Bốn Cột Trụ Của Đời Sống Đa Minh

09-03-2017
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 4450 lượt xem

Đời sống Đa Minh được đặt nền trên bốn yếu tố: cộng đoàn, cầu nguyện, học tậpgiảng thuyết. Đây chính là bốn cột trụ nâng đỡ đời sống của Dòng và giữ cho đoàn sủng của Đấng sáng lập luôn tươi mới. Chúng ta sống bốn cột trụ này một cách trung tín và phong phú sao cho mục đích “giảng thuyết thánh” của Dòng được thành toàn. Trong nếp sống, bốn cột trụ này liên kết mật thiết với nhau giúp cho các anh em của Dòng có thể thực hiện sứ mạng mà cha thánh Đa Minh cũng như Giáo Hội mời gọi đó là: Rao giảng Danh Đức Kitô, Chúa chúng ta trên toàn thế giới.” [Đức Hônôriô III, Thư gửi thánh Đa Minh, 18.1.1221.]

Cộng đoàn

Đời sống Đa Minh trước hết là đời sống cộng đoàn. Cộng đoàn không chỉ là sống cùng với nhau dưới một mái nhà. Tiên vàn, sống cộng đoàn chính là sẵn sàng chia sẻ đời sống với nhau. Nếp sống cộng đoàn mời gọi anh em sống đồng tâm nhất trí, tiến tới sự hiệp nhất với nhau trong Đức Kitô khi cùng chia sẻ một Bánh Thánh ban sự sống và uống chung một chén cứu độ là Máu Con Chiên. [x. Sách Hiến pháp và Chỉ thị (SHC), số 3 §I]

Lý tưởng cộng đoàn tu trì – “một lòng và một ý trong Thiên Chúa” [Tu luật thánh Augustinô, 1] luôn là thách đố đối với tất cả chúng ta. Ước muốn của thánh Đa Minh là bắt chước sự khó nghèo tông đồ của Chúa Giêsu và của Giáo hội sơ khai, vì thế chúng ta được mời gọi “không được nói cái gì làm của riêng, nhưng tất cả đều là của chung cho anh em”[Tu luật thánh Augustinô, 1]. Với việc tuyên khấn sáp nhập vào Dòng Anh Em Giảng Thuyết, chúng ta cam kết đặt tất cả mọi sự làm của chung, cùng nhau chung sống, cầu nguyện và chia sẻ một tầm nhìn chung trong sứ mạng Giảng thuyết. Với tư cách là những tu sĩ Đa Minh, chúng ta cùng nhau chia sẻ những ơn phúc dồi dào mà mình đã lãnh nhận cho tha nhân.

Chúng ta công khai tuyên hứa tuân giữ các lời khuyên Tin Mừng. Lời khấn khó nghèo mời gọi chúng ta sống một nếp sống giản đơn, giải thoát chúng ta khỏi những nhu cầu sở hữu nhiều thứ, giúp chúng ta tự do hơn cho sứ vụ loan báo Tin Mừng. Lời khấn khiết tịnh là một chọn lựa quan trọng, chúng ta không giới hạn bản thân mình với một người bạn đời hay với gia đình, nhưng được tự do trở nên chứng nhân cho tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Lời khấn vâng phục, về cơ bản, cũng giống như bao dòng tu khác, tuy nhiên tuân phục trong Dòng Đa Minh vẫn có một nét khác biệt vì nó được phát sinh từ đời sống cộng đoàn. Vâng phục là một lời cam kết chọn lựa một nếp sống, mà đây là nếp sống của một nhà giảng thuyết. Sự vâng phục này giúp anh em cùng nhau thi hành sứ mạng giảng thuyết vì lợi ích cho toàn thể Giáo Hội. Sống các lời khấn vẫn luôn là một thách đố, nhưng thách đố này không làm cho chúng ta cảm thấy bị ràng buộc, nặng nề, căng thẳng mà trái lại nó làm cho chúng ta hăng hái và sống tràn đầy hơn.

Cầu nguyện

Người tu sĩ Đa Minh quy hướng cuộc đời của mình vào Chúa Kitô – Đấng là Ánh Sáng thật, đồng thời để cho mình được dẫn dắt bởi Chúa Thánh Thần, Đấng đem lại ơn chữa lành của Thiên Chúa cho thế giới hôm nay. Châm ngôn cha Đa Minh đã để lại cho anh em là “cum Deo vel de Deo loqui” – nói với Chúa và nói về Chúa. [Hiến pháp tiên khởi, Phần II, số 31]. Phương châm này nói lên tính chất quy thần, tất cả quy hướng về Chúa. Anh em chúng ta sống đặc nét này bằng việc cử hành Lời Chúa trong kinh nguyện phụng vụ chung hằng ngày, trong suy niệm, học hành và trong việc giảng thuyết. Noi gương Mẹ Thiên Chúa, người luôn suy đi nghĩ lại trong lòng, chúng ta cũng nuôi dưỡng đời sống mình bằng Lời Chúa được truyền đạt trong Kinh Thánh, được cử hành trong bí tích Thánh Thể và được chúng ta đụng chạm trong đời sống hằng ngày.

