“Tôi đã thấy Chúa”

21-07-2020
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 2266 lượt xem

Dưới đây là lá thư cha Timothy Radcliffe, O.P. (Bề trên Tổng quyền Dòng Đa Minh 1992 – 2001) gửi các anh chị em trong giai đoạn đào tạo sơ khởi nhân ngày lễ chân phước Giođanô Saxoni. Trong lá thư này, cha đã suy niệm và nêu ra mẫu gương thánh Maria Mađalêna. Nhân ngày mừng kính thánh nữ (22/7), BBT Thỉnh viện Đa Minh mời anh em Thỉnh sinh và những ai muốn tìm hiểu linh đạo Đa Minh đọc lại lá thư này để xác tín hơn vào con đường mình đang theo đuổi.

Lá thư này được đăng thành ba phần, tựa đề mỗi phần do BBT đặt.


 

Phần 3

“TÔI ĐÃ THẤY CHÚA”

LỜI DẪN: Sau khi gặp Đấng Phục Sinh và lãnh nhận lệnh truyền đến gặp anh em của Người, thánh nữ Maria Mađalêna đã mau mắn chạy đến gặp các Tông đồ và làm chứng: “Tôi đã thấy Chúa!” (Ga 20,18), rồi kể lại những gì Đấng Phục Sinh đã nói với ngài. Trong truyền thống Tây và Đông phương, thánh nữ được xem là người đầu tiên gặp Đấng Phục Sinh và cũng là người đầu tiên loan báo Tin Mừng. Cách nào đó đây là lý do vì sao các tu sĩ Đa Minh nhận ngài là vị bảo trợ thứ hai của Dòng. Trong phần cuối của lá thư này, cha Timothy Radcliffe trình bày suy tư về việc các anh chị em giai đoạn đào tạo sơ khởi chuẩn bị cho sứ vụ giảng thuyết Đa Minh trong tương lai. Cha giúp các anh chị em này nhìn nhận đúng về bản chất của việc trở thành một nhà giảng thuyết. 

 

“Tôi đã thấy Chúa”

Cô Maria Mađalêna chạy đến với các anh em và nói: “Tôi đã thấy Chúa”. Cô là người đầu tiên rao giảng về biến cố Phục sinh. Cô là nhà giảng thuyết vì cô có khả năng nghe tiếng Chúa khi Người gọi cô, và cô chia sẻ Tin mừng Chúa đã chiến thắng sự chết.

Trở thành nhà giảng thuyết không phải chỉ là biết nhiều chuyện để nói, hay là có chút ít kỹ thuật giảng thuyết để biết cách nói. Nhưng đó là được đào tạo để trở nên một người có thể nghe tiếng Chúa, và công bố lời đem lại sự sống. Ngôn sứ Isaia nói: “Thiên Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi. Người đã làm cho miệng tôi nên như gươm sắc, Người giấu tôi trong bóng cánh tay Người” (Is 49,1tt). Cả cuộc đời ngôn sứ Isaia ngay từ lúc đầu, đã được rèn luyện để sẵn sàng tuyên sấm.

Dòng không chỉ đào luyện chúng ta về phương diện thần học. Nhưng đó là một cuộc sống đào tạo chúng ta thành những nhà giảng thuyết. Đời sống cộng đoàn, kinh nguyện, kinh nghiệm mục vụ, thành công và thất bại sẽ làm cho chúng ta có khả năng lưu tâm và loan báo theo những cách thức mà chúng ta không hề dự kiến. Một trong những vị Giám tỉnh tiền nhiệm của tôi là anh Anthony Ross, một nhà giảng thuyết lừng danh, một sử gia, một nhà cải tổ các trại giam và còn là nhà đô vật. Một ngày nọ ít lâu sau khi được bầu làm Giám tỉnh, anh bị đột quỵ và hầu như không còn nói được. Anh phải từ chức và tập nói lại. Một vài từ mà anh nói được có sức mạnh hơn bất cứ điều gì xưa kia anh nói. Người ta đến xưng tội với anh, nghe những lời an ủi đơn sơ. Những bài giảng chỉ có một vài lời của anh có thể biến đổi cả cuộc đời của một con người. Dường như sự đau khổ và im lặng đào tạo nên một nhà giảng thuyết có khả năng trao cho chúng ta lời sự sống mà trước đây không làm được. Tôi đến thăm anh trước khi đi dự Tổng hội Mexico, và rồi từ đó, lạ lùng thay, tôi đã không quay lại với Tỉnh dòng của mình. Lời cuối cùng anh nói với tôi là “Hãy can đảm”. Đây là món quà tuyệt với nhất mà chúng ta có thể trao cho nhau.

