[Thánh Vinh Sơn Phêriê] Chương 9: Ơn Đức Tin Cho Người Hồi Giáo

11-03-2018
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 1599 lượt xem

Giống như những người Do Thái, các tín đồ Hồi giáo có mặt ở nhiều vùng tại Tây Ban Nha. Khi các nhà quý tộc Tây Ban Nha nhiệt thành chiếm lại được những lãnh địa trước đây bị người Ả Rập xâm chiếm, họ tái lập Kitô giáo với tất cả những quyền lợi, và bằng mọi phương tiện nhờ thế lực của mình, họ ủng hộ các cuộc trở lại của các tín đồ Hồi giáo sống trong đất nước của họ. Tuy nhiên, cũng có nhiều người chống lại ảnh hưởng này. Giống như những người Do Thái, họ sở hữu nhiều của cải và công nghệ. Vì thế, điều cần thiết là phải có giao hảo tốt với họ; thánh Vinh Sơn đã hết mình làm việc để đưa họ đến với Đức tin Công giáo. Ngài không nề hà vất vả và đau khổ để dẫn họ đến giếng rửa tội. Và cuối cùng, khi giảng ở bất cứ nơi nào, ngài kêu gọi các tín đồ Hồi giáo, theo lệnh của nhà vua, hãy đến nghe ngài giảng, đồng thời dành riêng cho họ những vị trí ưu tiên giống như đối với những người Do Thái.

Nhưng làm sao có thể nài ép dân chúng nghe ngài trong khi luật của Hồi giáo đặc biệt cấm các tín đồ lắng nghe những bài giảng của Kitô giáo? Lời Chúa là điều kiện tiên quyết cho sự thành công của Tin Mừng. Người nghe Tin Mừng dễ được lôi cuốn đón nhận đức tin, miễn là Lời Chúa được loan báo cách xứng hợp.

Vị hoàng đế Hồi giáo ở Granada, là Mohammed Aben-Baha, bị đánh động bởi danh tiếng các phép lạ thánh nhân làm, khao khát gặp ngài và cho phép ngài tự do giảng thuyết trong vương quốc mình. Vì thế, nhà vua gửi các sứ giả đến gặp thánh Vinh Sơn, như là đến gặp một thái tử, để báo rằng thánh nhân sẽ không bị ngăn trở nào khi loan báo Tin Mừng trong khắp vương quốc Granada. Lúc ấy, thánh nhân đang ở miền lân cận vùng Genoa, nước Ý. Ngay lập tức, ngài đi bộ đến Marseille, ở đó một chiếc thuyền lớn đang chờ đón ngài. Ngài thuận buồm xuôi gió đến cảng Andalusia. Vào buổi sáng sau khi đến Granada, thánh Vinh Sơn bắt đầu giảng thuyết trước sự hiện diện của nhà vua, quần thần và vô số dân chúng. Dù không quen với việc nghe những bài giảng thuyết dành cho đám đông, nhưng các tín đồ Hồi giáo vô cùng ngạc nhiên và ngưỡng mộ. Lời giảng của ngài hiệu quả đến độ chỉ sau ba bài giảng, đã có mười tám ngàn người Ma Rốc trở lại đức tin Kitô giáo. Chính thánh Vinh Sơn tự dành cho mình một vụ mùa bội thu trong cánh đồng mới mẻ này, nhưng ma quỷ tìm cách bóp nghẹt sự phát triển ấy, bằng cách gieo vào những hạt giống bất hòa. Chính hoàng đế Aben-Baha, cùng với toàn thể quần thần đã đón nhận phép rửa. Nhưng để quyết tâm cản trở điều này bằng mọi giá, các thủ lãnh Hồi giáo đe dọa nổi dậy, gây chiến và lật đổ ngai vàng. Họ nói: “Nếu bệ hạ đón nhận Tin Mừng thì những thần dân của bệ hạ, những người đang tin vào kinh Koran sẽ chẳng bao giờ đồng ý tuân phục một vị quân vương đã chối bỏ luật Hồi giáo mà trở thành một Kitô hữu.” Hoàng đế Aben-Baha lo sợ bị mất vương miện trần thế. Quá lo lắng vì những lời đe dọa của các thành phần cực đoan này, nhà vua gọi thánh Vinh Sơn đến và yêu cầu ngài rời khỏi vương quốc của mình, nhưng cũng đảm bảo rằng nhà vua vẫn hết mực kính trọng thánh nhân. Nhà vua nói: “Hãy trở về các quốc gia Kitô giáo và hãy đi ngay lập tức. Nếu không, ta buộc phải dùng bạo lực chống lại cha. Ta rất tiếc vì phải làm như vậy nhưng ta không thể cho phép cha ở lại.” Thánh nhân bày tỏ niềm vui trước sự bách hại và cái chết – suy nghĩ về phúc tử đạo khiến ngài tràn ngập vui sướng, nhưng ngài không muốn kích động nhóm Hồi giáo chống lại các tân tòng và đẩy họ tới nguy cơ chối đạo.

