Ba Thời Điểm Lễ Vượt Qua Trong Tin Mừng Gioan

16-04-2019
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 4231 lượt xem

__Quốc Trọng__

Dựa vào Tin Mừng theo thánh Gioan, chúng ta có thể xác định Đức Giêsu thi hành sứ mạng công khai của Người trong ba năm. Nhưng khác với cách trình bày lịch sử trong Cựu Ước, tức căn cứ vào năm khởi đầu triều đại của vua để xác định niên đại của sự kiện, tác giả Tin Mừng thứ tư trình thuật ba năm hoạt động của Đức Giêsu bằng việc nhắc đến ba thời điểm lễ Vượt Qua khác nhau. Ba thời điểm đó là:

  1. Lần đầu tiên: Ga 2,13 liên quan đến biến cố thanh tẩy Đền Thờ Giêrusalem
  2. Lần thứ hai: Ga 6,4 liên quan đến dấu lạ hóa bánh ra nhiều
  3. Lần thứ ba: Ga 11,55 ; 12,1 ; 13,1 và 19,14 liên quan đến cuộc khổ nạn của Đức Giêsu

Qua bài viết này, chúng tôi thử khảo sát sự liên hệ giữa ba thời điểm trên, cùng với những sự kiện xảy ra kèm theo đã được thánh Gioan ghi lại, để thấy được tính liên tục trong các trình thuật. Các sự kiện chúng tôi lựa chọn để khảo sát đều thuộc về văn cảnh mà thời điểm lễ Vượt Qua được nhắc đến. Bên cạnh đó, khi khảo sát, chúng tôi nhận thấy rằng, những sự kiện được ghi nhận trong những bản văn trên đều có liên hệ với nhau khi cùng mặc khải và hướng đến cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu được xét theo tính biến cố.[1]

Đối với người Do Thái, lễ Vượt Qua là dịp toàn dân ôn lại biến cố ông Môsê dẫn dân vượt qua Biển Đỏ, ra khỏi đất Ai Cập nô lệ để tiến về Đất Hứa. Mỗi năm, khi cử hành biến cố này, dân Do Thái sẽ kể lại cho con cháu những kỳ công Thiên Chúa đã làm, để tuyên xưng chính YAHWEH là Thiên Chúa của họ, và chính Thiên Chúa đã quy tụ họ thành Dân của Ngài. Điều này đã được truyền dạy trong kinh Shema (xc. Đnl 6,4-5). Vì thế, đối với Đức Giêsu, đây cũng là dịp lễ đặc biệt. Dịp này còn đặc biệt hơn, khi thời đã mãn, Đức Giêsu sẽ thực hiện một cuộc Vượt Qua mới, để dắt nhân loại, không phải bước qua Biển Đỏ ráo chân nữa, mà bước qua tội lỗi và sự chết, tiến vào sự sống thần linh của Thiên Chúa. Cách riêng với Tin Mừng Gioan, trong mỗi dịp lễ Vượt Qua, tác giả đều thuật lại ít nhất một biến cố quan trọng có giá trị mặc khải trực tiếp[2] cho cuộc Vượt Qua mới.

Thời Điểm Lễ Vượt Qua Lần Đầu Tiên (Ga 2,13)

Lần đầu tiên Đức Giêsu lên Giêrusalem là ngay năm đầu tiên khi Người thi hành sứ vụ cách công khai. Câu Ga 2,13 được đặt trong bối cảnh Đức Giêsu thanh tẩy đền thờ. Bản văn trình thuật biến cố này được chia thành hai phần:

  • Đức Giêsu tẩy uế Đền Thờ (2,13-17)
  • Đức Giêsu mặc khải về Đền Thờ đích thực (2,18-22)

Trước khi lên Giêrusalem, Đức Giêsu đã dự tiệc cưới Cana. Đối với gia chủ, sự hiện diện của Đức Giêsu là một niềm vui, và niềm vui trở nên trọn vẹn hơn khi Người ra tay cứu giúp để thực khách dư đầy rượu ngon cho đến tàn tiệc (xc. Ga 2,1-12). Đối với Tin Mừng Gioan, dấu lạ tại tiệc cưới Cana là dấu lạ đầu tiên. Với dấu lạ đầu tiên này, Đức Giêsu xuất hiện như là niềm vui của nhân loại, và thực sự là người được Thiên Chúa tuyển chọn, theo như ông Gioan Tẩy Giả đã làm chứng (xc. Ga 1,19-34).

