Trong một chuyến đi từ thiện mà tôi có dịp tham gia khi còn là sinh viên — chuyến hành trình đến vùng giáp ranh biên giới Campuchia — tôi đã có cơ hội gặp gỡ và đồng hành cùng vị linh mục chánh xứ nơi đây. Thoạt nhìn, người đàn ông đang tất bật phía xa xa, tôi ngỡ đó chỉ là một giáo dân hay ai đó phụ trách việc mục vụ trong giáo xứ. Nhưng khi được giới thiệu, tôi không khỏi ngạc nhiên: hóa ra, chính người ấy lại là Cha xứ. Thật tình, tôi đã lặng người và gần như sững sờ, bởi tôi không ngờ rằng vẻ giản dị đến thế kia lại thuộc về người linh mục chánh xứ.
Ấn Tượng Ban Đầu
Cho đến bây giờ, tôi đã từng tiếp xúc với nhiều linh mục, tu sĩ ở khắp nơi, nhưng chưa có ai để lại cho tôi một ấn tượng sâu đậm như vị Cha ở vùng biên ấy. Ấn tượng đầu tiên chính là từ hình ảnh của ngài: chiếc áo pijama đã sờn và đôi dép tổ ong đã cũ. Đó không phải là một buổi sáng đặc biệt hay ngày lễ lớn – mà là trang phục thường nhật. Cái giản dị đó không phải vì thiếu thốn, mà là một sự chọn lựa – chọn để hòa nhập, để ở giữa, để trở nên như đoàn chiên mình phục vụ. Nếu không có lời giới thiệu, có lẽ tôi chẳng thể phân biệt được ai là linh mục trong số những người dân chất phác nơi đây. Nhưng điều khiến tôi cảm phục hơn cả là lối sống và cung cách của ngài. Từng lời nói, cử chỉ của Cha đều toát lên một sự ân cần, nhẹ nhàng – không chỉ trong giao tiếp đời thường mà còn ngay cả trong từng bài giảng. Những điều ấy khắc họa rõ nét một hình ảnh Đức Kitô đang sống giữa đời thường: khiêm hạ, gần gũi và dấn thân trọn vẹn cho đoàn chiên.
Nghĩ đến Cha, tôi lại nhớ đến một hình ảnh mà gần đây tôi hằng thao thức và mong được học theo – Đức cố Giáo hoàng Phanxicô. Dẫu là vị chủ chăn cao nhất của Giáo hội hoàn vũ (xét theo cấp bậc), ngài vẫn chọn sống đời giản dị đến tận cùng. Không phủ Giáo hoàng lộng lẫy, không đoàn tùy tùng xa hoa – mà là căn phòng nhỏ tại nhà khách Marta, là từng bữa ăn tự phục vụ, là chiếc xe bình dân và những chuyến viếng thăm tù nhân âm thầm không báo trước. Khi ngài qua đời, tài sản để lại cho Giáo hội chỉ vỏn vẹn 100 đô la. Tang lễ của ngài cũng giản đơn như chính cuộc đời ngài: một cỗ quan tài gỗ trơn, không hoa, không đèn – nhưng lấp lánh ánh sáng từ tình yêu dành cho người nghèo.
Trong tông huấn Evangelii Gaudium, Đức Phanxicô đã mạnh mẽ mời gọi Giáo hội “đi ra” – đến những “vùng ngoại biên” của xã hội và của tâm hồn con người. Chính ở nơi đó, những con người bị bỏ quên, dễ tổn thương nhất, đang cần đến sự hiện diện và vòng tay của chúng ta – những Kitô hữu được mời gọi sống Tin Mừng bằng hành động cụ thể, chứ không chỉ bằng lời nói.
“Giảng” Bằng Cuộc Sống
Tôi nhận ra rằng đời sống âm thầm, gần gũi và đầy hy sinh của Cha xứ nơi vùng biên kia, cũng như mẫu gương của Đức Phanxicô, là một trong những lời loan báo Tin Mừng hùng hồn nhất. Không cần trang phục hàng hiệu, chẳng cần những bài giảng hoa mỹ – chính lối sống ấy, từ những điều nhỏ bé như chiếc áo sờn vai, đôi dép tổ ong lẫn màu đất đỏ, cho đến việc xắn tay vác từng bao gạo, nấu từng bữa cơm cho đoàn chiên tham dự thánh lễ, leo thác vượt suối để đến với người nghèo hay âm thầm thăm viếng tù nhân – tất cả đều là bài giảng sống động chạm thấu lòng người.
Tôi tự hỏi: nếu Đức Giáo hoàng Phanxicô từng nói rằng Giáo hội phải “lấm mùi chiên”, thì chẳng phải đây chính là hiện thân sống động nhất cho điều đó hay sao? Một Giáo hội nơi vùng ngoại biên, không sự xa hoa lộng lẫy của thành phố, không mái vòm nguy nga hay cửa kính sáng bóng của các tòa nhà chọc trời – nhưng rực rỡ trong tình người và ánh sáng của Tin Mừng. Và chính từ những nơi âm thầm ấy, tôi học được bài học lớn về sự thánh hiến: không đến từ tước vị hay phẩm phục, mà từ cách một con người dấn thân sống cho tha nhân, sống vì tình yêu của Đức Kitô.
Trong ánh sáng ấy, tôi lại nhớ đến lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha trong một buổi gặp gỡ với giới trẻ: “Đừng bao giờ đánh mất sự nhiệt thành. Đừng để ai lấy mất niềm hy vọng và lý tưởng trong bạn. Hãy trở thành những sứ giả của niềm vui và hy vọng giữa một thế giới đang rạn vỡ.” Đó không chỉ là một lời nhắn nhủ – mà là một lời mời gọi: dành cho những người trẻ như tôi, đừng chỉ dừng lại ở sự cảm phục, nhưng hãy bước ra – để sống, để dấn thân, và trở thành những chứng nhân của Tin Mừng, bằng đời sống đơn sơ, khiêm nhường và chan chứa lòng thương xót.
Xem thêm: Tri thức và khôn ngoan
Trong một thời đại mà hình ảnh có thể được đánh bóng, và giá trị có thể bị che lấp sau những lớp phông bạt lấp lánh, thì chính những chứng nhân đơn sơ giữa đời – như Cha xứ ở vùng biên giới hay Đức cố Giáo hoàng Phanxicô – lại là tiếng chuông thức tỉnh cho các bạn trẻ mong muốn dấn thân trong thời đại Công nghệ số. Rằng, sống thánh hiến không phải là rút lui khỏi thế gian, mà là hòa mình vào đó – để mang Chúa đến với đời, trong từng bữa cơm sẻ chia, từng bước chân đi vào bóng tối, từng cử chỉ nhỏ bé nhưng đầy yêu thương. Và có lẽ, đó mới là Tin Mừng đẹp nhất mà một người trẻ có thể học để sống và loan báo.
Antôn Nguyễn Văn Đạt
Tham khảo:
- Phanxicô, Đức Giáo hoàng. Evangelii Gaudium (Niềm Vui Tin Mừng). Vatican: Bộ Truyền Giáo, 2013.
- Đức Giáo hoàng Phanxicô. Thông điệp dành cho giới trẻ. Vatican, ngày 24 tháng 11 năm 2024. Truy cập từ: https://www.vatican.va/content/francesco/en/messages/youth/documents/papa-francesco_20240829_messaggio-giovani_2024.html