“Chị tìm ai?”

21-07-2020
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 2202 lượt xem

Dưới đây là lá thư cha Timothy Radcliffe, O.P. (Bề trên Tổng quyền Dòng Đa Minh 1992 – 2001) gửi các anh chị em trong giai đoạn đào tạo sơ khởi nhân ngày lễ chân phước Giođanô Saxoni. Trong lá thư này, cha đã suy niệm và nêu ra mẫu gương thánh Maria Mađalêna. Nhân ngày mừng kính thánh nữ (22/7), BBT Thỉnh viện Đa Minh mời anh em Thỉnh sinh và những ai muốn tìm hiểu linh đạo Đa Minh đọc lại lá thư này để xác tín hơn vào con đường mình đang theo đuổi.

Lá thư này được đăng thành ba phần, tựa đề mỗi phần do BBT đặt.


 

Phần 1

“CHỊ TÌM AI?”

LỜI DẪN: Mở đầu lá thư, cha Timothy Radcliffe, O.P. suy niệm về câu hỏi “Bà tìm ai?” mà Đức Giêsu đã hỏi thánh Maria Mađalêna ngay tại cửa mồ (Ga 20,15). Thánh nữ đang đi tìm Đức Giêsu đã chết, nhưng với câu hỏi này, Đức Giêsu đã biến đổi thánh nữ, ngài không còn tìm một người chết nữa, nhưng là tìm Đấng Phục Sinh. Cũng vậy, việc gia nhập cộng đoàn Đa Minh cũng là việc các anh chị em đào tạo sơ khởi đi tìm Đấng Phục Sinh và đáp lời Đấng ấy. 

 

Các anh chị em trong giai đoạn đào tạo sơ khởi là món quà Thiên Chúa ban cho Dòng, và chúng tôi tôn vinh Đấng Tạo hóa khi đón nhận những món quà của Người. Đây chính là công việc chúng tôi phải làm bằng cách cung cấp cho các bạn một nền đào tạo tốt nhất có thể. Tương lai của Dòng phụ thuộc vào điều này, vì thế, mỗi một Tổng hội đều dành nhiều thời gian để bàn bạc về vấn đề đào tạo. Nhiều năm qua, Dòng đã đưa ra những tài liệu tuyệt vời về vấn đề đào tạo, và vì thế, thay vì viết một lá thư dài và lặp lại tất cả những gì đã nói, tôi nghĩ tốt hơn là thu thập những tài liệu này để các bạn và các vị phụ trách đào tạo có thể dễ dàng tham khảo. Nhưng tôi muốn trực tiếp chia sẻ đôi lời với các bạn, là những người đang ở giai đoạn đầu đời sống Đa Minh, biết rằng một số vị phụ trách có lẽ cũng muốn tìm hiểu vấn đề này. Tôi sẽ trình bày về việc đào tạo anh em, vì đây là lĩnh vực tôi biết nhiều hơn. Nhưng tôi hy vọng việc này cũng sẽ ích lợi cho kinh nghiệm của các chị em.

Một trong niềm vui lớn nhất của tôi trong các chuyến viếng thăm Dòng là được gặp gỡ các bạn. Tôi rất cảm động trước nhiệt tình của các bạn đối với Dòng, trước niềm vui Đa Minh thật sự. Thế nhưng việc đào tạo cũng sẽ có những giai đoạn đau khổ, mất định hướng, chán nản, và mất ý nghĩa. Có khi các bạn tự hỏi vì sao các bạn lại ở đây và có nên tiếp tục ở lại đây không? Những khoảnh khắc như thế là một phần cần thiết và đau đớn trong việc đào tạo để các bạn trưởng thành như một tu sĩ Đa Minh. Nếu những điều này không xảy ra thì việc đào tạo không tác động sâu xa nơi các bạn.

Trong truyền thống của Dòng, việc đào tạo không phải là đúc khuôn từ một chất liệu thụ động để sản xuất ra một sản phẩm đúng tiêu chuẩn, “sản phẩm Đa Minh”. Đó chính là việc chúng tôi đồng hành với các bạn để các bạn tự do đáp trả lời mời gọi …

