[ĐMX72] Con Đường Bạn Chọn

18-06-2019
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 1522 lượt xem

__Anrê Vũ Quốc Hùng__

Chúa luôn yêu thương chúng ta. Ngay từ khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã mời gọi chúng ta đến với Người để được ơn cứu độ, qua nhiều cách thức và bậc sống khác nhau. Những lời mời gọi đó đều đem lại cho ta ơn cứu độ nếu chúng ta biết đáp trả lại và sống đúng với ý nghĩa mà Thiên Chúa đã mời gọi.

Cuộc sống của chúng ta như là một con đường có nhiều ngã rẽ. Mỗi người luôn phải băn khoăn lựa chọn cho mình một lối đi, một con đường phù hợp với mình. Con đường ấy có thể rộng hoặc hẹp, có lúc quanh co, có khi thẳng tắp, có khi lại gập ghềnh sỏi đá làm nên thăng trầm của cuộc đời.

Chính lúc cuộc đời đứng ở những ngã rẽ, chúng ta mới phải đắn đo và lựa chọn. Lúc ấy hãy dừng lại tìm cho mình một lối đi riêng, một con đường mang theo hành trình của chính mình. Mặc dù cuộc sống ẩn chứa vô vàn những lựa chọn, nhưng ta chỉ có thể chọn một lối đi riêng, một con đường riêng, bằng cách nhận ra rằng mình là thụ tạo được Thiên Chúa mời gọi. Những lời mời gọi đó sẽ xảy ra cách nào và ở đâu? Chính trong những biến cố cuộc đời, qua Lời Chúa trong Kinh Thánh và trong những hoạt động của Chúa Thánh Thần. Học biết nhìn nhận và đáp trả những tiếng gọi này là chìa khóa giúp ta lựa chọn được đúng ơn gọi của mình. Nhưng điều quan trọng hơn hết là ta phải dám từ bỏ để chọn và sống đúng với ơn gọi của mình nữa.

Đôi khi chúng ta cho rằng con người ta sinh ra đều có những số phận khác nhau, người này thì giàu có, người kia thì nghèo khổ, người khác thì làm ông này bà kia… Vậy có phải Thiên Chúa đã định sẵn cho mỗi người trong chúng ta một con đường riêng như thế không? Hay chính chúng ta là người quyết định số phận của mình? Chúa nói “Chính Thầy là con đường là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14, 6). Lời mời gọi “Thầy là đường” cũng có nghĩa, Thiên Chúa cho chúng ta quyền tự do lựa chọn đi hay không đi trên con đường ấy, đáp trả hay không đáp trả lời mời gọi của Người, hoàn toàn không có chút bắt buộc.

Khi tạo dựng con người theo hình ảnh mình, chính Thiên Chúa đã khắc ghi vào trong tâm hồn họ sự khát khao nhìn thấy Ngài. Cả khi họ không nhận ra sự khát khao này, Thiên Chúa vẫn không ngừng lôi kéo họ đến với mình, để họ được sống và tìm được nơi Ngài chân lý và hạnh phúc viên mãn mà họ không ngừng tìm kiếm[1].

Đó chính là lời mời gọi con người nhận biết và sống hiệp thông với Người. Khởi đi từ ơn gọi làm con cái Chúa, Thiên Chúa còn mời gọi ta sống và hiệp thông với Người qua các ơn gọi khác, như ơn gọi hôn nhân, ơn gọi tu trì và ơn gọi độc thân giữa đời. Nhưng làm sao để ta biết được Thiên Chúa đang mời gọi ta tham dự vào đời sống ơn gọi nào? Thiên Chúa không gọi chúng ta cách trực tiếp như Người mời gọi Thánh Phêrô, Anrê, hoặc Máthêu. Người mời gọi chúng ta qua cầu nguyện, qua suy niệm Kinh Thánh hoặc qua những biến cố của cuộc đời cũng như những khát khao nơi tâm hồn ta.