Tại một miền quê của đất Israel, Đức Giêsu là niềm vui; nhưng tại thủ phủ của đất này, Người lại trở nên sự phiền toái cho mọi người, khi Người lấy roi mà xua đuổi hết mọi kẻ bán chiên, bò, bồ câu và những người đổi tiền. Ở đây, chúng ta đọc thấy được sự đối lập trong quan niệm về việc thờ phượng Thiên Chúa trong Đền Thờ. Quy định dâng lễ tại Đền Thờ vào dịp lễ Vượt Qua phải là một con bò hoặc một con chiên đối với người giàu, và một con bồ câu đối với người nghèo. Tất cả họ cũng đều phải đóng thêm nửa đồng bạc Do Thái cho khoản thuế Đền Thờ.[3] Vì nhiều khách hành hương từ xa đến, nên việc mang theo bò, chiên hay bồ câu là điều rất khó. Họ phải giữ cho của lễ được thanh sạch (không ốm yếu, không thương tật). Bên cạnh đó, tiền thuế Đền Thờ phải được đóng bằng tiền Do Thái, là tiền sạch, chứ không phải thứ tiền ô uế của Đế quốc La Mã. Nhưng vì toàn cõi Do Thái bấy giờ thuộc sự đô hộ của Đế quốc, họ buộc phải dùng chung hệ thống tiền tệ với mẫu quốc; nên những bàn đổi tiền xuất hiện tại sân Đền Thờ là chuyện bình thường. Luật đã quy định và trù liệu như thế, vậy Đức Giêsu phản đối điều gì? Đức Giêsu nói: “Đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán” (c.16b). Như thế, đối với Đức Giêsu, việc tổ chức trao đổi tiền bạc và bán lễ vật tại sân Đền Thờ không phải vì mục đích tế lễ, mà vì mục đích thương mại. Đã là thương mại thì sẽ có lợi nhuận. Lợi nhuận của việc buôn bán, đổi chác này sẽ thuộc về ai? Chắc hẳn là giới lãnh đạo Đền Thờ. Như thế, tuy luật đã quy định mọi điều sao cho thật xứng hợp, nhưng giới lãnh đạo Đền Thờ đã lợi dụng điều đó để chuộc lợi.[4]

Bên cạnh đó, hành động của Đức Giêsu được xem là việc bảo vệ sự thánh thiêng của Nhà Cha Người. Đức Giêsu dùng chữ “Nhà Cha tôi” để nói về Đền Thờ. Như vậy, Người đang mặc khải chính mình là Con Thiên Chúa, là Đấng Mêsia. Việc làm của Đức Giêsu đã ứng nghiệm lời các ngôn sứ: “Và bỗng nhiên Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm, đi vào Thánh Điện của Người. Kìa, vị sứ giả của giao ước mới mà các ngươi đợi trông đang đến […] Quả thật, Người như lửa của thợ luyện kim, như thuốc tẩy của thợ giặt. Người sẽ ngồi để luyện kim tẩy bạc; Người sẽ thanh tẩy con cái Levi, và tinh luyện chúng như vàng như bạc” (Ml 3,1-3); “Ngày ấy, sẽ không còn lái buôn trong Nhà Đức Chúa các đạo binh nữa” (Dcr 14,21); “Phải chăng các ngươi coi nhà này, nơi Danh Ta được kêu khấn, là hang trộm cướp hay sao?” (Gr 7,11). Như thế, “Nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của muôn dân” (Is 56,7). Nơi lễ Vượt Qua đầu tiên này, sự nhiệt thành nơi Đức Giêsu đã thiêu đốt Người và khiến Người phải chịu đau khổ (vì Người phải đối diện với sự phẫn nộ của các lái buôn và tư tế Đền Thờ). Nhưng sự đau khổ trước mắt đó sẽ tiên báo cho sự đau khổ khác vĩ đại hơn, cũng tại Giêrusalem, nhưng trong dịp lễ Vượt Qua khác. Điều này đã được trình bày trong phần hai của bản văn.

Tại sao người Do Thái lại yêu cầu một dấu lạ để chứng thực Đức Giêsu có quyền làm mọi thứ như thế? Đối với người Do Thái, việc lật nhào các hàng quán tại sân Đền Thờ không chỉ đơn giản là một cuộc quấy phá, nhưng hơn hết, đó là hành vi lật nhào mọi hệ thống, nhất là hệ thống phượng tự mà chính Thiên Chúa đã thiết đặt. Vì thế, dấu lạ cần thiết để xác nhận người làm hành động kia là người có uy quyền thần linh thực sự.[5] Đáp lại đòi hỏi đó, Đức Giêsu đã cho họ một dấu lạ: Đền Thờ sẽ bị phá hủy và sẽ được xây dựng lại sau ba ngày (c.19). Xét trên bản văn gốc, khi nói về dấu lạ trên, tác giả Tin Mừng Gioan đã dùng đến hai động từ: lyô (có nghĩa là làm tan rã) được dịch thành phá hủy, và egeirô (có nghĩa là đánh thức dậy) được dịch là xây dựng lại.[6] Rõ ràng, hai động từ đó không thích hợp để nói về một tòa nhà vật chất.[7] Như thế, dấu lạ Đức Giêsu muốn đề cập đến không phải là sự vô lý của việc xây lại trong ba năm, thay vì bốn mươi sáu năm. Dấu lạ đó chính là thân thể Người, là một thực thể có thể bị làm tan rã ra, tức là chết đi, và sẽ được đánh thức dậy, tức là sống lại. Ở đây, chúng ta thấy được ngay từ khi bắt đầu công khai sứ vụ, Đức Giêsu đã gặp xung đột với thế gian, và xung đột đó sẽ dẫn thẳng đến hậu quả gì. Đó chính là con đường Đức Giêsu sẽ đi: chết và sống lại. Nhờ cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu mà sẽ đến ngày, con người ta không còn thờ phượng Thiên Chúa trong Đền Thờ nữa, nhưng là trong Thần Khí và sự thật (xc. Ga 4,23). Nhưng tại sao Đức Giêsu phải chết và phải sống lại? Ở lần lên Giêrusalem vào dịp Lễ Vượt Qua lần thứ hai, Đức Giêsu sẽ trả lời tiếp câu hỏi này.

