[CN01MV-B] “Anh Em Phải Canh Thức”

03-12-2017
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 3249 lượt xem

(Is 63,16b-17.19b; 64,2b-7; 1Cr 1,3-9; Mc 12, 33-37)

Hôm nay, cùng với toàn thể Hội Thánh, chúng ta bước vào một năm phụng vụ mới. Một lần nữa, các tín hữu lại được sống toàn bộ chu kỳ cuộc đời và giáo huấn của Đức Ki-tô – năm nay với Tin Mừng Máccô. Chu kỳ của năm phụng vụ, với các mùa xen kẽ nhau, nhắc nhở chúng ta ý thức về nhịp điệu của thời gian, ý thức về sự khởi đầu và kết thúc của vũ trụ, của lịch sử nhân loại và của chính mỗi người. Thiên Chúa chính là Chủ tể của thời gian và của lịch sử; còn chúng ta là những lữ khách sống trong niềm hy vọng và đang trên con đường tiến về Vương Quốc vĩnh cửu của Thiên Chúa.

Khởi đầu Mùa vọng, phụng vụ Chúa nhật hôm nay chưa tập trung ngay vào mầu nhiệm Giáng sinh, mà vẫn tiếp tục nối dài ý nghĩa của lễ Chúa Kitô Vua. Đoạn Tin Mừng được trích đọc hôm nay không phải là phần mở đầu nói về mầu nhiệm Thiên Chúa Nhập thể, nhưng lại là phần cuối của Tin Mừng Mác-cô nói về ngày cánh chung. Sứ điệp Tin Mừng gửi đến cho chúng ta là: “phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến.” Bài Tin Mừng chỉ có 5 câu, cụm từ “phải canh thức” được nhắc đến 5 lần. Cùng với ý tưởng của bài Tin Mừng, Bài đọc thứ hai trích trong thư thứ nhất của thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô, nhắc nhở các tín hữu hãy tỉnh thức: “mong đợi ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta,  mặc khải vinh quang của Người.”

Khởi đầu Năm phụng vụ, Lời Chúa nhắc nhớ chúng ta về ngày cánh chung của thế giới không phải là để doạ nạt khiến chúng ta hoang mang. Ngược lại, khi ý thức về sự tận cùng của nhân loại, các Kitô hữu sống trong niềm hy vọng hân hoan. Ðời sống con người, có thể nói, luôn bao hàm những thử thách và đau khổ. Không ai trong chúng ta lại không kinh nghiệm điều này. Bao lâu còn sống ở trần gian thì thân phận con người vẫn phải gắn liền với đau khổ. Đau khổ về vật chất vì nghèo đói, vì bệnh tật, vì tai ương hoạn nạn. Đau khổ về tinh thần vì bị người khác hiểu lầm, bị coi khinh, bị mất người thân, v.v.. Những đau khổ đó có thể gây nên hậu quả là dẫn người ta đến thất vọng chán chường và tìm kiếm những phương tiện giải khuây. Có rất nhiều phương tiện để người ta lấp đầy nỗi trống vắng chán chường của cuộc đời mình: ma tuý, rượu chè, cờ bạc, ăn chơi thác loạn, v.v., hoặc nhẹ hơn là nghiện internet, nghiện games, v.v..

Nguyên nhân của những đau khổ từ đâu mà đến? Trình thuật tạo dựng của Sách Sáng Thế giải thích nguyên nhân sâu xa gây nên mọi đau khổ là do con người đã đi ra khỏi đường lối của Thiên Chúa. Bài đọc thứ nhất trích sách ngôn sứ Isaia hôm nay thôi thúc ta hãy nhìn vào những hoàn cảnh khổ sở hiện tại của phận người đang bước đi trong tội, để rồi sẽ mau hoán cải và trở về với Thiên Chúa. Bản văn Isaia được viết ra sau thời lưu đày Ba-by-lon. Đang sống tại chính quê hương của mình, nhưng dân Israel vẫn phải gánh chịu đau khổ. Họ nhận thức rằng điều gây đau khổ cho họ chính là vì họ đã “lạc xa đường Chúa” và chẳng còn biết kính sợ Người. Cuộc đời của họ đã trở nên “nhiễm uế” vì tội lỗi, khiến cho việc lành họ làm cũng biến thành “như chiếc áo dơ.” Trong tình cảnh khốn khổ của mình, Israel kêu xin Chúa “phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống.”

Lời than thở, ai oán của dân đã được Người lắng nghe. Con Thiên Chúa đã làm người để tái tạo một trật tự mới và đưa con người trở về với Thiên Chúa. Một lịch sử mới, lịch sử của ơn cứu độ và giải thoát được mở ra cho nhân loại. Bắt đầu của năm Phụng vụ mới, Lời Chúa nhắc nhớ chúng ta sống niềm hy vọng của trời mới đất mới này. Cùng với niềm hy vọng hân hoan, phụng vụ cũng kêu gọi các Kitô hữu “phải tỉnh thức.” Trở nên một thụ tạo mới của Thiên Chúa, người Kitô không thể tiếp tục sống như trước đây, nhưng phải hoán cải toàn diện, nghĩa là biến đổi cuộc đời mình trong một tương quan mới với Thiên Chúa và với tha nhân.