Lời nhân ái

Cô Maria Mađalêna báo tin cho các môn đệ Chúa: “Tôi đã thấy Chúa”. Đây không phải là lời công bố một sự kiện, nhưng là chia sẻ một điều khám phá. Cô chia sẻ sự mất mát, nỗi lo lắng và phiền muộn của họ, và bây giờ cô có thể chia sẻ với họ cuộc gặp gỡ Chúa Phục Sinh. Cô chia sẻ Tin mừng với họ được, vì đó cũng là Tin mừng cho cô.

Lời chúng ta rao giảng là Lời đã chia sẻ thân phận con người của chúng ta, là “vị Thượng tế không phải là không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của chúng ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta nhưng không phạm tội” (Hr 14,15). Việc giảng thuyết đòi hỏi chúng ta phải nhập thể vào những thế giới khác nhau: dù đó là một thế giới đương đại của nền văn hóa đề cao tuổi trẻ hay đảo Micronesia[1], dù đó là thế giới của những kẻ nghiện ngập hay thế giới của các nhà doanh nghiệp. Chúng ta phải nhập thế, phải học ngôn ngữ của thế giới, phải nhìn sự vật bằng đôi mắt của cư dân trong thế giới, lăn lộn với họ, cảm thông những yếu đuối và chia sẻ niềm hy vọng của họ. Ở một mức độ nào đó, chúng ta cũng phải trở nên như họ. Khi ấy chúng ta mới có thể loan báo lời là Tin mừng cho họ và cho chúng ta. Điều đó không có nghĩa là chúng ta phải đồng ý với họ. Thường chúng ta cũng cần thử thách họ, nhưng phải “bắt mạch” con người họ trước khi có thể làm được việc đó.

Hội thánh có truyền thống dâng lời ca tụng Chúa vào lúc hừng đông. Chúng ta vẫn là những người lính canh mong đợi hừng đông, nhờ đó chúng ta có thể chia sẻ niềm hy vọng của mình cho những người không thấy dấu hiệu của bình minh. Chính vì tôi đã thoáng thấy đêm tối của ho, và đó cũng có thể là đêm tối của tôi, nên tôi có thể chia sẻ một lời về “lòng nhân từ yêu thương của Trái tim Chúa, Đấng viếng thăm ta tựa ánh bình minh từ trời cao.”

Chúng ta thường làm được điều này vì hiện tình bản thân của chúng ta và vì những gì chúng ta đã sống. Cô Maria Mađalêna tìm kiếm thi hài của Chúa tình yêu mà cô đã học được trong cuộc sống vốn bị truyền thống cho là đầy dấu ấn thất bại và tội lỗi. Đó là cuộc sống đã chuẩn bị cho cô thành người đi tìm người cô yêu mến và nhận ra Người khi Người gọi chính tên cô. Một trong những món quà quý giá nhất các bạn mang đến cho Dòng chính là cuộc sống của các bạn với những thất bại, những khó khăn và cả những giây phút đen tối. Thậm chí tôi có thể nhìn lại những lỗi lầm của mình và coi đó là tội hồng phúc – Felix culpa – bởi vì nó đã chuẩn bị cho tôi trở thành người có khả năng rao giảng lời cảm thương và hy vọng cho những người đang sống cùng một nỗi thất bại như tôi. Tôi có thể chia sẻ với họ ánh bình minh đang ló dạng.