Vì thế, ngài rời vương quốc Granada, khẩn cầu Chúa phá hủy quyền lực sự dữ trong quốc gia này và thay vào đó bằng ơn giải thoát của Thập Giá vinh quang. Một thế kỷ sau, ao ước của thánh nhân được thực hiện. Granada bị tái chiếm và Tin Mừng đã trở lại vùng đất này. Có lẽ không phải là không có lý khi cho rằng nhóm các tân tòng do thánh Vinh Sơn thành lập tăng dần theo năm tháng và khi các nhà truyền giáo đến đất nước này, họ tìm thấy nhiều tâm hồn sẵn sàng tin nhận đức tin Kitô giáo.

Những biến cố trên không làm suy giảm lòng hăng say của thánh Vinh Sơn. Một thời gian sau, khi có cơ hội, ngài quyết định đến Châu Phi để giảng cho người dân Mauritania và dân Ả Rập trong sa mạc, nhưng những hoàn cảnh ngoài ý muốn xảy ra làm cho ngài không thể thực hiện được công việc cao cả này. Tuy nhiên, bằng nỗ lực và lòng nhiệt thành, ngài quyết tâm hoán cải những người Hồi giáo đang sống trong các quốc gia Kitô giáo. Ranđanô, một trong những nhà viết tiểu sử thánh nhân, ghi lại rằng có tám mươi ngàn người ngoại đạo được đưa về với Đức Tin Chân Thật. Con số này vượt xa con số cha Teoli đưa ra, nhưng con số của cha Teoli có vẻ đáng tin hơn: bởi vì nếu so sánh số người Do Thái và người Hồi giáo trở lại, thì số người Hồi giáo ít hơn đáng kể.

Tóm lại, quả thật thánh Vinh Sơn như một Phaolô khác, được Thiên Chúa sai đến để đưa những người Do Thái và Hồi giáo đến với đức tin Kitô giáo, để hoán cải vô số những tội nhân, và để hòa hợp các tín hữu thuộc mọi quốc gia và hoàn cảnh sống trong những mối quan quant tốt đẹp nhất của đời sống Kitô giáo. Chúng ta có thể thoáng thấy hiệu quả của sứ vụ tông đồ lạ lùng mà ngài nhận được từ chính Đức Kitô ở Avignon. Thánh nhân không ngại khẳng định điều này. Trong một bài giảng ở Castile năm 1411, thánh nhân nói: “Ngày tận thế không còn xa nữa và Vương Quốc của Chúa ở kề bên. Chẳng phải chính Chúa đã nói rằng cây vả ra trái là báo trước một mùa hè sắp đến sao? Như thế, cây vả chính là những người Kitô hữu. Mỗi ngày đều diễn ra những cuộc hòa giải và chúng tôi làm chứng các linh hồn đang từ bỏ những sự xúc phạm nặng nề nhất. Những kẻ yếu đuối, đam mê xác thịt và xấu xa sám hối tội lỗi. Những tội nhân cứng đầu được hoán cải và thường xuyên lãnh các bí tích. Cây vả Do Thái không còn còi cọc nữa, vì chúng ta thấy hằng ngày nó sinh nhiều hoa trái tốt đẹp trong mỗi thành phố ở Tây Ban Nha.” Có lẽ những người lạc giáo và Hồi giáo cũng tương tự như vậy. Thật vậy, thánh Vinh Sơn thực hiện công việc tông đồ trong Giáo hội như chưa từng thấy từ khi Tin Mừng được loan báo.

