Mục Lục
Những ai đam mê và thường xuyên theo dõi các giải vô địch bóng đá sẽ dễ dàng nhận biết được câu lạc bộ yêu thích dựa vào màu áo mà các cầu thủ khoác trên mình. Có những tiêu chí khác nhau để phân biệt các đội tuyển nhưng bộ đồng phục là yếu tố dễ nhận thấy nhất. Cùng một cách thức như thế, tấm áo dòng là dấu chỉ dễ nhìn thấy nhất để phân biệt không chỉ giữa tu sĩ với người đời, nhưng còn giữa các dòng tu với nhau. Áo dòng hay tu phục là một loại trang phục đặc biệt được mặc bởi các cộng đoàn dòng tu khác nhau trong Hội thánh Công giáo. Giống như các dòng tu khác, áo dòng Đa Minh mang dấu ấn linh đạo, cách sống và sự thánh thiện của đời sống thánh hiến Đa Minh giữa lòng Giáo hội.
Áo dòng – dấu chỉ Tin Mừng
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã diễn tả ý nghĩa cơ bản của áo dòng trong #25, Tông huấn “Đời sống Thánh hiến” năm 1996 như sau:
“…Giáo Hội phải luôn luôn quan tâm đến việc hiện diện hữu hình trong đời sống hằng ngày, đặc biệt trong nền văn hoá hiện đại, thường tuy đã bị tục hoá nhưng vẫn nhạy cảm với ngôn ngữ dấu chỉ.
Muốn thế, Giáo Hội có quyền chờ đợi sự góp phần đặc biệt từ phía những người được thánh hiến, được kêu gọi làm chứng tá cụ thể rằng họ đã thuộc về Đức Ki-tô trong hết mọi hoàn cảnh.
Bởi vì tu phục là dấu chỉ của việc tận hiến, của sự nghèo khó và của thành viên của một hội dòng nhất định, cho nên cùng với các nghị phụ của Thượng hội đồng, tôi tha thiết khuyến cáo các tu sĩ nam nữ hãy mặc tu phục, được thích nghi xứng hợp với thời đại và nơi chốn. Khi các đòi hỏi hợp lý của đời sống tông đồ đòi buộc, họ có thể, tuỳ theo các luật lệ của tu hội, mặc một bộ áo đơn giản và xứng đáng, với một huy hiệu thích hợp, sao cho người ta có thể nhận ra tư cách thánh hiến của họ.”
Thật vậy, với bộ áo dòng, các tu sĩ sống đời thánh hiến bày tỏ một cách dứt khoát với chính mình và với tha nhân sự thật rằng họ dâng hiến trọn vẹn cuộc đời mình cho Chúa Kitô.
Áo dòng cũng giúp xác định cộng đoàn dòng tu mà một tu sĩ thuộc về, cũng như để bổ túc cho lời khấn khó nghèo (chỉ có một bộ trang phục sẽ khiến tủ quần áo và túi tiền của tu sĩ nhẹ hơn nhiều!).
Lịch sử áo dòng Đa Minh
Áo dòng thời cha thánh lập dòng
Trong quyển “Tìm hiểu Dòng Đa Minh”, Lm. Giuse Phan Tấn Thành cho ta biết hai nguồn tài liệu chính để xác định mẫu áo dòng thời nguyên khởi: các bản hiến pháp và các bức họa vẽ thánh Đa Minh hoặc các anh em vào buổi đầu.
Áo dòng sơ khởi có những yếu tố sau: Áo chùng (tunica): màu trắng, phủ từ vai cho đến gót chân; áo choàng màu trắng (scapulare); dây thắt lưng (cinctoria); áo choàng đen (cappa).
Truyền thuyết về sự can thiệp của Đức Mẹ
Có một câu chuyện thú vị được kể lại bởi Chân phước Jordan Saxony, Bề trên Tổng quyền đầu tiên của Dòng sau Thánh Đa Minh. Theo Chân phước Jordan, có một giáo sĩ tên là Reginald, người được Thánh Đa Minh truyền cảm hứng và muốn gia nhập Dòng. Thật không may, ngài lại bị bệnh nặng và phải nằm liệt giường. Khi xin Thánh Đa Minh cầu nguyện, vị giáo sĩ này kể lại rằng ông đã nhìn thấy thị kiến gặp Đức Trinh Nữ Maria. Trong thị kiến, Đức Mẹ đã chữa lành bệnh tật cho Reginald và cũng tiết lộ cho ông phần đặc trưng của áo dòng Đa Minh: áo choàng scapulare.
Trước đó, những môn đệ tiên khởi của Thánh Đa Minh mặc áo dòng Augustinô của kinh sĩ đoàn Osma, vốn không có áo choàng scapulare. Reginald đã kể lại thị kiến này cho Thánh Đa Minh và cha thánh đã dùng mẫu áo đó cho Dòng mới được thành lập của mình.