Trong nhiều lãnh vực khác, chúng ta cần được đào tạo trong sự cảm thương, nền đào tạo của con tim và khối óc. Nền đào tạo đó sẽ phá tan sự cứng lòng, tính kiêu ngạo, vẻ tự phụ, sự xét đoán trong chúng ta. Một trong những điều hữu ích tôi từng làm trong năm tập hơi khác thường, đó là thường xuyên đi thăm những tù nhân phạm tội tình dục trong một trại tù ở địa phương. Có lẽ họ là hạng người đáng bị khinh miệt nhất trong xã hội. Rõ ràng là chúng tôi đâu có khác gì họ. Chúng tôi có thể cùng nhau nghe Lời Chúa. Như thế, nền đào tạo của chúng ta phải xóa bỏ dần những thành lũy cố thủ chống lại những kẻ dị biệt, những người thiếu thiện cảm, những kẻ bị xã hội khinh miệt: những người hành khất, gái làm tiền, kẻ tội phạm, hạng người mà chính Lời Chúa đã viếng thăm họ. Chúng ta học cách lãnh nhận những món quà mà họ có thể dành cho chúng ta nếu chúng ta sẵn sàng mở rộng bàn tay.

Nhà thuyết giảng lý tưởng là người trở nên mọi sự cho mọi người, hoàn toàn con người. Theo như tôi biết, không có một tu sĩ Đa Minh nào là một con người hoàn hảo. Chúng ta chấp nhận những giới hạn của mình. Nhiều năm trước đây, mỗi tuần một buổi tối, tôi đến thăm nơi trú ngụ dành cho những người vô gia cư tại Oxford. Tôi mang cháo đến và trò chuyện với họ. Tuy nhiên, thú thật là tôi sợ việc đó. Tôi gớm ghét mùi hôi thối và ngán ngẩm khi phải trò chuyện với những kẻ say xỉn. Tôi biết rằng món cháo của tôi không ngon và tôi ước mong được ở nhà để nghiên cứu sách vở. Tuy vậy, tôi không bao giờ hối tiếc những khoảnh khắc đó. Có lẽ bức tường ngăn cách giữa tôi và những người anh chị em sống trên hè phố đó đã bị phá bỏ phần nào.

Sự cảm thương sẽ tái tạo đời sống chúng ta theo những cách thức mà chúng ta không hề dự định trước. Khi còn là một sinh viên ở Palencia, thánh Đa Minh cảm thương những người đói khổ, và đã bán những cuốn sách quý giá của mình đi. Sở dĩ cha thánh ở lại miền Nam nước Pháp và lập Dòng bởi vì ngài xúc động trước cảnh ngộ của những giáo dân bị mắc kẹt trong thứ lạc giáo nguy hại. Trọn cuộc đời cha thánh được hình thành từ việc đáp ứng những tình huống mà ngài không hề dự kiến. Con người nhân hậu này phó mặc cho mọi người, đau đớn trước nhu cầu của họ. Học biết cảm thương sẽ giúp chúng ta sẵn sàng giũ bỏ quyền kiểm soát chặt chẽ cuộc sống của mình.

Lời đem lại sự sống

“Tôi đã thấy Chúa”, đây không chỉ là lời tường thuật một biến cố. Cô Maria chia sẻ với các môn đệ Chúa về sự vinh thắng của sự sống trên sự chết, của sự sáng trên bóng tối. Đó là lời đem lại ánh bình minh mà cô chứng kiến “từ sáng tinh mơ”.

Chị Catarina nói với anh Raymunđô rằng chúng ta phải là “những người hành động hơn là những người nói suông và phá đám”.[2] Chúng ta được đào tạo thành những nhà giảng thuyết qua những câu chuyện trao đổi hằng ngày với người khác, trong phòng hội, nơi hành lang. Chúng ta khám phá ra cách thức chia sẻ lời đem lại sự sống trong giảng thuyết, bằng cách trở nên những người anh em dám trao tặng cho nhau lời mang lại niềm hy vọng, sự khích lệ, xây dựng và chữa lành. Nếu chúng ta là những người thường đem lại cho người khác những lời gây tổn thương, làm suy yếu, hao mòn và phá hoại, thì dù có thông minh và uyên bác đến đâu, chúng ta cũng không bao giờ có thể trở thành nhà giảng thuyết được. Người Ba Lan có câu “Wystygl mityk; wynik cynic- Khi nhà thần bí nguội lạnh rồi thì ông ta chỉ còn là một con người hoài nghi yếm thế. Chúng ta có thể là “những con chó của Chúa” chứ không thể là một kẻ hoài nghi, yếm thế được.[3]

