St 15,5-12.17-18; Pl 3,17 – 4,1; Lc 9, 28b-36
Lạy Chúa, Chúa đã dạy chúng con phải vâng nghe Con yêu dấu của Chúa; xin lấy lời hằng sống nuôi dưỡng đức tin của chúng con, nhờ vậy cặp mắt tâm hồn chúng con sẽ trong sáng để nhìn thấy vinh quang Chúa tỏ hiện trong cuộc đời chúng con. Amen.
Lời Tổng Nguyện, Chúa Nhật II Mùa Chay
Cuộc biến hình trên núi là một trong những biến cố quan trọng trong cuộc đời công khai của Đức Giêsu. Chỉ duy nhất ba môn đệ thân tín: Phêrô, Giacôbê và Gioan. được tham dự vào biến có này. Các môn đệ này được chiêm ngưỡng trong một khoảnh khắc ngắn ngủi Đức Giêsu “biến hình đổi dạng”, cùng lúc “y phục Người trở nên rực rỡ trắng tinh”. Đó là sự biểu lộ một phần vinh quang thuộc về thần tính, vốn đã ẩn giấu khi Con Thiên Chúa làm người mặc lấy xác phàm. Nhưng tại sao Đức Giêsu lại biểu lộ vinh quang của Người cho các môn đệ được thấy? Và sự tham dự vào của các môn đệ vào biến cố biến hình của Đức Giêsu có ý nghĩa gì?
Cũng như các trình thuật khác trong Tin Mừng, việc tìm hiểu bối cảnh của biến cố xảy ra là quan trọng.
– Trước hết là về nơi chốn, biến cố biến hình diễn ra trên một ngọn núi. Theo truyền thống xưa nay, núi Tabor thường được cho rằng là ngọn núi nơi Đức Giêsu đã biến hình. Đó là một ngọn núi nằm gần Nadarét, cao khoảng 560 mét. Từ thế kỷ thứ VI, những người hành hương đến đây đã trông thấy một nhà thờ xây dựng trên núi này với tên “Nhà Thờ Chúa Hiển Dung.” Ngày nay, núi Tabor là một địa điểm hành hương cho những ai đến viếng đất thánh. Tuy nhiên, theo những nhà nghiên cứu Kinh Thánh hiện đại, biến cố Đức Giêsu biến hình có lẽ đã xảy ra ở một nơi khác, đó là núi Mêron, một ngọn núi cao khoảng 1200 mét, cách thành Caphácnaum khoảng 20 kilômét. Đây là ngọn núi cao nhất trong vùng Galilê, vì vậy rất phù hợp để biến cố biến hình diễn ra ở đây trong khung cảnh hùng vĩ.
Trong Cựu Ước, Thiên Chúa tỏ mình ra cho dân Israel thường ở trên núi cao, với quang cảnh hùng vĩ của những đám mây bao phủ. Chính tại núi Sinai, Thiên Chúa đã thiết lập giao ước với Israel và đã trao Lề Luật cho ông Môsê để ông truyền lại cho dân chúng. Cuộc biến hình trên núi của Đức Giêsu cũng mang cùng một ý nghĩa, trên núi cao Đức Giêsu biểu lộ vinh quang của thần tính Người cho các môn đệ nhận biết. Đồng thời, sự xuất hiện của ông Môsê – nhà lập pháp của Israel và ngôn sứ Êlia – vị ngôn sứ lớn của Cựu Ước, là để chứng thực cho sứ mạng cứu thế của Đức Giêsu; nhờ đó lòng tin của các môn đệ được củng cố. Hai ông Môsê và Êlia đàm đạo với Đức Giêsu về cuộc xuất hành của Người, hình ảnh vừa gợi nhớ cuộc xuất hành của dân Israel thoát khỏi cảnh nô lệ Ai Cập, vừa ám chỉ đến cuộc khổ nạn Đức Giêsu sắp vượt qua để tiến tới sự phục sinh. Đức Giêsu vượt qua cái chết để bước vào cõi sống, bằng cách đó Người dẫn đưa nhân loại thoát khỏi cảnh nô lệ tội lỗi để tiến tới sự sống thật.
– Thứ đến về thời điểm, cuộc biến hình diễn ra sau khi ông Phêrô tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Liền sau lời tuyên xưng của ông Phêrô, Đức Giêsu loan báo về cuộc thương khó của Người. Ông Phêrô lên tiếng can ngăn Đức Giêsu và Người đã nặng nề khiển trách ông là satan. Tiếp theo đó, Đức Giêsu mời gọi các môn đệ hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Người. Lời loan báo về cuộc khổ nạn của Đức Giêsu hẳn đã làm cho niềm hy vọng của các môn đệ lung lay. Theo Đức Giêsu để vác thập giá đời mình, chứ không phải để hưởng vinh quang phú quí, thì quả là một thách đố đối với các môn đệ. Với biến cố biến hình, Đức Giêsu cho các môn đệ chiêm ngưỡng trước một phần vinh quang phục sinh, để các ông tiếp tục vững bước, sẵn sàng theo Đức Giêsu tới cuộc khổ nạn sắp diễn ra của Người. Những ai muốn theo Đức Giêsu, làm môn đệ của Người đều phải biết đón nhận những hy sinh. Khi đón nhận hy sinh, người môn đệ của Đức Giêsu sẽ có được niềm hy vọng, tựa như cuộc biến bình đã mang lại niềm hy vọng cho các môn đệ hôm nay.
Sau khi chịu khổ nạn và chịu chết, Đức Giêsu sẽ sống lại, và những ai theo Người cũng sẽ được sống lại. Sự phục sinh là một kết cục đầy hy vọng dành cho các môn đệ trung tín. Với ơn phục sinh, Đức Kitô làm cho thân xác phải chết chúng ta cũng được phục sinh vinh hiển với Người. Đó là niềm xác tín thánh Phaolô gửi đến các tín hữu thành Philípphê như trong bài đọc II:
“Đức Kitô có quyền năng khắc phục muôn loài và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người.”
Tin Mừng hôm nay trình bày một bản tóm tắt về đời sống của người Kitô hữu: Trải nghiệm trên núi cao là khi các Kitô hữu họp nhau để thờ phượng Thiên Chúa và nuôi dưỡng đời sống đức tin bằng việc lắng nghe Lời Chúa, hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau bằng việc đón nhận Thánh Thể. Cùng nhau chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa, rồi sau đó mỗi người lại xuống núi, tức trở về với cuộc sống đời thường để sống ơn gọi làm Kitô hữu của mình. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta vác thập giá theo Đức Giêsu trong những phận vụ gắn liền với ơn gọi của mình và trong công việc phục vụ tha nhân. Chớ gì mỗi người chúng ta đừng để mình sống trong tình trạng khiến thánh Phaolô đã phải đưa ra lời cảnh báo cho các tín hữu Philípphê: “Có nhiều người sống đối nghịch với thập giá Đức Kitô: chung cục là họ sẽ phải hư vong. Chúa họ thờ là cái bụng, và cái họ lấy làm vinh quang là cái đáng hổ thẹn.”
Điểm cuối cùng, Có lời từ đám mây phán rằng “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!” Lời đó là của Chúa Cha phán với các môn đệ khi xưa và cũng là lời dành cho các môn đệ của Đức Kitô hôm nay. Xin Chúa giúp chúng ta có thể mở rộng đôi tai để lắng nghe, mở rộng tâm trí để thấu hiểu, và mở rộng con tim để tuân phục Đức Kitô và giáo huấn của Người. Amen.