Mục Lục
Toàn cầu hóa là thuật ngữ xuất hiện sau thời kỳ Chiến Tranh Lạnh và phổ biến vào những năm 80 của thế kỷ trước, dùng để chỉ mối quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa các quốc gia, dân tộc về nhiều phương diện từ kinh tế, chính trị, văn hóa cho đến công nghệ thông tin, dịch vụ hàng hóa. Nhờ sự phát triển của khoa học kỹ thuật lẫn thông tin liên lạc, Trái Đất dần dần trở thành một “ngôi làng” toàn cầu mà ở đó, mọi ranh giới giữa các quốc gia dường như trở nên lu mờ đi. Bên cạnh những cơ hội phát triển chưa từng có của xu hướng toàn cầu hoá, thì hiện tượng này cũng trở thành một thách thức cho những ai không muốn mình bị bỏ lại phía sau khi sống trong “ngôi làng” ấy. Hay nói cách khác, con người giờ đây trở thành một công dân toàn cầu có thể đáp ứng được các yêu cầu đặt ra trong việc hợp tác xuyên biên giới, xuyên lục địa. Riêng với những người tu sĩ Việt Nam, trong bối cảnh như thế, đây cũng là một bài toán nan giải để họ có thể tìm thấy cơ hội “hội nhập với thế giới để loan báo Tin Mừng ”.
SAU LŨY TRE LÀNG
Định kiến
Người Việt vốn đã quen thuộc với lối sống sau lũy tre làng, nơi mà “phép vua cũng thua lệ làng”. Truyền thống dân tộc vốn đáng quý, song cũng không tránh khỏi “nếp tẻ lẫn lộn” với nhiều định kiến trái chiều đan xen. Khác với nền giáo dục của Phương Tây, truyền thống giáo dục Á Đông nói chung và của người Việt vốn mang nặng tính khoa cử, tức học để sau này ra đỗ đạt làm quan, tạo một chỗ đứng thứ bậc trong xã hội. Sự đỗ đạt không chỉ mang chức danh cho cá nhân người học, việc học còn mang ý nghĩa lớn để làm rạng danh gia tộc, một vùng miền hay cả dân tộc. Định kiến trên đối với người đi tu cũng không phải là ngoại lệ. Một người đi tu khi trở về quê hương sẽ đối diện với những câu hỏi như: “bao lâu nữa sẽ trở thành linh mục, bao lâu nữa sẽ khấn? Điều đó có nghĩa là bạn đang được người hỏi kỳ vọng sẽ có một chức vị gì đó trong tương lai. Vô hình trung, định kiến ấy tạo nên một áp lực không nhỏ lên người có ý hướng tu trì. Do đó, nhiều người đi tu khi chuyển ơn gọi hay thậm chí “đứt gánh” giữa đường đều cảm thấy áp lực tột độ vì biết mình đã phụ sự kỳ vọng của người thân, gia đình. Chưa hết, định kiến “học để làm quan” còn dẫn đến “biến chứng” mà người ta gọi là “an phận thủ thường” một khi đã “công thành danh toại”.
An phận thủ thường
“An phận thủ thường” là thành ngữ thường dùng để chỉ những người chấp nhận, bằng lòng với số phận, với cuộc sống hiện tại chỉ cốt sao có được sự yên ổn cho bản thân, ngại thay đổi do thiếu chí tiến thủ, ngại khó khăn gian khổ, ngại va chạm với đời. [1] Nhìn từ góc độ tâm lý học, an phận tương đương với khái niệm vùng an toàn, tức trạng thái cảm thấy thoải mái và không cần phải đối mặt với thử thách nào trong cuộc sống. Điều này một phần ảnh hưởng từ lối sống“thụ động” của người Á Châu khi so sánh với người Âu Châu. Đối với họ, học hành sau này cũng chỉ là kiếm được một công việc lâu bền, lấy vợ sinh con và an phận với cuộc sống qua ngày và hiếm khi quan tâm về các vấn đề mang tính xã hội. Thứ đến, tư duy an phận cũng phát xuất từ tâm lý ngại giao du, khép kín và không thích sự thay đổi. Cũng dễ hiểu bởi vì nếu thay đổi thì cần phải thích nghi với cái mới, như vậy lại phải trải qua một quá trình thiết lập lại từ đầu, mất đi với những gì được xem là quen thuộc. Nhưng trớ trêu thay, sự mới mẻ phát triển không ngừng lại vốn chỉ dành cho những ai dám đi ra khỏi ngoài vùng an toàn, còn nếu mãi chấp nhận sống trong “cái lồng” chật hẹp của lối tư duy cũ thì họ không thể bứt phá bản thân để trải nghiệm và thăng tiến đời sống, học hỏi được nhiều điều thú vị trong cuộc sống.