Lời của nhà giảng thuyết phải phong phú. Khi gặp Chúa Giêsu, cô Maria lầm tưởng Chúa là người giữ vườn. Nhưng đó không phải là sự lầm lẫn, vì Chúa Giêsu là Ađam mới trong khu vườn sự sống, nơi thần chết đã bị đánh bại, và cây thập giá đã mang lại hoa trái. Như vậy, các đồng minh tự nhiên của nhà giảng thuyết là những con người có óc sáng tạo trong xã hội. Ai là những con người đang đấu tranh để tìm ra ý nghĩa cho cuộc sống hiện tại? Ai là tư tưởng gia, triết gia, thi sĩ, nghệ sĩ, những người có thể dạy chúng ta lời sáng tạo cho hôm nay? Đó chính là những người giúp chúng ta trở thành những người giảng thuyết.

Lời đã lãnh nhận

Làm thế nào để tìm được lời có tính sáng tạo mới mẻ và cảm thương này? Ngay từ đầu thư, tôi đã thú nhận rằng khi gia nhập Dòng, tôi sợ không bao giờ có thể giảng thuyết được, và nỗi sợ này vẫn còn đó. Đối với một tu sĩ Đa Minh như tôi, quả là bối rối mỗi khi được mời giảng. Và phản ứng đầu tiên của tôi thường là “Tôi chẳng biết nói gì”. Thế nhưng cái gì phải nói sẽ được soi sáng, nhiều khi vào tận giờ chót. Để nhận được lời ban tặng, chúng ta phải biết nghệ thuật thinh lặng. Trong học hành, cầu nguyện, chúng ta học cách biết thinh lặng, biết chú ý nhận lãnh những điều Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta để chia sẻ cho người khác: “Điều tôi lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi trao lại cho anh em” (1Cr 11,23)

Đối với nhiều người, giữ thinh lặng là một việc khó khăn nhất trong quá trình đào tạo. Pascal viết: “Tôi khám phá ra rằng điều bất hạnh cho con người đơn giản là: không biết cách giữ thinh lặng trong phòng.”[4] Sau cùng, người giảng thuyết phải yêu mến niềm vui cô tịch vì đó chính là lúc chúng ta nhận được hồng ân. Chúng ta ngồi bẹp trên ghế, không phải để thu tích thêm kiến thức mà là để sẵn sàng và nhanh nhạy khi lời đến bất ngờ như kẻ trộm đến trong đêm vậy. Cuối cùng, chúng ta phải yêu mến thinh lặng, xem đó như là cốt lõi sâu thẳm nhất của đời sống Đa Minh. Đó là thời của hồng ân, dù là trong học tập hay trong cầu nguyện.

Thinh lặng đòi hỏi phải có kỷ luật. “Quả thật, Ngài là Thiên Chúa ẩn mình” (Is 45,15). Để nhận ra Thiên Chúa đang đến, chúng ta cần có đôi tai thính của người thợ săn. Tôn sư Eckhrat hỏi: “Thiên Chúa ở đâu để muôn tạo vật phải kiếm tìm và nhờ Người mà mọi vật hiện hữu và được sống? Như người chơi trò trốn tìm, chỉ cần ho lên là bị lộ, Thiên Chúa cũng thế. Không ai có thể khám phá ra Thiên Chúa nếu Người không tự tỏ lộ ra”. Nhưng Thiên Chúa ở đó, kín đáo ho lên, nhẹ nhàng ra hiệu cho những ai có thể nghe được nếu biết thinh lặng. Thường thường, khi đã đi sâu vào đời sống Đa Minh, bạn sẽ bị lấn át bởi những đòi hỏi của thời đại. Bây giờ đã đến lúc bạn phải có thói quen thinh lặng trong sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng mà cả đời bạn phải gắn bó. Thinh lặng làm nên sự khác biệt giữa một tu sĩ Đa Minh chỉ sống qua ngày với một tu sĩ Đa Minh đang tăng tiến.