Sau khi loan báo Tin Mừng ở Avignon và thành lân cận, thánh Vinh Sơn bắt đầu đi bộ đến Tây Ban Nha. Trên đường đi, ngài giảng thuyết tại nhiều nơi ngài buộc phải ở lại. Tại Graus, miền Catalonia, ngài lập nhóm môn đệ làm nền tảng cho nhóm bạn đồng hành có tâm hồn đạo đức, cùng đi với ngài trên những hành trình tông đồ. Khi rời nơi đây, ngài để lại một kỷ vật, đó là cây thánh giá mà dân chúng đã xin ngài, và cây thánh giá này trở thành dụng cụ phát sinh nhiều phép lạ.

Từ Graus, thánh nhân đi đến Barcelona, một thành phố ngài hay viếng thăm và nơi đây dân chúng đặc biệt quý mến ngài. Trong một lần viếng thăm, ngài nhìn thấy thiên thần Bản Mệnh của thành phố, và khi ngài thuật lại sự việc cho cư dân, tại cổng thành nơi ngài nhìn thấy thị kiến, họ đã xây một nhà nguyện kính vị Bảo Trợ từ trời này.

Trong lúc lưu lại Cerveva, thánh Đa Minh hiện ra với thánh nhân trong phòng, khuyến khích ngài thi hành lệnh Chúa truyền. Thánh nhân giảng thuyết khắp nơi với những thành công lạ lùng và Chúa đã củng cố lời giảng của ngài bằng những phép lạ.

Đầu năm 1400, vị giảng thuyết lừng danh của chúng ta rời Catalonia và đi dọc bờ biển phía Nam nước Pháp, đến Provence. Dân chúng ở xứ Aix và Marseille được nghe ngài giảng. Ngài cũng loan báo Tin Mừng cứu độ cho tất cả mọi người trong nhiều thành phố và làng mạc lớn. Ngài gửi các linh mục trong nhóm đồng hành đến những nơi chính ngài không thể đến.

Sau khi giảng thuyết vào mùa Chay năm 1402 ở Marseille, thánh Vinh Sơn đến Rôma để gặp cha Gioan Puynoa, Tổng quyền Dòng, đệ trình những kế hoạch trong sứ vụ của mình và xin được chúc lành. Cha Tổng quyền phê chuẩn những dự định của thánh nhân, khuyến khích ngài theo đuổi sứ vụ cho đến cùng và ân cần chúc lành cho kế hoạch lớn lao này.

Sau đó, thánh Vinh Sơn đi đến những miền thung lũng thuộc giáo phận Emburn và hoán cải toàn bộ vùng ấy. Từ đó, ngài băng qua sườn núi Alpes, tiến vào Piedmonte và Lombardia, rồi sau đó đến Genoa. Năm 1403, ngài ở Marquisate thuộc Montferrat. Băng qua Alpes một lần nữa, vào cuối năm ấy, ngài đến Chambray. Tại đây, ngài thiết lập một tu viện cho anh em Dòng Giảng Thuyết. Năm 1404, vào mùa Chay ngài giảng ở Lausanne. Vào cuối tháng Tám, ngài rời Thụy Sĩ. Vào ngày 6 tháng Chín, ngài ở Lyon. Tại đây, ngài giảng suốt 14 ngày và thu được những kết quả lạ lùng. Sau khi băng qua toàn miền Lyon, thánh Vinh Sơn đến Lorraine và từ đó đến Flanders.

Trong khi giảng thuyết ở Flanders, Đức Bênêđictô XIII ra lệnh buộc ngài phải tháp tùng Đức Giáo hoàng đến Genoa, nơi Đức Giáo hoàng tổ chức hội nghị với các Hồng y nước Ý về vấn đề kết thúc cuộc ly giáo. Thánh Vinh Sơn vâng lệnh. Nhưng khi biết rằng việc đi Genoa bị hoãn đến mùa xuân năm 1405, ngài lưu lại Auvergne. Suốt mùa Vọng và mùa Chay, ngài khích lệ dân thành Claremont.

