Mục Lục
Donald J. Goergen, O.P.
Hẳn nhiên sự thánh thiện của cha Đa Minh đã được công nhận ngay trước khi cha qua đời. Các đan sĩ tại đan viện Monte Mario cũng như những anh em trong gia đình giảng thuyết và cả những ai được đánh động nhờ lời giảng của cha, có thể làm chứng cho điều này. Tuy nhiên, anh em chần chừ trong tiến trình phong thánh cho cha. Mười hai năm trôi qua. Cha Giođanô Saxônia, là người sau hai tháng gia nhập Dòng, đã được cha Đa Minh chỉ định làm nghị huynh tham dự Tổng hội năm 1220 và cũng là người được chỉ định làm giám tỉnh Tỉnh Dòng Lombardia tại Tổng hội 1221, kế vị cha Đa Minh trong cương vị Tổng quyền Dòng. Năm 1227, Hồng y Ugolino, là người nhiệt tình ủng hộ cha Đa Minh và cũng là người biết rất rõ sự thánh thiện của cha, đã trở thành Giáo hoàng Grêgôriô IX. Ngài nhắc nhở anh em phải chú tâm làm thủ tục phong thánh cho cha Đa Minh. Thật khó mà xác định được đó là ý tưởng của anh em hay của vị tân Giáo hoàng, hay chỉ là một ý tưởng xa lạ.Việc xây dựng lại ngôi giáo đường thánh Nicolas khiến phần mộ của cha Đa Minh bị lộ ra bên ngoài và không có gì che chắn khỏi mưa nắng. Anh em thấy cần phải xây một ngôi mộ mới cho vị sáng lập thánh thiện của mình. Năm 1233, anh em cải táng thi hài cha qua một ngôi mộ mới vào thời gian diễn ra Tổng hội. Một bầu khí vui mừng, hy vọng và lo sợ bao trùm tất cả. Khi mở ngôi mộ của cha ra, anh em sẽ thấy điều gì ? Dấu hiệu của sự thánh thiện hay mùi xú uế ? Anh em quyết định, vào đêm ngày 23 tháng Năm sẽ mở ngôi mộ ra. Chắc hẳn, anh em vừa lo lắng vừa cầu nguyện, và cảm thấy thật nhẹ nhõm khi có một mùi thơm dễ chịu tỏa ra từ nấm mồ. Ắt hẳn họ vừa cầu nguyện vừa khóc.[1] Chúc tụng Chúa ! Phép lạ hương thơm lan tỏa biến câu chuyện cải táng thi hài cha Đa Minh thành câu chuyện tuyên phong cho một vị thánh. Có ai đó sẽ nói chính Chúa đã bắt đầu án phong thánh cho cha. Năm sau, sau tiến trình điều tra, Đức Thánh cha Grêgôriô IX đã thêm cha vào sổ bộ các thánh và chỉ định ngày 5 tháng Tám là ngày lễ kính nhớ cha. Ngày nay, chúng ta mừng kính vào ngày 8 tháng Tám.
Thánh Đa Minh là người tài ba, gương mẫu và được nhiều người yêu mến. Cha là hiện thân của lòng can trường, bác ái và khôn ngoan. Dân chúng kéo đến với cha rất đông. Điều này lý giải tại sao dân chúng sẵn lòng đặt niềm tin vào việc giảng thuyết của cha, Đức giám mục Diego đã lựa chọn cha tham gia sứ vụ phía Bắc do nhà vua giao phó, và sự kính trọng, lòng yêu mến đối với cha tại các Tổng hội. Cha được miêu tả “là người luôn vui tươi, trừ những lúc xúc cảm vì nỗi phiền muộn của người khác.”[2] Cha Giođanô nhớ lại rằng : “Nhờ nét mặt vui tươi của mình, cha dễ dàng chiếm lấy thiện cảm của mọi người. Cha dễ dàng đi vào tâm hồn của người khác ngay khi họ gặp cha” (Libellus, số 104). Một người bạn của tôi thích dùng các từ “chân thành”, “hiệp nhất” và “vui tươi” để miêu tả về cha Đa Minh, một người anh em giảng thuyết luôn vui tươi, sống những điều mình rao giảng. Chắc rằng anh William Montferrat cảm thấy buồn bực khi cha Đa Minh nói ra những lời liên quan tới mệnh lệnh của Đức Thánh cha về việc thiết lập một đan viện tại San Sisto. Anh biết cha rất rõ, anh biết điều cha cần phải làm, ngay cả khi anh em phải chịu thua thiệt. Kỷ luật và đức vâng phục phải vượt trên tình bằng hữu. Không phải vậy, kỷ luật phải nằm ngay trọng tâm của tình bằng hữu ; còn đối với cha Đa Minh, tình bằng hữu lại ở trung tâm của tình huynh đệ. Có rất nhiều câu chuyện tốt đẹp trong lịch sử Dòng. Chúng ta chỉ cần kể lại tình bằng hữu giữa cha Giođanô và anh Henry như đã nói, cũng như giữa cha Giođanô và chị Diana.
Sau khi cha Đa Minh qua đời, cha Giođanô Saxônia, người được bầu lên kế vị cha Đa Minh, đã xuất bản một cuốn sách nhỏ có tựa đề Libellus, kể lại lịch sử về nguồn gốc Dòng, khi mà các sự kiện liên quan đến biến cố này vẫn còn được nhắc đến. Trong cuốn sách này, cha kể lại câu chuyện về tình bằng hữu của mình với anh Henry trước và sau khi gia nhập Dòng. Cha Giođanô cảm nhận được lời mời gọi đi theo cha Đa Minh, rồi cha thuyết phục anh Henry cùng đi với mình. Ở đây, hai người có chung lời hứa, ước mong, niềm hy vọng được giảng thuyết cùng nhau, không khác với kế hoạch mà cha Đa Minh và anh William đã thực hiện. Cha Giođanô mô tả cách dễ thương và hài hước lý do cha và anh Henry lại cùng nhau gia nhập Dòng :
Khi tôi (Giođanô) đang giảng, chúng tôi thấy có một đoạn khác trong sách Isaia : “Chúng ta hãy sát cánh bên nhau,” và có vẻ như điều này đang nói với chúng tôi rằng đừng bao giờ lìa xa nhau, nhưng hãy đồng hành với nhau bằng mối liên hệ đặc biệt. (Liên hệ với bản văn này, khi còn ở Cologne anh Henry đã có lần viết cho tôi, lúc đó đang ở Bologna : “Bây giờ thì điều gì đang xảy ra với câu Kinh thánh ‘Chúng ta hãy sát cánh bên nhau’ ? Anh đang ở Bologna, còn tôi lại đang ở Cologne”) (số 70-71).
Tâm điểm của tình bằng hữu thiêng liêng chính là làm môn đệ Chúa Kitô, điều quý giá nhất mà hai người bạn cùng chia sẻ. Khi kể câu chuyện của mình trong “cuốn sách nhỏ”, cha Giođanô muốn diễn tả tình thương mến của mình với anh Henry :
Thế nhưng có một điều mà tôi không được biết ; đó là có hai người được anh Reginald chấp thuận cho tuyên khấn trong Dòng tại Paris, một người là tôi, còn người kia là anh Henry. Anh Henry là người sau này làm bề trên của tu viện Cologne, và theo tôi nghĩ, anh là người bạn thân thiết nhất của tôi trong Đức Kitô. Tôi yêu quý anh hơn bất kỳ ai trên đời này. Anh thực sự là một chiếc bình đựng đầy nhân đức và ân sủng. Tôi chưa từng gặp một thụ tạo nào tốt lành như anh trên cõi đời này” (số 66).
Thời gian cứ tiếp tục qua đi, việc giảng thuyết của cha Đa Minh trở nên giống lời cầu nguyện hơn. Người anh em giảng thuyết vừa hoạt động vừa chiêm niệm, rao giảng điều mình cầu nguyện và cầu nguyện điều mình rao giảng. Cha Đa Minh không ngừng rao giảng, ngay cả lúc cận kề với cái chết. Cái chết cũng là một lời giảng thuyết, giống với những hành động biểu tượng của Đức Kitô. Đức Kitô để các trẻ em đến với mình, đuổi người buôn bán ra khỏi đền thờ và rửa chân cho các môn đệ. Những hành động có tính biểu tượng loan báo về Thiên Chúa mạnh mẽ như chính bất cứ lời nào Người đã nói. Các môn đệ nghe Đức Giêsu nói bằng nhiều cách, trong nhiều tình huống khác nhau. “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ” (Mc 10,45). Tuy nhiên, điều còn lưu lại trong ký ức của họ, có lẽ chính là việc Đức Giêsu rửa chân cho họ.
Thế mà vẫn không có hành động nào diễn tả Đức Giêsu trong cái chết của Người, trong việc chấp nhận chết trên thập giá, trao phó cuộc đời và ý muốn của mình cho Chúa Cha vào phút giây cuối cùng. Cả thánh Tôma Aquinô[3] và thánh Catarina Siena[4] đều rất thích thú cho rằng, thánh giá vừa là giảng đài vừa là bục giảng của Đức Giêsu. Người rao giảng từ cây thánh giá và lời giảng đó vang dội khắp thế gian. Điều này tương tự với cái chết của cha Đa Minh. Điều thân mẫu của cha nghe được khi cha đang còn trong dạ mẹ, rằng tiếng của cha sẽ vang dội khắp thế giới, thì giờ đây cái chết của cha cũng là một lời giảng thuyết được mọi người lắng nghe. Những lời từ biệt của cha mang lại cho tất cả mọi anh em một ý nghĩa : sau khi cha qua đời, cha sẽ mang lại cho anh em nhiều ơn ích hơn khi còn sống. Không muốn để cha ra đi, nhưng anh em biết rằng những lời đó phản ánh một đức tin sâu sắc làm nền tảng cho đời sống giảng thuyết của cha.
Thánh Đa Minh Caleruega – Nhà giảng thuyết chiêm niệm
Đôi khi, chúng ta chỉ biết đến một người nào đó cách muộn màng. Cha Đa Minh là một vị thánh, một con người thánh thiện hay chỉ là một người bình thường ? Chúng ta có thể phác họa lại chân dung của người anh em giảng thuyết này ra sao ? Sẽ khó kết luận được đời sống chiêm niệm hay ân huệ giảng thuyết là đặc tính trổi vượt hơn trong tính cách của cha. Nơi cha, cả hai yếu tố đó không tách biệt nhau. Để trở nên một người giảng thuyết nghĩa là phải trở nên một người chiêm niệm, và chiêm niệm thực sự là để cho những gì đang sôi sục bên trong được trào ra bên ngoài.[5] Không thể nào chiêm niệm thực sự nếu không biết trao ban những gì mình chiêm niệm cho người khác, và ngược lại. Ân huệ của nếp sống chiêm niệm thể hiện qua con người cha như thế nào ?
Caleruega vốn là một miền thôn quê làm phát triển đời sống chiêm niệm. Lớn lên ở một vùng quê nông thôn, cha Đa Minh đã bị nếp sống ấy lôi cuốn, và việc cha chọn nếp sống kinh sĩ tại Osma đã chứng tỏ điều ấy. Tại đó, mọi sự đều ổn định. Cha yêu mến Kinh thánh, những tác phẩm quý giá như Tin mừng Mátthêu và các thư Phaolô mà cha luôn mang bên mình, đã nuôi dưỡng đời sống chiêm niệm của cha. Tại sao cha chọn đọc các tác phẩm của đan sĩ Gioan Cassianô –là người mà cùng với người bạn của mình là Germanô đã làm cho Giáo hội Tây phương biết đến nền triết học của các vị ẩn tu sa mạc ? Ai có thể hiểu rõ về cha Đa Minh ngoài những cuốn sách mà cha luôn giữ bên mình khi còn ở Osma ? Giống như Tin mừng Mátthêu và Luca, Tin mừng Máccô đã phác họa lại chân dung của Đức Giêsu thức dậy từ sáng sớm, đi ra một nơi cô tịch để cầu nguyện (x. Mc 1, 35-39). Cha Đa Minh cũng dành thời gian để cầu nguyện riêng và cử hành Các giờ kinh phụng vụ và Thánh lễ. Các môn đệ tìm đến Đức Giêsu và nói : “Mọi người đang tìm Thầy”. Lẽ ra Người phải bảo họ chờ một lát ; những khoảnh khắc quý báu đó không dễ gì có được. Nhưng không, Đức Giêsu liền đáp lại : “Chúng ta hãy đi qua các thành khác, Thầy còn phải giảng ở đó ; vì điều đó mà Thầy được sai đến.” Tôi tự hỏi mỗi lần cha Đa Minh lắng nghe và suy niệm những lời trích ra từ Sách thánh, thì điều gì nảy ra trong tâm trí của cha. Những lời đó khiến tôi có suy nghĩ rằng Đức Giêsu đã làm nên một con người Đa Minh tuyệt vời biết bao ! Nhưng có lẽ cha Đa Minh không có suy nghĩ nào khác hơn là làm thế nào để nên giống Đức Kitô hơn ? Nếu được, chỉ có thể là trung thành bước theo Người hơn.
