[ĐMX72] Ánh Nhìn Đời Tu, Một Cái Nhìn Nhân Bản

06-04-2019
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 1556 lượt xem

Sao bây giờ tôi mới nhận ra
Nét đẹp phận người trong buốt giá
Nghèo hèn, cơ cực, luôn hi vọng
Tình thương, lòng mến mãi đậm đà!

Gioan Baotixita Đỗ Tấn Nguyên Đình

Đi tu cũng là một cuộc ra đi tìm kiếm lí tưởng của đời mình. Hành trình đời tu đâu phải một cách khác để tiến thân, mưu cầu danh vọng. Nếu chỉ vào nhà dòng để sống với cái vỏ bọc bề ngoài, cuộc đời lúc ấy vô vị lắm. Cái khuôn đúc luôn cần có những vật liệu tốt cho vào mới có thể tạo nên những điều giá trị. Dù đi tu hay ở trường đời, lúc nào con người ta cũng cần sống cho có ý nghĩa. Một trong những điều làm nên ý nghĩa đời tu chính là cách nhìn con người và cuộc đời. Khi có cái nhìn tốt lành về người khác, mỗi cá nhân sẽ có khả năng yêu thương và cho đi chính cuộc sống của mình.

Thật vậy, sự bao dung trong cách nhìn cuộc đời chính là mở trái tim mình ra để thấu hiểu. Hành động của một người không chỉ chịu sự tác động của những nguyên nhân bên ngoài mà còn cả những thúc giục bên trong. Chỉ khi biết được phần nào những điều ấy, sự đánh giá của mỗi người về người khác mới là khách quan, là tích cực. Hơn thế nữa, việc thấu hiểu những trách nhiệm cũng như những khó khăn người khác đang mang trên vai sẽ mở ra cho trái tim những người chứng kiến một con đường dẫn đến sự chia sẻ và đồng cảm. Đơn cử hình ảnh một người mẹ đang mang thai. Trong một gia đình mẫu mực, người chồng chắc hẳn sẽ hết lòng chăm sóc cho vợ mình với sự quan tâm chu đáo nhất. Sự việc thường tình đó trong cuộc sống hằng ngày đang mô tả một khuynh hướng quan trọng nơi tâm thức con người: tâm hồn con người luôn luôn hướng về những điều cao quí và có ý nghĩa quan trọng. Việc người mẹ mang thai đồng nghĩa với nhu cầu cần được quan tâm đặc biệt cũng như nhắm đến sự chào đời của đứa con trong bụng. Thế giới sắp chào đón một thành viên nữa và điều này cũng sẽ mang lại niềm vui cho nhiều người. Chính vì những ý nghĩa tốt đẹp như vậy mà cả người bố lẫn bà mẹ đang trong thời kỳ thai nghén đó thấy rằng từng giây phút trôi qua thật hệ trọng và đáng nhớ. Những trải nghiệm cuộc sống như thế này rất nên được nhân rộng, cách đặc biệt hơn nữa trong cách sống của những con người chọn đời tu.

Đi tu cũng chính là mở ra những tương giao đích thực qua sự hiểu biết hoàn cảnh của người khác và đồng cảm với họ. Sự đồng cảm ở đây đâu phải chỉ dành riêng cho trường hợp những người mẹ đời thường vừa kể ở trên, nó còn phải lan rộng đến những đối tượng khác trong đời sống hằng ngày. Người đi tu không sống đời đôi bạn nhưng luôn có trách nhiệm trong đời sống cộng đoàn mình thuộc về. Do vậy, một ánh nhìn cảm thông sẽ là phương tiện tốt để xây dựng cộng đoàn ngày một phát triển hơn.

Như vừa nói đến ở trên, cái nhìn cảm thông có được không phải từ những lợi ích của mối quan hệ đem lại cho cả hai bên, nhưng đến từ một trái tim biết nhận ra những nhu cầu cần thiết của người bên cạnh mình. Mỗi người đều có những gánh trách nhiệm riêng phải trả lẽ trước mặt Chúa, cho nên, có thể nói rằng mỗi người cũng có những lúc cần đến sự trợ giúp trong việc chu toàn những trách nhiệm đó. Trước hết phải kể đến là trách nhiệm làm người. Luật lệ tự nhiên trong cõi lòng con người đòi buộc mỗi người sống theo lẽ phải ở đời. Đó là một trách nhiệm cốt tủy mà mọi người đang gánh trên vai. Kế tiếp là những trách nhiệm xã hội mà tùy theo bậc sống, mỗi người sẽ có những chọn lựa riêng phù hợp với mình. Hơn thế nữa, những người Kitô hữu còn có những trách nhiệm riêng biệt phải cần đến ơn thánh Chúa mới có thể hoàn thành cách viên mãn. Điều đáng nói ở đây là mỗi người đều có bổn phận sống đúng với tiếng gọi của lương tâm mình, trong đó cũng bao gồm lời mời sống hiến dâng cùng với tinh thần tương thân tương ái. Đời tu cũng là một cách thức đáp lại tiếng gọi ấy, ở một cung bậc mạnh mẽ hơn. Những con người đời tu phải là chứng nhân cho tiếng nói của Thiên Chúa vang vọng trong tâm hồn mình. Cái nhìn của những người theo Chúa, không gì khác hơn, cũng phải là cái nhìn của chính Chúa, một cái nhìn của sự thấu hiểu.

