[CN23TN-A]  Liên Đới Với Lầm Lỗi Của Anh Em

10-09-2017
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 1622 lượt xem

Ed 33,7-9; Rm 13,8-10; Mt 18,15-20

Con người là gì? Có nhiều câu trả lời tuỳ vào lãnh vực tri thức. Triết gia thì nói: con người là sinh thể có lý trí. Nhà xã hội học thì bảo: con người là sinh thể có tính xã hội. Nhà tâm lý học lại nghĩ khác: con người là sinh thể có cảm xúc.

Còn Kinh Thánh nói gì với chúng ta về con người? Con người là thụ tạo được Thiên Chúa làm nên theo hình ảnh Người. Con người được Thiên Chúa sáng tạo cuối cùng trong công trình tạo dựng, được ban cho địa vị trổi vượt trên tất cả mọi thụ tạo hữu hình khác, được Thiên Chúa quyền làm chủ thế giới vạn vật. Được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa, con người có lý trí và ý chí, và vì thế có có khả năng bước vào trong tương quan với Thiên Chúa như một ngôi vị độc lập và tự quyết. Con người được Thiên Chúa sáng tạo có nam có nữ, nghĩa là có khả năng làm thành những gia đình, và rồi những gia đình thì làm thành cộng đồng nhân loại. Tắt một lời, theo Kinh Thánh, con người được Thiên Chúa sáng tạo để sống với Chúasống với nhau.

Thế nhưng lịch sử của nhân loại cho thấy con người rất khó khăn để nhận biết và sống với Thiên Chúa, và rồi việc con người sống với nhau cũng không dễ dàng gì. Chiến tranh, bạo lực, hận thù là điều luôn xảy ra. Ngay trong gia đình thôi, ta cũng đã thấy để có thể sống với nhau, dù là với những người thân yêu nhất, cho có hoà thuận, đầm ấm cũng chẳng phải dễ, nó đòi hòi mỗi người rất nhiều hy sinh.

Con người sống với nhau làm thành gia đình hay thành cộng đồng, thì việc sống chung ấy hoàn toàn khác với sống bầy đàn. Con vật sống cộng sinh, theo bản năng để duy trì nòi giống và tồn tại. Con người sống với nhau, không chỉ dừng lại ở hành động bản năng, nhưng với ý thức và tự do, con người làm thành cộng đồng, để giúp nhau thăng tiến, có nghĩa là sống cho nhau và sống vì nhau. Việc làm cho nhau triển nở ơn gọi làm người của mình cũng bao hàm phải có sự trợ giúp để những thành viên có thể vượt qua những giới hạn, yếu đuối, sai lầm. Sự sai lầm ở đây có nhiều nghĩa. Đó có thể là sai lầm về kiến thức. Ít ngày qua, cuốn sách của Hoàng Tuấn Công, có tựa đề “Từ điển Tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân – Phê bình và khảo cứu” gây bão trong tranh luận học thuật. Tranh luận học thuật là chuyện rất bình thường để tri thức và văn minh nhân loại được tiến bộ. Nhưng ở Việt Nam một cuốn sách thuần tuý tranh luận học thuật như thế lại gây sốt, bởi vì xã hội Việt Nam là xã hội được định hướng XHCN, cho nên người ta rất sợ sự thật. Mà đây mới chỉ là đúng sai về kiến thức. Những sai lầm về luân lý, đạo đức còn gây hậu quả nghiêm trọng hơn, vì có liên quan đến quyền lợi của người khác, và phải chịu trách nhiệm, cho nên người ta trốn tránh, sợ hãi sự thật đến cỡ nào.

Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết một nhu cầu thiết yếu của các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi là giúp nhau sửa chữa lỗi lầm, để cá nhân và cộng đoàn được thăng tiến. Tin Mừng Mátthêu đề cập đến sự sai lầm có tính cách luân lý “người anh em của anh trót phạm tội.” Việc sửa lỗi cộng đoàn được hướng dẫn bởi chính giáo huấn của Đức Giêsu.

Thực tế, việc giúp sửa chữa lỗi phạm cho một thành viên của cộng đoàn không phải dễ. Chính vì vậy, Tin Mừng Mátthêu cho ta một tiến trình của việc sửa lỗi với nhiều bước: từ gặp gỡ riêng, rồi vài ba người, rồi cả cộng đoàn. Thường thì người ta rất sợ chịu trách nhiệm với những hậu quả gây ra bởi sai sót của mình, và vì vậy, khó để một người làm sai, nhất là phạm tội có thể nhận lỗi. Kinh nghiệm này từ bé ta đã có rồi. Làm vỡ cái bát, cái ly chẳng hạn, đứa bé sẽ tìm cách đem giấu để bố mẹ khỏi phát hiện.