Tuy vậy, vẫn còn nhiều điều để nói về cha. Chín cách cầu nguyện mà sau này một anh em thấy cần phải được viết ra và vẽ lại là gì ?[6] Những cách cầu nguyện này cho thấy cha Đa Minh vừa là một người toàn tâm chiêm niệm, vừa là người toàn tâm giảng thuyết, chứ không phải là một nửa chiêm niệm, một nửa giảng thuyết. Có lẽ kinh Shema của người Dothái đã từng làm rung động tâm hồn Đức Giêsu và kết hợp cuộc đời Người với Cha trên trời. “Nghe đây, hỡi Israel ! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em.” Người Dothái được dạy không được sao nhãng những lời đó và phải “lặp lại những lời ấy cho con cái, phải nói lại cho chúng, lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy” (Đnl 6,4-9). Cha Đa Minh đã đưa mệnh lệnh này vào trong chín cách cầu nguyện của mình.
Cha Đa Minh được phác họa trong tư thế cầu nguyện, khiêm cung cúi đầu, hay nằm phủ phục, hay đánh tội, hay quỳ gối ngước nhìn thánh giá, hay đứng thẳng người, đôi khi với đôi tay vươn rộng, hay giơ thẳng tay lên trời, thỉnh thoảng cha ngồi cầu nguyện, và cầu nguyện cả khi đi đường. Lúc đi đường, cha nhìn thấy Chúa hiện diện nơi thiên nhiên. Lúc đọc sách, lời của Chúa đến từ Sách thánh. Trước thánh giá hoặc bí tích Thánh Thể, cha gặp gỡ Chúa, yêu mến Chúa và trò chuyện với Chúa. Trong bài giảng của mình, cha chỉ nói về Thiên Chúa là Đấng yêu thương và là Đấng mà cha yêu mến. Công việc giảng thuyết của cha có thể được liệt kê vào cách cầu nguyện thứ mười, vì khó biết lúc nào ngưng việc này để bắt đầu việc kia.
Anh em kể lại rằng khi cầu nguyện, thỉnh thoảng cha Đa Minh chuyển từ việc đọc (lectio) sang việc chiêm niệm (contemplatio). Theo truyền thống, tiến trình cầu nguyện cần phải qua bốn bước : Bắt đầu bằng việc đọc một bản văn (lectio), đặc biệt, nhưng không nhất thiết, là Kinh thánh ; rồi chuyển qua bước suy niệm bản văn (meditatio), theo truyền thống của các vị ẩn sĩ sa mạc, cách này đưa ý tưởng từ trí tuệ vào tâm hồn ; từ đó, đi tới bước thứ ba, là cầu nguyện đúng nghĩa (oratio) : nói với Chúa, tương quan với Chúa một cách trực tiếp, không còn suy nghĩ nữa nhưng trò chuyện với Chúa và để Chúa nói ; và cuối cùng là chiêm niệm (contemplatio). Ở bước này, không chỉ để Chúa nói, nhưng còn để Chúa đến ngự trong lòng. Có thể gọi đây là khả năng lĩnh hội vào một trạng thái tĩnh bên trong trí óc mà không dùng đến từ ngữ, mà ở đó con người dẹp bỏ chính mình để Chúa bước vào. Có thể nói rằng nếu như lời cầu nguyện xuất phát “từ dưới lên”, thì nó sẽ kết thúc “từ trên xuống”. Lối nói ẩn dụ dành cho Thiên Chúa thường ám chỉ rằng Chúa là “Đấng ở trên” hoặc “Đấng ở trong” ; tuy nhiên, thánh Âutinh nói rằng : “‘bên trong’ chính là ‘ở trên’”.[7] Vì thế, điều này cũng ám chỉ đến chín hay mười hay mười hai cách cầu nguyện của cha Đa Minh. Chắc chắn, cha đã thuộc lòng lời khuyên của thánh Phaolô gửi cho các tín hữu Thêxalônica : “Cầu nguyện không ngừng” (1Tx 5,17). Rõ ràng thánh Phaolô là một mẫu gương đối với tâm hồn chiêm niệm của cha Đa Minh.
Đối với chúng ta ngày nay, thuật ngữ chiêm niệm có thể được hiểu không chính xác. Chúng ta có khuynh hướng phân tách người chiêm niệm với người hoạt động, hoặc nhà thần bí với ngôn sứ, người có mặt với người thực hiện, hơn là phải nhận ra rằng chiêm niệm và hoạt động, cầu nguyện và sứ vụ, giống với việc hít vào và thở ra. Hai điều này không thể tách rời nhau, cho dù hình ảnh này chưa đủ nói lên tính cách người Đa Minh. Đây là điều lý giải tại sao tôn sư Eckhart và thánh nữ Catarina Siena coi chiêm niệm và hoạt động như việc “mang thai” và “sinh con”.[8] Anh em đừng nên chỉ có một trong hai yếu tố đó. Mục đích của việc mang thai là sinh con, và không ai có thể sinh con mà lại không mang thai. Chuyển trao hay chia sẻ (tradere) cho người khác mà lại không chiêm niệm (contemplari) cũng giống một người sinh con mà không thấy mang thai.
Tôn sư Eckhart và thánh nữ Catarina Siena là hai nhà thần bí của Dòng Đa Minh vào thế kỷ XIV, được nuôi dưỡng trong mảnh đất Đa Minh ; vì thế, không lạ gì khi tâm trí các ngài có những hình ảnh đó. Bởi thế chẳng có gì ngạc nhiên khi thấy rằng tôn sư Eckhart có lối nhìn Kinh thánh khác với lối giải thích thiêng liêng ; ngài xem câu chuyện về hai cô Maria và Mácta, chương 10 của Tin mừng Luca, và cho rằng cô Mácta là hình ảnh một người trưởng thành trong đời sống thiêng liêng hơn cô Maria.[9] Sống chiêm niệm không có nghĩa là rút lui khỏi thế giới, có thể là một lối sống tuyệt vời để sống đời chiêm niệm, nhưng lại không phải là điều Chúa quan phòng cho thánh Đa Minh, người đã chọn nếp sống chiêm niệm lưu động. Sống đời sống chiêm niệm có nghĩa là “sống trong đền thờ” (tiếng Latinh : “con–” hay “cum–” : với, cùng + “templum” : đền thờ). Hơn nữa, nói theo tôn sư Eckhart, sống nếp sống chiêm niệm tức là sống trong tâm hồn, sống cách tự chủ, biết làm chủ cảm xúc của mình ; hoặc sống như thánh Phaolô, vị Tông đồ mà cha Đa Minh hết sức yêu mến : là sống trong đền thờ nhưng nhận ra “anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa… Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em” (1Cr 3,16-17). Nói cách khác, sống chiêm niệm không nhất thiết là phải rút lui khỏi thế gian, để sống một cuộc sống không quan tâm mục vụ và thiếu nhiệt huyết tông đồ. Cha Đa Minh là một nhà giảng thuyết chiêm niệm lưu động.
Một cách hiểu không đúng nữa về nếp sống chiêm niệm mà người ngày nay thường mắc phải, đó là xem chiêm niệm như nếp sống an nhàn rảnh rỗi. Chính bản thân tôi trước đây cũng từng có suy nghĩ như thế, cho tới khi tôi và một người anh em trong Dòng thành lập ra một “ashram” – một nơi dành riêng cho việc gặp gỡ tĩnh tâm của anh em Đa Minh. Tôi từng có suy nghĩ rằng cuộc đời tôi đáng được hưởng : bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ (Gl 5,22). Và rồi sự buồn chán làm tôi sửng sốt. Tôi đang chờ đợi điều gì ? Ông Tôma Keating dùng hình ảnh lấy thùng rác để đựng nước suối. Điều gì sẽ xảy ra ? Cái gì sẽ nổi lên trên bề mặt thùng nước ? Đó là rác ! Vì thế, bắt đầu một đời sống suy niệm sẽ giúp ta có được sự tĩnh lặng nội tâm, thoát khỏi những gì đang diễn ra làm chúng ta bận tâm lo lắng. Lúc đó, chúng ta sẽ thấy gì trong thâm tâm : kiêu ngạo, tham lam, dâm ô, chè chén, nóng giận, ganh tỵ và biếng nhác. Cha Đa Minh đã đọc và hiểu những gì thánh Phaolô viết. Có lẽ cha đã hiểu tại sao những từ ngữ “khô khan”, “đêm tối”, “tuyệt vọng”, “trống rỗng của tâm hồn” và “sự vô tri” lại gắn liền với đời sống chiêm niệm hoặc đời sống thần bí. Sau cùng, mỗi khi cha đứng trước tượng chịu nạn, cha đã suy niệm về điều gì ? Rồi suốt những lần canh thức thâu đêm, cha đã thốt ra điều gì ?
Thánh Đa Minh không chỉ là một con người chiêm niệm, nhưng còn là một nhà giảng thuyết chiêm niệm. Trong lời giảng, đâu là điều đem lại cho cha căn tính này ? Sứ vụ giảng thuyết luôn phải sử dụng các từ ngữ : Tin mừng, chân lý, Lời, Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh và sống lại từ cõi chết. Giảng thuyết không phải là một hành động riêng lẻ, cần phải biết tôn trọng “thính giả”. Phải biết rằng mỗi thính giả có một hoàn cảnh khác nhau. Người giảng thuyết muốn chạm đến người nghe bằng chính những điều thực sự quan trọng đối với người ấy, là điều có thể gây xúc động cho người nghe, khiến người nghe tin tưởng “hết cả trí khôn, trái tim và linh hồn”. Giảng thuyết cần được thực hiện bằng việc loan báo. Đó không phải là công việc một chiều ! Người giảng thuyết phải cảm nhận được những rung cảm trong tâm hồn của người nghe, để xem mình đã thực sự kết nối với họ được hay chưa. Thánh Âutinh viết : “Có hai điều mà tất cả các cuộc nghiên cứu Kinh thánh phải nhắm đến : cách thức khám phá ra những điều mình muốn hiểu ; và cách thức diễn đạt cho người khác những điều mình hiểu.”[10]
Chúng ta cần loan báo Tin mừng. Khi nhắc đến Tin mừng, chúng ta liền nghĩ ngay đến 4 cuốn Tin mừng. Chắc chắn đó là nguồn quy chiếu của chúng ta. Thế nhưng, tự chúng thì không phải là Tin mừng, mà đó là những tác phẩm được viết ra, được tác giả Mátthêu, Máccô… viết ra. Các sách Tin mừng, nội dung của việc loan báo, được gọi là Tin mừng, bởi lẽ chứa đựng một tin vui, tức là một câu chuyện kể về một nhà giảng thuyết, một thầy dạy và một lương y : Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Và đối với cha Đa Minh, Đức Giêsu Kitô là ai mà cha phải thay đổi cả cuộc đời mình, thậm chí trở về lúc trước khi biết Người, tức là khi lãnh nhận Phép rửa ? Người có phải là Đức Giêsu mà cha Đa Minh rao giảng Tin mừng không ? Đúng rồi, Tin mừng là câu chuyện về cuộc đời, cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu ; tuy vậy, đó cũng là điều chính Đức Giêsu đã rao giảng, là điều mà cả thánh Máccô và Phaolô gọi là “Tin mừng của Thiên Chúa” (Mc 1,14 ; Rm 1,1). Nói khác đi, Tin mừng là câu chuyện của một Thiên Chúa trong quá khứ, ở hiện tại và trong tương lai, một Thiên Chúa yêu thương vô biên và hay thương xót. Các tội nhân sẽ ra sao ? Cha Đa Minh luôn lặp lại lời này khi cầu nguyện. Với cha Đa Minh, giảng thuyết phải đi đôi với ơn cứu độ, phải mang lại ơn cứu độ. Hiến pháp nói rằng Dòng được thành lập là để phục vụ cho sứ vụ giảng thuyết và ơn cứu độ các linh hồn.[11] Hai mục đích đó không được tách rời nhau. Giảng thuyết cần phải thực hiện vì sự sống của linh hồn. Người giảng thuyết phải loan báo lời có sức giải thoát linh hồn khỏi sự xa cách, cô đơn, đắng cay và sự tự hủy diệt.