Thời Điểm Lễ Vượt Qua Lần Thứ Hai (Ga 6,4)

Để chuẩn bị cho dấu lạ hóa bánh ra nhiều, Đức Giêsu hỏi ông Philípphê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” (c.5). Nhưng ngay sau đó, tác giả Tin Mừng cho biết rằng Đức Giêsu chỉ thử ông thôi, vì Người đã biết sẽ cần làm gì (c.6). Tại sao Đức Giêsu lại thử ông Philípphê? Động từ “thử” được dịch từ nguyên ngữ “peirazô”. Động từ này giúp gợi nhớ đến việc Thiên Chúa thử dân Ngài trong biến cố xuất hành (Xc. Xh 15,25-Nước hóa ra ngọt tại Mara; 16,4-Thiên Chúa ban Manna; 20,20-Thiên Chúa ban Thập Giới). Sách Đệ nhị luật đã nhiều lần giải thích cho dân chúng ý nghĩa việc Thiên Chúa thử thách dân (xc. Đnl 4,34; 7,19; 8,16; 13,4). Theo đó, khi đối chiếu ngược trở lại với bản văn của Gioan, chính Đức Giêsu đang muốn thử thách các Tông đồ trước các vấn nạn của đời người. Sự trả lời của Philípphê và Anrê đã cho thấy được sự bất lực của họ trong hoàn cảnh này. Và chỉ có chính Đức Giêsu mới có thể giải quyết được vấn đề. Đâu là cách Đức Giêsu đã dùng để cứu đói cho dân chúng? Đó chính là Thánh Thể.

Không phải ngẫu nhiên việc hóa bánh ra nhiều lại giúp liên tưởng đến phép Thánh Thể. So với các Tin Mừng Nhất Lãm, Tin Mừng Gioan lại không thuật lại việc Đức Giêsu lập Bí tích Thánh Thể trong bữa tiệc ly. Nhưng khi tường thuật dấu lạ hóa bánh ra nhiều, tác giả lại sử dụng đúng những cử chỉ của Đức Giêsu trong bữa tiệc ly: “Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát” (c.11). Xưa kia, manna được ban cho dân và dân chỉ được lượm một lượng đủ dùng. Còn giờ đây, bánh Đức Giêsu ban lại dư thừa. Đúng thế, bánh Người ban không chỉ đủ dùng, mà còn dư thừa. Nghĩa là, khi dân ăn bánh này, dân sẽ không còn phải đói nữa. Thứ bánh này không phải thứ bánh được làm ra bởi bột, nhưng là bánh từ trời, bánh trường sinh, là chính Đức Giêsu (c.32-35). Bánh này được bẻ ra để phân phát cho muôn dân. Đức Giêsu cũng sẽ phải chịu bẻ ra, chịu chết đi, để chính thân thể Người cũng được trao ban cho muôn người. Như vậy, trong dịp lễ Vượt Qua thứ hai này, Đức Giêsu đã mặc khải cho dân chúng biết về cuộc khổ nạn mà Người sẽ phải chịu, và qua cuộc khổ nạn đó, Người trở nên lương thực nuôi sống nhân loại.

Thời Điểm Lễ Vượt Qua Lần Thứ Ba (Ga 11,55 ; 12,1 ; 13,1)

Thời điểm lễ Vượt Qua cuối cùng là một thời điểm quan trọng. Vì đây chính là lúc Đức Giêsu sẽ chịu khổ nạn, bị đóng đinh và sống lại. Đây là biến cố Vượt Qua mới, nơi biến cố này, Đức Giêsu sẽ dẫn đưa nhân loại thoát khỏi sự chết và đến thông phần sự sống thần linh của Thiên Chúa. Nếu như hai lần trước, tác giả Tin Mừng Gioan chỉ nhắc đến thời điểm lễ Vượt Qua kèm với một sự kiện duy nhất đi liền sau; thì với lần cuối cùng này, tác giả đã nhắc đi nhắc lại đến bốn lần; và ba trong số đó đều đi kèm với một biến cố quan trọng.