Trong quyển “Tìm hiểu Dòng Đa Minh”, cha Phan Tấn Thành đã chỉ ra hai điểm cho thấy tích truyện trên có vấn đề: chuyện Đức Mẹ ban áo dòng được kể lại trong nhiều dòng khác chứ không riêng dòng Đa Minh; các tư liệu cổ không hề nhắc đến việc thay đổi áo dòng vào năm 1218, nhưng Hiến pháp nguyên thủy (1216?) đã nói đến scapulare rồi.
Tuy vậy, việc chấp nhận hay chối bỏ lưu truyền trên không ảnh hưởng gì đến lòng hiếu thảo mà Dòng đã bày tỏ với Đức Maria ngay từ buổi đầu. Nhưng ở một chừng mực nào đó, tu sĩ Đa Minh có quyền tự hào về chiếc scapulare mà mình khoác trên người. (Ở Việt Nam, áo scapulare được các thầy gọi là “áo Đức Bà!”).
Các thành phần của một bộ áo dòng Đa Minh
Trong Hiến pháp hiện hành của dòng Anh em Thuyết giáo, áo dòng được quy định ở §50, mục V, Nếp sống tu trì như sau: “Tu phục của Dòng gồm áo dài trắng (tunica), áo phép và mũ trắng (scapulare et caputium), áo choàng và mũ đen (cappa et caputium), dây thắt lưng da và tràng hạt Mân côi.”
– Áo dài (tunica) màu trắng, dài đến mắt cá chân, có tay áo dài, có thể gấp lại một cách đơn giản hoặc có nút để giữ những nếp gấp đó cố định.
– Áo phép (scapulare) là một mảnh vải dài có khoét một lỗ ở giữa cho đầu; khi mặc được quàng qua vai và che mặt trước và mặt sau của áo tunica. Nó rộng khoảng một bàn tay tính từ đáy áo tunica và đủ rộng để che “điểm nối của tay áo với áo dài”.
– Mũ trắng (caputium) là mũ trùm đầu được gắn vào một mảnh vải hình tròn, buông xuống vai và dài xuống một điểm ở phần lưng.
– Áo choàng đen (cappa), (bên Tây người ta gọi các tu sĩ Đa Minh là Black Friars), là một chiếc áo choàng lớn che phủ hầu hết phần áo trắng bên trong. Nó được mặc để giữ ấm, khi cử hành vài nghi lễ phụng vụ, khi nghe giải tội hoặc khi đi ra khỏi tu viện. Phần áo này cũng có mũ trùm đầu (caputium) rời màu đen.
Như vậy, một bộ áo dòng Đa Minh hoàn chỉnh có năm mảnh, cộng với một chiếc thắt lưng da và tràng chuỗi Mân Côi.
Ý nghĩa áo dòng Đa Minh
Áo dòng đóng một vai trò quan trọng trong nếp sống của một tu sĩ Đa Minh. Theo truyền thống, các tập sinh sẽ nhận áo dòng trong một buổi cử hành đặc biệt, gọi là “nghi thức trao tu phục”. Nghi thức này đánh dấu sự khởi đầu của khóa tập, diễn tả ý nghĩa muốn đón nhận và chuyển trao “một phần lòng thương xót của dòng” cho tập sinh.
Xem thêm: Áo dòng Đa Minh với đời sống cộng đoàn
Áo dòng Đa Minh là một món quà mà cha thánh để lại cho con cái của ngài. Ngoài ra, như chân phước Jordan kể lại, áo dòng còn là một món quà của Đức Mẹ. Nó thể hiện sự cam kết của người tu sĩ Đa Minh trong việc theo Chúa Kitô như một nhà giảng thuyết với các lời khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục. Nó như một lời nhắc nhở chúng ta là ai, chúng ta phục vụ ai và chúng ta được kêu gọi làm gì và trở thành gì. Vì vậy, tấm áo dòng là báu vật quý giá của Dòng. Nhà sử học Fr. William Hinnebusch, O.P. nói rằng “…vải, màu sắc và đường cắt của nó thể hiện sự nghèo khó, khiết tịnh và vâng phục mà vị tu sĩ đã khấn hứa…”
Tài liệu tham khảo
- Phan Tấn Thành. (2013). Tìm hiểu dòng Đa Minh. Nxb Thành phố Hồ Chí Minh: Học viện Đa Minh.
- Dominican Friars Province of St. Martin de Porres. (January 26, 2019). The Dominican Habit. https://dominicanvocations.com/news/the-dominican-habit
Phêrô Lê Hoàng Minh Bảo