Chuyện học: Phải chăng chỉ là khổ chế?

25-10-2024
Bởi: Thỉnh Viện Đa Minh Có: 0 bình luận 150 lượt xem

“Học hành là khổ chế” là tinh thần sống tu trì độc đáo mà đấng sáng lập Dòng Đa Minh mong muốn anh em tiếp bước nhằm biến việc học đó trở nên hoa trái để loan báo Tin Mừng cho muôn dân. Dẫu biết rằng học hành là vất vả, là khó nhọc nhưng học hành cũng là hình thức hy sinh để “hãm mình phạt xác”. Điều này cũng đóng một vai trò quan trọng trong đời sống kỷ luật tu trì, mang lại lợi ích đào luyện cho bản thân xét về đời sống thiêng liêng. Tuy nhiên, học mà cảm thấy khổ thì không phải ai cũng muốn, trái lại nó cũng có thể là cản trở cho việc tiếp thu tri thức một cách tự nhiên. Vậy, câu hỏi đặt ra là: Liệu có nên quan niệm “học hành là khổ chế”? để luận bàn về điều đó có lẽ chúng ta cần có góc nhìn mới để thay đổi quan niệm cố hữu của mình về vấn đề học hành, một điều mà xã hội nhận thấy là khẩn thiết, đặc biệt trong thời đại hôm nay.

“HỌC HÀNH KHÔNG CHỈ LÀ KHỔ CHẾ”

Để hiểu cách sâu xa gốc rễ của câu nói vốn mang đầy ngôn ngữ tâm linh này, chắc hẳn chúng ta cần quay ngược dòng trở về với khoảng thời gian Thánh Đa Minh thành lập Dòng. Thuở ban đầu, Thánh phụ đã xác định việc học là căn tính của người tu sĩ  Đa Minh. Những thế hệ sau này đều xác định học hành như yếu tố cốt lõi để hiện thực hóa mục đích “nói với Chúa và nói về Chúa”. Chân phước Humberto Romano, Bề trên Tổng quyền thứ IV, đã nói: “Dòng trước tiên đã chọn việc học như mục tiêu trong việc thành lập Dòng; hay nói đúng hơn, học hành không phải là mục tiêu của Dòng, song nó tuyệt đối cần thiết để thực hiện mục đích của Dòng.”[1] Vắn gọn là vậy để nói lên tầm quan trọng của việc học. Vậy tại sao việc học được xem là một khổ chế?

 Xét về mặt ngữ nghĩa, khổ chế là hình thức kỷ luật, khước từ ý muốn và sở thích cá nhân, dẹp đi những khuynh hướng xấu có thể gây hại cho đời sống tâm linh.[2] Thực ra, từ này vốn chỉ xuất hiện trong giới học thuật Công Giáo, còn ngoài đời người ta “hạp” với từ “khổ hạnh” hơn. Như vậy, nếu gắn quan niệm này vào việc học thì có thể hiểu đó như là hình thức để rèn luyện và khắc chế bản tính ưa nhàn hạ, thoải mái của con người. Hay nói cách khác, học là một thực hành đạo đức để hãm mình phạt xác. Ai cũng hiểu rằng, việc học thường kéo theo quá trình rèn luyện gian nan, đòi hỏi đào sâu nghiên cứu, mất thì giờ, nên việc học giống như ép bản thân thực hành khổ chế, đồng thời chống lại chiều hướng ưa an nhàn, hưởng lạc của xác thịt. Ở cái nhìn thiêng liêng, quá trình khổ luyện như vậy đóng góp không nhỏ trong tiến trình tu đức nhờ việc giữ kỷ luật bản thân một cách chặt chẽ, đều đặn.