Trong truyền thống của Dòng, việc đào tạo không phải là đúc khuôn từ một chất liệu thụ động để sản xuất ra một sản phẩm đúng tiêu chuẩn, “sản phẩm Đa Minh”. Đó chính là việc chúng tôi đồng hành với các bạn để các bạn tự do đáp trả lời mời gọi bao gồm ba khía cạnh mà các bạn đã lãnh nhận: Chúa Phục Sinh mời gọi các bạn theo Người, các tu sĩ nam nữ mời gọi các bạn trở thành một trong những thành viên như họ, và những đòi hỏi của sứ vụ cũng mời gọi các bạn. Nếu các bạn đáp trả những đòi hỏi này một cách trọn vẹn và quảng đại, các bạn sẽ được biến đổi. Việc đáp trả này đòi hỏi các bạn chết đi trong niềm phó thác vào Thiên Chúa, Đấng ban cho chúng ta được Phục sinh. Việc này vừa đớn đau vừa giải thoát, vừa hứng thú vừa sợ hãi. Việc đáp trả sẽ làm cho các bạn trở nên con người như Chúa muốn. Đây là một tiến trình diễn ra liên tục trong suốt đời sống Đa Minh của các bạn. Những năm đào tạo sơ khởi chỉ là bước khởi đầu. Tôi viết lá thư này cho các bạn để khích lệ các bạn tiến bước trong hành trình. Đừng bỏ cuộc khi phải đối diện với khó khăn.

Để triển khai đề tài này, tôi sử dụng đoạn văn kể lại cuộc gặp gỡ giữa thánh nữ Maria Mađalêna, vị thánh bổn mạng của Dòng, với Chúa Giêsu tại khu vườn Phục sinh (Ga 20,11-18).

“Chị tìm ai?”

Khi Chúa Giêsu gặp cô Maria Mađalêna, Người hỏi: “Chị tìm ai?” Cuộc sống của chúng ta ở trong Dòng cũng bắt đầu với câu hỏi tương tự, khi chúng ta nằm phủ phục xuống đất: “Anh xin gì?” Đó là câu hỏi mà Chúa Giêsu đặt ra cho các môn đệ ở phần đầu Tin mừng.

Các bạn tìm đến Dòng với nỗi khát khao trong tâm hồn, nhưng để làm gì? Có phải vì các bạn vừa mới khám phá ra Tin mừng và mong muốn chia sẻ với mọi người? Có phải vì các bạn gặp một tu sĩ Đa Minh mà các bạn ngưỡng mộ và có ý theo gương? Có phải vì các bạn muốn lánh xa trần thế với bao nhiêu hệ lụy, hoặc chạy trốn nỗi đau do những mối tương quan nhân bản gây ra? Hoặc vì các bạn mong ước trở thành linh mục và bạn cảm thấy cần có một cộng đoàn? Hay vì các bạn đang đi tìm ý nghĩa của cuộc sống và mong ước cùng chúng tôi khám phá? Các bạn tìm ai? Các bạn tìm cái gì? Chúng tôi không thể trả lời thay cho các bạn được, nhưng chúng tôi có thể ở bên bạn khi chính các bạn phải đối diện với vấn đề ấy và giúp đỡ bạn tìm ra một lời giải đáp trung thực.

Trong suốt đời sống Đa Minh, chúng ta có thể trả lời câu hỏi đó cách khác nhau, trong những thời điểm khác nhau. Những lý do đưa chúng ta tới Dòng có thể không phải là những lý do khiến chúng ta ở lại trong Dòng. Khi gia nhập Dòng, tôi bị lôi cuốn trước hết là bởi lòng khao khát tìm hiểu niềm tin của mình. Khẩu hiệu “Chân lý” của Dòng đã lôi cuốn tôi. Tôi không biết liệu mình có đủ can đảm để rao giảng Lời Chúa hay không. Nhưng rồi sau đó, tôi đã ở lại vì lòng khát khao này giữ chân tôi. Thỉnh thoảng chúng ta cảm thấy chẳng rõ vì sao chúng ta vẫn còn ở đây và chúng ta mong muốn gì? Chúng ta chẳng có gì để bám víu vào ngoài một cảm giác mơ hồ rằng đây là nơi chúng ta được mời gọi để sống. Hầu hết chúng ta ở lại cho đến cùng, vì giống như cô Maria trong khu vườn, chúng ta đi tìm Chúa. Ơn gọi là câu chuyện về lòng khao khát. Chúng ta ở lại là vì chúng ta đã “cắn câu” tình yêu, chứ không phải do một cam kết hoàn thiện cá nhân, hay do nghề nghiệp. Nhà thần bí Eckhart nói: “Vì tình yêu tương tự như lưỡi câu của người ngư phủ. Ông ta không thể bắt được cá nếu cá không cắn câu. Ai bị móc vào lưỡi câu ấy thì bị “chộp” nhanh đến nỗi tay chân, mắt mũi, miệng lưỡi, trái tim và tất cả những gì của con người đó đều chỉ thuộc về một mình Thiên Chúa. Hãy chăm chú nhìn lưỡi câu đó để chúng ta bị bắt chộp một cách phúc đức, vì càng bị bắt giữ bao nhiêu, bạn càng được tự do bấy nhiêu”.[1] Có thể các bạn sẽ nhận ra rằng các bạn thực sự đang tìm kiếm Chúa Phục Sinh, nhưng các bạn được mời gọi tìm Người trong một dạng đời sống khác, như người môn đệ sống đời sống hôn nhân chẳng hạn. Cũng có khi Chúa gọi các bạn đến với Dòng chỉ trong một thời gian, để chuẩn bị các bạn thành một nhà giảng thuyết trong một tư thế khác.