Lực bất tòng tâm
Dù bạn có một khát vọng lớn dám vượt qua định kiến để thoát khỏi lũy tre làng thì vẫn còn đó rất nhiều những khó khăn trắc trở mà “những chú cá chép” cần phải vượt qua để “vượt vũ môn”. Một trong những khó khăn đầu tiên phải kể đến đó là khả năng thích nghi với môi trường mới. Trong một môi trường đa dạng văn hóa thì sự thích nghi là điều cần thiết. Câu hỏi đặt ra là ta phải thích nghi như thế nào? Câu trả lời thường hay được nói đến là: “Nhập gia tùy tục”. Nói là vậy nhưng thực tế thì lại phũ phàng. Việc chuyển đổi từ một nền văn hóa quen thuộc sang môi trường văn hóa có nhiều sự khác biệt thì không phải là điều dễ dàng. Sự thích ứng bắt buộc từ trong lối sống, cách ăn nết ở, đi lại, giao tiếp, xa hơn là thay đổi nếp nghĩ để phù hợp với xã hội đương đại. Trong khi những điều thuộc về cuộc sống bên ngoài có thể thay đổi nhưng truyền thống cha ông đã ăn sâu vào trong tâm khảm khó có thể thay đổi trong một sớm một chiều. Từ đó dẫn tới những sự xung đột văn hóa sâu sắc cả ở các mối tương quan xã hội lẫn con người bên trong.
Bên cạnh sự thích nghi về văn hóa, rào cản ngôn ngữ cũng trở thành một “vấn nạn” cho những “cánh chim” muốn bay xa. Sở dĩ nói ngoại ngữ là một “vấn nạn” cho người học bởi hầu như người Việt vẫn đang gặp khó khi muốn tiếp cận ngôn ngữ này. Cái khó ở đây không nằm ở bản thân của ngôn ngữ cho bằng nằm ở cách tiếp cận hay cách học, sự đầu tư bài bản hoặc một môi trường thích hợp để thực hành. Hầu như cách dạy học ngoại ngữ của người Việt vốn chỉ chú trọng đến phần học ngữ pháp và từ vựng, còn phần nghe và nói thì rất ái ngại đến. Nếu muốn luyện các kỹ năng đó giỏi thì hầu như phải trãi qua quá trình rèn luyện nhiều ở các trung tâm chuyên ngành ngoại ngữ. Tuy nhiên, điều đó chỉ có học sinh ở thành phố mới có nhiều cơ hội để trau dồi tại các trung tâm, còn học sinh ở những vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa thì phải lo chạy ăn từng ngày, nói chi đến chuyện học ngoại ngữ thêm. Do vậy, với trình độ ngoại ngữ hạn chế, khi ra nước ngoài chúng ta thường phải mất ít nhất một đến hai năm để củng cố ngôn ngữ bản địa, tức gần một nửa thời hạn du học, chứ hoàn toàn chưa đề cập đến vấn đề chuyên môn.
Với những người có đủ năng lực, câu chuyện vẫn chưa dừng lại ở đó. Người Việt nói riêng và người Á Châu nói chung sẽ không thể tránh khỏi những ánh mắt dị nghị kiểu “phân biệt” khi sống ở nước ngoài. Điều này có thể phát xuất từ tư duy thượng đẳng của người dân bản địa, nhưng đôi khi cũng có thể là những ác cảm của họ về cách sống của người nhập cư nói chung gây ra. Tóm lại, xét từ cả hai khía cạnh, sự phân biệt là điều rõ ràng dù không thường xuyên, dù là người Âu hay người Mỹ, ngay cả người có đạo hay không.