Vào tháng Năm năm 1405, ngài ở Genoa cùng với Đức Bênêđictô XIII. Tại đó, ngài đau buồn chứng kiến mọi nỗ lực nhằm dẹp bỏ ly giáo đã bị dập tắt. Chẳng còn gì hơn ngoài việc loan báo Tin Mừng cho dân chúng, ngài băng qua vùng duyên hải miền Genoa. Ở Savon, ngài tiếp đón sứ thần của quốc vương Hồi giáo ở Granada. Nhà vua mời ngài đến rao giảng Tin Mừng tại thủ đô của vương quốc. Chúng tôi đã thuật lại việc ngài chấp nhận đề nghị này như thế nào, đã thành công khi rao giảng cho người Hồi giáo ra sao, sự ghen tị của các thủ lãnh của tôn giáo sai lầm này, cũng như việc ngài bị buộc bỏ lại vụ mùa đã chín rộ. Tất cả những sự kiện này diễn ra vào năm 1406.

Rời Granada, thánh Vinh Sơn tiếp tục sứ vụ tông đồ ở Andalusia. Toàn thành phố Beaza được hoán cải nhờ lời giảng của thánh nhân; thành Ezija và Seville cũng như thế.

Từ đây, ngài đi đến miền Castile. Tại Castile, ngài nhận những lá thư và đón tiếp các sứ giả của vua nước Anh là Henry IV. Nhà vua mời ngài đến vương quốc Anh để loan báo Tin Mừng cho dân chúng nước này. Với lòng bác ái và sẵn lòng ôm trọn toàn thế giới, thánh Vinh Sơn vui vẻ nhận lời, và đi đến San Sebastian, một cảng ở vịnh Gascony. Vào mùa hè năm 1406, ngài tới nước Anh trên con tàu lớn được gửi đến đón ngài. Vị tông đồ không mệt mỏi lưu lại tại quốc đảo này hơn một năm, giảng thuyết khắp đất nước, làm trổ sinh biết bao hoa trái như tại các nơi khác trong hành trình sứ vụ. Sau khi loan báo Tin Mừng ở Anh, Scotland và Ireland, ngài quay trở về Pháp vào mùa thu năm 1407.

Có lẽ ngài băng qua vùng biển Bordeaux, còn theo các sử gia, ngài rời nước Anh đến vùng Gascony. Từ đây, ngài khởi hành đi Picardy và Poitou. Năm 1408, ngài giảng thuyết suốt mùa Chay ở Auvergne, sau đó qua dãy núi Pyrenées để một lần nữa giảng thuyết khắp Tây Ban Nha. Một tài liệu thời đó cho biết ngài đi từ nước này sang nước khác bằng ngựa. Sau đó, ngài bị thương ở chân và vết thương này hành hạ ngài trong suốt mười một năm cuối đời. Những cơn đau không cản trở ngài theo đuổi hành trình tông đồ. Niềm vui vì ơn cứu độ các linh hồn làm ngài quên đi đau đớn. Đi khắp miền Bắc Tây Ban Nha, ở Cuenca và ở Molina; ngài buồn lòng khi thấy những nỗ lực trong việc giảng thuyết của mình không sinh hoa kết quả. Ngài đến Perpignan, nơi Đức Bênêđictô XIII đã triệu tập một Công đồng. Sự ngoan cố của Phêrô Luna (Đức Bênêđictô XIII) đã làm tê liệt những kết quả tốt đẹp của Công đồng. Đau đớn vì những việc làm đáng tiếc của Đức Giáo hoàng, thánh Vinh Sơn lại tiếp tục hành trình rao giảng của mình cho tới khi đến Montpellier, và sau sứ vụ thành công ấy, một lần nữa ngài quay trở lại Perpignan. Ở đấy, ngài nhận được thư của vua xứ Aragon, đề ngày 22 tháng Giêng năm 1409, mời ngài đến Barcelona bàn về những công việc quan trọng.