Người ta thường đến với Dòng mang theo nhiệt tình mới mẻ muốn chia sẻ Tin mừng của Chúa Giêsu. Có thể các bạn muốn lên đường ngay tức khắc, muốn làm mưa làm gió trên bục giảng, muốn chia sẻ cho thế giới điều đã khám phá trong Tin mừng. Thật là chán nản khi gia nhập dòng Giảng Thuyết để rồi sau đó các bạn phát hiện ra rằng mình bị bó buộc bởi những giờ học hành buồn tẻ, hoặc đọc những cuốn sách khô khan của các tác giả đã quá cố. Chúng ta mong mỏi được lên đường rao giảng Tin mừng hay được sai đi thi hành sứ vụ. Chúng ta giống như những người thanh niên trong tiểu thuyết Anh em nhà Karamazov của Dostoyevsky, “họ không hiểu rằng hy sinh mạng sống có lẽ là chuyện dễ dàng nhất trong hầu hết mọi trường hợp, và, hy sinh – chẳng hạn – 5 hay 6 năm trong cuộc đời với đầy nhiệt huyết tuổi trẻ, để sôi kinh nấu sử, chỉ để gia tăng gấp mười lần sức mạnh trong việc phục vụ chân lý, hầu có thể thực hiện công việc trọng đại mà họ đang ấp ủ – một sự hy sinh như thế hầu như vượt quá khả năng của nhiều bạn trẻ.

Quả thực, từ ban đầu, chúng ta tìm cách chia sẻ Tin mừng cho người khác, tuy nhiên, sự kiên nhẫn tập luyện trong thinh lặng là điều thiết yếu nếu chúng ta nhắm tới mục đích chia sẻ hơn là vì nhiệt tình cá nhân. Ký ức về cha thánh Đa Minh là “một thứ kho lẫm của Chúa, tràn đầy mọi thứ hoa màu[5]. Chúng ta cần có những năm tháng học hành để đổ đầy kho lẫm. Đúng là trong chương 10:19, thánh Matthêu bảo chúng ta đừng lo lắng trước là sẽ phải nói gì, nhưng anh Humbertô Romans lại nói với các huấn sinh rằng điều đó chỉ áp dụng cho các thánh Tông đồ![6]

Lời được chia sẻ

Một năm trước đây, tôi đi ngang qua những ngõ hẻm chật chội ở Sài Gòn, tới một sân nhỏ có tượng đài thánh Vinh Sơn Phêriê. Đứng trên bệ, thánh nhân trông như một nhà giảng thuyết mẫu mực, một nhà hùng biện cô đơn đang giơ tay trên đám đông. Chúng ta ai cũng muốn trở thành nhà giảng thuyết như thánh nhân, muốn làm một ngôi sao cá nhân, tâm điểm của mọi sự chú ý và ngưỡng mộ.

Lời của nhà giảng thuyết không phải là lời riêng của người đó. Đó là lời nhận được không những từ những giờ thinh lặng cầu nguyện mà còn do học hỏi từ người khác. Như vậy cộng đoàn của nhà giảng thuyết phải là cộng đoàn mà ở đó chúng ta có thể chia sẻ những xác tín thâm sâu nhất, như cô Maria đã chia sẻ niềm tin vào Chúa Phục Sinh cho các môn đệ của Chúa. Trong buổi họp của ban Tổng cố vấn vào thứ Tư hằng tuần, chúng tôi cùng nhau đọc Tin mừng. Bài giảng của chúng tôi là kết quả những suy tư của toàn thể cộng đoàn. Những quan niệm hiện đại về vấn đề tác quyền có thể khiến chúng ta chiếm giữ ý tưởng của mình, và cho rằng anh em nào sử dụng những ý tưởng ấy là phạm tội ăn cắp. Thế nhưng, chính người giàu mới là người chủ trương chiếm hữu của cải riêng tư. Chúng ta chia sẻ những gì chúng ta đã lãnh nhận được, và như những tu sĩ khất thực, chúng ta chẳng việc gì phải xấu hổ khi đi xin những ý tưởng của người khác.

