__Giuse Đinh Quang Nghĩa__
Lâu lắm rồi tôi mới lại được cảm nhận hương vị của nghỉ hè. Nhưng lần nghỉ hè này không giống với bất kỳ cái hè nào mà tôi đã có. Thật sự tôi thấy hè năm nay rất thú vị, vì lần này tôi được tham gia vào nhiều chương trình ý nghĩa.
Tôi bắt đầu kỳ hè bằng một cuộc du ngoạn cùng với anh em trong nhà đến vùng đất Tây Nguyên. 5 giờ sáng hôm đó, anh em chúng tôi lên đường. Chuyến đi này không đơn thuần chỉ là du lịch, nhưng còn như là một buổi “đi học”. Nghe có vẻ nghịch lý nhưng đó là sự thật. Chúng tôi chủ yếu đến tham quan các nhà thờ vùng Tây Nguyên. Những ngôi thánh đường này rất độc và lạ vì được xây dựng theo bản sắc văn hoá đồng bào tại đây, đặc biệt là kiến trúc của người Bahnar.
Sau chuyến đi này, tôi và hai người anh em khác ở lại để học hỏi thêm về truyền thống và con người Bahnar tại giáo xứ Kon Rờbang. Giáo xứ này thuộc giáo phận Kon Tum và được hai cha anh trong Dòng Đa Minh coi sóc. Chính nơi đây chúng tôi được gặp gỡ, tiếp xúc, trò chuyện với những người đồng bào Bahnar, cũng như được tìm hiểu về cuộc sống hằng ngày của họ. Lúc mới đến, chúng tôi cảm thấy rất hào hứng vì sự đón tiếp rất nồng hậu của con người nơi đây. Họ đón chúng tôi bằng những nụ cười thật rạng rỡ cùng những lời chào rất tôn trọng, khiến chúng tôi hơi ngạc nhiên vì tôi không nghĩ rằng mình được mọi người đón tiếp như vậy. Khi đến, chúng tôi là một nhóm, nhưng mỗi người có một sở thích và công việc riêng được trao cho nên cảm nhận của từng người cũng rất khác nhau về con người nơi đây.
Riêng tôi học được khá nhiều thứ. Tôi được mở rộng tầm nhìn của mình vì được dạy cho biết sự khó khăn trong cuộc sống của họ. Nó không giống với bất cứ điều gì mà tôi đã được biết qua nơi sách vở, hay qua lời kể của những người anh đi trước. Dù rằng đã có sự chuẩn bị từ trước nhưng tôi vẫn thấy khá “sốc” trước những gì được chứng kiến trong một lần đi với cha xứ đến một buôn để dâng lễ. Điều làm tôi bất ngờ nhất chính là đức tin của con người nơi đây. Dù rằng cuộc sống của họ khó khăn, thiếu ăn, thiếu mặc nhưng đức tin của họ lại rất sống động. Đức tin của họ được thể hiện qua ánh mắt tươi vui, cử chỉ thân thiện, và lời kinh sốt sắng. Họ luôn đến nhà thờ dự lễ dù cho trời mưa gió hay rét buốt. Mỗi ngày, họ đều thức dậy từ sớm và phương tiện họ dùng để đến nhà thờ chỉ là đôi chân trần, không giày dép. Chỉ cần điều này thôi cũng đủ để tôi phải nể phục trước niềm tin mạnh mẽ của họ. Hình ảnh những cụ già mặc những bộ đồ truyền thống đã cũ rích, lưng thì còng ngày nào cũng đi lễ làm tôi khá chạnh lòng. Hình ảnh ấy còn khiến tôi nhiều khi thấy hổ thẹn vì sự yếu kém, lười lĩnh thực hành đức tin của mình. Không chỉ riêng những cụ già mà hầu hết các giới, từ thiếu nhi đến giới trẻ, từ những đôi vợ chồng đến những bà mẹ địu con nhỏ sau lưng đi lễ, đều có đời sống đạo tuyệt vời như thế. Có lần trời mưa, tôi thấy một chị trẻ tuổi địu đứa con nhỏ sau lưng đến nhà thờ. Sau thánh lễ, tôi tiến lại gần chị và hỏi: “Mưa như vậy sao chị không để em bé ở nhà, lỡ nó bị bệnh thì sao?” Chị trả lời tôi: “Ở nhà nó khóc”. Câu trả lời rất hồn nhiên của chị làm tôi không biết nói gì thêm. Nhưng chị có thể ở nhà trông con mà. Tôi tính nói thêm, nhưng lại thôi. Vì tôi như bị hút vào thái độ vui tươi của chị. Đó là về đời sống đức tin, còn một điểm nổi bật khác không kém phần quan trọng mà tôi đã khám phá ra là đời sống nhân bản của họ.