Niềm vui của cuộc gặp gỡ Phục sinh này là trung tâm của đời sống Đa Minh. Đây là hạnh phúc mà chúng ta chia sẻ trong sứ vụ giảng thuyết. Nhưng chúng ta chỉ lớn lên trong hạnh phúc này một khi chúng ta đã trải qua những khoảnh khắc mất mát. Người mà cô Maria yêu mến đã không còn nữa. “Thưa ông! Nếu ông đã mang Chúa ra khỏi mồ, xin làm ơn chỉ cho tôi, để tôi mang Người về.” Cô đau buồn vì đã mất người mà cô yêu mến. Đôi khi việc vào Dòng cũng có thể được đánh dấu bằng cùng một kinh nghiệm cô độc như vậy. Có lẽ các bạn đã vào Dòng với tất cả sự hăng say. Các bạn sẽ dâng hiến chính mình cho Chúa, các bạn có những giờ phút cầu nguyện ngây ngất. Nhưng dường như Chúa đã biến mất. Cầu nguyện trở thành việc lặp đi lặp lại một cách nhàm chán những Thánh vịnh dài dòng vào những giờ khắc không thích hợp, lại thêm những anh em hát ngang như cua. Thậm chí chúng ta có thể trách những anh em này đã làm cho Chúa biến đi, vì họ thiếu lòng sốt sắng. Tại sao họ không lo phận sự của mình đi? Có lẽ những lời giảng dạy của họ đã làm lung lạc đức tin đã đưa tôi đến đây. Trong các bài giảng của họ, Lời Chúa bị cắt ra từng mảnh, và họ bảo chúng tôi rằng những bài giảng đó không đúng theo nghĩa đen đâu. Họ đã chôn Chúa của tôi nơi nào?

Chúa Giêsu gọi cô, ‘Maria’. Cô quay lại và kêu lên bằng tiếng Hípri, ‘Rabboni’ – Thưa Thầy.

Trong việc đào tạo, bị mất phương hướng, giống như cô Maria bối rối trong khu vườn, không biết điều gì đang xảy ra, nhiều khi lại là điều cần thiết.

Chúng ta phải mất Chúa nếu chúng ta muốn tìm thấy Người một lần nữa, vừa sống động vừa gần gũi hơn trước. Chúng ta phải để cho Người đi, chúng ta cô độc, buồn phiền vì thiếu vắng Người, rồi chúng ta mới thấy Người gần gũi chúng ta hơn chúng ta tưởng. Nếu không trải qua kinh nghiệm đó, chúng ta sẽ mắc kẹt trong mối tương quan ngây ngô và ấu trĩ đối với Chúa. Trong việc đào tạo, bị mất phương hướng, giống như cô Maria bối rối trong khu vườn, không biết điều gì đang xảy ra, nhiều khi lại là điều cần thiết. Chẳng vậy, chúng ta sẽ không bao giờ biết ngạc nhiên vì một sự thân tình mới mẻ đối với Chúa Phục Sinh. Và chuyện đó phải tái diễn luôn luôn, khi người ngư phủ cuốn dây câu lại. Chúa Phục Sinh đã biến mất bây giờ xuất hiện và trò chuyện với cô Maria, rồi bảo cô hãy để cho Người đi: “Đừng giữ Thầy lại”.

Khi người ta như đã lấy mất thi hài Chúa, đừng bỏ cuộc mà ra đi. Khi Chúa Giêsu biến mất, ông Phêrô, như bao nhiêu người khác, trở về với công việc thường ngày. Trở về cuộc sống cũ có thể là một cám dỗ. Cô Maria không bỏ cuộc nhưng tiếp tục đi tìm, cho dù chỉ là đi tìm một thi hài. Nếu chúng ta kiên trì, thì giống như cô Maria, chúng ta cũng sẽ được đền bù.

