Gr 31,31-34; Hr 5,7-9; Ga 12,20-33
Phụng vụ mùa Chay bắt đầu bằng thứ tư lễ Tro với lời kêu gọi “hãy sám hối vì Nước trời đã đến gần.” Thực hành sám hối là cách thức con người chuẩn bị tâm hồn đón nhận ơn cứu độ của Đức Kitô. Lời Chúa của 4 Chúa Nhật vừa qua đã tập trung giới thiệu cho chúng ta: thứ nhất, căn tính Đức Kitô và thứ hai, vai trò của Đức Kitô trong công trình cứu độ của Thiên Chúa. Trước khi tìm hiểu ý nghĩa Lời Chúa hôm nay, chúng ta hãy ôn lại các chủ đề phụng vụ các Chúa Nhật trước.
– Chúa nhật thứ nhất và thứ hai mùa Chay tập trung vào căn tính Đức Giêsu – Người vừa là con người thật (chịu cám dỗ như bao con người khác), và cũng là Thiên Chúa thật (vì là Con chí ái của Chúa Cha).
– Chúa Nhật thứ ba và thứ tư giới thiệu cho chúng ta sứ vụ cứu độ của Đức Kitô – Người vừa là Đền thờ của Thiên Chúa (như lời Người ám chỉ “Đền thờ chính là thân thể người”), và cũng là của lễ dâng tiến Chúa Cha (khi Người được giương cao trên thập giá).
Bằng hy lễ thập giá, Đức Giêsu đã hoàn thành sứ mạng, “trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu” cho chúng ta, như cách diễn tả của thư Hípri trong bài đọc II hôm nay. Tin Mừng Chúa Nhật V Mùa Chay giúp chúng ta hiểu hơn ý nghĩa của hy lễ thập giá Đức Kitô:
“Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”
Khi chấp nhận mục nát như hạt giống gieo vào lòng đất, Đức Giêsu đã sống trọn vẹn mầu nhiệm tự huỷ nơi bản thân Người. Mầu nhiệm này đã bắt đầu bằng việc Nhập Thể, khi Người được gieo vào trần gian. Mầu nhiệm ấy đã trải dài trong suốt cuộc đời trần thế của Người, với tư cách là một con người, kể cả chấp nhận chết trên thập giá vì ơn cứu rỗi cho con người.
Sự hy sinh và chấp nhận mục nát, hệ tại trước hết ở sự vâng phục hoàn toàn thánh ý Chúa Cha, như lời Người đã nói với các môn đệ “Lương thực nuôi sống Thầy là thi hành ý muốn của Cha.” Mặc dù vậy, với bản tính con người, Đức Giêsu không khỏi sợ hãi, xao xuyến trước “giờ” của Người. “Giờ” Đức Giêsu nói ở đây chính là giờ Người bước lên thập giá. Sự sợ hãi khiến Người phải thốt lên: “Bây giờ linh hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha xin cứu con khỏi giờ này.” Thế nhưng cuối cùng, tâm tình vâng phục tuyệt đối đã được bày tỏ với Cha của Người: “Nhưng chính vì giờ này mà Con đã đến. Lạy Cha, xin tôn vinh danh Cha.”
Lắng nghe những lời đầy xao xuyến của Đức Giêsu mà thư Hípri gọi là “tiếng kêu van khóc lóc… nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết”, chúng ta nhận ra rằng: sống vâng phục không phải là điều dễ dàng. Sự vâng phục đòi hỏi Đức Giêsu một cố gắng liên tục và suốt đời.
Được sinh ra và lớn lên trong một gia đình làng quê Nadarét, Người phải học để vâng phục cha mẹ trần thế. Với nghề thợ mộc, Người đã phải vất vả, đổ mồi hôi để cùng người cha kiếm sống cho gia đình. Khi thi hành sứ vụ, Người đã phải đối diện với bao nhiêu những khó khăn: sự u mê tối dạ của các môn đệ, cùng với những tham vọng địa vị của các ông; sự chống đối, thù nghịch từ phía các nhà lãnh đạo Do thái. Trong tất cả, Đức Giêsu đã phải học để biết sống vâng phục thánh ý Chúa Cha, như lời tác giả thư Hípri hôm nay:
“Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục .”
Với việc sống mầu nhiệm vâng phục và tự hiến, Đức Giêsu đã thực hiện một cuộc Vượt Qua – vượt qua tự nhiên để đạt đến siêu nhiên, vượt qua hữu hạn để đạt đến vô biên, vượt qua sự hư nát để đạt đến cái thường tồn, vượt qua cái chết để tiến đến sự sống. Thực hiện cuộc vượt qua này, Đức Giêsu đã huỷ bỏ Giao Ước Cũ tạm thời để thiết lập một Giao Ước Mới vĩnh cửu. Làm như thế Đức Giêsu đã thực hiện trọn vẹn điều mà ngôn sứ Giêrêmia trong bài đọc I đã tiên báo sáu trăm năm trước:
“Này sẽ đến ngày Ta sẽ lập với nhà Israel và nhà Giuđa một Giao Ước mới.”
