Chín Cách Cầu Nguyện Của Thánh Đa Minh

26-02-2017
Bởi: Nguyễn Hoàng Bảo Có: 0 bình luận 3557 lượt xem

Chín cách cầu nguyện của thánh Đa Minh là một tác phẩm vô danh được viết trong khoảng từ năm 1260 đến năm 1288. Tác giả cho biết đã ghi lại theo lời kể của đan sĩ Cecilia, người đã lãnh tu phục từ tay cha Đa Minh. Những bích hoạ mô tả cách cầu nguyện của cha Đa Minh xuất hiện rất sớm trong những bản thảo đầu tiên của tác phẩm này. Dưới đây là tóm tắt tác phẩm. Video ở cuối bài viết do cha Fx. Đào Trung Hiệu, O.P. thực hiện.

Cách thứ nhất : Cúi mình trước thánh giá – Thái độ cung kính thờ lạy

Đứng thẳng trước bàn thờ, cha Đa Minh cúi sâu xuống, như bái chào Đức Kitô thực sự đang hiện diện trên bàn thờ. Sau khi đã cúi mình một lúc lâu, cha Đa Minh đứng thẳng người lên và nghiêng đầu ngắm Đức Kitô là Đầu của mình, đối chiếu vẻ uy nghi cao cả của Người với sự thấp hèn của mình, rồi bộc lộ tâm tình cung kính thờ lạy.

 Cách thứ hai : Nằm phục xuống đất – Thái độ tạ tội

“Cha Đa Minh thường cầu nguyện nằm sấp mình xuống đất. Cha giục lòng thống hối, nhớ tới lời của người thu thuế và kêu to lên ra như để cho Chúa nghe thấy: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Thế rồi cha òa lên khóc lóc thống thiết.”

 Cách thứ ba : Thống hối, đền tội

“Cha Đa Minh chỗi dậy và dùng một roi sắt để đánh mình, đang khi nguyện: “Lạy Chúa, Ngài ban ơn cứu độ làm khiên mộc chở che con, Ngài đưa tay uy quyền nâng đỡ, săn sóc ân cần giúp con lớn mạnh.”

Cách thứ tư : Bái gối (và đứng lên) nhiều lần, đôi mắt hướng về thập giá

“Cha Đa Minh chăm chú nhìn vào thánh giá, chiêm ngắm và bái gối nhiều lần. Cha muốn bắt chước người phong hủi phủ phục dưới chân Chúa Giêsu và van nài: Lạy Chúa, nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa con lành” (Lc 5, 12). Cha Đa Minh lại quỳ gối xuống bắt chước Stephanô kêu lên: “Lạy Chúa, xin đừng chấp tội họ” (Cv 5, 12). Cha Đa Minh đứng lên, cảm thấy đầy tin tưởng nơi lòng lân tuất của Chúa đối với mình và với hết mọi tội nhân cũng như ơn che chở những tu sĩ trẻ được sai đi rao giảng.”

Cách thứ năm: Đứng thẳng người, với cử động xích lại gần bàn thờ. Hai bàn tay cha khi mở ra, khi úp lại, khi mở rộng ra như đang tâm sự với Chúa Giêsu.

“Trước bàn thờ, cha Đa Minh đứng thẳng người, xòe bàn tay ra trước ngực tựa hồ như đang đọc sách, và đứng trong tư thế ấy cách sốt sắng. Đôi khi, cha Đa Minh chắp hai tay lại nhắm mắt cầm trí, rồi giang tay ra ngang tầm của đôi vai ra như đang muốn nghe điều gì đó.”

Cách thứ sáu : Bắt chước cử điệu Chúa Giêsu giang tay trên thập giá

“Cha Đa Minh đứng thẳng người, giang thẳng tay ra như hình thánh giá. Chính trong tư thế cầu nguyện như vậy mà tại Roma, Chúa đã cho một chàng thanh niên tên là Napoleon sống lại, hoặc khi cứu một đoàn hành hương người Anh bị đắm ở một dòng sông. Cũng trong tư thế ấy mà có lần người ta thấy thân cha được nhấc lên cao khỏi mặt đất đang lúc cử hành thánh lễ. Tuy nhiên cha chỉ sử dụng cách thế này khi được Chúa linh ứng. Ra như cha Đa Minh muốn để cho lời cầu nguyện nhấc bổng mình lên tới Chúa, hay là vì được Chúa soi sáng phải xin một ơn gì khác thường cho mình hay cho người khác cho nên cha phải dùng lời lẽ của vua Đavit, lửa nồng của Elia, lòng sốt mến của Đức Giêsu hay với chính tình yêu của Chúa.”

Cách thứ bảy : Vươn hai cánh tay lên trời cao để khẩn khoản, van nài

“Khi cha Đa Minh cầu nguyện, nhiều lần cha giơ hai tay thẳng lên trời như phóng mũi tên lên không trung; có lúc cha chắp hai tay lại ở trên đầu, có khi cha tách ra như là phải đón nhận cái gì đó.”

Cách thứ tám : Học hỏi và cầu nguyện

“Sau khi lòng được hun nóng nhờ lời Chúa nghe ở cung nguyện hay nhà cơm, cha Đa Minh rút lui vào chỗ cô tịch để đọc sách thánh và cầu nguyện. Cha ngồi xuống yên tĩnh, làm dấu thánh giá, mở sách ra và đọc. Linh hồn cha cảm thấy sự xúc động ngọt ngào như thể chính Chúa nói chuyện vậy, như có lời chép: “Tôi lắng nghe điều Thiên Chúa phán” (Tv 84, 9.)

Cách thứ chín : Cha Đa Minh cầu nguyện khi đi đường

“Cha Đa Minh tiếp tục cầu nguyện cả khi đi đường, nhất là khi đi ngang một chỗ thanh vắng. Cha Đa Minh tiến lên trước hay lùi lại đàng sau, vừa đi vừa suy gẫm, để cho lòng sốt sắng được hun nóng. Cha Đa Minh thường hay thức đêm cầu nguyện cho tới giờ Kinh đêm; cha cũng tham dự giờ kinh với anh em; và đi từ phía này sang phía kia để thúc giục các anh em hãy hát kinh lớn tiếng và sốt sắng.”

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com