“ANH EM HÃY LẤY ĐỨC KHIÊM NHƯỜNG MÀ ĐỐI XỬ VỚI NHAU” – Mừng Lễ Thánh Gioan Maisan Bổn Mạng Anh em Thỉnh Sinh Lớp II

25-09-2023
Bởi: Jos Nguyen OP Có: 0 bình luận 459 lượt xem

“ANH EM HÃY LẤY ĐỨC KHIÊM NHƯỜNG MÀ ĐỐI XỬ VỚI NHAU”

Suy tư nhân Lễ kính nhớ Thánh Gioan Maisan, Bổn mạng lớp II

Micae Lê Bá Thạch

Trong tiết trời mát dịu của mùa Thu, bầu khí thanh bình và thi vị; lá cây bắt đầu chuyển màu tạo nên khung cảnh đẹp. Tháng 9 – mùa cây thay lá. Anh em Thỉnh sinh Đa Minh Việt Nam, cách riêng anh em Lớp II, cũng như đang cần “thay lá”. Khái niệm này, “thay lá”, nói lên tinh thần muốn thay đổi nếp sống cũ để mỗi ngày một trở nên giống người môn đệ của Đức Kitô, Đấng mà thánh Gioan Maisan, một tu sĩ gương mẫu Dòng Anh Em Giảng Thuyết, đã làm chứng trong suốt cuộc đời tu trì của ngài cách đặc biệt qua cách sống khiêm nhường và nghèo khó. Đây chính là nét đặc trưng trong cuộc đời thánh nhân mà anh em Thỉnh sinh Lớp II mong muốn noi theo khi nhận thánh nhân là Thánh Bổn Mạng cho lớp.

Giảng thuyết bằng đời sống khiêm nhường

Cha Vincent de Couesnongle, nguyên Tổng quyền Dòng Anh Em Giảng Thuyết (1974-1983), đã nói về người anh đáng kính của mình như sau: “Gioan Maisan không hề giảng thuyết và cũng không viết sách. Người tu sĩ khiêm tốn này, hôm nay được tôn vinh trước toàn thể Giáo Hội, có lẽ rất ngỡ ngàng nếu có ai nói với người rằng nếp sống khiêm tốn của người sẽ mang lại cho thế giới một sứ điệp, và hơn nữa, một sứ điệp có tính cách xã hội. Nếp sống khiêm nhường của người làm chứng cho chúng ta. Chính đời sống là một sứ điệp […].”[1]

Như cha Vincent de Couesnongle chia sẻ, thánh Gioan Maisan chưa từng bước lên giảng đài để thi hành sứ vụ giảng thuyết, nhưng đời sống của ngài chính là bài giảng hùng hồn và sống động về đức khiêm nhường. Khiêm nhường là một nhân đức rất quan trọng mà con người cần rèn luyện không ngừng. Khi tập sống khiêm nhường, con người sẽ nhận ra giới hạn của mình và tự nguyện sửa đổi bản thân. Đức khiêm nhường không đồng nghĩa với thoái lui, mà là khả năng tự đánh giá bản thân cách chính xác. Khi luận bàn về đức khiêm nhường, nếu ai đó nói rằng chỉ có thánh mới làm được, còn kẻ phàm phu sao dám vọng tới, thì có lẽ người ấy chỉ đang dừng lại ở mặt chữ. Đức khiêm nhường không ở đâu xa xôi; nó hệ tại ở những hành động vô cùng bé nhỏ nhưng lại rất tinh tế; chẳng hạn, biết nhận lỗi và sửa sai mà không đổ lỗi cho người khác chính là tập sống đức khiêm nhường; biết khả năng của mình tới đâu để lựa chọn công việc phù hợp, chứ không vì sĩ diện mà chọn công việc ngoài khả năng, cũng là đang tập sống đức khiêm nhường.

Kết thúc bài chia sẻ, cha Vincent de Couesnongle nhấn mạnh thêm: “Nhưng còn hơn cả một sứ điệp nữa, vì không phải chỉ là một bản di chúc, một lời nói của kẻ đã khuất, mà là một vũ trụ quan mới, một nhiệt huyết, là bột men, là nguồn sống trào dâng đến muôn đời […].”

Sống khó nghèo Phúc Âm

Bài đọc Kinh Sách của ngày lễ kính nhớ thánh nhân kể lại: “Là một thiếu niên mồ côi, Maisan đã dùng tiền công ít ỏi của một chú bé mục đồng để giúp đỡ những người “anh em của mình”, để chia sẻ đức tin cho họ […].” Thánh Giáo hoàng Phao-lô VI, trong bài giảng lễ phong thánh cho chân phước Gioan Maisan, nhấn mạnh cụm từ anh em của mình bằng dấu ngoặc kép. Đến đây, có lẽ mỗi người chúng ta cũng nhớ lại bối cảnh và Lời của Chúa Giêsu năm xưa khi có người nói rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy (Mt 12,47). Đức Giê-su nói: ‘Ai là mẹ tôi, ai là anh em tôi? Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi’.” (Mt 12,48-49).”

Dù chỉ là một chú bé mục đồng, một kẻ làm thuê như chúng bạn, nhưng cậu Gioan Maisan biết quảng đại cho đi những gì mình có để giúp đỡ và chia sẻ đức tin với những người xa lạ mà cậu gọi là anh em. Hai tiếng “anh em” đối với thánh Gioan Maisan không hệ tại ở tương quan huyết thống, nhưng còn trong tương quan huynh đệ trong Chúa Giêsu Kitô. Qua chứng tá về đời sống khó nghèo của thánh Gioan Maisan, ta được mời gọi đón nhận Ngôi Lời trong cuộc đời của mình, để trở thành anh em của Đức Giê-su, là anh em của nhau, và hiển nhiên cũng trở thành con cái cùng một Thân Mẫu, là Đức Maria.

Sống khiêm nhường và khó nghèo Phúc Âm trong linh đạo Đa Minh

Đã hơn 800 năm, lời trăn trối trước lúc lâm chung của Cha thánh Đa Minh vẫn luôn vang vọng trong tâm trí của mỗi anh em:

“Anh em thân mến. Đây là những gì Cha để lại cho anh em để anh em giữ lấy như là người con có quyền thừa kế: Anh em hãy sống bác ái; hãy giữ lòng khiêm tốn; hãy tự nguyện giữ đức thanh bần – khó nghèo.”

 Thánh Đa Minh, Tổ phụ Dòng Giảng Thuyết, đã bán sách quý để có tiền giúp người nghèo; thánh Gioan Maisan đã dùng những đồng lương ít ỏi để giúp đỡ mọi người. Vậy, là Thỉnh sinh Đa Minh và chọn thánh Gioan Maisan làm bổn mạng, làm sao anh em Thỉnh sinh có thể sống khó nghèo Phúc Âm như thánh Tổ phụ và thánh Gioan Maisan?

Nguyện xin Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, ban muôn ơn lành trên gia đình Thỉnh viện qua lời cầu bầu của thánh phụ Đa Minh và thánh Gioan Maisan.

“… Anh em chư vị mọi miền,

Nào cùng hát xướng trọn niềm hân hoan.

Hồng ân Chúa tặng cho đời:

Mai-san khiêm hạ, thương người bể dâu…”

(Trích Thánh thi Kinh Sáng, lễ Thánh Gioan Maisan)

[1] Trích thông điệp từ buổi hội thảo của Cha Vincent de Couesnongle dịp phong thánh cho chân phước Gioan Maisan (x. Bài đọc Kinh Sách của ngày lễ kính nhớ thánh Gioan Maisan, Phụng vụ Dòng Đa Minh)

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com