Đức Giêsu đã sống mầu nhiệm vâng phục, tự huỷ để đem lại ơn cứu độ cho tất cả nhân loại. Đồng thời, Người cũng mời gọi chúng ta đi con đường vâng phục, hy sinh như thế để có sự sống đời đời và trở nên hữu ích cho người khác. Với việc đi con đường vâng phục và hy sinh, Đức Giêsu đã cho thấy một chân lý xem ra có vẻ nghịch lý: chết là con đường đưa tới sự sống. Các thánh có lẽ là những người trước hết cảm nghiệm sâu sắc giáo huấn này của Đức Giêsu.
– Thánh Phanxicô, trong lời kinh Hoà Bình, đã thốt lên: “Chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.”
– Thánh Đa Minh – người cùng thời với Phanxicô, như lịch sử kể lại, đã diễn tả mầu nhiệm tự huỷ của Đức Kitô trong chính cuộc đời của mình, khi dấn thân cho sứ vụ giảng thuyết, kể cả phải nguy hiểm tới tính mạng vì sự đe doạ của người lạc giáo.
Từ kinh nghiệm cá nhân, chúng ta cũng có thể hiểu được phần nào những lời giáo huấn của Đức Giêsu hôm nay. Mỗi khi mở rộng bàn tay để cho đi, thì chính là lúc chúng ta nhận được và trở nên phong phú hơn. Ngược lại, nếu cứ nắm giữ mọi thứ cho mình, thì chúng ta sẽ trở nên cằn cỗi, nghèo nàn và cô đơn.
Chúng ta đang sống trong một xã hội, theo cách diễn đạt của Đức Thánh Cha Phanxicô trong nhiều giáo huấn của ngài gần đây, đó là một xã hội ngày càng giàu có hơn, nhưng cùng lúc sự vô cảm cũng trở nên phổ biến hơn. Trong Sứ điệp Mùa Chay 2018 năm nay, Đức Thánh Cha đề cập đến tình trạng con người hôm nay đang sống với “một trái tim nguội lạnh”. Một trái tim không biết yêu thương đã sinh ra những thảm hoạ chống lại con người: bạo lực tàn sát lẫn nhau, những nạn nhân vô tội của chiến tranh, nhưng thai nhi bị giết khi con chưa kịp ra đời, v.v.., thậm chí cả thiên nhiên cũng chứng kiến sự lạnh lẽo của trái tim con người: trái đất cạn kiệt tài nguyên, biển cả bị ô nhiễm nghiêm trọng, v.v..
Và thật đáng ngại hơn nữa tình trạng kể trên cũng đang diễn trong các cộng đoàn Hội thánh dưới nhiều hình thức, Đức Thánh Cha viết:
“Tình yêu cũng trở nên nguội lạnh trong các cộng đoàn của chúng ta: trong Tông huấn ”Niềm vui Phúc Âm” (Evangelii gaudium) tôi đã tìm cách mô tả những dấu chỉ rõ ràng nói lên sự thiếu tình yêu như thế: thái độ ích kỷ lười biếng, sống bi quan chán chường, tự cô lập bản thân, dấn mình vào những tranh chấp làm tổn hại đến tình huynh đệ, não trạng trần tục chỉ bận tâm tới những gì bề ngoài và như thế là làm giảm bớt nhiệt huyết truyền giáo.”
Làm thế nào để khơi dậy ngọn lửa yêu thương nơi trái tim con người? Đức Thánh Cha đưa ra lời giáo huấn cho các Kitô hữu như sau:
“Tôi mời gọi các phần tử của Giáo Hội hãy nhiệt thành tiến bước trên con đường Mùa Chay, được nâng đỡ nhờ các hoạt động làm phúc bố thí, chay tịnh và kinh nguyện. Nếu đôi khi lòng bác ái dường như bị tắt lịm trong bao nhiêu tâm hồn, thì nó vẫn không bị lịm đi trong con tim của Thiên Chúa! Ngài luôn ban cho chúng ta những cơ hội mới để chúng ta có thể tái bắt đầu yêu thương.
[…]Trong đêm Phục Sinh, chúng ta sẽ cử hành nghi thức đầy ý nghĩa thắp sáng cây nến Phục Sinh: ánh sáng được lấy từ “lửa mới”, dần dần phá tan bóng đen và soi sáng cho cộng đồng phụng vụ. “Ánh sáng Chúa Kitô phục sinh vinh hiển phá tan đóng đêm của tâm trí”, để tất cả chúng ta có thể cảm nghiệm lại kinh nghiệm của các môn đệ trên đường Emmaus: lắng nghe Lời Chúa và nuôi dưỡng mình bằng Bánh Thánh Thể, giúp cho tâm hồn chúng ta tái nồng nhiệt tin cậy mến.”
* * *
Thánh Thể mà giờ đây cộng đoàn sắp cử hành, là phương dược thần linh chữa lành sự nguội lạnh của trái tim chúng ta. Sự hiệp thông Thánh Thể tháp nhập chúng ta vào mầu nhiệm tự hiến của Đức Kitô và biến đối chúng ta thành những thụ tạo mới có khả năng sống hy sinh, phục vụ và yêu thương tha nhân như Chúa dạy. Amen.