Vì thế, trọng tâm của Tin mừng cho chúng ta biết về Thiên Chúa là Đấng yêu thương, giải cứu, và chăm lo cho chúng ta. Đây chính là Thiên Chúa mà cha Đa Minh đã gặp trong lúc cầu nguyện, nơi người nghèo và khi cha giải tội cho các tội nhân. Đó cũng chính là câu chuyện về Thiên Chúa, Tin mừng về Thiên Chúa mà Đức Giêsu đã rao giảng, Tin mừng được hiện thân và nhập thể nơi Đức Giêsu, người Nadarét. Đó là Tin mừng về Đức Giêsu, vì Tin mừng này mà Đức Giêsu đã trao hiến mạng sống mình. Giảng thuyết là một tin vui, evangelium, ngay cả khi nói cho ta về tội lỗi, sự công chính, và việc xét xử, như Tin mừng Gioan miêu tả lại công việc của Thánh Linh sau khi Đức Giêsu sống lại (Ga 16,8).
Tin mừng sẽ mang chúng ta đến Sự thật. Tôi không biết là hôm nay tôi sẽ còn được dùng từ này nữa không, mặc dù đó là một trong ba câu khẩu hiệu của Dòng Anh Em Giảng Thuyết. Chân lý có nhiều ý nghĩa khác nhau. Có một số người nghĩ rằng họ đang nắm tất cả chân lý trong tay, toàn bộ chân lý. Một số khác nhồi nhét chân lý vào đầu người ta. Cũng có một số người thực sự nhận biết chân lý. Tôi không bao giờ tin chắc một ai đó từ đâu đến, tay cầm biểu ngữ chân lý. Tuy nhiên, luôn có những người dành cả hành trình cuộc đời mình đi tìm chân lý. Ông Gandhi đặt tên cho cuốn tự truyện của mình là Câu chuyện về những trải nghiệm Chân lý của tôi. Thời gian gần đây, đất nước Nam Phi đã nhận ra Chân lý và sự hòa giải. Dĩ nhiên, chân lý là điều tất cả chúng ta quý trọng ; nhưng thứ hương thơm này cần đi kèm với từ ngữ khôn ngoan – sapientia (Latinh), sophia (Hylạp) hay hokmah (Dothái). Người yêu mến sự khôn ngoan là triết gia. Chân lý luôn đi kèm những quan điểm, nhưng vẫn luôn ngẩng cao đầu. Thánh Linh là Thần Khí Sự Thật trong Tin mừng Gioan (Ga 14,17 ; 15,26 ; 16,13) ; trong diễn ngôn cuối cùng, Đức Giêsu đã cầu nguyện với Chúa Cha cho các môn đệ : “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ ; lời Cha là sự thật” (Ga 17,17). Người ta có thể nói đến sức mạnh chân lý ngược với sức mạnh đàn áp thống trị. Vì vậy, chúng ta hãy biết say mê chân lý, loại chân lý chúng ta bắt gặp trong Tin mừng, loại chân lý đã thu hút cha Đa Minh một cách mãnh liệt đến nỗi cha toàn tâm toàn lực dành cả cuộc đời mình cho việc loan báo, loại chân lý cha biết từ đức tin Công giáo.
Chân lý luôn có nhiều lối rẽ. “Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở” (Ga 14,2). Nói như vậy không có nghĩa chân lý có tính tương đối. Không phải thế, chỉ có một chân lý mà thôi. Thiên Chúa là Chân lý. Thánh Tôma nói rằng chỉ có một Chân Lý là Thiên Chúa, nhưng có nhiều sự thật.[12] Tìm kiếm Chân Lý tức là tìm kiếm và đạt được sự hiểu biết về Thiên Chúa là hữu thể bất khả tri, dù có thể dùng trí tuệ mà hiểu được. Chân Lý vừa quá cao vời vừa thật gần với chúng ta. Chân Lý đưa chúng ta lại với nhau trong Dòng, nhưng cũng làm cho đa dạng và thậm chí còn phân tán chúng ta. Có lẽ chúng ta ai cũng tha thiết với những gì thiết thực, đúng lý và có ý nghĩa thực sự, nhưng khả năng, quan điểm và lối nhìn của chúng ta lại khác nhau. Sự khát khao tìm kiếm chân lý có thể khiến một người trở nên xa cách với người khác, là người cũng đang khao khát cách chân thành. Cha Ralph Powell, một tu sĩ Đa Minh khôn ngoan, từng phát biểu rằng : “Thật khó có thể nhìn được toàn cảnh của bức tranh có bạn trong đó.” Không ai trong chúng ta có thể nhìn thấy toàn bộ bức tranh. Đối với cha Đa Minh, một vị giảng thuyết, tìm kiếm chân lý mang lại cho chúng ta Lời – Lời hằng sống nhập thể nơi Đức Kitô, Lời được mặc lấy xác phàm trong Sách thánh, Lời được hiện thân trong cộng đoàn các tín hữu, Lời được loan báo qua giảng thuyết.
Sứ vụ của cha Đa Minh và của toàn thể gia đình giảng thuyết là sứ vụ Lời. Lời là trung tâm điểm của cuộc đời cha Đa Minh. Lời chính là Đức Kitô, là bản văn Kinh thánh, là cộng đoàn Giáo hội mà nơi đó mỗi người có thể tìm thấy Lời được loan báo và được cử hành nơi bí tích Thánh Thể. Chính vì thế, chúng ta có thể thấy một trong chín cách cầu nguyện của cha Đa Minh là cầu nguyện với Lời. Chính vì thế, cha luôn cố gắng đảm bảo cho sứ vụ giảng thuyết được hiện diện giữa lòng Giáo hội, là nơi khởi đầu cho sứ vụ giảng thuyết, qua việc cha Đa Minh và Đức giám mục Foulques viếng thăm Đức Innocente III, cho dù Dòng đưa Giáo hội đi theo những ngả đường mới. Cha Đa Minh sống trong Lời. Cha ở lại với Lời. Thỉnh thoảng tôi nói rằng một tu sĩ Đa Minh chỉ có thể là chính mình khi giảng thuyết. Chúng ta có thể để chân lý về bản thân được lộ ra cho người khác biết, giống như khi chúng ta tìm cách bảo vệ chúng. Như vậy tôi mới được sống là chính mình – một anh em giảng thuyết.
[…] [13]Con đường nên thánh
Vâng phục là lời khấn duy nhất mà anh em Đa Minh tuyên khấn. Nói khác đi, vì là tu sĩ hành khất, sống khó nghèo tự nguyện đã sẵn có trong tâm hồn cha Đa Minh. Nếu chúng ta nghĩ rằng khiết tịnh là khả năng đón nhận các mối tương quan, thì cha Đa Minh là người biết rõ về nghệ thuật cư xử trong mối tương giao bằng hữu. Chúng ta thường hiểu hoặc giới hạn đời sống thánh hiến khi đối chiếu với đời sống hôn nhân. Thế nhưng, làm như vậy là không chính xác đối với cả hai nếp sống. Bí tích hôn nhân Kitô giáo là một cách thức hiến mình cho người khác và cho Đức Kitô. Đó là một bí tích, nhưng không đối nghịch với bí tích Truyền chức thánh. Thực ra, có người có thể lãnh hai bí tích, có thể kết hôn và có thể làm linh mục. Đời sống hôn nhân cần được nhận thức ; tương tự, đời sống thánh hiến là một lời mời gọi dành cho mọi tín hữu. Về bản chất, đời sống này không liên quan đến chức linh mục, mặc dù có một số dòng nam, như Dòng Đa Minh, là dòng giáo sĩ. Vào thời cha Đa Minh, thực thi sứ vụ giảng thuyết đòi hỏi phải có chức linh mục, dù rằng cũng có nhiều giáo dân thực hiện được sứ vụ này. Thế nhưng, những người nam người nữ sống đời thánh hiến được kêu gọi cách riêng để yêu thương, hiến mình cho người khác, đó là một cách hướng cuộc đời về Thiên Chúa. Không nên xem các lời khấn là những ràng buộc, cho bằng là những phương cách để đạt tới sự thánh thiện ; với cha Đa Minh, đó là những phương cách giúp chú tâm vào sứ vụ giảng thuyết. Trước tiên, chúng ta cùng xem xét lời khấn vâng phục. Đây là điểm mấu chốt trong các lời khấn của anh em giảng thuyết.
Vâng phục :
Công thức khấn trọng của anh em như sau :
Con là tu sĩ… tuyên khấn và hứa tuân phục Thiên Chúa, Đức Maria, thánh Đa Minh, và cha, tu sĩ… ,Tổng quyền Dòng Anh Em Giảng Thuyết và các vị kế nhiệm cha theo tu luật thánh Âutinh và thể chế của Anh Em Giảng Thuyết, rằng con sẽ tuân phục cha và các người kế nhiệm cha cho đến chết.
Như vậy, anh em Đa Minh không cần bày tỏ rõ ràng cam kết giữ khó nghèo Tin mừng tự nguyện và giữ đời sống độc thân khiết tịnh. Giống như những lời khấn khác, lời khấn vâng phục mang một dấu ấn riêng. Vâng phục không có nghĩa là không còn được sử dụng khả năng trí tuệ của mình. Trong quá trình canh tân luật lệ đời tu, đã có nhiều điểm được điều chỉnh qua luật chuẩn chước.
Quan điểm tâm linh luôn là mốc khởi đầu của bất kỳ lời khấn nào, khấn là rập khuôn cuộc đời mình theo Đức Kitô. Trong các thư của mình, thánh Phaolô đã cho thấy : Vâng phục có liên quan đến khổ chế, là đưa ý muốn riêng của mình hòa vào thánh ý Đức Kitô, để cả hai nên một. Như Đức Kitô đã làm gương cho chúng ta khi cầu nguyện cùng Chúa Cha : “Xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn” (Mc 14,36). Điểm cốt yếu trong lời khấn này là khao khát nên giống thánh ý Đức Kitô nhờ sức mạnh của Thần Khí được ban cho chúng ta. Phải trở nên máng thông chuyển Thần Khí, như chính cha Đa Minh đã làm lộ ra những khúc ngoặt trong cuộc đời cha. Cha sẽ trở thành một người như thế nào, và được mời gọi để làm gì ? Đó không phải là những điều cha muốn biết khi rời làng Caleruega đến học tập tại Palencia, hay khi gia nhập hội kinh sĩ tại nhà thờ chính tòa Osma, hay khi cùng với Đức cha Diego bắt đầu sứ vụ giảng thuyết. Chúa quan phòng luôn có những con đường theo ý của Người.