Tuy nhiên, xét về mặt thực học, nếu coi việc học như khổ hạnh thì chưa chắc đã tiếp thu hoàn toàn tri thức mà việc học mang lại. Sẽ là cưỡng cầu hay ép buộc mà thôi nếu học mà không thích điều mình đang học. Giờ đây ta đứng trước hai lựa chọn nan giải: Một là học một cách tự nguyện, hai là cũng học dưới sự tự nguyện nhưng luôn canh cánh về việc đó như là “nỗi đau âm ỉ trong lòng”. Tất nhiên, do hoàn cảnh đưa đẩy thì tiếp tục học vẫn là sự lựa chọn hiển nhiên. Nhưng vấn đề đặt ra là học với một thái độ như thế nào thì hiệu quả cho cả về mặt tâm linh lẫn đào luyện trí óc. Để trả lời cho câu hỏi ấy, ta hãy nhìn nhận qua hai góc nhìn hiện thực: nhu cầu xã hội và tinh thần khám phá.

Nhu cầu xã hội

Người Việt mình xưa nay vẫn quan niệm “học hành là con đường duy nhất để thoát nghèo”. Điều này không hẳn đúng nhưng chẳng ai có thể phủ nhận nó. Quả thực, học hành sẽ giúp người học có một hành trang vững chắc khi bước vào đời. Nắm trong tay kiến thức chính là nắm chắc tương lai của mình, vậy cũng coi như có đủ “khiên thuẫn” để lao vào tranh đấu với đời. Trong một thế giới đang hướng đến nền kinh tế tri thức thì kiếm miếng cơm manh áo thông qua học hành càng là chuyện hiển nhiên mà ai tham dự vào đều nhận thức được. Thêm vào đó, với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, nhu cầu của xã hội để đáp ứng đủ nhân lực phục vụ cho các ngành nghề tri thức ngày càng lớn hơn. Học để kiếm miếng ăn trong xã hội khẩn thiết như vậy đã đành, huống hồ đây còn là học để “cứu nhân độ thế” theo con đường đời tu. Thế giới hiện đại luôn sản sinh những vấn đề mới bên cạnh những “món cũ ăn hoài không hết”, liên quan đến tôn giáo, nhân sinh và hằng hà sa số vấn đề về đạo đức khiến con người phải đau đầu mỗi khi nghĩ đến. Vì vậy, trang bị kiến thức để đương đầu với những thách thức càng cần kíp hơn bao giờ hết trước nhu cầu cả về vật chất lẫn tâm linh.

Tinh thần khám phá

Xã hội vẫn không ngừng tiến bộ. Chính vì thế, những người không học sẽ trở nên lạc hậu và không bắt kịp xu thế phát triển của thời đại. Sống trong thời đại mà không hiểu điều gì đang xảy ra hàng ngày thì quả là lạc hậu so với mọi người. Người đời thường cho rằng “kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt”, nghĩa là biết tùy thời mà biến chuyển, biết mình biết người và nắm bắt thời thế để vươn lên. Điểm cốt lõi của tư duy này chính là tinh thần khám phá, luôn khát khao để hiểu biết mọi thứ xung quanh. Người hăng say tìm tòi lấy việc nghiên cứu làm niềm vui, khi tìm ra một thứ gì đó mới mẻ thì niềm vui càng nhân lên gấp bội. Hơn nữa, niềm vui đó ở một độ chín nhất định sẽ biến thành sự yêu mến với công việc học tập đang thực hiện. Có thể dựa vào đó để kết luận rằng thay đổi tư duy và thái độ trong việc học thì quan trọng chẳng kém. Đồng nghĩa với nhận định cho rằng: “Học cách yêu mến việc học thì quan trọng như việc xem học hành là khổ chế.” Một vị giáo sư trong Dòng khi được hỏi về bí kíp cho thành công trong sự học đã trả lời rằng: “Hãy đóng cửa phòng lại và học. Chỉ học, học và học mà thôi!”. Dẫn chứng như vậy để hiểu rằng chỉ có yêu mến thì mới “bơi” được trong bể học vô biên.

HỌC HÀNH LÀ NIỀM VUI

Nói là thế nhưng để coi học là niềm vui thì không phải dễ dàng gì. Ai cũng biết rằng nhiều lúc học hoài thì cũng chán. Một món ăn dù ngon đến đâu mà ăn nhiều thì đến lúc cũng phải yêu cầu đầu bếp đổi món. Nhưng cùng là một nguyên liệu mà xào nấu theo nhiều cách khác nhau thì có thể khắc chế sự chán chường đó. Việc học cũng tương tự vậy. Để tiếp nạp được những món khó nhai thì chắc hẳn cần hiểu rõ hai thứ: tinh thần học thuật và thực hành.

