[Tóm Lược GLHTCG, các số 2759-2772]
Trong Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giêsu dùng lời của Người mà dạy chúng ta về cuộc đời mới và dạy chúng ta nài xin hồng ân này bằng Kinh Lạy Cha [2764].
Các sách Tin Mừng cho chúng ta hai bản văn Kinh Lạy Cha: một bản văn của Tin Mừng Luca, gồm có năm lời cầu xin, bản văn kia của Tin Mừng Mátthêu, gồm có bảy lời cầu xin. Truyền thống phụng vụ đã sử dụng bản văn của Tin Mừng Mátthêu [x. số 2759].
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo trình bày Kinh Lạy Cha với nhiều tên gọi khác nhau:
- “Lời kinh Chúa dạy”. Cách gọi truyền thống này muốn nói lên rằng kinh nguyện chúng ta dâng lên Cha chúng ta là do Chúa Giêsu chỉ dạy và ban tặng [2765].
- Lời kinh “của Chúa”, vì qua lời kinh này, Đấng là Ngôi Lời Nhập Thể, bằng trái tim nhân loại, bày tỏ những nhu cầu của con người lên Chúa Cha [2765].
- Lời kinh của Hội thánh, do đó là thành phần không thể thiếu trong cử hành Thánh Thể và các giờ Kinh Phụng vụ chính [2767-70].
- Lời kinh căn bản của Kitô giáo, vì qua lời kinh này những yếu tố căn bản của niềm tin Kitô giáo được biểu lộ [2759].
- “Bản tóm lược toàn bộ Tin Mừng” (Tertulianô), vì lời kinh này này lấy lại nội dung chính yếu của Tin Mừng dưới hình thức một kinh nguyện [ 2761].
- “Lời kinh tuyệt hảo” (thánh Tôma Aquinô), vì lời kinh này không những chỉ dạy chúng ta cầu xin những điều đáng ước ao theo một trật tự mà còn huấn luyện tâm tình cầu nguyện của chúng ta nữa [2763].
- Lời kinh riêng của “thời cuối cùng” – thời của cứu độ đã được khai mở và hoạt động nhờ Thần Khí và sẽ kết thúc vào ngày Chúa đến lần thứ hai [2771].
Ngay từ thời Giáo hội sơ khai, truyền thống phụng vụ kết thúc Kinh Lạy Cha bằng một vinh tụng ca. Những lời tung hô này được giữ lại trong Phụng vụ Thánh thể như sau: “vì vương quyền, uy lực và vinh quang là của Chúa đến muôn đời” [2760].
Trong Phụng vụ Thánh thể, ý nghĩa của bảy lời cầu xin, cách riêng lời khẩn cầu “xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ” được khai triển thành viễn cảnh cánh chung, mong đợi ngày Chúa đến lần thứ hai để hoàn tất toàn thể vũ trụ này [2760, 2771-72].
Trong bí tích Rửa tội và Thêm sức, nghi thức trao Kinh Lạy Cha nói lên ý nghĩa việc sinh hạ mới vào sự sống thần linh. Giáo huấn của giáo phụ về Kinh Lạy Cha đều nhắm đến các dự tòng và tân tòng [2769].
Tìm hiểu PHẦN THỨ BỐN: “KINH NGUYỆN KITÔ GIÁO” CỦA SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO, Xem thêm các bài khác => ở đây
Đọc thêm:
TRÍCH THƯ THÁNH ÂU-TINH, GIÁM MỤC, GỬI CHO PƠ-RÔ-BA, VỀ KINH LẠY CHA
[Bài đọc 2 Kinh Sách, Tuần 29 Thường Niên]
Lời nói cần cho chúng ta để nhắc nhở và cho chúng ta thấy mình xin gì; nhưng chúng ta hãy tin rằng không phải vì những lời đó mà chúng ta làm cho Chúa biết hay phải xiêu lòng.
Vậy khi chúng ta nói: Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, là chúng ta nhắc bảo mình ao ước cho danh Người vốn là thánh được mọi người nhìn nhận là thánh mà không bị khinh chê. Điều này có lợi cho loài người chứ không phải cho Thiên Chúa.
Dù chúng ta muốn hay không muốn thì triều đại Chúa vẫn đến, nhưng khi chúng ta đọc: Triều đại Cha mau đến là chúng ta thôi thúc lòng mình ao ước cho triều đại ấy đến với chúng ta và chúng ta cũng được trị vì trong đó.
Khi chúng ta đọc: Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời là chúng ta xin Người ban cho chúng ta chính sự tuân phục, để nhờ đó, ý của Người thể hiện nơi chúng ta như vẫn được các thiên thần của Người thi hành trên thiên quốc.
Khi chúng ta đọc: Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày thì hai chữ hôm nay có nghĩa là thời bây giờ. Thời bây giờ hoặc là chúng ta xin những gì cần thiết, khi nêu lên phần quan trọng hơn cả, nghĩa là qua chữ lương thực, chúng ta có ý chỉ tất cả nhu cầu; hoặc là chúng ta xin lãnh nhận bí tích dưỡng nuôi các tín hữu là bí tích cần thiết trong thời bây giờ, nhưng không phải để được hạnh phúc thời bây giờ mà là hạnh phúc vĩnh cửu.
Khi chúng ta đọc: Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con, chúng ta nhắc bảo mình phải xin gì và phải làm gì để đáng lãnh nhận.
Khi chúng ta đọc: Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ chúng ta tự nhủ mình xin điều đó, kẻo vì thiếu ơn Người trợ giúp, chúng ta hoặc bị lừa mà chiều theo cơn cám dỗ, hoặc vì sầu khổ mà chịu thua.
Khi chúng ta đọc: Xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ, chúng ta bảo mình phải nghĩ rằng chúng ta chưa ởtrong tình trạng hoàn hảo khiến chúng ta không còn phải chịu sự dữ nào nữa. Lời cầu xin này được đặt ở cuối kinh “Lạy Cha” hiển nhiên là để giúp người tín hữu khi gặp bất cứ cơn khốn khó nào, cũng biết dùng câu này mà than thở, mà khóc lóc; biết bắt đầu cầu nguyện từ câu đó, dừng lại trong đó và kết thúc ở đó. Quả thật, những lời này phải giúp chúng ta ghi nhớ những thực tại được diễn tả.
Vì dù chúng ta có đọc bất kỳ lời nào khác – những lời do người cầu nguyện đặt ra để khơi dậy lòng sốt sắng, hoặc dựa theo để thêm lòng sốt sắng – chúng ta cũng chẳng nói gì khác ngoài điều đã có trong kinh “Lạy Cha”, nếu chúng ta cầu nguyện cho đúng và thích hợp. Còn bất kỳ ai đọc lên điều gì không liên hệ với kinh Tin Mừng này thì tuy người ấy cầu nguyện không sai trái nhưng cũng chỉ là cầu nguyện theo lối xác thịt. Tôi không hiểu tại sao lại không được bảo đó là sai trái, vì những người được tái sinh bởi Thánh Thần chỉ nên cầu nguyện trong Thánh Thần mà thôi.