Thời điểm lễ Vượt Qua cuối cùng này được mở đầu bằng câu Ga 11,55, trong khung cảnh khá ngột ngạt. Trước đó, vì lo sợ rằng dân chúng sẽ tin theo Đức Giêsu, nên các Thượng tế và nhóm Pharisêu đã quyết định tìm giết Đức Giêsu (c.53). Và họ lợi dụng dịp lễ Vượt Qua, dịp mà nhiều người, chắc chắn có Đức Giêsu và các Tông đồ, sẽ lên Giêrusalem cử hành nghi thức thanh tẩy, để thực hiện kế hoạch của mình (c.57). Khung cảnh ngột ngạt này sẽ còn được kéo dài và tăng cấp hơn nữa. Trong khung cảnh đó, sự kiện đầu tiên được thánh Gioan thuật lại là việc cô Maria xức dầu thơm cho Đức Giêsu, diễn ra trước lễ Vượt Qua sáu ngày (xc. Ga 12,1-10). Trước lệnh tìm giết của giới lãnh đạo Do Thái, Đức Giêsu vẫn ung dung, thoải mái đến thăm gia đình ba chị em Mácta, Maria, Ladarô. Như thế, Người không hề lo sợ, nhưng ngược lại, Người càng chứng tỏ mình là vị quân vương, ngẩng cao đầu tiến vào cuộc chiến sắp diễn ra. Theo phong tục Do Thái, khi đón tiếp một vị khách quý, gia chủ sẽ dùng loại dầu thơm quý để xức vào bàn chân của vị khách. Nhưng với trình thuật của Gioan, tác giả không muốn nhắm đến mối tương quan thân thiết đó. Vượt trên những gì thông thường, qua việc được xức dầu và chỉ còn sáu ngày nữa là đến ngày chịu chết, Đức Giêsu mặc khải về cái chết của mình: “Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy” (c.7). Lời nói này chính là một lời cảnh tỉnh.

Trong văn cảnh của trình thuật này, ta nhận thấy có hai nhóm người với thái độ khác nhau. Nhóm thứ nhất là nhóm ủng hộ, đón tiếp Đức Giêsu rất ân cần, đó là Mácta, Maria và Ladarô. Nhóm còn lại là nhóm chống đối Người, gồm giới lãnh đạo Do Thái giáo. Ở nhóm thứ hai này, còn một nhân vật nữa, tuy Tin Mừng Gioan không nói thẳng ra điều này, nhưng sự xuất hiện của Giuđa ở đây đã chứng tỏ Giuđa không đứng về phía Đức Giêsu. Đứng trước hành động xức dầu thơm của Maria, Giuđa đã tỏ ra là một con người hẹp hòi, ti tiện; và đây không phải là kiểu người môn đệ theo chân Đức Giêsu. Và Đức Giêsu đã gọi là Giuđa là kẻ quấy rối khi Người nói với Giuđa: “Hãy để cô ấy yên!” Những kẻ làm phiền, gây rối đối với những ai đứng về phía Đức Giêsu đều là những kẻ đối lập lại với Đức Giêsu. Có lẽ rằng, việc nhắc đến Giuđa ở đây đã ám chỉ hành vi bán Thầy sau này của ông. Cả hai đều liên quan đến tiền bạc. Và từ lúc đó, Giuđa đã nghiêng chiều sang Satan, mà chống lại Thầy mình. Giữa vòng kiềm tỏa của bạc tiền như thế, Đức Giêsu muốn cảnh tỉnh không chỉ riêng Giuđa, nhưng còn là tất cả Nhóm Mười Hai. Đức Giêsu nói: “Người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu” (c.8). Như thế, Đức Giêsu muốn các Tông đồ phải vượt thoát những thực tại tạm bợ nơi trần gian, để nhìn thấy rõ thực tại thần linh và chương trình cứu độ mà Đức Giêsu sẽ thành toàn.

Khác với hai thời điểm lễ Vượt Qua trước đó, lần này, Đức Giêsu đã trực tiếp nhắc đến cái chết của Người. Người nhắc đến một cách rất tường minh, không úp mở cho các Tông đồ biết, trước khi Người mặc khải điều đó cho đám đông dân chúng khi Người đã vào thành Giêrusalem (xc. Ga 12,20-36). Với sự kiện xức dầu thơm này, Đức Giêsu còn muốn mặc khải cho chúng ta biết, thân xác của Người sắp bị giết, và chết như một quân vương (được xức bằng thứ “dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá”, c.3); và vì Người bất diệt, nên toàn thể Giáo hội, ngôi nhà của Thiên Chúa sực mùi thơm và mọi người tôn kính thân xác bất diệt của vị quân vương Giêsu.[10]