Tinh thần học thuật

Khoan hãy bàn về khái niệm học thuật, vì một là nó quá sâu và còn lại thì chưa được định nghĩa một cách đúng đắn. Ở đây ta chỉ hiểu đơn giản học thuật là những gì liên quan, đề cập đến các lĩnh vực hoặc phương pháp nghiên cứu, học tập và giảng dạy trong một lĩnh vực cụ thể.

Học là cả một quá trình trong đó người học tiếp thu và hiểu thấu đáo tri thức được trao. Có hai cách tiếp cận khác nhau cho việc lĩnh hội kiến thức: bị động và chủ động. Điều ấy có nghĩa: một là học theo kiểu “thầy giảng trò nghe” và hai là “ai cũng là thầy ta” (Luận ngữ), trong đó người viết cho rằng quan niệm sau thì mang tinh thần học thuật nhiều hơn. Nói một cách bình dân thì đại khái tư tưởng “ai cũng là thầy ta” coi mọi thứ xung quanh đều đáng học hỏi, kể cả những người, những vật mà trước nay ta coi như chưa tồn tại. Học không chỉ dừng lại trong mớ kiến thức hàn lâm, nhưng còn là sự tiếp nạp những điều tưởng chừng như đơn giản trong cuộc sống hàng ngày. Sự tiếp cận chủ động như vậy mang đến cho người học cách hiểu nguyên lý, đồng thời có thể đối chiếu, áp dụng những kiến thức chính thống vào trong thực tiễn. Bên cạnh sự chủ động, người học cũng cho thấy sự khiêm nhường khi dám chấp nhận từ bỏ cái tôi của mình để học hỏi từ những người xung quanh.

Nhưng không dễ để thay đổi tư tưởng “thầy giảng trò nghe” bởi tâm thức chúng ta vẫn quen với lối học từ chương sách vở nhiều hơn ngay từ khi còn cái thời tập ê a đánh vần. Lề thói này chủ trương học thuộc lòng như một cỗ máy rồi gặp trường hợp thực tế thì tuôn ra tràng giang đại hải mà chẳng cần biết là người nghe có hiểu hay không, chỉ mong sao cho thỏa cái chí bụng dạ đầy chữ của mình. Dầu vậy, cũng không thể trách được cá nhân người học bởi chúng ta đang ở trong một hệ thống tạm gọi là “học – trả bài” – tức học chỉ để thi. Điển hình có thể thấy trong chuyện thi cử. Truyền thống xưa nay chú trọng đến hình thức khoa cử, vốn thiên nhiều về việc sử dụng các bài kiểm tra lý thuyết để đánh giá năng lực. Mặc dầu đây là phương thức dễ dàng và tiết kiệm nhất, song cũng không thể tránh khỏi khiếm khuyết trong khi chỉ đánh giá, nhìn nhận theo một khía cạnh thiên về học thuộc lòng mà thôi. Vấn đề ở đây là chúng ta đang thiếu đi những công cụ linh hoạt trong việc đánh giá năng lực học tập. Vậy nên, điều cần thiết hơn cả là tạo cho người học tinh thần học thuật đúng nghĩa, bằng việc trang bị các công cụ cần thiết như thiết kế một hệ thống đánh giá nhất quán thay vì chỉ chăm chăm vào thi cử, trả bài kiểu truyền thống. Đồng nghĩa với việc giúp người học có cái nhìn thực tế về những gì mình đang tiếp thu – học để áp dụng, chứ không hẳn là thi xong rồi bỏ đó. Do đó, người thụ huấn sẽ được phát triển cả về năng lực chuyên môn lẫn tư cách nghiên cứu học thuật.

Chuyện học vốn là chuyện cả đời. Học không chỉ gói gọn trong nay mai, trong vài ba năm mài đũng quần trên giảng đường mà là cả quá trình tự nghiên cứu, tự tầm sư học đạo để vươn tới cảnh giới cao nhất và làm mới kiến thức mình “đeo đuổi”. Cách học chủ động như vậy đòi hỏi sự mày mò, nghiên cứu, quan sát bên ngoài, suy tư bên trong. Việc đi sâu vào nghiên cứu sẽ giúp hiểu rõ bản chất vấn đề, vươn ra khỏi cái học hình thức, giáo điều vốn chỉ trói buộc con người trong tư tưởng sẵn có.

