Cậy Dựa Vào Ơn Chúa Và Bước Tới Với Lòng Can Đảm

22-03-2017
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 1962 lượt xem

Đa Minh Nguyễn Công Hàm

Khi Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng, những người đầu tiên đi theo lời mời gọi của Người là những ngư dân vùng Galilê. Đây là những con người đã khởi sự cho một chuyến hành trình đi xây dựng trật tự thế giới mới. Đối với các ông và tất cả những ai đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu, hành trình đó thật hấp dẫn. Tuy vậy, cất bước đi trên chặng đường đó mới thấy hành trình của họ thật chẳng hề dễ dàng.

Trong cuộc sống, có những quyết định có thể giúp ta thăng tiến, thay đổi cuộc đời theo chiều hướng tốt đẹp, nhưng cũng có những quyết định có thể hủy hoại cuộc đời ta mãi mãi. Khi quyết định đi theo Chúa Giêsu, liệu các môn đệ có cân nhắc điều đó hay không?

Cả bốn sách Tin Mừng đều thuật lại biến cố Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ đầu tiên, nhưng trình thuật của Luca là có vẻ hợp lý hơn cả. Theo thánh Luca, Chúa Giêsu đã chinh phục các ông bằng một bài giảng có sức thu hút dân chúng và một phép lạ nhãn tiền là mẻ cá lạ (x. Lc 5, 1-11). Việc kêu gọi các môn đệ đầu tiên được thánh Gioan thuật lại cũng thể hiện sự hợp lý khi ông Anrê được ông Gioan Tẩy Giả giới thiệu cho biết Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa. Bằng cảm nhận và những hiểu biết của mình về Đấng Mêsia được nói đến trong Kinh Thánh, ông Anrê đã đưa em mình là ông Phêrô đến gặp Đức Giêsu, sau đó hai anh em mới quyết định đi theo người (x. Ga 1, 35-42).

Trình thuật của Thánh Máccô thì không có những chi tiết nói trên. Từ đầu Tin Mừng đến biến cố bốn môn đệ đầu tiên được kêu gọi, Chúa Giêsu chưa được miêu tả là một nhân vật gây ảnh hưởng hay có điểm gì đặc biệt. Thánh Máccô đã thuật lại biến cố này theo một cách rất đơn giản và ngắn gọn, điều đó  cho thấy quyết định rất mau lẹ của các môn đệ:

“Người đang đi dọc theo biển hồ Galilê, thì thấy ông Simôn với người anh là ông Anrê, đang quăng lưới xuống biển vì họ làm nghề đánh cá. Người bảo họ: ‘Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.’ Lập tức hai ông bỏ chài lưới lại mà đi theo Người.

Ði xa hơn một chút, Người thấy ông Giacôbê, con ông Dêbêđê, và người em là ông Gioan. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền. Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dêbêđê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người.” (Mc 1, 16-20).




Quyết định của những con người can đảm này quả thật đã làm cho bất cứ ai đọc đoạn Tin Mừng đều cảm thấy khó hiểu và không khỏi phân vân, tại sao người cha trong đoạn Tin Mừng lại không phản ứng gì về quyết định của các ông? Và cả vợ con cùng những người thân khác của các ông nữa, có lẽ các ông cũng phải giải thích và thuyết phục họ chứ. Mặc dù chúng ta không thấy tác giả thuật lại, tuy nhiên, những rắc rối hay sự ngăn cản mà các ông gặp phải về phía những người thân có thể xảy ra lắm chứ. Dù xét theo khía cạnh nào thì việc các ông bỏ gia đình, quê hương, bằng hữu là một quyết định hết sức khó khăn, bởi vì các ông là những con người trưởng thành, sống trong một cộng đồng, các ông có trách nhiệm đối với cha mẹ, vợ con, cùng những người thân thuộc.