Vào áp lễ Vượt Qua, Đức Giêsu dùng bữa ăn cuối cùng với các Tông đồ. Thánh Gioan mở đầu trình thuật này như sau: “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha” (13,1). Ở đây, thánh Gioan đã đồng nhất lễ Vượt Qua với giờ của Đức Giêsu. Giờ của Người được định nghĩa rất rõ ràng. Đó là giờ mà Đức Giêsu sẽ bỏ thế gian – Người sẽ bị giết – và trở về với Chúa Cha – rồi Người sẽ sống lại. Giờ đó chính là giờ mà Người sẽ được Thiên Chúa tôn vinh trên Thập Giá, và để trước hết, chính Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người (xc. Ga 13,31-32), và những ai nhờ tin vào Người thì sẽ được sống muôn đời (xc. Ga 3,14). Đồng thời, giờ đó cũng là giờ mà Giuđa, kẻ quấy rối, kẻ đã bị Satan chiếm lấy lòng trí (xc. Ga 13,2.27), nộp Người. Và vì thế, giờ đó là giờ của thế lực bóng tối. Cũng là từ “giờ” nhưng ở đây lại mang hai nét nghĩa hoàn toàn đối lập nhau, giữa giờ của yêu thương và giờ của thù ghét, giữa giờ của sự sống và giờ của sự chết.[11] Giữa sự xung khắc đó, giờ nào sẽ chiến thắng? Đối với con mắt thế gian, giờ đó chính là sự thất bại của Đức Giêsu; nhưng dưới con mắt đức tin, qua giờ đó mà Đức Giêsu chiến thắng sự chết, tội lỗi và thế gian (xc. Ga 16,33).

Để bắt đầu bước vào giờ của Người, Đức Giêsu cúi xuống rửa chân cho các Tông đồ. Hành động rửa chân vốn là việc làm của một người đầy tớ. Và hành động đó đã gây ra nỗi kinh hoàng nơi các Tông đồ, nhất là ông Phêrô: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!” (c.8). Nỗi kinh hoàng đó kèm theo cả sự không hiểu và không biết. Vì không hiểu và không biết nên Phêrô đã cản ngăn không cho Thầy rửa chân mình. Vì không hiểu và không biết nên sau đó, Phêrô muốn Thầy không chỉ rửa cả chân, mà cả tay và đầu nữa (c.9). Các ông cũng không biết ai sẽ nộp Đức Giêsu. Đức Giêsu đã cho các ông một dấu chỉ, đó là miếng bánh trao cho Giuđa. Nhưng các ông lại đi từ cái không hiểu, không biết này đến cái không hiểu, không biết khác. Dù đã biết Đức Giêsu trao miếng bánh cho Giuđa, nhưng khi Giuđa ra ngoài thì các ông lại không biết Giuđa đi để làm gì. Các ông càng không biết, thì việc Đức Giêsu biết rõ mọi sự càng được nhấn mạnh. Đức Giêsu biết khi nào giờ Người đến, biết ai sẽ nộp Người, và chắc chắn, Người biết rõ các Tông đồ không thể nắm bắt được những gì đang diễn ra. Trong cái biết của Đức Giêsu, ta đọc thấy được sự dứt khoát của Người. Tuy ông Phêrô đã can ngăn nhưng Người vẫn nhất quyết rửa chân cho các ông. Truyền thống Giáo hội vẫn giải thích hành vi rửa chân đó chính là sự tự hạ của Đức Giêsu. Sự tự hạ này sẽ dẫn đến sự tự hủy trên Thập Giá của Người. Chính vì thế, Người nói: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy” (c.8), nếu anh không chấp nhận cuộc tự hạ và tự hủy này, anh không thuộc về Thầy. Từ sự dứt khoát của mình, Đức Giêsu cũng yêu cầu các Tông đồ phải dứt khoát trên con đường theo Người.

Sự Liên Hệ Giữa Ba Thời Điểm

Thật ra, còn một lần thánh Gioan nhắc đến lễ Vượt Qua trong thời điểm thứ ba, đó chính là cuộc đóng đinh Đức Giêsu. Nhưng với bài viết này, vì mục đích chỉ khảo sát sự liên hệ giữa ba thời điểm, kèm theo các sự kiện được thuật lại ngay đó, để hiểu được tiến trình mặc khải của Đức Giêsu về chính cái chết và sự phục sinh của Người, nên chúng tôi sẽ không đề cập đến cuộc tử nạn vào áp lễ Vượt Qua. Một điều hiển nhiên rằng, tất cả những gì Đức Giêsu thực hiện trong suốt ba năm rao giảng đều chuẩn bị cho biến cố dâng hiến trọn vẹn trên Thập Giá. Như vậy thì sự liên hệ giữa ba thời điểm trên có gì đặc biệt, nhất là đặc biệt hơn so với cách thuật truyện của Tin Mừng Nhất Lãm? Trước hết, việc thông báo rõ ràng ba thời điểm như thế chỉ được tìm thấy trong Tin Mừng Gioan. Điều đó càng cho thấy rõ hơn dụng ý của tác giả quyển Tin Mừng thứ tư này.