Vâng phục không chỉ là cứ đăm đăm nhìn theo bề trên ; mặc dù điều này là tất nhiên phải có, nhưng hơn thế nữa, là lắng nghe ý muốn của anh em –những người chúng ta tuyên khấn trong đời sống chung, và ý muốn của công hội, là cơ cấu quản trị căn bản. Khi lớn lên trong việc rập khuôn cuộc đời mình theo Đức Kitô, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội để lựa chọn giữa thái độ chủ đích hay thái độ dửng dưng. Gần đây, vâng phục không tách rời khỏi nhân đức khôn ngoan, là hoa trái của Thần Khí. Mọi thứ được hướng đến một cuộc sống yêu thương bác ái. Ưu tiên của cha Đa Minh là sống bác ái, truyền thống đan viện đã coi đời sống tu trì là trường dạy cho con người biết sống bác ái. Quả thực như vậy ! Việc uốn nắn ý chí của chúng ta, bỏ đi cái tôi và những quyến luyến, là cả một hành trình tôi luyện dài lâu mà lời khấn sẽ góp phần trợ giúp. Khi một anh em tuyên khấn, vị nhận lời khấn sẽ hỏi : “Anh em xin gì ?” Câu đáp sẽ là : “Lòng thương xót của Chúa và của anh em.” Khấn sinh đặt tay mình vào tay vị bề trên. Đây là dấu chỉ cho thấy chúng ta trao phó chính mình vào tay anh em. Nguyên gốc Latinh của vâng phục (obedientia) cho chúng ta biết vâng phục là học cách lắng nghe, đó là điều chúng ta cần phải làm trước khi chúng ta có thể nghe được tiếng Chúa, hoặc tiếng của anh em, hoặc tiếng khóc than của người nghèo. Điều này có liên hệ sâu xa với nếp sống chiêm niệm.
Một vài người nói rằng cha Đa Minh được ban cho đặc sủng quản trị, nhưng không phải chính Chúa đã tiền định những điều đó vào tay cha hay sao ? Đức giám mục Diego đề nghị cha tháp tùng trong hành trình lên phía Bắc. Nhưng, cha không biết mình sẽ đi đâu. Đó không phải là miền Bắc Âu mà Chúa muốn cha đặt chân đến. Đức giám mục Diego qua đời. Đức giám mục Foulques kêu gọi và khuyến khích thiết lập hội giảng thuyết trong địa phận của ngài. Cha Đa Minh đã đồng ý. Đức Innocente III muốn cha có được cái nhìn rộng lớn hơn điều cha chưa hề nghĩ tới, là vượt ra ngoài địa phận Toulouse. Cha Đa Minh nghĩ đến hai thánh Phêrô và Phaolô, rồi phân tán các anh em của mình ra đi. Đó là sứ vụ. Đó là giảng thuyết. Điều đã khởi đầu tại Osma, nay được hoàn tất tại Rôma. Ước mong của cha là được giảng thuyết, được loan báo Tin mừng cho người chưa được nghe cùng với một người bạn – một người anh em, thế nhưng, lại là đan viện San Sisto. Dòng đã xuất hiện trước cả ý muốn của cha, trước cả tình bằng hữu mà vì đó cha có ân huệ. Phải chăng là tiền định ? Hay do sự quan phòng ? Có phải là ơn quản trị ? Đúng vậy, Dòng đã được khởi hứng từ bên trong con người cha. Đó chẳng phải là đặc sủng mà cha tìm kiếm, thậm chí cha không biết mình có được đặc sủng đó nữa. Chính bản chất thương người đã giúp cha trở thành một nhà lãnh đạo có uy tín. Cha để mình trở thành máng thông chuyển ân sủng của Thiên Chúa. Chính vì thế, cha có được đặc sủng lãnh đạo. Cha muốn từ nhiệm, giao lại cho người khác chức vụ đứng đầu anh em, nhưng cuộc đời cha là phục vụ. Ơn gọi của cha là trở nên nhà giảng thuyết, một anh em giảng thuyết và ước vọng của cha là cùng với một người bạn ra đi rao giảng Lời. Đó chính là sứ mạng cao cả hơn mà Chúa đã kêu gọi cha thực hiện. Chúa kêu gọi cha không phải để làm giám mục, cũng không phải là đan sĩ, nhưng là trở nên “một thừa tác viên giảng thuyết khiêm nhường” (praedicationis humilis minister). Cha là con người chiêm niệm và cũng là một nhà truyền giáo, chiêm niệm và chuyển trao cho người khác hoa trái của sự chiêm niệm.
Một người anh em của tôi đề cao tính nhạy bén và khả năng đón nhận của cha Đa Minh đối với những vấn đề được yêu cầu. Anh viết rằng : “Óc sáng tạo của cha Đa Minh thường thể hiện trong tâm thế đáp trả, khi được trao cho một trách nhiệm.” Cha sẵn lòng đồng hành với Đức giám mục trong hành trình đi lên phương Bắc. Cộng đoàn tại Prouilhe đã được thiết lập vì nhu cầu chăm lo cho những chị em mới hoán cải. Trước đề nghị của Đức cha Foulques, cha tập trung cho sứ vụ tại Toulouse. Cha bàn hỏi ý kiến anh em về việc chọn tu luật thánh Âutinh. Cha thích ứng với dấu chỉ thời đại. Cha phân tán anh em ra đi khắp nơi vì biết rằng tương lai của Toulouse sẽ không sáng sủa. Sứ vụ giảng thuyết sẽ ra sao nếu họ cứ mãi ở một nơi ? Nhưng sáng kiến tuyệt vời nhất của cha Đa Minh là chọn và sai một số anh em đến các trung tâm học vấn của châu Âu. Ngay cả ở đây, cha cũng đang đáp ứng cho một đòi hỏi. Cha làm tất cả những điều đó vì cha là một người con của Giáo hội. Sự vâng phục của cha Đa Minh còn thể hiện bằng cả hành động và lời nói. Mặc dù cha nhất quyết xin từ nhiệm trong Tổng hội đầu tiên, nhưng cha lại chấp nhận mong ước của anh em. Cha Đa Minh là một người vâng phục. Có lẽ ước muốn lớn nhất của cha là trở thành một người truyền giáo ; thế nhưng, cha lại ưu tiên cho anh em và đề nghị của Đức Hônôriô là trước hết phải thành lập tu viện ở San Sisto. Cha chưa bao giờ được đặt bước chân đến những vùng đất xa xôi.
Cha Đa Minh có bao giờ nổi giận không ? Cha có bao giờ thất vọng không ? Cha cảm thấy thế nào khi anh Gioan Navarre không chịu đi Paris mà không có tiền trong túi ? Đã bao giờ cha thấy phiền vì các hành động của anh em mình chưa ? Một điều chắc chắn là cha yêu quý anh em và luôn cầu nguyện cho họ, nhưng không phải vì vậy mà cha lại không đòi hỏi anh em phải có lòng bác ái để thăng tiến trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng. Cha Đa Minh được nhiều người biết đến vì tấm lòng bác ái. Lòng bác ái là hoa trái ân sủng đang hoạt động trong cuộc đời cha, nhưng không phải là thứ được định sẵn cho cha và cha không cần phải nỗ lực để mở lòng đón nhận. Cha biết sự vâng phục có ý nghĩa gì khi tin tưởng phó thác Dòng vào tay anh em. Tuy vậy, cha cũng là một vị Tổng quyền ân cần, và đối lại, tất cả anh em đều quý mến cha. Học cho biết yêu thương không phải là điều dễ dàng, và ai chưa từng cảm thông với nỗi khổ của người khác thì không thể hiểu được. Cha Đa Minh là người biết yêu thương, sống theo những lời thánh Phaolô viết trong thư thứ nhất gửi các tín hữu Côrintô, chương 13.
Dĩ nhiên cha Đa Minh đã trải qua nhiều thất vọng, nhưng cha luôn kiên vững niềm tin vào Thiên Chúa. Cuộc đời cách chung, và cách riêng là đời tu, là một mái trường dạy cho biết đón nhận sự thất vọng. Thế nhưng, dù sao thì cũng không có quá nhiều điều thất vọng trong cuộc sống, và chúng ta cần phải đối mặt với chúng như thế nào ? Buồn chán có thể làm ta hoài nghi, nhưng cũng có thể làm giúp ta thành những nhà chiêm niệm. Dù sống trong quê hương, Giáo hội, cộng đoàn, hoặc đời sống gia đình, cuộc sống luôn mang lại cho ta những thất vọng ê chề. Cha Đa Minh cũng trải qua cảm giác đó, khi cha nghe tin buồn về cuộc hôn nhân mà cha cùng với Đức giám mục Diego đã được giao để dàn xếp, hay khi cha thấy lạc giáo đang phát triển rộng rãi ở miền Nam nước Pháp, hay khi cha nghe tin Đức giám mục Diego qua đời, khi cố gắng cho sứ vụ bị thất bại, khi Đức Innocente III kêu gọi thập tự chinh, khi phải chờ đợi những năm chiến tranh kết thúc, khi nghe tin cha mẹ và người bạn của mình là Simon de Montfort qua đời, khi đối diện với những khó khăn lúc thành lập Dòng, khi ước vọng được cùng anh William đi giảng thuyết bị trì hoãn, khi biết rằng không phải tất cả mọi anh em đều tuân giữ đời sống khó nghèo giống mình. Thế nhưng, sự buồn chán dường như không thể chạm được linh hồn cha ; hơn thế, đời sống chiêm niệm luôn mang lại cho cha một niềm vui. Thánh Tôma Aquinô nói rằng niềm vui là một kết quả của đức mến.[14] Khi đối diện với những gì cuộc sống đặt ra, đó là lúc chúng ta cần phải quyết định chọn lựa đi con đường nào – con đường dẫn tới đời sống chiêm niệm hay con đường dẫn tới cuộc sống buồn chán.
Tóm lại, vâng phục là một lời cam kết chọn lựa một nếp sống, mà đây là nếp sống của một nhà giảng thuyết. Để sứ vụ giảng thuyết được phát triển, chúng ta trông mong điều gì nơi từng anh em và nơi mỗi cộng đoàn ? Cha Đa Minh có lẽ cũng đã suy nghĩ rất nhiều về câu hỏi này khi anh em lần đầu tiên quy tụ lại để soạn thảo hiến pháp nền tảng. Điều gì sẽ giúp vận hành cộng đoàn ? Đâu là yếu tố nền tảng của cộng đoàn ? Tôi thiết nghĩ Đức Kitô chính là câu trả lời cho những gì cha Đa Minh đang suy ngẫm – đi theo Đức Giêsu (sequela Jesu). Trở nên một nhà giảng thuyết là trở nên giống Đức Kitô. Chính vì thế, chúng ta cần phải rập khuôn cuộc đời mình theo gương Đức Kitô. Thánh Phaolô cũng nhắc nhở chúng ta : “Anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu” (Pl 2,5). Ước muốn được hiến dâng mạng sống mình để phục vụ Đức Kitô nghĩa là biết cầu nguyện “không theo ý con”. Không phải là chúng ta không có tự do, hay khao khát sai lầm, nhưng ước muốn sau cùng của tâm hồn là yêu mến Đức Kitô Giêsu – Đấng chịu đóng định vào thập giá. Trong bài thánh thi thánh Phaolô gửi tín hữu Philípphê (2,6-11), điểm cốt yếu của Tin mừng và đời sống tâm linh là trút bỏ chính mình. Vâng phục là trút bỏ ý muốn riêng của mình. Khiết tịnh là trút bỏ khuynh hướng chiếm đoạt trong các mối tương quan. Khó nghèo là trút bỏ những gì thuộc thế gian này. Trút bỏ cái tôi để được mặc lấy Đức Kitô. Theo lối nhìn của Erich Fromm, đời tôi nhắm vào “sở hữu” hay “hiện hữu” ?[15] Chúng ta ai cũng muốn làm theo ý thích của mình, chúng ta muốn bạn bè của ta là “của ta”. Còn có những điều khác làm nên căn tính của chúng ta, chẳng hạn các tư tưởng thần học hay các quan điểm. Sở hữu không có chút gì sai, nhưng Dòng nhấn mạnh đến nhu cầu hiện hữu. Điều làm nên chúng ta ngày nay và cha Đa Minh ngày xưa, đó chính là việc giảng thuyết. Vâng phục theo tinh thần Dòng Đa Minh là trọng tâm của khát vọng nên thánh.
Khó nghèo :
Khó nghèo tự nguyện phân biệt với khó nghèo bắt buộc, nghĩa là khó nghèo về mặt kinh tế xã hội. Nó cũng phân biệt với khó nghèo tinh thần mà tất cả các Kitô hữu được mời gọi thực hiện. Tâm điểm của khó nghèo tự nguyện là đời sống chung. Đối với cha Đa Minh, tất cả để phục vụ việc giảng thuyết. Đời sống chung đã được thực hành trước đây tại các đan viện, nhưng một số đan viện đã trở nên giàu có. Khó nghèo Đa Minh là đời sống chia sẻ, đơn giản, hành khất, Tin mừng. Trên hết, đó là đời sống của người giảng thuyết.