Học đi đôi với hành

Cốt lõi căn bản của việc học chính là tìm thấy sự liên kết với thực tế và áp dụng những gì được học vào trong cuộc sống. Sự thực hành sẽ biến những lý luận nghe có vẻ xa vời, trừu tượng trở nên gần gũi, hữu ích. Để dễ hình dung, hãy nhìn vào cách ta nấu một món ăn. Trước tiên, ta cần nắm được công thức, các bước thực hiện rồi bắt tay vào xào nấu để cho ra món ăn. Nếu công thức là lý thuyết, thì bắt tay vào làm sẽ kiểm chứng những gì đã nắm. Chưa kể, lần đầu tiên nấu ăn sẽ không thể tránh khỏi sai sót, nhưng trải qua nhiều lần thực nghiệm cộng thêm đúc rút kinh nghiệm sẽ tạo nên kiến thức mới về công thức phát xuất từ thực tiễn. Có thể nói, cặp lý thuyết – thực hành sẽ luôn song hành với nhau bất kể trong lĩnh vực nào. Lý thuyết sẽ là nền tảng để ta giải quyết các vấn đề trong thực tế; nhưng đồng thời trong quá trình thực hành, ta sẽ kiểm chứng và hình thành ngược lại những lý thuyết mới nhằm bổ trợ cho những gì đã biết trước đó. Đây cũng là cơ sở cho thuyết duy nghiệm đã từng xuất hiện trong lịch sử triết học và là một trong những nền tảng căn bản cho nguyên lý khám phá khoa học sau này: “những niềm tin phải được chấp nhận và làm theo miễn là chúng được khẳng định trước hết bằng kinh nghiệm thực tế.”[3]

Nhưng suy cho cùng, học hành đơn giản nằm một phần trong giáo dục nhằm biến đổi con người, đưa con người ra khỏi trạng thái ban sơ hầu nhận biết sự thật để hoàn thiện bản thân. Nói cách khác, mục đích tối hậu của học tập không gì khác hơn là “thành nhân”, tức là để trở nên một con người có khả năng chân nhận sự thật và có lòng thương cảm với đồng loại, đồng thời chế ngự bản thân khỏi bản ngã – những khuynh hướng xấu mang tính tự nhiên của mình.

Xem thêm bài viết: Bỏ cày mà đi

Tóm lại, học hành sẽ là một chướng ngại nếu chúng ta coi đó như một nấc thang để tiến lên trên sự nghiệp, và khi đạt được mục đích rồi thì đường ai nấy đi – không còn lưu luyến chút gì. Ngược lại, nếu coi đó là một quá trình đào luyện con người thì việc học mới đúng nghĩa là “học cả đời”. Bởi vì học không chỉ dừng lại ở mức đạt lấy thành tích, thành tựu, mà học chính là “trở nên người” – mục đích tối hậu và “sống như người” – phương tiện để đạt tới mục đích ấy. Như vậy, việc học đối với ta sẽ như một niềm vui cảm nhận được hằng ngày, bởi trong mỗi khoảnh khắc là một bài học giúp cho sự thăng tiến, thay vì như một gánh nặng được chất trên lưng con lừa của Sancho Panza trong tiểu thuyết Don Quijote nổi tiếng.


[1] Đa Minh Chu Quang Đương, O.P., Giới Thiệu Ơn Gọi Đa Minh, tr 235.

[2] Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ. Khổ chế?. https://tgpsaigon.net/bai-viet/kho-che-42534. Truy cập ngày 20 tháng 10 năm 2024

[3] Cù Ngọc Phương (dịch). Anthony M. Quiton, Baron Quiton. Empiricism. http://www.britannica.com/EBchecked/topic/186146/empiricism. Truy cập ngày 23 tháng 10 năm 2024

Mạc Nhân

Từ khóa: , , , , , , , , , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com