Ở thời điểm đầu tiên, Đức Giêsu mặc khải chính mình là Đền Thờ. Đền Thờ này không phải là một tòa nhà vật chất, được xây cất trong bốn mươi sáu năm; nhưng đó chính là thân thể Người. Ngay từ những ngày đầu, Đức Giêsu đã để lại những điều khó hiểu cho các Tông đồ. Đức Giêsu lấy quyền gì mà phá hủy Đền Thờ? Đức Giêsu sẽ phá hủy Đền Thờ bằng cách nào? Rồi Người sẽ xây dựng lại ra sao mà chỉ trong ba ngày là hoàn thành? Nhưng quan trọng hơn, tại sao Đức Giêsu phải làm chuyện đó? Tất cả những điều đó diễn ra quá bất ngờ và quá nhanh, và khiến cho tâm trí các Tông đồ vẫn chưa nắm bắt được mọi việc. Chính Kinh Thánh ghi rõ, “khi Đức Giêsu từ cõi chết trỗi dậy” (Ga 2,22), các Tông đồ mới nhớ lại những gì đã diễn ra, và hiểu rõ mọi sự. Như thế, chính cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu là câu trả lời hoàn hảo cho tất cả những vướng mắc trên. Nhưng đó là chuyện của ba năm sau đó, còn bây giờ, các ông vẫn không hiểu gì.

Để giúp cho các ông có thể hiểu hơn về những gì mà mình đã nói và đã làm, chừng một năm sau, cũng vào dịp lễ Vượt Qua, Đức Giêsu đã làm dấu lạ hóa bánh ra nhiều. Dấu lạ này dường như đã trả lời được phần nào những vệt mờ trong biến cố tẩy uế Đền Thờ. Đền Thờ ám chỉ điều gì? Đó chính là thân xác Đức Giêsu. Thân xác đó sẽ chết đi, và sống lại để thành của ăn ban sự sống đời đời của muôn người. Giống như hạt lúa, sẽ phải chịu mục nát đi, để trổ bông, trở nên bánh ăn, nuôi sống con người. Như thế, từ dấu lạ Đền Thờ đến dấu lạ Bánh hóa nhiều, như một tiến trình tiệm tiến, Đức Giêsu dần hé mở cho dân chúng, nhất là các Tông đồ, biết thêm về chương trình cứu độ của Người. Nhưng dù cho dấu lạ này có xóa bớt đi những vệt mờ kia như thế nào, thì Đức Giêsu vẫn chưa đề cập gì đến cái chết của Người, mãi cho đến khi gần đến lễ Vượt Qua cuối cùng (xc. Ga 12,8.23-24.32), Người mới trực tiếp đề cập đến cái chết của mình. Cứ qua mỗi dịp lễ Vượt Qua, Đức Giêsu lại mặc khải một khía cạnh liên quan đến hy tế Người sắp dâng trên Thập Giá để giao hòa loài người với Thiên Chúa. Cũng qua mỗi dịp lễ Vượt Qua, hình bóng cuộc Vượt Qua mới dần tiến đến gần thực hữu hơn. Và hình bóng càng tiến gần hơn đến thực hữu bao nhiêu, Đức Giêsu cần phải chuẩn bị tinh thần cho các Tông đồ nhiều bấy nhiêu. Đối với các ông, và bất kỳ ai tin theo Người, mầu nhiệm cứu độ trước hết đã là một cớ vấp phạm: Thể xác có thể mang lại sự sống trường cửu? Để củng cố tinh thần các ông, Đức Giêsu đã dùng đến các dấu lạ như thánh Gioan đã thuật lại trong Ga 2,13-22; 6,1-15; 12,1-10; 13,1-20.

Trong hai sự kiện đầu, tác giả Tin Mừng Gioan đều dùng đến từ “dấu lạ” – “semeion”. Đối với Tin Mừng Nhất Lãm, các dấu lạ chiếm ưu thế, vì qua đó, Đức Giêsu mặc khải quyền năng của mình. Các tác giả Nhất Lãm dùng từ “quyền năng” – “dunamin” để gọi các phép lạ. Còn đối với Tin Mừng Gioan, tác giả lại dùng từ “semeion”. Theo thống kê của Lm. Giuse Lê Minh Thông, OP., Tin Mừng Gioan đã sử dụng từ ngữ này mười bảy lần, trong đó bảy lần để xác định những dấu lạ Đức Giêsu làm. Dấu lạ hóa bánh ra nhiều thuộc nhóm này. Còn từ “dấu lạ” được dùng trong trình thuật tẩy uế Đền Thờ thuộc nhóm người khác xin Đức Giêsu một dấu lạ.[12] Có nghĩa là nếu đặt hai sự kiện trên gần nhau, thì dấu lạ hóa bánh ra nhiều là một dấu lạ Đức Giêsu chủ động tạo ra; còn dấu lạ kia là để đáp ứng đòi hỏi của giới lãnh đạo Do Thái giáo bấy giờ. Nhưng ở sự kiện tẩy uế Đền Thờ, đòi hỏi đó là một thách thức mang tính xung đột, và vì giờ của Người chưa đến, nên Đức Giêsu chỉ diễn giải cho họ về một dấu lạ sẽ xảy ra, chứ không thực hiện cách nhãn tiền.