Tuân theo lời mời của nhà vua, thánh Vinh Sơn tận dụng cơ hội trong chuyến đi này để có thể giảng thuyết ở Elne, Girone và ở Vich. Khi đến Barcelona vào tháng Sáu năm 1409, ngài không đồng ý tháp tùng nhà vua đến Công đồng, nhưng tiếp tục giảng thuyết với kết quả dồi dào. Khoảng cuối năm đó, ngài lên tàu đi Tuscane. Ngài băng qua các giáo phận Pisa, Lucca, Florence, và Siena, nơi ngài hoán cải tội nhân và phục hồi lòng đạo đức Kitô giáo. Đầu năm 1410, ngài quay trở lại Barcelona và một lần nữa đi khắp miền Catalonia và Aragon. Vào thời điểm này, ngài thiết lập một trường đại học ở Valencia, sinh quán của ngài. Từ đây, ngài đến Castile. Ở Salamanca, ngài làm cho một phụ nữ sống lại, chứng minh cho thính giả rằng chính ngài là thiên thần loan báo về cuộc Phán Xét, đã được kể đến trong sách Khải Huyền (14,6). Phép lạ này được ghi lại chi tiết trong quyển Hướng dẫn tâm linh vào ngày thứ Sáu tuần thứ 5 trước ngày lễ kính thánh nhân. Triều đình thay đổi sau khi vua Giacôbê ở Aragon băng hà mà không có thái tử nối ngôi nên ngài phải quay trở lại Barcelona. Ngài buộc phải lo dàn xếp vụ này. Nhưng sau nhiều cuộc thương thuyết đầy kiên trì và khôn ngoan, ngài biến điều ấy thành mối lợi cho đất nước ngài. Năm 1413, thánh Vinh Sơn loan báo Tin Mừng ở vùng đảo Balearic. Năm 1414, ngài đến Tortosa, nơi ngài hoán cải nhiều người Do Thái. Sau đó, ngài quay trở về Sagarossa, và ở lại đó cho đến đầu năm 1415 để giảng thuyết và thu được nhiều kết quả. Ngài được Thánh Thần của Chúa dẫn đến miền Trung nước Ý lần thứ hai và thành công mỹ mãn trong công việc tông đồ, đặc biệt là ở Bologna, nơi dân chúng vui mừng tặng ngài tước hiệu Công dân thành phố. Từ đây, ngài quay trở về Tây Ban Nha. Ngài nhanh chóng được triệu tập đến hội nghị Perpignan, nơi Đức Bênêđictô XIII tỏ lộ sự ngoan cố hơn bao giờ hết. Điều này khiến thánh nhân đau buồn đến độ lâm trọng bệnh. Vị thánh vinh quang đặt trọn niềm tin vào Chúa mà không cần đến sự giúp đỡ của y khoa. Đức Giêsu Kitô hiện ra, an ủi, chữa lành và báo cho ngài rằng ngài nên viếng thăm các nước khác.

Hội nghị Perpignan đã gây tại họa cho Đức Bênêđictô. Nhờ lời khuyên của các thần học gia, nhất là của thánh Vinh Sơn, vua xứ Aragon không còn tùng phục Đức Bênêđictô XIII, và kể từ đây, dấu hiệu của sự hiệp nhất đã bắt đầu. Chiếu chỉ của nhà vua được thông báo công khai vào ngày 6 tháng Giêng năm 1416.

Đầu năm ấy, thánh nhân đi qua nhiều tỉnh vùng Aragon kêu gọi dân chúng không vâng phục Đức Bênêđictô XIII nữa, và thúc đẩy họ tuân phục Công đồng Constance. Đây là một điều không dễ dàng, vì lâu nay những quốc gia này sống dưới quyền thống trị về mặt tinh thần của Đức Bênêđictô. Thánh nhân đưa ra lý lẽ vững chắc nhằm chống lại những thành kiến của họ và nhờ đó thuyết phục mỗi người. Chỉ trong một thời gian ngắn, nước Tây Ban Nha, cũng như Ý và các nước khác trong thế giới Kitô giáo, đang mong đợi tuân phục sự chọn lựa của Công đồng Contsance, đã sẵn sàng chấp nhận người vừa được Công đồng tuyển chọn là đại diện đích thực của Đức Giêsu Kitô.