Dù rằng đời sống của anh chị em Bahnar nơi giáo xứ Kon Rờbang rất khó khăn nhưng không vì thế mà cuộc đời họ buồn chán hay tẻ nhạt. Những nụ cười lạc quan luôn nở trên môi những con người nơi đây. Bất cứ ai gặp chúng tôi cũng chào đón rất thân thiện. Họ chào đón chúng tôi như những người thân quen trong gia đình họ. Hằng ngày chúng tôi rất may mắn được cùng với các bạn giáo lý viên nơi đây chuẩn bị phần ăn sáng cho các em thiếu nhi. Những lúc như thế tôi thấy vui vì được nhìn thấy vẻ vui tươi và hồn nhiên trên khuôn mặt các em và lời cám ơn là thứ không bao giờ thiếu, luôn đi kèm theo những nụ cười. Trong quá trình được tiếp xúc với các bạn giáo lý viên, tôi thấy họ là những con người rất nhiệt huyết. Ngoài giờ dạy giáo lý cho các em thiếu nhi, họ còn thường xuyên ở lại nhà thờ để phụ giúp những công việc giáo xứ, cụ thể như việc phân loại những thứ nhu yếu phẩm có được từ những nhà từ thiện đến tặng, hay phụ giúp trang trí cho những sự kiện của giáo xứ và còn đóng góp những tiết mục văn nghệ phục vụ cho những sự kiện ấy. Họ luôn làm việc hăng say dù cho bụng có đói vì chưa ăn sáng. Họ luôn vui tươi trong công việc và không bao giờ trốn tránh bất cứ việc gì trong khả năng họ có thể làm. Đó là con người của họ, còn về truyền thống thì rất đặc sắc.
Tôi cũng có vài lần được thưởng thức những tiết mục văn nghệ rất đặc sắc, đậm chất truyền thống của người Bahnar như múa xoan, hát hò, cồng chiêng, đàn đá… Và rượu cần là thức uống không thể thiếu trong những buổi liên hoan của họ. Kiến trúc nhà ở của họ cũng đặc sắc không kém với những ngôi nhà rông cao vút, hay những ngôi nhà sàn luôn mang dáng vẻ của con người Tây Nguyên nói chung và của người Bahnar nói riêng. Những họa tiết truyền thống của người Bahnar cũng rất đặc biệt và thường được trang trí cho những bộ đồ thổ cẩm, trong các nhà thờ, nhà rông…
Trong một tháng ở lại Kom Tum tôi cũng thu thập được vài món đồ truyền thống của người Bahnar, nhưng “món đồ quý báu nhất” tôi có được là con người nơi đây. Và tôi cũng đã có được thêm một người bạn khá thân. Cô ấy tên là Tian, một cô gái Bahnar chính gốc. Tôi quen biết cô ấy qua quá trình dạy giáo lý chung trong một lớp đặc biệt gồm toàn các em không biết chữ hay đã quá tuổi. Trong quá trình làm việc chung, tôi đã học được rất nhiều điều từ cô ấy. Cô ấy là một con người vui vẻ, hồn nhiên và đặc biệt hơn, cô luôn kiên trì dù cho việc dạy giáo lý cho những em không biết chữ không bao giờ là một việc làm dễ dàng. Đó là tất cả những gì tôi đã khám phá ra trong mùa hè này.
Kết thúc thời gian một tháng ở lại Kon Tum, tôi trở về nhà với gia đình, người thân và bạn bè. Hiện tại tôi đã trở lại ngôi nhà Thỉnh viện để chuẩn bị cho một năm học mới và mong chờ đến một cái hè sắp tới với những hứa hẹn thú vị hơn.