Còn sự kiện Đức Giêsu rửa chân cho các Tông đồ thì sao? Một số tác giả xem trình thuật này cũng là một dấu lạ.[13] Dựa theo quan điểm này, chúng tôi diễn giải thêm như sau: Trước hết dưới cái nhìn thông thường của con người, việc một người thầy làm cử chỉ của một đầy tớ đã hẳn là một việc lạ. Đối với Ga 12,1-10, việc xức dầu thơm của cô Maria không được tác giả Tin Mừng gọi là dấu lạ, nhưng xét về mặt sự kiện, đó thực sự là một dấu lạ. Dấu lạ này không nằm ở việc cô Maria xức dầu thơm lên chân Đức Giêsu, nhưng ở lời Người nói, rằng dầu thơm đó đã được chuẩn bị cho ngày mai táng Người. Rõ ràng, Đức Giêsu biết rõ Người sẽ phải chịu chết, và được mai táng. Lời tiên tri đó chính là một dấu lạ. Nhưng khi đọc Tin Mừng, chúng ta không thể dừng lại ở các dấu lạ, mà phải đọc thấy được nội dung mặc khải sau những dấu lạ đó. Đối với Tin Mừng Gioan, “semeion” được dùng để biểu lộ các khía cạnh liên quan đến Đức Giêsu: Đức Giêsu từ đâu tới? Người là ai? Sứ vụ của Người là gì?[14] Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, đến từ Thiên Chúa và sẽ trở về cùng Thiên Chúa. Người là Đền Thờ đích thực, là Bánh Hằng Sống, là Đấng sẽ chết và sẽ sống lại để chuộc tội nhân loại. Như thế, các dấu lạ liên hệ mật thiết và trực tiếp đến mầu nhiệm Thập Giá, đến giờ Người sẽ được Thiên Chúa tôn vinh và giờ Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người.

Đối với Tin Mừng Gioan, từ ban đầu, Đức Giêsu đã mặc khải mầu nhiệm Thập Giá cho các Tông đồ, và theo dòng thời gian, khi cùng với Đức Giêsu rong ruổi qua mọi miền Israel trong ba năm, các Tông đồ đã được Người dần khai mở rõ hơn mầu nhiệm đó. Nhưng tất cả các ông chỉ biết, chứ không hiểu. Các ông chỉ hiểu khi tất cả những gì Đức Giêsu đã nói xảy ra. Và nhờ hiểu, mà các ông tin nhận chính Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Ngôi Lời, là ánh sáng thật (xc. Ga 1,1-18). Ngoài ra, những mặc khải tiệm tiến như trên lại diễn ra nơi các dịp lễ Vượt Qua. Như thế, ngay tại truyền thống tôn giáo của dân Israel, đã dần xuất hiện một lễ Vượt Qua mới. Đây mới là cuộc Vượt Qua đích thực. Cuộc Vượt Qua mới này đang đến, thay dần cuộc Vượt Qua cũ, như khi mặt trời dần tỏ rạng trên vòm trời, thì mặt trăng sẽ từ từ lặn xuống. Thánh Augustinô nói rằng, khi thực tại đã đến, thì hình bóng phải lui bước. Lễ Vượt Qua cũ sẽ qua đi, nhưng lễ Vượt Qua mới sẽ vĩnh cửu. Môsê cũ đã kết thúc, còn Môsê mới thì sống mãi.

Nhưng tất cả những điều này có ý nghĩa gì với tất cả chúng ta ngày hôm nay? Trung tâm mọi mặc khải nằm ở biến cố Vượt Qua của Đức Giêsu, và mọi mặc khải được thành toàn cũng nơi Đức Giêsu, mặc khải cuối cùng và trọn vẹn nhất.[15] Đời sống Kitô hữu sẽ trở nên vô nghĩa, ấu trĩ, hão huyền, rỗng tuếch khi tách rời khỏi Đức Giêsu, khỏi cuộc Vượt Qua của Người (xc. 1Cr 15,13-14). Khi gắn kết với cuộc Vượt Qua đem lại ơn cứu độ này, các Kitô hữu không để mình bị các thực tại trần gian lôi cuốn, chi phối, làm chủ nữa. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng chúng ta sống tách lìa khỏi thế gian. Đúng hơn, người Kitô hữu sống trong và sống với các thực tại này, vì chính các thực tại trần gian nhờ mầu nhiệm Vượt qua của Đức Kitô làm cho nên mới, trở nên con đường đưa dẫn các Kitô hữu đến sự sống vĩnh cửu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. William Barclay, Tin Mừng theo thánh Gioan, NXB Tôn giáo, 2008
  2. Chân ngôn – Chú giải Tin Mừng các Chúa nhật và đại lễ
    Năm C, Học viện Đa Minh, 2010.
  3. J. Dheilly, Từ điển Kinh Thánh, Tập II và tập IV
  4. Hành trình thiêng liêng theo Tin Mừng thánh Gioan
  5. Lm. Tanila Hoàng Đắc Ánh, OP., Tin mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Gioan (Dẫn vào và chú giải), 2011.
  6. Lm. Ph. Hoàng Minh Tuấn, Đọc Tin Mừng theo Yoan, Tập 1: Lời thành xác phàm, NXB. Tôn giáo, 2000.
    ______, Đọc Tin Mừng theo Yoan, Tập 2: Tái sinh bởi Thần Khí, NXB. Tôn giáo, 2000.
  7. Lm. Giuse Lê Minh Thông, OP., Các bài viết được đăng trên website Tin Mừng Gio-an, gồm: Dấu lạ (Semeion) trong Tin Mừng Gioan. Ga 13,1-32: Giờ đã đến, Giờ yêu thương đến cùng, rửa chân và Giuđa nộp Thầy. Cấu trúc một đoạn Kinh Thánh
  8. Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM, Các bài viết được đăng trên website www.catechesis.net gồm: Ga 2,13-25: Đức Giêsu thanh tẩy Đền Thờ. Ga 6,1-15: Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều.