Ta về ta tắm ao ta
Mẹ tôi vẫn thường dặn anh em chúng tôi mỗi khi đi xa rằng: “nếu ở bên ngoài có khó khăn quá thì hãy về đây với mẹ.” Quả thực, quê nhà trong tâm thức mỗi người Việt vẫn là điều gì đó thiêng liêng cao quý, để mỗi khi thất bại hay tủi nhục, ta đều có thể hướng về. Dầu vậy, hãy thử thay đổi góc nhìn, sẽ ra sao nếu ta vẫn mãi cứ vấn vương tình cảm đó mà không thể dứt khoát ra đi hay “thân ở Tào mà tâm ở Hán”. Liệu khi đối diện hay nghĩ về những khó khăn ấy, ta có thể bám trụ hay quyết tâm ở lại để hoàn thành mục tiêu đã định hay không? Hay “ta về ta tắm ao ta”? Đó xem ra vẫn là một nan đề không dễ gì giải quyết một sớm một chiều.
BỎ CÀY MÀ ĐI
Từ “chữ dấn thân” đến “việc dấn thân”
Khoảng cách từ nói và làm đã là một ngăn trở lớn rồi, huống hồ lại từ suy nghĩ đến hành động. Tuy vậy, để dẫn đến hành động thì ta cần phải nuôi dưỡng những tư tưởng táo bạo. Dấn thân là một trong những ý tưởng đó. Ở quê tôi, một vùng có tiếng về xuất khẩu lao động, người ta vẫn thường kháo vui với nhau rằng: “Ngày xưa Bác đã ra đi tìm đường cứu nước, bây giờ thế hệ con cháu cũng tương tự vậy”. Câu nói có thể khiến người khác phải chạnh lòng vì những con người phải vất vả “tha phương cầu thực” nơi xứ người. Tuy nhiên, dù là vì miếng cơm manh áo hay xa hơn là phát triển bản thân, họ vẫn luôn giữ một “tinh thần dấn thân” vì những người thân ở lại, dù có khi phải bỏ mạng trong những chuyến vượt biên trái phép. Như vậy, dấn thân hệ tại ở hành động. Một người không thể cho mình là con người dấn thân trong khi họ có lý tưởng nhưng thiếu đi những việc làm cụ thể. Tương tự với những người dấn thân trong đời tu, đây đều là những thợ gặt lành nghề trên cánh đồng truyền giáo rộng khắp, ai cũng đều nuôi dưỡng khát khao dấn thân trong những sứ vụ quốc tế rộng lớn, nhưng khi đối mặt với hiện thực khốc liệt thì không phải ai cũng dám “say yes” với hai chữ dấn thân mà mình ước muốn.
Giũ ách ra đi
Như một lẽ dĩ nhiên, cái ách sau lũy tre làng càng làm cho công cuộc chinh phục biển lớn thêm khó khăn. Đi ra nước ngoài đồng nghĩa với việc rời xa môi trường quen thuộc, rời xa người thân, bạn bè để đến với vùng đất mới, bắt đầu hành trình thích nghi với lối sống cũng như công việc. Trong thư gửi các Sinh viên Đa Minh Việt Nam nhân tuần tĩnh tâm năm học mới, Cha Timothy Radcliffe đã đề cập đến khó khăn khi phải rời xa quê hương để thi hành sứ vụ ở một nơi xa lạ, nhưng “tìm kiếm hạnh phúc và sự viên mãn luôn đồng nghĩa với việc rời bỏ một ngôi nhà quá nhỏ bé và tìm kiếm một căn tính lớn hơn với những người xa lạ… Chúng ta tất cả được mời gọi vào ngôi nhà lớn lao của Vương Quốc Thiên Chúa”[2]. Lựa chọn khăn gói ra đi đồng thời cũng là chấp nhận mọi rủi ro có thể xảy đến, từ hiểm họa ở những vùng bất ổn cho đến sự thù hận, xung đột về tôn giáo lẫn lợi ích. Có thể nói, tâm trạng tiếc nuối, nhung nhớ là điều không thể tránh khỏi khi từ bỏ những gì thân thuộc để thay vào đó là sự bất định đang chờ đợi ở phía trước. Thế nhưng, quyết định dứt khoát thì cần thiết hơn để bản thân không quávướng vào sự bi luỵ trong tâm hồn. Chính Đức Giê-su, khi trả lời cho một môn đệ muốn theo Người, cũng đã nói đến thái độ dứt khoát cho ai muốn trở thành người môn đệ: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.” (Lc 9:62).