Sống niềm hy vọng là trở nên những con người tự do trong ân sủng, các Kitô hữu không còn phải sợ hãi trước những đe doạ của quyền lực sự dữ, không còn phải chán chường, thất vọng trước những đau khổ của phận người. Trái lại, các Kitô hữu được kêu gọi tin tưởng vào Thiên Chúa để tham gia vào công cuộc làm biến đổi nhân loại, một công cuộc đã được khởi đầu nơi Đức Giêsu và sẽ được hoàn tất khi Con Người đến lần thứ hai. Trong thư gửi tín hữu Côrintô, thánh Phaolô kêu gọi các Kitô hữu ý thức sự cao trọng của một đời sống mới: “Trong Đức Giêsu Kitô, anh em đã trở nên phong phú về mọi phương diện, phong phú vì được nghe Lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người.”

Hơn lúc nào hết, các Kitô hữu được mời gọi trở nên chứng tá cho thế giới hôm nay về niềm hy vọng cánh chung. Toàn bộ cuộc đời của người Kitô hữu không gì khác hơn là trở nên lời loan báo rằng: thế giới thụ tạo này rồi sẽ qua đi, chỉ có Thiên Chúa mới là cùng đích của con người. Trong thánh ý và sự quan phòng của Thiên Chúa, con người được tạo dựng không phải để sống trong vô vọng và tăm tối, nhưng trong tất cả những giới hạn và đau khổ của kiếp người, chúng ta được mời gọi tin tưởng và phó thác trong tay Thiên Chúa.

Thế giới hiện đại đang cho thấy sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã mang đến cho con người một cuộc sống ngày càng tiện nghi hơn, tốt đẹp hơn. Nhưng kèm theo đó, nhân loại cũng lại chứng kiến biết bao thiên tai, bệnh tật. Những cuộc chiến tranh, khủng bố, bạo lực vẫn đang xảy ra nhiều nơi. Những chia sẽ tôn giáo hoặc sắc tộc, những bất công, nghèo đói vẫn đang là vấn nạn của gia đình nhân loại. Trong những ngày viếng thăm hai quốc gia Myanmar và Bangladesh vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã không bỏ lỡ cơ hội kêu gọi các quốc gia, các sắc tộc hãy xoá bỏ hận thù, quảng đại tha thứ để xây dựng hoà bình. Sự khác biệt văn hoá, tôn giáo không thể là lý do gây chia rẽ con người. Cần phải tôn trọng sự khác biệt và cùng nhau hướng đến mục tiêu hoà bình chung cho nhân loại

Ngỏ lời riêng với các Kitô hữu, trong bài giảng thánh lễ tại sân vận động Yangoon, Đức Thánh Cha Phanxicô nói:

“Chúa Giêsu không dạy chúng ta sự khôn ngoan của Ngài bằng những diễn văn dài hoặc qua những biểu dương hùng mạnh quyền lực chính trị và trần thế, nhưng bằng cách hiến mạng sống của Ngài trên thập giá. Đôi khi chúng ta có thể rơi vào cạm bẫy cậy dựa vào sự khôn ngoan của mình, nhưng sự thực là chúng ta có thể dễ bị lạc hướng. Trong lúc ấy cần nhớ lại rằng chúng ta có một la bàn chắc chắn trước mặt chúng ta, đó là Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Nơi thập giá Đức Kitô chúng ta tìm được sự khôn ngoan có thể hướng dẫn cuộc sống chúng ta với ánh sáng đến từ Thiên Chúa”

Hơn lúc nào hết, cung cách sống của các Kitô hữu phải trở nên lời chứng cho mọi người rằng: thế giới này được tạo dựng không phải để cho chúng ta tồn tại trong sự xâu xé lẫn nhau, trong sự mâu thuẫn và tranh dành quyền lợi, nhưng là để chúng ta cùng nhau chung sống hoà bình, cùng nhau xây dựng một xã hội công bằng và thịnh vượng. Góp phần làm biến đổi bộ mặt thế giới là bổn phận gắn liền với ơn gọi làm Kitô hữu. Chính vì vậy, các Kitô hữu không được phép làm ngơ trước những nhu cầu của anh chị em đồng loại. Sự liên đới đòi hỏi các Kitô hữu sự hy sinh và lòng quảng đại chia sẻ những gì mình đang có cho những anh chị em kém may mắn hơn. Đó cũng chính là cách các tín hữu loan báo triều đại của Thiên Chúa đang đến đây rồi, triều đại ấy đang ở giữa chúng ta.

Thánh Thể giờ đây chúng ta sắp cử hành chính là lời tuyên xưng của toàn thể Hội thánh về một niềm hy vọng cánh chung. “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa lại đến.” Hiệp thông trong bí tích Thánh Thể, các Kitô hữu kín múc nơi Đức Kitô nguồn ơn sủng, là lương thực nuôi dưỡng chúng ta trên hành trình tiến về Thiên Quốc. Nguyện xin Thiên Chúa luôn đồng hành với chúng ta và biến đổi chúng ta trở nên những thụ tạo mới có khả năng yêu thương, chia sẻ và liên đới anh chị em đồng loại. Amen.

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com