 Những lúc đứng giữa những ngã rẽ cuộc đời chúng ta hãy dừng lại, cầu nguyện và tìm hiểu xem đâu mới là ơn gọi của mình. Trước hết cầu nguyện là chìa khóa quan trọng nhất để chúng ta mở được món quà ơn gọi mà Thiên Chúa tặng ban cho. “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho” (Lc 11,9). Chính Thiên Chúa sẽ soi lòng mở trí cho chúng ta nhận ra được ơn gọi của mình. Cầu nguyện cũng chính là khoảng lặng để chúng ta nhận ra tiếng Chúa mời gọi thông qua các biến cố cuộc đời. Như thánh Phaolô với biến cố trên đường đi Đamát, ngài đã bị mù và có thể chính lúc đó là khoảng lặng để ngài nhận ra được ơn gọi của mình và trở thành vị Tông Đồ rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Trong những biến cố của cuộc đời, Thiên Chúa sẽ không gọi đích danh chúng ta như Người đã gọi thánh Phaolô: “Saolô, Saolô, sao ngươi bắt bớ Ta” (Cv 9,4), mà chính chúng ta phải tự tìm hiểu qua biến cố ấy Người muốn chúng ta làm gì.

Để hiểu được ý Chúa muốn ta làm gì, ta phải kết hợp với Người không chỉ qua cầu nguyện mà nhất là còn qua các Thánh lễ. Trong Thánh lễ ta cũng lắng nghe được tiếng Chúa nói với chúng ta qua Tin Mừng hay các bài đọc. Chính lời giảng của vị linh mục sẽ phần nào làm cho ta thấy đươc ơn gọi mà Chúa mời gọi ta, có thể Người sẽ đánh động chúng ta qua những lời ấy. Thánh Anbêtô đã nhận ra ơn gọi của mình nhờ nghe bài giảng của cha Giođanô[2], và sau đó đã gia nhập dòng Anh Em Giảng Thuyết. Không chỉ thế, việc tham dự Thánh lễ còn giúp chúng ta kết hợp mật thiết với Chúa Kitô. Ân sủng và sự bình an được ban tặng khi chúng ta đón nhận Mình Máu Thánh Người, đẩy lui đi những lo lắng hay những ồn ào của thế giới bên ngoài để chúng ta có thể lắng nghe được tiếng Chúa và mau mắn đáp trả.

Định hướng ơn gọi của mình là yếu tố quan trọng nhất. Qua việc tìm hiểu và học hỏi từ sách vở, hoặc các bài viết về ơn gọi giúp chúng ta có thể sẽ khám phá thêm về những đòi hỏi cũng như những đặc điểm và lý tưởng của các đời sống ơn gọi. Từ đó, ta mới có thể chọn cho mình một con đường ơn gọi phù hợp. Qua những hiểu biết về các ơn gọi, chúng ta hãy tự đặt ra cho mình những câu hỏi như: Tôi đáp ứng được những đòi hỏi nào trong các đời sống ơn gọi? Lý tưởng ơn gọi nào thu hút tôi? Con đường ơn gọi nào sẽ mang đến hạnh phúc cho tôi?… Hãy tự đặt ra cho mình những câu hỏi và trả lời chúng.

Có thể ta vẫn không nhận ra tiếng Chúa gọi mời như cậu bé Samuel xưa. Thiên Chúa đã mời gọi cậu, nhưng cậu không hay biết và cứ tưởng thầy Hêli gọi mình, nhưng thầy Hêli biết Chúa đang mời gọi Samuel và chỉ cho cậu biết đáp trả lại lời mời gọi ấy: “Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe” (Sm 3,10). Vì thế, ta hãy tìm đến tham khảo ý kiến của những vị đã đi trước. Đó có thể là bố mẹ, hoặc một vị linh mục, tu sĩ… Họ là những người đã tìm ra được ơn gọi của mình, họ đã sống ơn gọi đó và có ít nhiều kinh nghiệm trong việc lắng nghe tiếng Chúa. Chính Thiên Chúa sẽ dùng những vị ấy, để qua họ, chúng ta có được những hướng dẫn cần thiết trước những biến cố cuộc đời hầu tìm được hướng đi Chúa muốn. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những gợi ý mà thôi. Phần quan trọng nhất vẫn là bản thân chúng ta chủ động đáp trả, bằng việc can đảm từ bỏ mọi sự theo đòi hỏi của Chúa.