Việc đào tạo cũng cần phải giúp chúng ta biết cùng nhau giảng thuyết, trong một sứ vụ chung. Chúa Giêsu sai các môn đệ ra đi từng hai người một. Chúng ta bị cám dỗ coi sứ vụ tông đồ là riêng của mình, và với sự ganh tỵ, canh giữ sứ vụ ấy để anh em khác khỏi chiếm mất. Đây là trách nhiệm của tôi, đây là phận vụ của tôi, đây là vinh dự của tôi. Nếu tôi làm như thế, tất cả những gì tôi rao giảng sẽ là chính tôi.

Anh Humbertô Romans bảo chúng ta đề phòng những người “thi hành việc giảng thuyết như là một công việc nhắm tới vinh quang cá nhân, và dốc hết tâm lực vào đó vì họ muốn được trở nên quan trọng.”[7] Nếu chiều theo cám dỗ này, chúng ta sẽ nghĩ rằng mình là Tin mừng mà mọi người đang đói khát. Công việc giảng dạy thú vị nhất trong đời tôi là khi tôi dạy thần học tại Oxford cùng với hai anh em khác. Chúng tôi cùng soạn giáo án và đến dự lớp của nhau. Chúng tôi cố gắng đưa dẫn sinh viên vào những cuộc thảo luận. Nhờ những cuộc trao đổi như vậy, sinh viên có thể bày tỏ quan điểm của mình thay vì chỉ tiếp thu một cách thụ động.

Một anh em giảng thuyết có nghĩa là cả cộng đoàn giảng thuyết. Thí dụ thời danh nhất về vấn đề này, đó là vào những ngày đầu của cuộc chinh phục châu Mỹ, khi anh Antonio de Montesinos lên tiếng chống lại sự bất công của chính quyền đối với người bản xứ, chính quyền thành phố đến tố giác với cha bề trên, nhưng cha bề trên trả lời rằng anh Antonio giảng cũng chính là cộng đoàn giảng.

Tất cả những chuyện này nhằm chống lại mầm mống chủ trương cá nhân vốn là đặc điểm của thời hiện đại và thường là của người tu sĩ Đa Minh nữa. Quả vậy, có những anh em vẫn hãnh diện cho rằng chủ nghĩa cá nhân là một đặc tính tiêu biểu của người tu sĩ Đa Minh. Đúng là chúng ta có truyền thống đề cao sự tự do và tôn trọng những tài năng riêng của mỗi người. Tạ ơn Chúa. Lập những dự án chung trong Dòng có thể là một cơn ác mộng. Nhưng chúng ta là những anh em giảng thuyết, và những anh em vĩ đại nhất của chúng ta, mặc dù các họa sĩ thường vẽ họ đứng một mình, vẫn thường cùng hoạt động trong một sứ vụ chung. Fra Angelico không phải là một nghệ sĩ đơn độc, nhưng anh đã truyền đạt tài khéo của mình cho anh em; thánh nữ Catarina có những anh chị em chung quanh mình; anh Bartolomé de Las Casas cùng với anh em ở Salamanca đòi quyền lợi cho thổ dân. Các anh Congar và Chenu thành công với tư cách là thành viên của một cộng đoàn các thần học gia. Ngay cả thánh Tôma cũng cần có một đội ngũ anh em để viết lại các công trình của mình.

