánh. Quyền năng Thiên Chúa biểu hiện nơi biến cố Phục sinh, và rồi biến cố Ngũ tuần: Thánh Thần hiện xuống trên các Tông đồ, biến đổi các ông thành những chứng nhân mạnh dạn rao giảng Lời Chúa và làm nhiều dấu lạ điềm thiêng. Kính sợ Chúa, các Kitô hữu để cho mình được hướng dẫn bởi Thánh Ý của Người, dù trong bất cứ hoàn cảnh bách hại, khó khăn nào. Trước thượng hội đồng Do Thái, ông Phêrô và các tông đồ khác mạnh dạn tuyên bố “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm.” (Cv 5,29).
Thứ tư: Hội thánh ngày càng thêm đông. Bị bách hại tại Giêrusalem, các Kitô hữu buộc phải tản mác nhiều nơi. Điều xem ra bất lợi, lại trở thành cơ hội để các Kitô hữu có thể mang Tin Mừng đi khắp nơi. Đến bất cứ nơi đâu, họ cũng đều làm chứng về sự Phục sinh của Chúa. Chính đời sống bác ái, huynh đệ của họ là lời chứng mạnh mẽ nhất lôi cuốn nhiều người gia nhập Hội thánh.
Nhiệm vụ của người tín hữu là rao giảng Đức Kitô và làm Hội thánh ngày thêm đông số: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19).
* * *
Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa đã dùng bí tích Thánh tẩy để hiệp nhất chúng con nên một với Chúa và với Hội thánh. Xin cho chúng con luôn trung thành với ơn kêu gọi đã lãnh nhận, tích cực sinh nhiều hoa trái và góp phần mở rộng Nước Chúa ở trần gian. Amen.