Một đời sống chia sẻ : Để mọi sự làm của chung. Không có quyền sở hữu riêng về của cải. Kiểu mẫu câu Kinh thánh được áp dụng là : “Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung” (Cv 4,32). Điều này đã được ghi trong tu luật thánh Âutinh, có nghĩa là dựa trên cộng đoàn và phụ thuộc lẫn nhau trong cộng đoàn. Phụ thuộc lẫn nhau (vào thế kỷ XIX) được xem như một lý tưởng không tưởng, đã được thực hành giữa anh em : Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu. Đối với cha Đa Minh, đó không phải là tầm nhìn không tưởng, nhưng là một lối sống, lối sống của người giảng thuyết.
Một đời sống đơn giản : Để mọi sự làm của chung, nhưng một đan viện có thể trở nên giàu có. Vì thế, mục tiêu của nghèo khó Tin mừng cũng là sống với những gì mình cần, không phải những gì được xác định bởi thế giới bên ngoài, trong thời đại chúng ta, do xã hội tiêu thụ mà thị trường của nó dựa trên việc tạo ra các nhu cầu. Đúng hơn, nhu cầu phải được xác định bởi việc giảng thuyết dưới ánh sáng của việc hành khất. Đời sống này phải làm chứng cho Tin mừng. Như đã thấy, cha Đa Minh đặt nhiều ưu tiên cho việc thực hành khó nghèo, mặc dù, việc thực hành này vẫn tiếp tục tiến triển từ những điều chính cha Đa Minh đã hình dung từ ban đầu. Khó nghèo này là tự nguyện, nhưng thiết yếu, được ôm ấp do tất cả những người được mời gọi chia sẻ đời sống giảng thuyết. Thánh Catarina Siena nhận thấy khó nghèo tự nguyện là con đường nên thánh : “Khó nghèo tự nguyện, điều mà thế giới lo lắng, làm phong phú linh hồn chúng ta, giải thoát linh hồn khỏi thân phận nô lệ ; nó làm cho chúng ta nên nhân ái, dịu dàng ; nó quét sạch nơi chúng ta niềm tin trống rỗng và niềm xác tín vào những thứ chóng qua, đồng thời đem lại cho chúng ta đức tin sống động và niềm hy vọng chân thật.”[16]
Một đời sống hành khất : Để mọi sự làm của chung, nhưng mọi sự nhờ đâu mà có ? Các anh em tiên khởi là những người hành khất. Ban đầu, cha Đa Minh muốn rằng, các anh em chỉ xin ăn đủ trong ngày, với thời gian, anh em có thể xin để dự trữ cho những ngày sắp đến. Cha Đa Minh, người luôn sẵn sàng tham vấn anh em, rõ ràng muốn một đời sống hầu như khó nghèo tuyệt đối. Đó phải là đời sống thanh đạm.[17] Hành khất nhắc nhở người ta về sự phụ thuộc, không chỉ vào người khác, nhưng còn vào Thiên Chúa. Dòng phát triển nhất khi đời sống khó nghèo được thực hiện cách chân thành. Khi đời sống chung và đời sống khó nghèo tự nguyện suy yếu, Dòng cũng suy yếu. Với cha Đa Minh và Đức giám mục Diego, khó nghèo và giảng thuyết đi đôi với nhau, không thể có điều này mà không có điều kia. Cha Đa Minh không chỉ muốn khó nghèo lữ hành, mà còn muốn khó nghèo tu viện nữa. Tuy vậy, bằng sự vâng phục chân thật, cha trao ước muốn của mình vào tay anh em. Nhưng ngay từ ban đầu, khó nghèo đã thuộc về lối sống của người giảng thuyết. Người ta khó có thể thấy điều gì hơn nơi tâm điểm của thánh thuyết.
Một đời sống khó nghèo Tin mừng : Đời sống tông đồ (vita apostolica) là đời sống đã được các Tông đồ sống, không chỉ là đời sống giảng thuyết và lữ hành, mà còn là đời sống chung như đã được hiểu trong những thế kỷ đầu.[18] Nhưng đó cũng là lối sống của Chúa Giêsu, Đấng không có chỗ tựa đầu, và phải cầu nguyện để có bánh hằng ngày. Thật vậy, đời sống tu trì –dù theo kiểu nào– thực sự phát triển khi tín thác vào Thiên Chúa. Khó nghèo thuộc về tinh thần tín thác. “Phúc cho những ai…”. Như các mối phúc đã truyền cảm hứng cho loài người qua mọi thời đại, cha Đa Minh đã tìm thấy chúng nơi Tin mừng Mátthêu –Tin mừng cha yêu thích. Cha đã bán đi sách quý ở Palencia, thế nên, Tin mừng của cha không còn là “của cha”. Khó nghèo Tin mừng cũng là khó nghèo Kitô giáo, và hòa hợp với khó nghèo miễn cưỡng. “Ta đói…” (Mt 25, 31-46). Khó nghèo không bao giờ trở thành nguyên nhân bất hòa đến nỗi gây chia rẽ trong Dòng. Sự hợp nhất của Dòng là một trong ba điều đặc biệt mà anh em quý trọng bởi chúng đã kết nối chúng ta với chính cha Đa Minh. Hai điều khác là áo dòng và đặc tính thích ứng của hiến pháp. Áo dòng cũng kết nối chúng ta với cha Đa Minh, và đặc tính thích ứng của hiến pháp cho phép chúng ta điều chỉnh theo những dấu chỉ thời đại qua các thế hệ.
Khiết tịnh :
Trong thời đại chúng ta, khiết tịnh dường như không hòa nhịp với thế giới đương thời. Vào thời Trung cổ, thường thì một thành viên của mỗi gia đình được “dâng” cho Giáo hội, truyền thống hiến sinh. Do đó, chúng ta không thể biết cha Đa Minh có nghĩ nhiều về những bao hàm trong đời sống độc thân không. Điều chúng ta biết là cha quý trọng đời sống ấy. Không cần nói nhiều về những gì làm nên kiện hàng, nhưng cần chú ý xem kiện hàng được gói làm sao. Mặc dù có những nhân chứng nói về đức khiết tịnh của cha trong án phong thánh, một câu chuyện thú vị còn lưu lại cho thấy cả sự cam kết của cha về đời sống khiết tịnh, và cả nhận thức về hy sinh mà đức khiết tịnh đưa tới. Như đã kể trên, cha đã nói trong lời thú nhận trước khi qua đời : “Tôi thú nhận rằng tôi không tránh được yếu đuối là chỉ thích nói chuyện với các thiếu nữ hơn với các chị lớn tuổi.” Câu chuyện còn lưu lại bởi vì tính cách của cha Đa Minh phá vỡ –như trong câu chuyện về mối tương quan của cha cách chung với các anh em, các nữ đan sĩ, với chị Diana Andalò, với William Montferrat, với Đức cha Diego và Đức cha Foulques. Cha Đa Minh có khả năng thiết lập tương quan, vốn là điều nằm ở trung tâm của đời sống khiết tịnh.
Khiết tịnh không quan tâm quá nhiều về giới tính để phân biệt người này đối với người khác. Khiết tịnh dạy chúng ta những tương quan nào cần quan tâm. Ann Willets, nữ tu Đa Minh từ Sinsinawa, Wisconsin, thích nói trong buổi giảng thuyết của mình : “Không thể nói chúng ta là những con người đang cố gắng nên thánh, nhưng đúng hơn, là những con người thánh đang học nên người.” Nhân tính là điều đức khiết tịnh quan tâm. Theo Aristotle, thánh Tôma Aquinô dạy chúng ta rằng, chúng ta có thể phạm tội chống lại nhân tính, bởi thái quá hay bất cập. Chúng ta có thể không chú ý đến giới tính, mối tương quan, tình bạn ; hoặc chúng ta có thể hết sức bảo vệ để không phạm bất kỳ tội xác thịt nào. Đây là điều Gerald Vann, tu sĩ Đa Minh và tác giả tu đức nổi tiếng người Anh, nói trong lời dẫn nhập cho các thư của cha Giođanô gửi chị Diana :
Như việc hướng dẫn ngu muội có thể hủy hoại sức khỏe một thanh niên, cả thể lý lẫn tâm lý, nhân danh sự thánh thiêng của chủ nghĩa khổ hạnh hoặc nhiệt tình tôn giáo ; tựa như lý thuyết sai lạc về đức vâng lời có thể đem đến cho người này một nhận định hoàn toàn sai lầm về cuộc sống, bằng cách huấn luyện anh xác định lý tưởng một cách khác thường ; như anh có trò vui tuổi trẻ bị dập tắt để có được sự đàng hoàng ngột ngạt, hoặc cá tính bị bóp nghẹt vì sự áp đặt một mẫu chung, một dạng nhân cách giả mạo ; thì bản chất đa cảm, tức là tâm hồn anh, có lẽ hoàn toàn bị kìm nén và bóp nghẹt ; cái nắp được vít chắc chắn, trong khi mọi năng lực được hướng dẫn để tránh sai lầm, để anh chấm dứt theo cách trống rỗng không thể chê trách được. (Đôi khi, điều vừa rồi được biện hộ dựa vào việc thể hiện tính an toàn : Nhưng an toàn vì cái gì ? Chúa đã chẳng nói rằng : Tôi đến để anh em có sự an toàn và sự an toàn ấy thêm dồi dào. Thật vậy, một số người trong chúng ta làm bất cứ điều gì để cảm thấy an toàn, cho cuộc sống trên trần gian cũng như cuộc sống mai hậu, nhưng chúng ta không thể có cả hai : an toàn hay sự sống, chúng ta phải chọn lựa).[19]
Giống như mọi lời khấn, khiết tịnh là một vấn đề về sự cân bằng, sống một cuộc sống cân bằng và nguyên vẹn. Đức khiết tịnh cho chúng ta biết mọi người đều quan trọng, và mời gọi chúng ta tôn trọng nhân phẩm của họ –dù trong cộng đoàn, trong sứ vụ hay trong tình bạn. “Người khác” thì quan trọng. Vì thế, độc thân khiết tịnh không phải là lối sống thuộc trí, vô cảm, nhưng đúng hơn, đó là cách tiếp cận chiêm niệm về tất cả cuộc sống. Cha Đa Minh dường như là mẫu người như vậy, mẫu người mà người ta cảm thấy may mắn khi được gặp. Điều này miêu tả một tu sĩ Đa Minh khác, bây giờ đã qua đời, là chị Marygrace Peters thuộc Hội dòng Đa Minh Houston. Gặp gỡ chị là một điều may mắn. Tất cả các tu sĩ Đa Minh có thể kể những câu chuyện về tình bạn của chúng ta. Dù có những lúc lẻ loi, chúng ta không xoay vào đó. Cuộc sống quá phong phú, có việc giảng thuyết, gia đình, bạn hữu và có Chúa nữa. Vào thế kỷ XIV, có một phong trào, được gọi là Các bạn hữu của Thiên Chúa, bao quanh một tu sĩ giảng thuyết khác –tôn sư Eckhart. Thiên Chúa là bạn của cha Đa Minh. Anh Bêđa Jarrett, tu sĩ Đa Minh người Anh nổi tiếng, đã viết về cha Đa Minh trong cuộc đời của riêng anh, khi chú thích biến cố cha Đa Minh qua đời : “Cha là bạn của mọi người, nhưng bạn cảm thấy khi bạn đọc, rằng bạn của cha là Thiên Chúa.”[20] Các anh em, các chị em, anh William… đều là bạn của cha. Khiết tịnh làm cho người ta có thể sống một cuộc sống tròn đầy. Như trong bất kỳ lối sống nào, chúng ta không thể chú tâm vào điều mình có, nhưng là vào điều mình nhận được, và đó là gấp trăm theo lời hứa của Chúa Giêsu.