Như thế, việc đào tạo phải giải thoát chúng ta khỏi những hậu quả bệnh hoạn của chủ nghĩa cá nhân hiện thời, và phải đào tạo chúng ta thành những anh em giảng thuyết. Nếu dám làm điều này, chúng ta sẽ trở nên cá nhân thực sự và mạnh mẽ hơn nhiều. Một số nơi trên thế giới còn bị ảnh hưởng nhiều bởi chủ nghĩa cá nhân này, đây có thể là một thách đố quan trọng cho thế hệ các bạn: đó là tìm ra và phát động những cách thức mới để cùng nhau rao giảng Tin mừng. Các bạn có thể làm được việc này. Có rất nhiều bạn trẻ đang trong giai đoạn đào tạo, chiếm 1/6 số các anh em, và năm nay có hơn một ngàn tập sinh nữ đan sĩ và nữ tu. Các bạn có thể cùng nhau làm được nhiều hơn là chúng tôi có thể mường tượng vào lúc này.

Kết luận

Năm 1217, một thời gian ngắn sau khi thành lập Dòng, thánh Đa Minh đã phân tán anh em ra đi, bởi vì “hạt giống mà tích trữ mãi sẽ hư hỏng”. Thánh nhân sai họ đi mà không cho tiền bạc, giống như các tông đồ ngày xưa. Nhưng một người anh em tên là Gioan không chịu đi Paris, nếu không có tiền dằn túi. Anh em cãi cọ nhau và cuối cùng thánh Đa Minh nhượng bộ và cho anh ít tiền. Sự việc này gây gương mù cho một số anh em khác, nhưng có khi lại là một bài học hữu ích cho việc đào tạo của chúng ta. Tôi không có ý nói rằng các vị phụ trách đào tạo phải đáp ứng hết mọi nhu cầu của anh em, nhưng việc đào tạo phải vừa bó buộc lẫn cảm thương, vừa lý tưởng lẫn thực tế. Thánh Đa Minh động viên anh Gioan hãy tin tưởng, đừng tự phụ, nhưng hãy tin vào Thiên Chúa, Đấng sẽ lo liệu cho anh trong cuộc hành trình, đồng thời hãy tin tưởng vào những người đã sai anh đi. Khi thấy không còn có thể làm được gì hơn, cha Đa Minh chỉ còn biết tỏ lòng thương xót anh.

Tôi luôn cầu nguyện cho việc đào tạo giúp các bạn lớn lên trong sự tin tưởng và niềm vui của thánh Đa Minh. Dòng cần những người trẻ nam nữ can đảm và vui tươi tìm cách thiết lập Dòng ở những địa điểm mới, tái lập Dòng ở những nơi khác, và phát triển những cách thức mới để truyền giảng Tin mừng. Giống như anh Gioan, lòng tin tưởng của các bạn đôi khi rất mong manh. Có khi các bạn nghi ngờ sức mạnh của mình mà không dám lên đường, thậm chí nghi ngờ không biết có đáng để phải lên đường hay không. Mong rằng những lúc tối tăm, những lúc bất định như thế sẽ trở thành một phần trong sự triển nở của các bạn để trở thành những Kitô hữu, những nhà giảng thuyết, những người anh em và chị em. Khi cảm thấy mình lạc lõng và hoang mang, mong rằng các bạn sẽ nghe thấy một tiếng nói thân tình bất ngờ: “Bạn tìm ai?”

[1] Micronesia: một trong ba khu vực chính của quần đảo Thái Bình dương, ở phía Bắc đường xích đạo, phía Đông Philippines, và phía Tây múi giờ quốc tế. (ND)

[2] Mary O’Driscoll, OP, sđd., 48.

[3] Xin thứ lỗi về sự sự bông đùa nghèo nàn này, và xin tìm nguyên ngữ của từ “cynic”. [Tác giả so sánh người hoài nghi với con chó, vì con chó gặp bất cứ người lạ nào cũng sủa, nó nghĩ họ là kẻ trộm]. (ND)

[4] Pensées, s. 205.

[5] Giođanô Saxonia, Libellus, 7.

[6] ‘Treatise on the Formation of Preachers’ trong Early Dominicans: Selected Writings, Simon Tugwell, OP dịch, 205.

[7] Early Dominicans, 236.

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com