Hơn nữa, các ông đã từ bỏ mọi sự để đi theo một người xa lạ. Người này không phải là một ông vua, một ông quan cai quản thành này hay thành kia, hoặc một thương gia giàu có, mà là một người lang thang nay đây mai đó, rao giảng một thứ lý thuyết mới lạ, ông ta thậm chí không có nơi tựa đầu: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.” (Lc 9, 58) Thế mà các ông vẫn quyết định đi theo Người. Có lẽ nhiều người sẽ cho rằng các ông là những con người ngây ngô, đi theo một người mà mình phải lang thang bất định, đêm đến chưa biết ngủ ở đâu, ngày mai chưa biết ăn gì, tương lai thì mù mịt. Dù có đôi lần, các ông ngỏ ý cho thấy họ muốn một ngày nào đó được ngồi “bên tả, bên hữu” Chúa Giêsu khi Người làm vua nhưng chính Chúa Giêsu đã nói cho các ông rằng: “Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” (Lc 9,23). Chắc hẳn các ông không ngây ngô đến mức không biết thập giá là gì hay việc vác một cây thập giá sẽ vất vả và đau đớn đến mức nào. Thập giá là hình phạt nặng nhất dành cho các tội nhân vào thời đó. Có lẽ tất cả mọi người Do Thái đều biết điều này, thế nhưng các ông vẫn kiên quyết đi theo Người.

Hy vọng của các ông thực sự “tan thành mây khói” khi chứng kiến Chúa Giêsu bị bắt, bị đóng đinh và chết nhục nhã trên Thánh Giá. Thất vọng ê chề, nhóm của các ông tan tác mỗi người một phương. Một cái kết không thể tồi tệ hơn, bao năm lang thang phiêu bạt cùng người, những nuôi biết bao hy vọng một ngày sẽ được vinh quang, giờ đây phải quay về trong vô vọng. Biết phải giải thích với thân quyến họ hàng ra sao, vì mọi sự đã kết thúc.

Thế nhưng, đó có phải là dấu chấm hết cho quyết định can đảm của các môn đệ khi đi theo và sống lời mời gọi của Chúa Giêsu? Thực tế là không phải vậy! Sự thất vọng của họ kéo dài không lâu, chỉ sau đó ba ngày, những đau buồn của các ông đã biến thành niềm vui sướng. Chúa Giêsu đã sống lại, đã nhiều lần hiện ra, cùng ăn cùng uống với các ông, trao cho các ông bình an cùng sứ mạng rao giảng về Người, về những lời giáo huấn của Người cũng như sự chết và phục sinh của Người để cho bất cứ ai tin vào Người thì đều được sự sống đời đời. Họ sẽ chiến thắng sự chết như chính Chúa Giêsu đã chiến thắng và đã hiện ra chứng minh cho họ thấy. Đó mới là giá trị đích thực của việc từ bỏ mọi sự để đáp trả và sống lời mời gọi của Chúa Giêsu.

Có phải từ đây mọi khó khăn đã không còn xuất hiện trên hành trình của các môn đệ? Chắc chắn là không, những khó khăn thậm chí còn tăng thêm gấp bội. Các ông phải ra đi, lang thang khắp miền này, xứ nọ để thực hiện lời mời gọi của Chúa Giêsu và song hành với các ông luôn là “hiểm nguy, gươm giáo, bắt bớ…”. Đọc trong sách Công Vụ Tông Đồ và các thư của Thánh Phaolô, chúng ta thấy rất rõ điều đó, để làm chứng cho Chúa Giêsu, các môn đệ đã phải chấp nhận đòn vọt, ngục tù để thực hiện sứ mạng tuân phục Thánh ý Thiên Chúa: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta”. (Cv 5, 29). Hầu hết các môn đệ đều có chung một kết cục là phải chết vì danh Chúa Giêsu. Tuy nhiên, niềm vui được Phục vụ Tin Mừng và nhất là tình yêu của Đức Giêsu Kitô đã giúp các ông vượt qua tất cả. Các ông sẵn sàng đón nhận mọi đau khổ và cái chết với một tâm thái hân hoan: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô và chết là một mối lợi.” (Phil 1,21). Các ông biết chắc rằng, đằng sau cái chết là phần thưởng lớn lao dành cho mình.