Vua Aragon, người biết rõ sự hiện diện của thánh Vinh Sơn sẽ đem lại lợi ích cho Giáo hội như thế nào, đã mời ngài đến dự Công đồng Constance như một thần học gia của nhà vua. Nhưng thánh nhân từ chối vinh dự ấy vì nghĩ rằng thực hiện sứ vụ cao cả mà Chúa đã giao thì tốt hơn. Vì thế, ngài đến Languedoc. Cuối tháng Giêng năm 1416, sử liệu cho biết ngài ở Carcassone. Từ đây, ngài đi đến Béziers và Montpellier. Sau đó, ngài rong ruổi giảng thuyết khắp vùng Roussillon. Vào tháng Ba, thánh Vinh Sơn một lần nữa đi đến giáo phận Carcassonne, và trong năm ấy, ngài cử hành lễ Truyền Tin ở Montolieu, nơi ngài làm phép lạ chữa lành bệnh như được ghi chép lại trong quyển Hướng dẫn tâm linh vào ngày thứ Sáu tuần đầu tiên trước ngày lễ kính thánh nhân.

Từ Montolieu, thánh Vinh Sơn đi đến Toulouse. Hai linh mục cùng Dòng đã chờ đón ngài ở Castanet. Ngài đến thành phố vào thứ Sáu trước Chúa Nhật Lễ Lá, giữa những nghi lễ long trọng, và được đón tiếp như một thiên sứ đến từ trời. Vào buổi tối hôm ngài đến, một đoàn rước bày tỏ lòng sám hối công khai đã diễn ra. Lượng người tham gia đông vô kể. Bên cạnh những người lớn, cũng có khoảng ba trăm trẻ em. Chúng đánh lên đôi vai mềm yếu của mình để tỏ lòng ăn năn.

Chúng ta có thể xem đây là những điềm báo điều tốt lành cho những thiện ích lớn lao do lời giảng của thánh Vinh Sơn sẽ mang lại cho vùng Toulouse. Chúng ta cũng nhận ra những hoa trái kỳ diệu, điều chúng tôi đã mô tả sơ qua ở chương 7. Dù chỉ giảng một tháng nhưng kết quả lại dồi dào như thể thánh nhân đã giảng trong cả một năm. Các linh mục của thành phố, các tu sĩ đồng hành với thánh Vinh Sơn trong sứ vụ, cũng không đủ để giải tội cho các hối nhân. Những người làm giàu bằng sự lừa đảo và bất chính, nay hoàn trả lại những của cải đã chiếm đoạt do lòng tham của mình. Những người làm hại thành phố bằng những tội ác, nay ao ước hoán cải bằng việc sám hối công khai. Những hình phạt được đưa ra cho các hối nhân này dường như không đủ, nhưng họ tin rằng mình sẽ nhận hình phạt nghiêm khắc nhất. Mọi phụ nữ tai tiếng từ bỏ sai lầm của mình và bày tỏ rõ ràng lòng hoán cải chân thành. Thánh nhân để lại trong thành phố phần đông các phụ nữ đạo hạnh, những người vẫn theo ngài cho tới lúc này. Họ sống chung với nhau trong cộng đoàn và tuân giữ luật ngài trao cho họ.

Ngày 3 tháng Năm, thánh Vinh Sơn rời Toulouse. Ngài được tháp tùng đến miền Portet, nơi ngài làm việc tông đồ trong một thời gian ngắn, rồi sau đó đến Muret. Khi dừng chân ở thành phố ấy, ngài đã đến quận Caraman. Từ đây, ngài đi đến đến Saix và Castres. Tại Castres, ngài nhận được lời mời cấp tốc từ các nghị phụ Công đồng Constance, do phái viên của vua Aragon mang đến. Nhận được tin, ngài bắt đầu đi về thành phố, nơi Công đồng được tổ chức. Nhưng ngài đi theo từng chặng ngắn để giảng thuyết cho dân chúng, những người ngài có thể gặp gỡ trên hành trình.