Theo ý muốn của cha Đa Minh, việc cử hành Kinh thần vụ chung và long trọng cần phải được xem như là một trong số những phân vụ chính yếu của ơn gọi chúng ta. Đối với ơn gọi giảng thuyết, kinh nguyện phụng vụ làm nên cốt tủy của đời sống cầu nguyện. Trong cử hành phụng vụ, đặc biệt là bí tích Thánh Thể, mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa hiện diện và hoạt động. Nhờ chiêm niệm và đón nhận mầu nhiệm cứu độ, chúng ta công bố bằng lời giảng mầu nhiệm ấy cho tha nhân để họ cũng có thể được tháp nhập vào trong thân thể Đức Kitô ngang qua các bí tích đức tin. Trong phụng vụ, cùng với Đức Kitô, chúng ta tôn vinh Thiên Chúa vì công trình ngàn đời của Người và tặng phẩm cao siêu của ơn thánh Người dành cho nhân loại. Chúng ta khẩn cầu Chúa Cha tuôn đổ lòng thương xót xuống trên toàn thể Hội thánh và ơn cứu độ cho toàn thế giới. Cách riêng, sự hiệp nhất của anh em Đa Minh cũng được củng cố và bén rễ sâu trong cử hành phụng vụ. [SHC 57]

Học tập

Cha thánh Đa Minh xem việc học như là một phần thiết yếu của sứ vụ “giảng thuyết thánh”. Vào thế kỉ thứ XIII, đây quả là một sáng kiến táo bạo vì hầu hết giáo sĩ lúc bấy giờ không được học hành nhiều. Thánh Đa Minh đã gửi các tu sĩ đến các trường đại học lớn thời bấy giờ để học tập, giảng thuyết và thiết lập các trung tâm học vấn. Sự dấn thân cho việc học hành và giảng dạy của các tu sĩ Đa Minh vẫn tiếp tục cho đến hôm nay.

Nguồn mạch đầu tiên của việc học Đa Minh chính là Lời Thiên Chúa, chứa đựng trong Thánh Kinh và Thánh Truyền và được giải thích bởi Huấn Quyền Giáo Hội. Lời mặc khải trọn vẹn nhất đó là chính Đức Giêsu Kitô. Nguồn mạch thứ hai, chúng ta học biết Chân Lý ngang qua công trình tạo dựng của Chúa, qua vũ trụ, qua những thành tựu của con người và ngay cả những tôn giáo khác cũng phản chiếu ánh sáng của Tin Mừng. Như thế, những mạc khải của Thiên qua lịch sử cứu độ cũng như toàn thể công trình tạo dựng của Người đều là nguồn mạch cho việc học hành, đưa dẫn người Đa Minh đến chân lý cứu độ. [x. SHC 78-79]

Mục đích của việc học Đa Minh là làm cho chúng ta trở nên “hữu ích cho linh hồn tha nhân.” [SHC 77 §I]. Khác với học chỉ để thoả mãn trí tò mò, việc học Đa Minh là một công việc của lòng thương xót nhằm giúp cho việc thông truyền chân lý cứu độ trở nên dễ dàng hơn. Việc học của chúng ta cao quý và thánh thiêng, bởi vì động lực thúc đẩy chúng ta học xuất phát từ giới luật kép: tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với tha nhân.

Giảng thuyết

Ký tự viết tắt “O.P” xuất phát từ tên của Dòng – Ordo Praedicatorum, đặt sau tên của chúng ta nói lên rằng giảng thuyết là trọng tâm của đời sống Đa Minh. Thực vậy, Dòng chúng ta được thành lập là để trở nên “hữu ích cho linh hồn tha nhân” [Hiến pháp Tiên khởi, Tự ngôn]. Như thế, một cách chính yếu chúng ta làm cho  mình trở nên hữu ích cho tác vụ rao giảng Lời Chúa. Đời sống chung, học tập và cầu nguyện của chúng ta, tất cả phải được ăn khớp với nhau để nâng đỡ cho ơn gọi của một nhà giảng thuyết. Việc giảng thuyết của chúng ta được thực hiện dưới nhiều hình thức. Chúng ta giảng thuyết trong phụng vụ và cho các cuộc tĩnh tâm, bên cạnh đó, việc giảng dạy và những hình thức mục vụ khác cũng là cách thế để chúng ta mang Lời có sức chữa lành của Thiên Chúa đến cho tha nhân. Sứ mạng giảng thuyết đưa chúng ta đến với các giáo xứ, các giảng đường đại học, các nhà tĩnh tâm, đến những nơi con người đang thiếu vắng tình thương hay đang sống trong bóng tối sự dữ.

Đức Minh viết theo Four Pillarshttp://opcentral.org/about-us/four-pillars/

Từ khóa:

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com