Giống như các môn đệ xưa, các Kitô hữu ngày nay cũng gặp muôn vàn khó khăn khi đáp trả và sống lời mời gọi của Chúa Giêsu. Việc tôn thờ và yêu mến một Thiên Chúa bị nhiều người ngày nay cho là “mê tín dị đoan”, hoặc là “tin vớ vẩn, hão huyền”, như lời Thánh Vịnh đã chép: “Khi thiên hạ thường ngày cứ hỏi: “Này Thiên Chúa ngươi đâu?””(Tv42, 4). Quả thật, xã hội mọi thời vẫn luôn chạy theo trào lưu tục hóa, họ thích sống theo bản năng, thích hưởng thụ những thứ chóng qua ở đời này chứ không muốn quan tâm đến nguồn gốc sâu xa và tốt đẹp của họ là Thiên Chúa. Người ta cũng không muốn quan tâm đến Lời Hằng Sống đã được trao ban qua con của Người là Đức Giêsu Kitô: “Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa.” (Ga 3, 19). Chính vì vậy, những ai bước theo ánh sáng là Chúa Giêsu Kitô, sẽ bị người ta loại bỏ hoặc gây cản trở, khiến cho niềm tin của họ vào Chúa Giêsu bị lung lay và sụp đổ. Sự cản trở này càng trở nên mãnh liệt hơn trong thời đại ngày nay, khi những học thuyết của chủ nghĩa vô thần cùng những tiến bộ của khoa học kĩ thuật đang cố gắng gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống con người. Với việc có thêm nhiều phát kiến khoa học, cùng những đổi mới về công cụ sản xuất, con người làm ra nhiều của cải hơn, điều này càng làm cho người ta đang chỉ biết cậy dựa vào những thứ tạm bợ mau qua đó.

Những thử thách mà ngày nay chúng ta vẫn gặp có thể không phải là tù đày, gông cùm, hay đổ máu như các Thánh ngày xưa nhưng là những cám dỗ về vật chất, những lời mời mọc: “Hãy theo tôi, tôi sẽ đặt anh cai quản miền này xứ nọ” hoặc là “hãy theo tôi, tôi sẽ trả cho anh cao hơn, tôi sẽ làm cho anh được ăn sung mặc sướng…”. Có rất nhiều thứ hấp dẫn con người ta và nó sẽ bóp nghẹt niềm tin của những ai muốn bước theo Chúa Giêsu. Vì vậy, chúng ta cần xác định được giá trị đích thực của lời mời gọi mà Chúa Giêsu đã ngỏ với các môn đệ, cũng như chính các Kitô hữu mọi thời.

Nhìn vào Giáo Hội hôm nay, chúng ta thấy được gia sản lớn lao mà các Tông Đồ, nhờ vâng lời Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta. Tất nhiên, phần thưởng cao quý nhất mà các ngài nhận được là Triều Thiên vinh hiển mà chính Chúa Giêsu đã trao cho các ngài là sự sống đời đời viên mãn nơi Thiên Quốc. Tuy nhiên, ngay ở nơi trần thế này ta cũng dễ dàng nhận thấy tài sản vô giá mà các ngài đã để lại cho thế giới đó là hàng tỉ Kitô hữu đang hiện diện ở khắp mọi nơi trên thế giới, mọi người quy tụ trong một Giáo hội sống động, đượm tình anh em, hăng say làm việc thiện, không ngừng xây dựng một thế giới công bình, bác ái, cùng nhau chung sống trong tình yêu và sự quan phòng của Chúa Giêsu Kitô. Tất nhiên, Giáo hội mà Chúa Giêsu đã khởi sự nơi các Tông Đồ sẽ phải trải qua nhiều thăng trầm và đau khổ nơi trần gian nhưng chắc chắn sẽ tới bến bờ vinh quang như Chúa đã hứa.

Cũng như các Tông Đồ xưa, các Kitô hữu ngày nay được Chúa Giêsu mời gọi để bước đi trên con đường hẹp. Con đường đó chắc chắn dẫn tới vinh quang nhưng ắt hẳn sẽ không ít những chông gai thử thách. Chính vì thế, mỗi Kitô hữu cần bước tới với lòng can đảm và phải biết cậy dựa vào Chúa, để sức mạnh của Người ban sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi rào cản và một ngày kia Người cũng sẽ ban cho chúng ta vinh hiển mà Người đã ban cho các Thánh là những người đã đi trước chúng ta.

(Bài viết môn Ơn gọi – Hk 2, Nk. 2015-16)

Từ khóa:

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com