Có quá nhiều điều về cuộc đời cha Đa Minh mà chúng ta không biết. Không phải cha là con người bí mật, vì cha là người của công chúng, nhưng vì cha không bao giờ tìm cách để mình trở thành trung tâm của sự chú ý. Một bài hát cổ có câu : “tình yêu là thứ bạn cho đi, bạn phải cho đi”, điều này thật đúng với cha Đa Minh. Cuộc đời cha là cuộc đời cho đi, và đức khiết tịnh cung cấp cho cha vũ đài để thực hiện điều đó. Trong thời đại chúng ta, người ta phải học khiết tịnh, lớn lên trong khiết tịnh, vì khiết tịnh không phải là giá trị văn hóa được củng cố bằng các chuẩn mực xã hội. Có lẽ, ngược lại thì đúng hơn. Nhưng đối với cha Đa Minh, cha đã sống khiết tịnh, và khiết tịnh thuộc về tình yêu. Tình yêu chân thực là tình yêu khiết tịnh, dù kết hôn hay độc thân. Giới tính được đặt ra là để phục vụ Tin mừng, giống như phần khác của cuộc đời. Thánh Phaolô đã sống “vì Tin mừng” (1Cr 9,23). Khiết tịnh thuộc về Tin mừng. Khiết tịnh thúc đẩy lòng trí chúng ta nhận biết mình lệ thuộc vào Thiên Chúa. Khiết tịnh là tín thác vào Thiên Chúa. Khiết tịnh độc thân là khả năng nói rằng, chỉ Thiên Chúa là đủ. Nhưng, tất nhiên, Thiên Chúa thì chưa đủ. Tất cả chúng ta ước muốn Thiên Chúa và nhiều thứ khác, nhưng khiết tịnh là tín thác vào điều chúng ta cần trong cuộc sống cá vị và liên vị mà Thiên Chúa sẽ ban. Giống như mọi lời khấn, khiết tịnh là một hành vi đức tin, tin vào Thiên Chúa tình yêu. Khiết tịnh cũng cần thiết cho đời sống chung và sẻ chia. Khiết tịnh là con đường nên thánh.
Thánh Phaolô chỉ thị cho các tín hữu Côrintô, những người đang có vấn đề về đức khiết tịnh : “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc” (1Cr 13,4). Khiết tịnh là học làm sao để yêu, và nếu thánh Tôma Aquinô có lý khi mô tả niềm hy vọng là hướng về Thiên Chúa,[21] thì khiết tịnh cũng thế : Học hướng về Thiên Chúa và người khác. Khiết tịnh làm cho chúng ta nhận ra chúng ta phụ thuộc vào người khác. Chúng ta không thể bước đi một mình trong cuộc sống. Một lần nữa, thánh Phaolô cho chúng ta thấy tình yêu đặc biệt ngài dành cho các tín hữu Philipphê khi viết :
Tôi cảm tạ Thiên Chúa của tôi, mỗi lần nhớ đến anh em. Tôi luôn vui sướng mỗi khi cầu nguyện cho anh em hết thảy, vì từ buổi đầu cho đến nay, anh em đã góp phần vào việc rao giảng Tin mừng. Tôi tin chắc rằng : Đấng đã bắt đầu thực hiện nơi anh em một công việc tốt lành như thế, cũng sẽ đưa công việc đó tới chỗ hoàn thành cho đến ngày Đức Kitô Giêsu quang lâm. Tôi có những tâm tình như thế đối với tất cả anh em, đó là điều hợp lý, bởi vì tôi mang anh em trong lòng tôi. Khi tôi bị xiềng xích, cũng như lúc tôi bênh vực và củng cố Tin mừng, anh em đều thông phần vào ân sủng tôi đã nhận được. Có Thiên Chúa làm chứng cho tôi : tôi hết lòng yêu quý anh em tất cả, với tình thương của Đức Kitô Giêsu. Điều tôi khẩn khoản nài xin, là cho lòng mến của anh em ngày thêm dồi dào, khiến anh em được ơn hiểu biết và tài trực giác siêu nhiên, để nhận ra cái gì là tốt hơn. Tôi cũng xin cho anh em được nên tinh tuyền và không làm gì đáng trách, trong khi chờ đợi ngày Đức Kitô quang lâm. Như thế, anh em sẽ đem lại hoa trái dồi dào là sống một đời công chính nhờ Đức Giêsu Kitô, để tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa (Pl 1,3-11).
Người ta có thể hình dung cha Đa Minh đang cầu nguyện khi đọc đoạn văn này. Người ta có thể tưởng tượng cha nói những lời này vào những dịp cha rời xa anh chị em. Cả thánh Phaolô và cha Đa Minh không hề cảm thấy bối rối về tình cảm dành cho người này hay cộng đoàn kia. Đó là một phần của đời sống khiết tịnh lành mạnh. Thánh Phaolô tiếp tục nói với các tín hữu Philipphê : “Hỡi anh em thân mến lòng tôi hằng tưởng nhớ, anh em là niềm vui, là vinh dự của tôi” (Pl 4,1), và ngài còn nói thêm :
Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại : vui lên anh em ! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi, Chúa đã gần đến. Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Kitô Giêsu. Ngoài ra, thưa anh em, những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý. Những gì anh em đã học hỏi, đã lãnh nhận, đã nghe, đã thấy ở nơi tôi, thì hãy đem ra thực hành, và Thiên Chúa là nguồn bình an sẽ ở với anh em (Pl 4,4-9).
Đối với thánh Phaolô thế nào, thì đối với cha Đa Minh cũng vậy. Đời sống khiết tịnh thuộc về tình yêu. Khiết tịnh là yêu một ai đó cách đặc biệt, nhưng không sở hữu. Tương tự đức khó nghèo, đức khiết tịnh thuộc về hiện hữu, chứ không phải sở hữu. Với đức khó nghèo, thì sở hữu và hiện hữu không bị sự vật nắm giữ, còn với đức khiết tịnh, thì sở hữu và hiện hữu không bị con người nắm giữ. Đó là một lối sống không phụ thuộc trong thế giới. Nói cách khác, điều này có nghĩa là sự tự do thật sự, là đào sâu khả năng yêu thương. Đời sống khiết tịnh yêu quý cả lời mời gọi phục vụ lẫn món quà bằng hữu. Cha Đa Minh không bao giờ coi khao khát được cùng anh William đi giảng thuyết cho những người không tin là vi phạm đức khiết tịnh hoặc vâng phục. Ước muốn giảng thuyết là trọng tâm của cả đức khiết tịnh lẫn đức vâng phục ; nhưng cuối cùng, cha luôn vâng theo những điều được đòi hỏi.
Sứ vụ thánh thuyết
Tâm hồn chiêm niệm, lòng yêu mến học hành, nhiệt thành với đời sống khất thực và tinh thần sứ vụ của cha Đa Minh được thể hiện ra bên ngoài, qua những gì mà các tu sĩ Đa Minh ngày nay gọi là bốn yếu tố nền tảng của đời sống Đa Minh : cầu nguyện, học hành, đời sống chung và giảng thuyết. Cha Đa Minh được biết đến là một con người cầu nguyện. Có rất nhiều câu chuyện kể lại rằng nhiều đêm cha ở trong nhà nguyện, hoặc ngay khi đến một nơi nào đó, cha luôn đi viếng Thánh Thể, hoặc nhắc nhở các anh em chỉ nói về Chúa và nói với Chúa. Trong Các giờ kinh phụng vụ, lời nguyện của Giáo hội, cũng là lời nguyện của riêng cha, cha luôn cầu nguyện cùng với Giáo hội.
Suốt đời, cha Đa Minh vẫn là một sinh viên thần học. Cha Giođanô kể lại rằng cha là người có đam mê học hành không biết mệt mỏi. Vào đầu mùa hè năm 1215, cha cùng những anh em khác tham dự một số lớp của giáo sư Alexander Stavensby. Cha còn gửi anh em của mình đến các trường đại học lớn để tham gia học hành và giảng dạy. Fra Angelico vẽ một bức họa rất nổi tiếng trình bày cha Đa Minh ngồi dưới chân thánh giá, với một cuốn sách đặt trên đầu gối, cuốn sách này được cho là Kinh thánh (có lẽ bản văn Tin mừng Mátthêu). Cha Đa Minh kiên trì học hành để kiếm tìm chân lý đức tin. Đó là lý do tại sao cha nhận thấy được nhu cầu cần phải đào tạo anh em chu đáo, tại sao vị khuyến học tu viện (lector) phải giữ một vai trò quan trọng trong mỗi cộng đoàn, và tại sao sau này Dòng gửi những anh em lỗi lạc nhất đến dạy học tại trường đại học Paris.
Tình huynh đệ (fraternitas) và khả năng đón nhận người khác của cha Đa Minh được thể hiện ra trong một yếu tố khác của Dòng. Chúng ta có thể gọi yếu tố này bằng nhiều cách khác nhau : đời sống kỷ luật, đời sống chung – mỗi tên gọi mang một sắc thái khác nhau. Cha luôn yêu mến anh em. Ta có thể đoán được tại sao Đức giám mục Diego lại chọn cha Đa Minh. Chắc chắn là vì tình bạn được hình thành giữa cha và Đức giám mục, tình bạn này ngày càng trở nên sâu sắc qua những cuộc hành trình và sứ vụ chung. Chúng ta vừa nói đến khả năng xây dựng tình bạn với người khác của cha Đa Minh. Cha còn tìm hiểu về tình yêu con người qua tình yêu Thiên Chúa, cũng như các đặc tính nơi tình yêu Thiên Chúa thông qua tình yêu con người. Các mối tương quan trong cuộc đời cha luôn có một vị trí quan trọng ; bên cạnh đó, việc tuân giữ nếp sống tu viện mà cha hấp thụ được khi còn ở Osma lại có thể giúp cho các tương quan đó ngày thêm vững mạnh. Thế nhưng, tất cả bốn yếu tố trên đều tập trung vào sứ vụ giảng thuyết. Cha đã được tiền định bởi hoàn cảnh sống và thời đại, bởi đôi mắt nhìn xa trông rộng của Đức Thánh cha đối với Giáo hội, và bởi những điều kỳ diệu nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa đối với một sứ mạng. Kể từ lúc được hạ sinh, cha đã có như thế rồi.
Có nhiều yếu tố liên quan đến sự kiện Dòng được thành lập, có những yếu tố do cha khởi xướng, cũng có những yếu tố xuất hiện từ những hạt mầm do chính cha gieo trồng. Ở đây, tôi muốn nói đến truyền thống tri thức, truyền thống nghệ thuật hội họa, truyền thống thần bí, truyền thống phụng vụ, truyền thống tông đồ, và tinh thần truyền giáo. Ta có thể thấy tất cả những nét đặc trưng này nơi con người cha Đa Minh, tùy thời điểm và tùy hoàn cảnh.
Vào khoảng cuối thế kỷ XX, đã xuất hiện một quan niệm sai lầm về Dòng Đa Minh, người ta cho rằng Dòng đã bị thay đổi và thậm chí là được tái lập nhờ vào thế giá của thánh Tôma Aquinô, gương mẫu vĩ đại nhất trong lịch sử trí thức của Dòng. Những người ủng hộ quan điểm này cho rằng Dòng quá tập trung đến việc giảng dạy hơn là giảng thuyết, đề cao học thuật hơn nếp sống giản dị, và đề cao học thuyết thánh Tôma hơn Tin mừng. Tôi không thấy có bất kỳ sự gián đoạn trong lịch sử của Dòng. Rõ ràng, chính thánh Tôma cũng thấy rằng giảng thuyết thôi thì chưa đủ để làm thay đổi phái Cathar, tòa án dị giáo không phải là cách có thể áp dụng cho tương lai, chỉ có đạo lý thánh khoa mới có thể khuất phục được lạc giáo Manikê. Người ta kể lại câu chuyện : Tại một bữa tiệc do vua nước Pháp, Louis IX tổ chức, thánh Tôma đã làm mọi thực khách giật mình, vì đang trầm ngâm suy nghĩ, ngài đột nhiên đập mạnh tay xuống bàn, rồi hét lên : “Và chính điều này sẽ dẹp được phái Manikê !” Có lẽ lúc đó ngài đã nhận ra rằng triết học Aristotle sẽ giúp ích để dẹp tan phái Manikê và phái Cathar hơn là triết học Platon vốn rất thịnh hành lúc bấy giờ. Và bởi thế, ngài quyết định dùng triết học Aristotle để phục vụ cho sứ vụ giảng thuyết.[22]
Cha Đa Minh mong muốn anh em vừa phải học hành vừa giảng dạy. Cha rất vui khi thấy cha Albertô tại tu viện Cologne vừa là nhà thần học, nhà triết học, nhà thần bí, giáo sư, nhà chiêm niệm, giám tỉnh và vừa là giám mục. Những “truyền thống” như vậy trong Dòng không tách biệt nhau. Thánh Tôma phải đấu tranh chống lại ý muốn của gia đình để được gia nhập Dòng, chỉ vì ngài được hứng khởi bởi lý tưởng của Dòng. Cha Đa Minh hẳn là rất tự hào khi thấy rằng một người anh em có được ghế giáo sư trong phân khoa thần học của đại học Paris. Công việc giảng thuyết đòi buộc phải học hỏi, và những gì đã học cần được chia sẻ. Cha Đa Minh đã thấy được nhu cầu này ngay từ lúc thành lập Dòng, vì thế những Tổng hội đầu tiên, trước khi cha Đa Minh qua đời, đã soạn ra một khoản hiến pháp quy định rằng mỗi một tu viện cần phải có giáo sư, khuyến học ; và tất cả anh em, kể cả bề trên, buộc phải tham dự các giờ học của giáo sư đó.