Khi quy tụ các tông đồ làm thành một cộng đoàn, Đức Giêsu muốn các ông trở nên chứng tá cho sự hiệp nhất Kitô hữu bằng sự can đảm và chân thành sửa lỗi cho nhau, chịu trách nhiệm về nhau, kể cả những yếu đuối, tội lỗi của anh em mình. Thông thường khi một thành viên trong cộng đoàn sai sót hay lỗi phạm, ta thường rất dễ đưa ra những lời khuyên bảo, dạy dỗ, nặng nề hơn nữa là chỉ trích, lên án người anh em của ta.

Thường thì ta rất vui khi một ai đó đạt được bằng cấp, địa vị, thành tích hay tiếng khen, v.v.. làm cho cộng đoàn [cho gia tộc] được vẻ vang. Nói cách khác, ta rất dễ dàng liên đới với người khác khi họ thành công, “thấy người sang bắt quàng làm họ”. Ngược lại, khi một ai đó trong cộng đoàn gây ra những sai trái, thì rất ít khi nào ta dám chấp nhận liên đới, cùng chịu trách nhiệm với người ấy. Tiêu cực hơn, nếu một thành viên gây ra lỗi lầm, ta tìm cách lảng tránh để khỏi bị liên luỵ, vì sợ bị tai tiếng. Ngay trong gia đình, đôi khi ta cũng gặp thấy cách dạy bảo lấy sự danh giá của gia đình làm trọng, mà quên chỉ cho con con cái chịu trách nhiệm về những sai lỗi của họ. Một kiểu dạy bảo như: “mày học hành kém cỏi như thế, làm xấu mặt bố mẹ.”

Thêm nữa, rất ít khi và thường ta hay quên hẳn điều Chúa Giêsu dạy hôm nay: “Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho.” (Mt 18,19). Liệu đã bao nhiêu lần, thay vì chỉ trỉch và đưa ra lời sửa bảo, ta đã cùng với người lỗi phạm, cùng với cộng đoàn cầu xin Thiên Chúa một sự hoán cải cho người anh em mình.

Thánh Phaolô trong bài đọc II khuyên nhủ chúng ta phải có trách nhiệm với nhau, vì món nợ “tương thân tương ái”, với là tư cách là những Kitô hữu thuộc về Dân thánh. Việc chúng ta có trách nhiệm với nhau, kể cả với những lỗi lầm của anh em mình, là hành động của đức ái. Thánh Phaolô nói tiếp rằng, yêu thương chính là chu toàn lề luật.

Trong đời sống cộng đoàn Đa Minh, việc sửa lỗi sẽ như thế nào? Hiến pháp của Dòng trước hết nêu lên tinh thần huynh đệ: “Mọi người hãy đón nhận và đùm bọc nhau như những chi thể của cùng một thân thể.” (SHC 4 §I). Tinh thần này, Hiến pháp Dòng đã lấy lại tư tưởng của thánh Phaolô trong bài đọc II hôm nay, và trong thư gửi tín hữu Côrintô, ví các phần tử trong cộng đoàn Hội thánh như những chi thể của cùng một thân thể, vì vậy “một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung” (1Cr 12,26). Những lỗi lầm thường gây tổn thương đến công ích, vì vậy bề trên hay vị hữu trách khi cần đưa ra những sửa bảo, thì phải xét đến công ích. Nếu một hình phạt là cần thiết, thì người anh em mắc sai lầm sẽ làm một việc nào đó mang lại ích chung, và như thế biểu lộ sự sám hối, bù đắp thiếu xót về đức ái vì đã làm ảnh hưởng đến công ích.

Hiến pháp hiện nay của Dòng thì không còn nữa, nhưng Hiến pháp Nguyên thuỷ của Dòng, theo truyền thống đan tu, liệt kê nhiều lỗi phạm mà anh em phải chịu kỷ luật, những lỗi phạm phần lớn liên quan đến sự tổn thương đức ái: như giận nhau, ghét nhau, to tiếng với nhau, đánh nhau trong cộng đoàn, v.v.. Lỗi phạm nặng nhất của một người anh em là bỏ nhà Dòng “đi hoang”. Một điều rất thú vị, Hiến pháp Nguyên thuỷ Dòng quy định, dù người anh em có bỏ nhà Dòng bao nhiêu lần, nhưng bất cứ lúc nào người anh em đó quay về chân thành sám hối và chịu hình phạt, thì bề trên và cộng đoàn đều phải đón nhận người anh em đó. Tại sao, Hiến pháp Nguyên thuỷ của Dòng lại có quy định như vậy, Tin Mừng Chúa Nhật tuần sau sẽ giải thích rõ hơn cho ta biết lý do.

Tóm lại, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy đón nhận lẫn nhau “trong tình tương thân tương ái”, biết giúp nhau vượt qua những lỗi lầm để thăng tiến và dám chịu trách nhiệm không những cuộc đời của mình, mà cả cuộc đời của người anh em mình, vì lẽ chúng ta là những chi thể thuộc về Thân thể Đức Kitô là Hội thánh. Amen.

Từ khóa: , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com