Đến Alby vào ngày 28 tháng Năm năm 1416, ngài đã giảng ở đấy tám ngày. Sau đó, ngài thăm Gaillac, Cordes, Najac, và ngày 22 tháng Sáu, ngài tới Villefranche du Rouergne, nơi ngài thực hiện sứ vụ suốt năm ngày. Sau đó ngài đến Rodez. Truyền thống cho rằng ngài đã giảng thuyết trong một đồng cỏ rộng lớn ở tu viện thánh Felix cách đó không xa. Từ đây, ngài băng qua những ngọn núi ở Auvergne và đi thẳng tới đến Puy-en-Véley. Ở thành phố này, ngài gặp một vị đại sứ của Đức Gioan VI. Vị này là công tước Brittany, người mời thánh nhân vào trong lãnh địa của mình. Thánh nhân hứa đáp lại ước nguyện của công tước, nhưng khao khát trước tiên vẫn là tham dự Công đồng Constance và rao giảng ở các tỉnh lân cận biên giới nước Đức. Ngài băng qua vùng phía Đông Auvergne và Bourbonnais, và sau đó vào lãnh địa của công tước Bourgogne.

Ở Dijon, thánh Vinh Sơn tiếp đón một phái đoàn của Công đồng Constance do một Hồng y dẫn đầu. Phái đoàn đã trình bày một số khó khăn nghiêm trọng, và người của Chúa giải thích rành mạch đến nỗi các vị phải kinh ngạc trước sự phán đoán rõ ràng và minh bạch ấy. Khi biết được câu trả lời của thánh nhân, các nghị phụ Công đồng cũng hết sức thán phục và coi đó như là lời sấm. Lịch sử không cho biết những vấn đề được nêu ra như thế nào và cũng không cho biết cách thức giải quyết ra sao. Nhưng khi các sứ giả đi rồi, thay vì đi theo lộ trình tới Constance, thánh Vinh Sơn đi đến Brittany. Không phải vì ngài được miễn tham dự Công đồng, mà vì ngài không cần phải hiện diện nữa sau khi đã trả lời các vấn nạn họ đặt ra.

Rời Dijon, ngài băng qua miền Cham­pagne. Tại đan viện lừng danh Clairvaux, ngài chấm dứt dịch sốt từng gây đau khổ cho cộng đoàn. Langres và nhiều thành phố khác ở miền đó vui mừng vì diễm phúc được thấy và nghe ngài giảng. Ngài đi thêm đến Nancy, thủ phủ của vùng Lorraine, nơi một lần nữa ngài gặp các sứ giả của công tước Brittany. Họ xin ngài mau chóng đến lãnh địa của công tước. Sau khi cân nhắc những lời thỉnh cầu khẩn thiết như thế, thánh nhân rời Lorraine và đi đến Brittany qua con đường Berry. Tổng Giám mục vùng Bourges trước đây có một vài cảm tưởng không hay về thánh nhân, nhưng suy nghĩ ấy sớm biến mất khi ngài gặp gỡ và nghe thánh nhân giảng. Kể từ lúc ấy, Đức Giám mục đã bày tỏ tâm tình quý mến nhất dành cho thánh nhân. Vượt qua Berry vào Lorraine, thánh Vinh Sơn hoán cải thủ phủ của thành phố trước đây được xem là thành Babylon tội lỗi, nhưng giờ đây là một Giêrusalem bình an và đạo đức.

Tại đây vị sứ giả thứ ba của công tước Brittany đến gặp ngài. Sau đó, ngài vội vã đến miền đó qua Anjou. Khi giảng ở Angers để chống lại thói xa hoa của các phụ nữ, ngài đã ngăn chặn được thói hư tật xấu ấy.

Đầu tháng Ba năm 1417, thánh Vinh Sơn đến Brittany. Tại đây, ngài sẽ kết thúc sứ vụ của mình hai năm sau đó.

***

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com