Đối với cha Đa Minh, các tu sĩ giảng thuyết không được coi việc học hành nghiên cứu tự nó là một mục đích, nhưng phải hướng đến sứ vụ loan báo Tin mừng. Ngay từ ban đầu, Dòng đã đề cao khôn ngoan thần học hơn các môn học đời.[23] Điều này dần dần được thay đổi khi con người nhận ra rằng không thể có điều này mà lại không có điều kia. Về vấn đề này, thánh Albertô Cả, một nhà nghiên cứu tự nhiên, cũng là một triết gia tự nhiên (ngay nay ta gọi là nhà khoa học tự nhiên) đã giúp mở rộng môi trường học thuật cần thiết cho việc giảng thuyết và mở ra ngành thần học, nhằm đáp ứng các nhu cầu của thế giới. Ngay từ đầu, anh em đã nhận ra rằng theo chân cha Đa Minh không nhất thiết là phải thực hiện, một cách mù quáng, theo những gì cha đã làm, không nhất thiết phải mang loại giày dép mà cha đã mang. Người ta kể lại rằng cha Đa Minh đi bộ mà không mang giày dép ; thế nhưng, để tránh gây chú ý, cha mang giày vào khi vào làng hay thị trấn. Hơn thế, đối với một tu sĩ Đa Minh, trong thời đại của mình, hãy bắt chước cha Đa Minh trong thời đại của cha – trở thành một người loan báo trọn vẹn Lời Thiên Chúa đã được lãnh nhận qua Giáo hội. Học hành nghiên cứu không làm chúng ta lìa xa điểm căn cốt của Tin mừng ; trái lại, có thể khiến chúng ta cảm nghiệm sâu sắc hơn.
Điều này cũng có thể được áp dụng vào các truyền thống nghệ thuật của Dòng. Nghệ thuật Đa Minh cũng là một cách thức giảng thuyết. Có một thời, nhiều người Công giáo không đọc sách, nhưng họ có thể “đọc” các bức tranh kính màu, hay còn được gọi là hấp thụ đức tin qua tranh ảnh và âm nhạc. Kiến trúc cũng có thể chuyển trao Lời Chúa. Thánh Tôma cũng là một nhà thơ.[24] Nghệ thuật đụng chạm đến cái đẹp, giác quan, âm nhạc, lối nhìn. Cái đẹp có thể mang lại những gì ngôn từ không thể diễn tả hết được. Nó có thể làm lay động tâm hồn và trí óc con người. Đó là một cấp độ khác trong quá trình hiệp nhất mà công việc giảng thuyết mong muốn đạt được : hiệp nhất tâm hồn và trí óc. Học hành sinh ra kiêu ngạo khi nó phân cách sự hiểu biết của trí óc khỏi sự hiểu biết của tâm hồn. Và nghệ thuật chỉ có thể bộc lộ tình cảm khi nó tách rời tâm hồn khỏi lý trí. Cha Đa Minh không phải là người sống theo cảm tính. Như đã biết, cha học cách sống trong nạn đói ở Palencia, hay trong thời gian chiến tranh ở Languedoc, hay khi phải chia tay với người bạn của mình.
Những bức họa hay những bức tranh tường của họa sĩ Đa Minh tên là Fra Angelico (anh Gioan Fiesole) đã chịu được thách đố của thời gian, bởi vì chúng gần như là những kiệt tác.[25] Nghệ thuật là để nâng tâm hồn và trí óc của con người lên tới Thiên Chúa. Một người bạn tôi nói rằng ơn gọi của cha Đa Minh là “yêu mến Thiên Chúa hết trí khôn”. Có vẻ như đây là cách diễn tả phù hợp với cha Đa Minh, người yêu mến Thiên Chúa hết trí khôn. Một nghệ sĩ có thể nói ra những điều chỉ được ban riêng cho họ. Họ được mời gọi để yêu mến Thiên Chúa bằng đôi tay hay giọng ca. Trong tư tưởng thần học của mình, thánh Tôma nói rằng chúng ta đến được với Thiên Chúa qua các loài thụ tạo, đạt tới nguyên nhân thông qua các hệ quả. Cha Đa Minh đã nhìn nhận Chúa qua việc quan sát công trình do tay Chúa thực hiện trong tự nhiên. Cha bước đi và nhận ra vẻ đẹp của trời đất, cây cối trổ hoa, bốn mùa thay đổi, hoàn cảnh khó khăn của người nghèo và thực tại của những người phong cùi. Giảng thuyết bằng cả trí khôn và bằng cả tâm hồn, bằng cả đôi tay và bằng cả giọng ca chính là tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác, như thánh Phaolô nói (1Cr 6,20).
Chúng ta không cần phải rút ra các yếu tố trong nếp sống của cha Đa Minh. Trong bức tranh có tựa Thánh Đa Minh đang đọc sách, cha Đa Minh được phác họa là một người chuyên cần học hành ; đây là chi tiết được lấy lại từ bức tranh của anh Fra Angelico có tựa đề Nhạo báng Đức Giêsu.[26] Tuy nhiên, cha Đa Minh cũng thường được vẽ đứng trước thánh giá trong tư thế chiêm niệm về cuộc khổ nạn của Đức Kitô. Tư tưởng, kinh nguyện và nghệ thuật hòa quyện lại với nhau, và Thánh Thể chính là nguồn mạch, là đỉnh cao của tất cả.[27] Mặc dù chúng ta không có bức họa nào nói về cha Đa Minh cử hành Thánh lễ, nhưng tôi nghĩ rằng, chúng ta nên có bức tranh đó của riêng mình. Thánh Thể là tâm điểm trong cuộc đời cha, vậy cha đã cử hành ra sao ? Cha bày tỏ lòng tôn kính của mình như thế nào ? Cha có cầu nguyện đặc biệt cho các tội nhân hay không ? Cha có xuất thần lúc cử hành Thánh lễ hay không ? Người ta kể lại rằng cha thường xúc động đến rơi lệ mỗi khi cử hành Thánh lễ : “Từng giọt nước mắt nối đuôi nhau lăn xuống má.”[28] Điều này không được liệt kê trong chín cách cầu nguyện của cha Đa Minh, nhưng chắc chắn đây là cách cầu nguyện vô cùng hiệu quả của cha. Khi nói những lời kết thức Thánh lễ (Ite, missa est – Lễ xong, hãy ra đi bình an), cha có thấy trước những kết quả đạt được trong sứ vụ truyền giáo và tông đồ có liên quan đến anh em của mình hay không ? Chẳng lẽ cha lại không nhận thấy việc chiêm niệm cần phải đạt đến đỉnh điểm bằng việc chuyển trao hoa trái cho người khác hay sao ? Chẳng lẽ từ thâm sâu, cha lại không phải vừa là một người chiêm niệm vừa là một người truyền giáo hay sao ?
Chúng ta có thể bày ra trước mắt mình bức chân dung mà vào thế kỷ XIX, cha Henri Lacordaire, OP, đã vẽ ra khi tái thiết Dòng tại Pháp :
Nếu hùng biện là môn khó nhất trong tất cả các môn nghệ thuật, và nếu xem giảng thuyết là đỉnh cao trong tất cả các loại hùng biện, thì bỗng nhiên một người lập ra một đội quân các nhà giảng thuyết gây ảnh hưởng khắp mọi nơi, từ Tây Ban Nha tới Moscow, từ Thuỵ Điển tới Ba Tư thì không phải sự kiện nhỏ. Để giải thích cho điều kỳ diệu này, ta chỉ cần nghĩ trong đầu rằng hùng biện được sinh ra do lòng đam mê. Có sự đam mê trong tâm hồn, thì khả năng thuyết phục sẽ trào ra như mạch suối. Hùng biện là âm thanh thoát ra từ một tâm hồn đam mê. Nhiều nhà hùng biện xuất hiện vào thời xảy ra những bất ổn xã hội, khi mà người dân bị đảo lộn bởi những thế lực quyền thế. Và bất kỳ ai say mê một điều gì đó trong cuộc sống đều có thể mạnh mẽ lên tiếng về điều đó, dù chỉ một lần trong đời. Thế nhưng, cha thánh Đa Minh không muốn lập các trường dạy hùng biện để đào tạo anh em trước khi sai đi rao giảng trong thế giới. Cha chỉ muốn đụng chạm đến cái cốt lõi của thời đại cũng như tìm ra và đánh thức một niềm đam mê.[29]
Đức Maria – Đấng Bảo Trợ Dòng
Chúng ta đã bàn đến hai khẩu hiệu của Dòng : Chân Lý (Veritas) và “Chiêm niệm và trao cho người khác hoa trái của chiêm niệm” (Contemplari et contemplata aliis tradere). Khẩu hiệu thứ hai được trích lại trong tác phẩm của thánh Tôma Aquinô. Khẩu hiệu thứ nhất là cốt lõi của việc giảng thuyết, mặc dù khẩu hiệu này xuất hiện sau.[30] Chúng ta vẫn chưa nói đến khẩu hiệu thứ ba “Chúc tụng, ngợi khen và giảng thuyết” (laudare, benedicere, praedicare). Chúc tụng –tất cả mọi thụ tạo đều ca tụng Chúa, cha Đa Minh và toàn thể Giáo hội dùng Các giờ kinh phụng vụ để ca tụng Chúa. Ngợi khen –cả cuộc đời cha Đa Minh là một lời ngợi khen, nhờ sự hiện diện của cha mà những người khác được chúc lành. Đây là điều mà sứ vụ giảng thuyết nhắm đến : Loan báo Tin mừng. Chính vì thế, bản Sách thánh thường được dùng làm bài đọc thứ nhất trong ngày lễ kính thánh Đa Minh được trích từ sách Isaia : “Đẹp thay trên đồi núi bước chân người loan báo Tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ” (Is 52,7-10). Dĩ nhiên, điểm chính là giảng thuyết Tin mừng, nhưng khẩu hiệu này xuất hiện trong tình huống nào cũng cho chúng ta biết một câu chuyện khá thú vị.
Đức giám mục Conrad giáo phận Prato, đi ngang qua Bologna và tình cờ trú lại tại tu viện của Dòng Anh Em Giảng Thuyết. Vì cẩn trọng, ngài để ý đến tính pháp lý của nhóm người đa dạng đang có một lối nhìn mới mẻ về đời tu. Vì thế, khi bước vào cung nguyện, ngài đề nghị xem một cuốn sách thánh, như một số người ngày nay vẫn thường làm với Kinh thánh. Người ta đem cuốn Sách lễ đến cho ngài, và ngài mở bất kỳ trang nào Chúa muốn nói với ngài. Câu mở đầu của trang đó là Laudare, benedicere, et praedicare – “Chúc tụng, ngợi khen và giảng thuyết”. Chính Chúa đang nói. Chỉ cần như thế, Đức giám mục cũng có thể biết rằng ngài đã được Chúa dẫn dắt vào ngôi nhà thánh thiện này. Nói cách khác, sự quan phòng của Chúa đã mang lại cho Dòng phúc lành. Nhưng còn có nhiều điều thú vị hơn thế nữa. Những lời này cũng là những lời trong kinh Tiền tụng lễ kính Đức Mẹ. Như vậy, Đức Mẹ đã nhận làm Đấng Bảo Trợ Dòng.