Quả vậy, dù biết rằng ai cũng cần được giúp đỡ, thế nhưng, ai sẽ là người luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ cách hoàn toàn vô vị lợi đây?

Thật may mắn vì ngay trong Kinh Thánh, Chúa Giêsu hiện lên như một mẫu gương tuyệt hảo về những ánh nhìn như vậy. Chúa đã nhìn ra người thu thuế có tên Lêvi là một người có tấm lòng nhân hậu. Ở đâu đó trong tâm hồn ông vẫn cháy bỏng một ước muốn thoát ra khỏi gông cùm của tiền bạc, của tham vọng. Sau giây phút được ơn thánh biến đổi, ông đã trở thành chứng nhân cho tình thương của Chúa. Trong một hoàn cảnh khác, chỉ có Chúa mới có thể nhận ra tấm lòng tan nát của người phụ nữ bị tố cáo phạm tội ngoại tình. Cả một cộng đồng người đang lăm le trừng phạt một con người tội nghiệp theo cách thức hết sức dã man. Chỉ một mình Chúa dám đứng ra bênh vực cho người phụ nữ đó. Khoảnh khắc của ân sủng không chỉ cảm hóa được cõi lòng của người phụ nữ ấy mà còn đánh động cách mạnh mẽ đến tâm hồn của đám đông vây quanh. Ánh mắt cảm thông thực sự của Chúa đã mang lại sức mạnh làm biến đổi phận người. Những ai tín thác nơi Chúa cũng sẽ mang trong mình một năng lực lớn lao như thế. Sự thấu hiểu thường đến trước hành động muốn giúp đỡ. Chỉ khi có được sự thấu hiểu như thế, con người mới dễ dàng cho đi. Chấp nhận một người nào đó cũng có nghĩa là đặt họ vào trái tim của mình để đồng cảm, để nguyện cầu. Tình yêu thương những lúc ấy trở thành một trung tâm soi sáng tất cả, đem lại ý nghĩa cho mọi hoạt động của đời sống.

Đến đây, mỗi người như nhận ra một nhu cầu khác nữa của tình yêu thương: nhu cầu thấu hiểu. Đúng vậy, thấu hiểu chính là một con đường dẫn đến yêu thương. Tương quan đích thực chỉ diễn ra khi mỗi người biết sống cho người khác: lòng thương cảm trong tôi bắt đầu bung tỏa khi tôi nhận ra những vết thương tâm lí của người anh em, chị em bên cạnh tôi đang phải gánh chịu, từ gia đình hay từ một nguyên nhân nào khác; vẻ nghiêm nghị của những người đứng đầu cộng đoàn nay không còn làm tôi khó chịu nữa, vì tôi hiểu rằng các vị ấy sẽ phải trả lẽ trước mặt Chúa về cách coi sóc cộng đoàn của mình; khi tôi nhìn về những người anh chị em khác quanh tôi, ai cũng có những trách nhiệm cá nhân phải chu toàn cho tốt, tôi lại thấy mình cần sống tử tế hơn, hòa đồng hơn; lúc nghĩ về những người khác trong xã hội, ai cũng có những trách nhiệm trên vai, không thiếu những khi dãi nắng dầm sương, tôi lại thấy lời cầu nguyện của tôi sao ý nghĩa quá, ở ngoài đời kia có mấy ai biết nghĩ cho người đồng loại của mình! … Có lẽ, con đường nên thánh của chị thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu cũng khởi đi từ những mối tương quan vô hình như vậy. Sự đồng cảm có thể vượt qua khoảnh cách của không gian, vươn đến sự gặp gỡ trong cùng một tình yêu hướng về cõi tuyệt đối. Mang trong mình một lí tưởng như vậy, xã hội con người sẽ đẹp hơn biết chừng nào! Nói tóm lại, đường tu trì cũng chính là một con đường khác của yêu thương. Đi tu không có nghĩa là tách biệt với thế giới bên ngoài, nhưng là đi vào đó trong tư thế của những người dâng hiến trọn vẹn cho Tin Mừng Chúa Kitô. Đời tu đâu phải là một tập thể những con người kì dị, nhưng đó thật sự là một cộng đoàn những cá nhân biết quan tâm lẫn nhau, hi sinh cho nhau. Trên tất cả, đời sống ấy trước hết là một đời sống thấm đượm tính nhân bản. Mỗi thành viên trong cộng đoàn đều là một trung tâm phát tỏa tình yêu của Thiên Chúa. Sức mạnh ấy khởi đi từ cái nhìn của yêu thương, đặt nền trên sự thấu hiểu người khác, cũng là chính cánh cửa luôn rộng mở từ trái tim mình

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com