Từ bỏ, hai từ đó nói thì dễ nhưng để sống được thì rất khó nhất là đối với đời sống giới trẻ chúng ta. “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24). Chúa Giêsu mời gọi mỗi người chúng ta hãy từ bỏ chính mình mà theo Người. Từ bỏ ở đây chính là sự chết đi con người cũ, con người tội lỗi của mình. Từ bỏ đi những thú vui, những đam mê để bước đi theo Người trong ơn gọi tu trì. Vậy những ơn gọi khác không cần đến sự từ bỏ sao? Sự từ bỏ luôn cần cho mọi con đường ơn gọi. Trong ơn gọi hôn nhân sự từ bỏ đòi hỏi chúng ta phải biết hy sinh những thói quen tật xấu, hy sinh đi sự tự do độc thân để đi tìm hiểu và kết hợp nên một xương một thịt với bạn đời của mình. Ở nơi ơn gọi độc thân giữa đời thì sao? Chúng ta thường thấy ơn gọi này thật đơn giản, và dễ sống. Nhưng nó cũng có những khó khăn và những đòi hỏi riêng của nó. Ơn gọi độc thân giữa đời đòi hỏi ta cần một sự từ bỏ hạnh phúc riêng hiến dâng cuộc đời để phục vụ một lý tưởng và theo đuổi một chí hướng, ta cần từ bỏ đi những đam mê để giữ đức khiết tịnh giữa đời sống thường ngày.

Chỉ khi chúng ta dám từ bỏ mới là cách giúp chúng ta đáp trả lại lời mời gọi của Thiên Chúa. Nếu không biết từ bỏ chúng ta khó lòng mà chọn được ơn gọi của mình. Chàng thanh niên trẻ trong Tin Mừng Máccô là một ví dụ điển hình cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của sự từ bỏ:

Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi. Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải (Mc 10, 20).

Chúng ta có thể thấy được nơi chàng trai ấy, có sự cầu tiến và có một lòng nhiệt huyết đi tìm con đường dẫn đến sự sống đời đời, nhưng anh ta chỉ thiếu một điều là không thể từ bỏ. Chàng thanh niên đã tìm thấy ơn gọi của mình, nhưng sự giàu sang đã vây kín cuộc đời anh, khiến con tim anh ta không thể mở ra để đáp trả lại lời mời gọi của Thiên Chúa. Chính vì vậy, để bước theo ơn gọi của mình chúng ta phải từ bỏ không phải một lần nhưng là mọi ngày trong suốt hành trình đó.

Khi chúng ta đã chọn cho mình được một ơn gọi, thời gian đầu là khoảng thời gian tìm hiểu, cũng chính là lúc để ta phân định ơn gọi của mình. Trên con đường ấy, có thể chúng ta sẽ gặp những khó khăn và sau bao nhiêu cố gắng chúng ta không thể vượt qua được, ta không tìm thấy được bình an và hạnh phúc trên con đường mình đã chọn. Có thể chúng ta sẽ nhận ra rằng đời sống ấy khác hẳn so với những gì ta đã tìm hiểu và lý tưởng của đời sống ấy không phù hợp với ta. Chính những lúc đó chúng ta nên phân định lại ơn gọi của mình, bằng cách can đảm quay lại từ những bước đầu tiên. Khi đã nhận ra được ơn gọi của mình là một con đường khác, ta có dám từ bỏ con đường mà ta đã chọn, con đường mà ta đã bỏ ra bao nhiêu công và thời gian tìm hiểu không? Ta có dám bắt đầu lại một con đường mới với những khó khăn mới không? Nhiều người không dám từ bỏ con đường mà họ đã đi. Có thể vì áp lực gia đình hay vì công sức họ bỏ ra quá nhiều, dẫn đến, họ không dám từ bỏ để chọn đúng ơn gọi của mình. Họ chọn cách nín thở qua sông, cố gồng mình đi trên con đường ấy, nhưng không tìm được sự bình an và hạnh phúc, từ đó họ làm mất đi ý nghĩa ơn gọi mà họ đã chọn. Nhất là, họ đã lãng phí đời họ, lãng phí những nén bạc Chúa trao.

Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta. Ngay từ khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã mời gọi chúng ta đến với Người để được ơn cứu độ, qua nhiều cách thức và bậc sống khác nhau. Những lời mời gọi đó đều đem lại cho ta ơn cứu độ nếu chúng ta biết đáp trả lại và sống đúng với ý nghĩa mà Thiên Chúa đã mời gọi.


[1] Bản toát yếu GLHTCG, số 2.

[2] Vị Tổng quyền thứ 2 của Dòng.

Từ khóa: , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com