Cô Maria không bỏ cuộc nhưng tiếp tục đi tìm, cho dù chỉ là đi tìm một thi hài. Nếu chúng ta kiên trì, thì giống như cô Maria, chúng ta cũng sẽ được đền bù.

Tôi nhớ đến một quãng thời gian dài chán nản trong suốt những năm khấn tạm. Tôi không nghi ngờ sự hiện hữu của Chúa, nhưng Chúa dường như cách xa diệu vợi, và hầu như chẳng quan tâm gì đến tôi. Rồi nhiều năm sau khi đã khấn trọng, vào một mùa hè trong khu vườn Giếtsêmani tại Giêrusalem, nỗi trống vắng đó mới được lấp đầy. Có lẽ sẽ đến ngày tôi lại phải chịu đựng sự trống vắng đó một lần nữa. Và rồi chính các bạn, những người anh chị em của tôi, sẽ giúp tôi tiếp tục tìm kiếm cho đến khi tôi lại có cuộc gặp gỡ bất ngờ với Chúa.

Chúa Giêsu chỉ nói với Maria một lời, Người gọi tên cô: “Maria”. Chúa luôn luôn gọi chúng ta bằng tên. Chúa đã gọi “Samuel” ba lần trong đêm vắng. Chúng ta khám phá ra chúng ta là ai, căn tính sâu xa nhất của chúng ta là gì, khi chúng ta đáp trả tiếng gọi tên chúng ta. “Chúa gọi tôi từ trong bụng mẹ, từ trong dạ mẫu thân tôi, Người đã đặt tên tôi” (Is 49,1). Như vậy, ơn gọi Đa Minh không phải là vấn đề tìm một công việc, hay thậm chí được phục vụ Hội thánh hoặc xã hội cách hữu ích. Đó là lời thưa “Vâng” đối với Chúa, Đấng gọi tôi đến, “Vâng” đối với những người anh em đang sống với tôi, và “Vâng” với sứ vụ mà tôi được sai đi. Tôi được mời gọi đến với sự sống, cũng như có người đã được gọi ra khỏi mồ bằng tiếng hô to: “Ladarô, hãy bước ra”.

Vì thế, có thể nói, mục đích cơ bản của việc đào tạo là để giúp chúng ta trở nên Kitô hữu, giúp chúng ta thưa “Vâng” với Chúa Kitô. Nếu không, quả là chúng ta đang làm trò đùa. Nhưng như vậy phải chăng trở nên một tu sĩ Đa Minh là điều không quan trọng, là chuyện tùy phụ? Không phải thế, vì đó là con đường theo Chúa Kitô của thánh Đa Minh. Có lẽ danh xưng đầu tiên của Kitô giáo là “Con đường” (Cv 9,2). Khi thánh Đa Minh đi về miền Nam nước Pháp, ngài khám phá ra con đường tiến đến Nước Trời. Dòng ban tặng cho ta con đường sự sống, với việc cầu nguyện chung, với một thể chế quản trị, với cách thức nghiên cứu thần học, và cách thức trở thành một người anh em. Khi tuyên khấn, chúng ta xác quyết rằng, con đường sự sống lạ lùng này sẽ dẫn chúng ta đến Nước Trời.

Như vậy, không phải tôi chờ đợi trở nên một Kitô hữu tốt rồi mới trở nên một nhà giảng thuyết. Chia sẻ Lời Chúa với người khác là một phần của việc tôi tìm kiếm Chúa trong khu vườn xưa. Khi vất vả soạn bài giảng, tôi giống như cô Maria Mađalêna xin người giữ vườn cho tôi hay người ta đã để thi hài của Chúa tôi ở đâu. Nếu tôi có thể chia sẻ việc tôi “vật lộn” với Lời, thì tôi cũng có thể chia sẻ khoảnh khắc của mặc khải khi khi Chúa gọi tên tôi. Nếu tôi muốn chia sẻ khoảnh khắc gặp gỡ xảy ra sau đó, tôi phải dám nhìn vào trong mộ và không thấy thi hài của Chúa nữa. Trở nên một nhà giảng thuyết là chia sẻ tất cả những khoảnh khắc trong bi kịch của khu vườn ngày Phục sinh: sự cô độc, nghi vấn và mặc khải. Nhưng nếu tôi chỉ nói như một người biết mọi chuyện, hoàn toàn xác tín, khi ấy người ta có thể sẽ có ấn tượng mạnh mẽ vì kiến thức của tôi, nhưng tôi lại chẳng gây được ảnh hưởng bao nhiêu đối với họ.

[1] M. Walshe, Meister Eckhart, tập I, London, 46-47.

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com