[1] Tiên vàn, mọi giáo huấn, việc làm của Đức Giêsu đều mặc khải căn tính và sứ mạng của Người. Nhưng ở đây, chúng tôi muốn xét về tính biến cố, có nghĩa là, xem xét việc Đức Giêsu chịu chết và sống lại như một sự kiện, trước khi xem xét như một mầu nhiệm.

[2] Ở đây, chúng tôi dùng cụm “mặc khải trực tiếp” ý muốn nhấn mạnh rằng, các sự kiện đó mặc khải nội dung cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu. Còn những “mặc khải không trực tiếp” thì chỉ dừng lại ở việc trình bày căn tính và quyền năng của Đức Giêsu.

[3] Xc. Lv 3

[4] Xt. William Barclay, Tin Mừng theo thánh Gioan, NXB. Tôn giáo, 2008, tr.75.

[5] Xc. Lm. FX Vũ Phan Long, OFM., Ga 2,13-25: Đức Giêsu thanh tẩy Đền Thờ, www.catechesis.net , ngày 23/9/2018.

[6] Sđd.

[7] Đối chiếu với Tin Mừng Máccô: “Tôi sẽ phá Đền Thờ này do tay người phàm xây dựng, và nội ba ngày, tôi sẽ xây một Đền Thờ khác, không phải do tay người phàm!” (Mc 14,58)

[8] Cấu trúc đồng tâm là cấu trúc theo mô hình A-B-C-B’-A’ (có yếu tố trung tâm) hoặc A-B-C-C’-B’-A’ (không có yếu tố trung tâm). Đối với cấu trúc có yếu tố trung tâm, phần cốt lõi nằm ở tiểu đoạn C. Còn phần cốt lõi của cấu trúc không có yếu tố trung tâm thì được ẩn đi. Như thế, để có thể rút ra được nội dung chính của bản văn, chúng ta cần đọc kỹ những tiểu đoạn xung quanh. Xc. Lm Giuse Lê Minh Thông, OP., Cấu trúc một đoạn văn Kinh Thánh, ngày 11/3/2012, cập nhật ngày 25/3/2014.

Xét với bản văn Ga 6, cấu trúc đồng tâm được sắp xếp như sau: (c.1-15) Cảnh Đức Giêsu với các môn đệ, một số môn đệ được nhắc đích danh; (c.16-21) Cảnh Đức Giêsu với các môn đệ; (c.22-59) Diễn từ của Đức Giêsu; (c.60-65) Cảnh Đức Giêsu với các môn đệ; (c.66-71) Cảnh Đức Giêsu với các môn đệ, một số môn đệ được nhắc đích danh. Như vậy, phần Diễn từ về Bánh Hằng Sống chính là phần trung tâm của chương 6, và bản văn 6,1-15 (dấu lạ hóa bánh ra nhiều) sẽ giúp để hiểu rõ hơn phần trung tâm của chương. Xc. Lm FX Vũ Phan Long, OFM., Ga 6,1-15: Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều, www.catechesis.net, ngày 23/9/2018

[9] Xc. Lm. FX Vũ Phan Long, OFM., Ga 6,1-15: Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều, www.catechesis.net, ngày 23/9/2018.

[10] Xc. Hành trình thiêng liêng theo Tin Mừng thánh Gioan, tr. 119.

[11] Xc. Lm. Giuse Lê Minh Thông, OP., Ga 13,1-32: Giờ đã đến, Giờ yêu thương đến cùng, rửa chân và Giuđa nộp Thầy, ngày 18/3/2012, cập nhật ngày 18/4/2014.

[12] Xc. Lm. Giuse Lê Minh Thông, OP., Dấu lạ (Semeion) trong Tin Mừng Gioan, ngày 05/8/2014.

[13] Sđd.

[14] Sđd.

[15] Xc. GLHTCG, số 73.

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com