Xem thêm: Lề và Thói
Bỏ cày ra “phố thị”
Theo niên giám thống kê của Giáo hội Công Giáo 2021, tổng số giáo dân trên toàn thế giới đạt gần 1.4 tỉ người, tổng số giáo sĩ, tu sĩ (cả nam lẫn nữ) chiếm hơn 1.1 triệu người. Điều này đồng nghĩa với việc cứ 1 vị ở bậc tu trì sẽ coi sóc gần 1.4 ngàn giáo dân. Thêm vào đó, số giáo dângia tăng tập trung nhiều nhất ở Châu Phi và Châu Mỹ.[3] Như vậy, cơ hội nơi “phố thị” đang ngày càng mở rộng trong khi tình hình ơn gọi ở trong nước cũng coi như tạm ổn nếu so sánh với nước khác.
“Tái ông thất mã” – trong cái rủi ro thì luôn ẩn tàng những cơ hội, mà chỉ những ai biết nắm lấy mới tạo nên được thời thế. Giới kinh doanh vẫn luôn truyền miệng nhau câu nói bất hủ “rủi ro cao thì lợi nhuận cao” (High risk, high return), nghĩa là cơ may chỉ đến với người có khẩu vị dám chấp nhận thách thức. Thay vì “ngồi yên đợi giặc” chi bằng chủ động lựa chọn “chiến trường”. Có như thế, ta mới làm chủ được cuộc chơi nơi cánh đồng truyền giáo rộng lớn.
Lại nói về vấn đề truyền giáo, nhiều bạn trẻ mang trong mình ơn gọi tu trì, khi nói đến truyền giáo thường nghĩ ngay đến những nơi “hiểm địa” của Việt Nam như Tây Nguyên, Tây Bắc. Nhưng nếu mở rộng tầm mắt, sứ vụ truyền giáo ở quốc tế còn hàng ngàn Tây Nguyên, Tây Bắc như vậy, không những thế, còn phức tạp và khó khăn hơn nhiều. Phải chăng điều chúng ta cần thay đổi là “não trạng ao làng” và duy trì ngọn lửa tình khát khao với sứ vụ này.
Chút lửa tình làm tin
Khi nói về tình yêu, Đại Thi hào Nga Puskin đã thốt lên áng thơ bất hủ: “Tôi yêu em đến nay chừng có thể, ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai.” Quả thực, yêu mang đến ngọn lửa khát khao cháy bỏng thổi bùng lên trong lòng một ý chí sục sôi. Chúng ta cần một sự đột phá nơi bản thân để dám ước mơ, nhưng sẽ là thiếu sót nếu không có động cơ rõ ràng thôi thúc – đó chính là “ngọn lửa tình” khát khao với những cánh đồng đang cần thợ gặt, chứ không riêng gì cánh đồng sau lũy tre làng. Cuối cùng, xin mượn lời một cha anh trong Dòng khi bàn đến chuyện đi ra nước ngoài để thay cho lời kết: “Các em phải có cho mình một ngọn lửa, một ngọn lửa giống như Đấng sáng lập Dòng đã từng thắp sáng tâm hồn của Ngài đang khi nhìn vào thực tại đương thời. Có như vậy mới dám bỏ cày mà đi được”.
[1] Nguyễn Như Ý (chủ biên, 1999). Đại từ điển tiếng Việt. Nxb Văn hóa – Thông tin, tr. 33.
[2] Thư cha Timothy Radcliffe, O.P. gửi cho các Anh em Học viện nhân dịp tĩnh tâm. http://daminhvn.net/cac-nha-dao-tao/thu-cha-timothy-radcliffe-op-gui-cho-cac-anh-em-hoc-vien-nhan-dip-tinh-tam-32507.html. Truy cập ngày 30 tháng 9 năm 2024
[3] G. Võ Tá Hoàng, Thống kê Giáo hội Công Giáo năm 2023. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thong-ke-giao-hoi-cong-giao-nam-2023-52864. Truy cập ngày 27 tháng 9 năm 2024
Mạc Nhân