Có một câu chuyện khá thú vị cho thấy mối liên hệ gần gũi giữa anh em giảng thuyết và Đức Mẹ, giải thích tại sao lại hát kinh Salve Regina trong các tu viện sau giờ kinh Tối. Sau này, có thêm câu chuyện Đức Mẹ trao tràng hạt cho thánh Đa Minh ; thế nhưng, lịch sử về kinh Mân Côi lại là một câu chuyện khác nữa. Mãi một thế kỷ sau thời cha Đa Minh, các tu sĩ Đa Minh mới có được mối tương quan thân thiết với kinh Mân Côi.[31] Tuy nhiên, ngay từ đầu, cha Đa Minh đã phó thác nơi Đức Maria trong lời kinh nguyện của mình. Sau khi cha Đa Minh qua đời, một anh em ở Bologna bị quỷ ám, gây phiền phức cho cả cộng đoàn, kể cả cha Giođanô cũng thấy e ngại. Một ngày nọ, đang lúc chuẩn bị dâng lễ, cha Giođanô đọc Thánh vịnh 34, và trong lúc cha cầu nguyện, ma quỷ phô bày ra những sự xấu xa của nó. Khi thấy những gì ma quỷ bày ra lúc đầu lễ, cộng đoàn được thúc đẩy “cùng nhau hát kinh Salve Regina như cộng đoàn Bologna thường làm sau giờ kinh Tối. Và việc hát kinh Salve Regina được phổ biến đến toàn Tỉnh Dòng Lombardia, và cuối cùng, lòng sùng kính và việc đạo đức tốt lành này được áp dụng cho toàn Dòng” (Libellus, số 120). Dòng Giảng Thuyết đã được trao phó cho Đức Maria, cho thánh nữ Maria Mađalêna cũng như cho thánh nữ Catarina Alexanderia, chứng tỏ sự quý mến cha Đa Minh dành cho những phụ nữ ảnh hưởng đến cuộc đời cha. Như Đức Maria sinh ra Lời trong cung lòng, một nhà giảng thuyết sinh ra Lời trong thế giới. Thánh Âutinh, Tôma, tôn sư Eckhart và các nhà thần học khác chỉ ra rằng, trước khi Đức Maria sinh ra Lời trong cung lòng, thì Mẹ phải sinh ra Lời trong tâm hồn. Cũng vậy, các nhà giảng thuyết, trước khi sinh ra Lời cho người khác, phải sinh ra Lời ngay trong chính tâm hồn mình.
Truyền thống cho rằng biến cố phân tán anh em đã diễn ra vào ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời năm 1217. Năm 1218, Đức Mẹ hiện ra với cha Reginald cùng với phép lạ chữa lành sau đó, nhờ lời cầu nguyện của cha Đa Minh. Cha Đa Minh có một thị kiến riêng về Đức Mẹ. Chị Cecilia đã được nghe cha Đa Minh kể lại rằng, cha nhìn thấy Đức Giêsu và Đức Maria. Trong thị kiến, cha nhìn thấy tu sĩ của tất cả các Dòng khác trừ anh em của mình. Thấy vậy, cha khóc. Đức Giêsu hỏi tại sao cha khóc, cha trả lời : “Bởi vì con nhìn thấy tu sĩ của tất cả các Dòng khác, nhưng lại không thấy một anh em nào của con hết.” Đức Giêsu nói : “Ta đã trao phó Dòng con cho Thân Mẫu Ta gìn giữ.” Nghe vậy, Đức Mẹ liền vén tấm áo choàng lên, mở ra và cha Đa Minh thấy bên trong áo choàng có vô số anh em giảng thuyết.
Nếu như một vị thánh là người làm cho người khác muốn nên thánh, thì cha Đa Minh thực sự là một vị thánh. Cha đã không ngừng nói với Chúa và về Chúa ; ngày nay, cha vẫn đang tiếp tục nói cho chúng ta biết về Chúa. Là một nhà chiêm niệm hoạt động, một nhà chiêm niệm lưu động, một người hành khất lương thực hằng ngày và cầu xin lòng thương xót của Chúa, một nhà giảng thuyết ân sủng, một anh em giảng thuyết, cha Đa Minh là người yêu mến Chúa hết lòng, và yêu thương tha nhân như chính mình. Cha là một người bạn của Thiên Chúa, Đấng đã đến làm bạn với con người và hơn nữa, với Dòng Anh Em Giảng Thuyết.
Praedicator gratiae, nos junge beatis – Ôi vị giảng thuyết ân sủng, xin cho chúng con được hợp đoàn cùng các phúc nhân (Trích từ điệp ca kính thánh Đa Minh).
[1] Vicaire, Saint Dominic and His Times, 384.
[2] Chị Cecilia, được trích trong Lives of the Brethren of the Order of Preachers, 89. Cecilia là nữ đan sĩ trẻ tại đan viện Santa Maria del Tempulo, và là một trong những người đầu tiên chuyển đến đan viện San Sisto. Sau đó, chị là một trong các nữ đan sĩ được gửi tới để giúp thiết lập đan viện Bologna, tại đó, chị trở thành bề trên.
[3] Tôma Aquinô, Summa Theologiae, II, q.46, a.4, đã trích dẫn câu nói của thánh Âutinh.
[4] Catarina Siena, The Letters of Catherine of Siena, do Suzanne Noffke chuyển ngữ.
[5] Bullitio và ebullitio là hình ảnh tôn sư Eckhart đã dùng để nói về đời sống năng động của Ba Ngôi, và tuôn trào trong hành vi tạo dựng. Đó cũng là hình ảnh diễn tả sự chiêm niệm mang lại hoa trái trong hoạt động hay giảng thuyết. X. Richard Woods, Eckhart’s way (Wilmington, DE : Michael Glazier, 1986), 89-91. X. Bernard McGinn, The Mystical Though of Meister Eckhart, the Man From God Hid Nothing (New York : Crossword Pubishing, 2001.
[6] Không rõ tác giả. Được viết khoảng giữa năm 1260-1288, được xem như sự thể hiện cách thực hành thực sự của thánh Đa Minh. X. Simon Tugwell, The Nine Ways of Prayer of Saint Dominic (Dublin : Dominican Publications, 1978) ; X. Early Dominicans (New York : Paulist Press, 1982), 94-103. X. Leonard Boyle, OP, “The ways of Prayer of St. Dominic”, AFP 64 (1994) : 5-17.
[7] Denys Turner, The Darkness of God, Negativity in Christian Mysticism (Cambridge, UK : University Press, 1995), 100.
[8] Trong bài giảng bằng tiếng Đức của mình, tôn sư Eckhart đã nhấn mạnh rất nhiều đến chủ đề sinh hạ Ngôi Lời nơi linh hồn. Thánh Catarina Siena viết : “Nếu một phụ nữ mang thai nhưng không bao giờ sinh hạ để mọi người nhìn thấy đứa trẻ, thì chồng của chị sẽ xem chị là người không con” (Đối thoại, chương 11).
[9] X. Tôn sư Eckhart, Sermons and Treatises, bản dịch của M. O’C. Walshe, tập 1, (London Pub. 1979), bài giảng 9, tr. 79-90.
[10] Thánh Âutinh, Teaching Christianity (De Doctrina Christiana), do Edmund Hill, OP, chuyển ngữ (Hyde Park, NY : New City Press, 1996), chương 1, tr. 106.
[11] “Hiến pháp nền tảng”, chương 2.
[12] Tôma Aqquinô, Summa Theologiae, I, q.6, a.4 : “Vì thế, mọi sự được gọi là tốt lành từ sự tốt lành của Thiên Chúa, gương mẫu đệ nhất, nguyên lý hiệu và và tối hậu của mọi sự tốt lành. Tuy nhiên, mọi sự được gọi là tốt lành vì giống với sự tốt lành của Thiên Chúa nó có nơi mình, và là sự tốt lành của chính nó, xét về hình thức, theo đó, nó được gọi là tốt lành. Do vậy, không chỉ có một sự tốt lành, nhưng là nhiều.”
[13] Phần này được lược bỏ (trang 112-113 trong nguyên bản) [ND].
[14] Thomas Aquinas, Summa Theologiae, II-II, q.28, a.1.4.
[15] Erich Fromm, To Have or To Be ? (New York : Continuum International, 2004).
[16] Thư T67, gửi tu viện Passignano tại Valle Ombrosa, The Letters of Catherine of Siena, vol.3, pp.3-4.
[17] Về thánh Đa Minh, Vladimir Koudelka viết: “Thật ý nghĩa khi cha đi bộ thay vì đi ngựa. Chính cha Đa Minh là người đi bộ không biết mệt mỏi. Theo tính toán, sau khi lập Dòng, cha đã đi bộ khoảng 40 đến 50 km mỗi ngày […] Nhưng khía cạnh khó khăn nhất của lối sống này là qua đêm tại những nhà trọ dành cho người lữ hành nghèo, có nhiều bọ chét, rận, côn trùng, vì thế anh em thường không thể chợp mắt.
[18] Marie-Dominique Chenu, OP, “Monks, Canons, and Laymen in Search of the Apostolic Life”, in Nature, Man, and Society in the Twelfth Century (Chicago : The University of Chicago Press, 1968), 202-238.
[19] Gerald Vann, OP, “Introduction”, in To Heaven with Diana, 40.
[20] Bede Jarrett, OP, The Life of St. Dominic (Westminster, MD : The Newman Bookshop, 1947), 173.
[21] Thomas Aquinas, Summa Theologiae, II-II, q.17, a.1.
[22] G. K. Chesterton, Saint Thomas Aquinas (New York : Doubleday & Co., 1956), 97-101.
[23] Về Lịch sử khai nguyên và sự phát triển học hành trong Dòng, x. M. Michèle Mulchahey, First the Bow is Bent in Study … Dominican Education before 1350 (Toronto, Canada : Pontifical Institute of Medieval Studies, 1998).
[24] X. Paul Murray, OP, Aquinas at Prayer : The Bible, Mysticism and Poetry (London : Bloomsbury, 2013), 157-259.
[25] Có nhiều tác phẩm của Fra Angelico. X. Jacqueline and Maurice Guillaud, Fra Angelico : The Light of the Soul (New York : Clarkson N. Potter, 1986), về dẫn nhập vào đời sống và các tác phẩm của Fra Angelico, và bản sao các tranh vẽ và bích họa của ngài tại tu viện San Marco, Florence.
[26] Tại bảo tàng San Marco, Florence.
[27] Vatican II, Lumen Gentium, số 11.
[28] Vicaire, Saint Dominic and His Times, 24.
[29] Henri Lacordaire, OP, Essay on the Re-establishment in France of the Order of Preachers, bản dịch của Simon Tugwell, OP (Dublin : Dominican Publications, 1983), 22.
[30] X. Guy Bedouelle, OP, Saint Dominic : The Grace of the Word, bản dịch của Mary Thomas Noble, OP (San Francisco : Ignatius Press, 1987), 168 [bản dịch Việt ngữ : Thánh Đa Minh, Ân sủng Lời Chúa, Tủ sách Đại Kết, 1992, tr.171-173].
[31] Nhận định chung cho rằng kinh Mân Côi được Đức Trinh Nữ ban cho chính cha Đa Minh, nhưng điều này không đúng, dù cha Đa Minh rất sùng kính Đức Mẹ. Việc đọc kinh Kính Mừng và kinh Lạy Cha đã có một lịch sử như chính kinh Mân Côi vậy. Alain de la Roche, OP (1428-1475), vào thế kỷ XV, đã thể hiện một vai trò qua trọng khi gán kinh Mân Côi cho sáng kiến của cha Đa Minh. Tràng hạt Mân Côi được thêm vào áo dòng trong thế kỷ XVI. X. Guy Bedouelle, OP, Saint Dominic, The Grace of the Word, 253-257 [bản dịch Việt ngữ : Thánh Đa Minh, Ân sủng Lời Chúa, Tủ sách Đại Kết, 1992, tr.267-270]. Luận bàn sâu sắc hơn về lịch sử kinh Mân Côi, x. Anne Winston-Allen, Stories of the Rose, the Making of the Rosary in the Middle Ages (University Park, PA : The Pennsylvania State University Press, 2005).