Chữ “Trí” và “hiểu để biết, biết để làm”

13-05-2024
Bởi: Thỉnh Viện Đa Minh Có: 0 bình luận 520 lượt xem

Trong tiến trình phát triển văn minh của dân tộc Việt Nam, Nho giáo đã đóng vai trò không nhỏ khi đề ra phép đối nhân xử thế trong đời sống, và nguyên tắc chuẩn mực này đã có tầm ảnh hưởng sâu rộng. Nổi bật nhất trong tư tưởng Nho giáo là Ngũ thường: Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín – đây là những đức tính cần thiết đối với mỗi người. Trong Ngũ thường, chữ “Trí” nêu lên sự hiểu biết, suy nghĩ cẩn thận. Trong giới hạn của bài suy tư, nội dung bài viết xin được khai triển theo đề tài: “Chữ Trí trong tương quan với điều: Hiểu để biết, biết để làm”.

“Trí” – khiêm nhường học hỏi

Trong từ điển Hán Nôm, chữ “Trí” (智) gồm chữ Tri (知) và chữ Nhật (日) tạo thành. “Tri” là nhận thức, là sự hiểu biết một cách có ý thức, còn “Nhật” là mặt trời soi sáng vạn vật. Hai chữ trên kết hợp với nhau tạo nên chữ “Trí” với hàm ý hiểu biết mọi sự một cách sáng suốt, không bị che mờ bởi sự u mê.[1]

“Trí” không chỉ nói đến khả năng con người hiểu biết vạn vật, nhưng còn là hiểu chính mình. Tôn Tử – Chiến lược gia thời Xuân Thu – Chiến Quốc nói: “Biết người biết mình, trăm trận không nguy”.[2] Quả vậy, biết mình hoặc sự tự nhận thức là một trong những yếu tố đầu tiên để thăng tiến. Điều này giúp chúng ta lượng định được những điểm mạnh, điểm yếu, và những điều cần bổ sung để đạt được mục tiêu trong cuộc sống. Bên cạnh đó, biết mình còn thể hiện sự khiêm tốn, nhìn nhận những thiếu sót, để học hỏi mọi người xung quanh. “Việc chi mình biết, nhận là biết; Việc chi mình chẳng biết, nhận là chẳng biết. Như vậy mới là biết thật”.[3] Ngoài ra, tự nhận thức cũng giúp con người hiểu biết về thế giới, những gì đang xảy ra xung quanh, để cố gắng thay đổi tư duy và định hướng mục tiêu cuộc đời.

Khi đã “biết mình, biết người”, ta sẽ thúc đẩy bản thân tự tìm tòi, học hỏi, mở rộng tầm nhìn, sẵn sàng lắng nghe người khác, kể cả những điều trái ý. Việc tự học, tự nghiên cứu đóng vai trò không nhỏ, thậm chí mang tính quyết định đến những gì ta sẽ đạt được trong cuộc đời. Cái “Trí” của người được khai sáng về tư duy là họ không chỉ tự học, nhưng còn biết dựa vào người khác để nâng cao kiến thức cho bản thân. Việc “dựa vào người khác” được hiểu là họ sẵn sàng từ bỏ cái tôi để học hỏi những cái hay nơi tha nhân, kể cả nơi những người được coi là yếu kém hơn mình. Họ không chỉ lắng nghe lời hay ý đẹp, nhưng còn biết tiếp thu ý kiến trái chiều đến từ người khác, thậm chí cả lời chỉ trích, bởi họ một lòng sống theo cách: “Người chê ta mà chê phải là thầy của ta.” [4]

Hiểu biết một cách tường tận

Nhắc đến “Trí” là nói đến sự hiểu biết sự vật cách thấu đáo. Trong Bát Điều Mục[5] của Nho giáo, “cách vật trí tri” là yếu tố đầu tiên để tu dưỡng con người toàn diện, có ích cho xã hội. Theo Trịnh Huyền thời Đông Hán, “cách là đến cùng, vật như là sự vật”. Phái duy tâm Trình – Chu đời Tống cho rằng tri thức vốn có ở con người, nhưng bị vật dụng làm cho mất đi, cần phải “cách vật” để lấy lại những gì đã mất. Theo Chu Hy, cách vật là đi tới cái cùng của nơi sự vật, có thế ta mới mở mang được tri thức, hiểu thấu vạn vật.

Để hiểu biết thấu đáo, ta cần phải nghiên cứu sâu, kỹ mọi việc, mọi hiện tượng. Cũng giống như người nông dân thời trước, họ không có những công cụ để quan chiêm thời tiết, nhưng qua quá trình quan sát, đúc kết, rèn luyện, họ đạt được những kinh nghiệm quý báu cho nghề nông, rồi từ đó truyền lại cho hậu thế. Bên cạnh đó, ta cũng cần trang bị cho mình kỹ năng nắm bắt vấn đề. Để làm được điều đó, cần biết quan sát tỉ mỉ, lắng nghe, suy tư nhằm luận giải và đặt câu hỏi để truy tìm căn nguyên. Khi đã hiểu bản chất vấn đề, việc tìm giải pháp sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Nhìn nhận sự việc một cách toàn diện như trên còn giúp ta tránh khỏi thái độ quy kết thiển cận, vội vàng khi chưa đào sâu nghiên cứu. Một sự việc bên ngoài chính mắt ta mục thị, chưa chắc đã là chân lý toàn vẹn nếu không tìm hiểu kỹ nguyên do; có thể dẫn đến những hiểu lầm không đáng có. Cách hành xử cẩn trọng, chuẩn mực đưa ta đến cấp độ cao hơn của trí thức; đó là tri thức, tức là nhận thức không những “Trí” nhưng là bằng cả cái “Tâm”.

“Hiểu để biết, biết để làm” trong đời tu

Quy chiếu về đời tu nói chung và đời tu Đa Minh nói riêng, chữ “Trí” lại càng quan trọng, bởi sự học luôn được ưu tiên. Để thăng tiến trên con đường tu trì, việc học không chỉ là học thuộc lòng, để vượt cấp qua các kỳ thi, nhưng còn là học để hiểu. Từ sự hiểu đó, ta suy luận có tư duy sáng tạo, biết liên hệ tới những điều tương tự. Trải qua quá trình hệ thống hóa, ta nâng tầm “hiểu” lên một nấc thang mới là “biết”. Và không chỉ dừng lại ở đó, sự “biết” của ta cần được áp dụng vào chính đời sống thường nhật; có thể gọi tiến trình này là “hiểu để biết, biết để làm”.

Như thế, việc học phải đi liền với thực hành: “hành mà tri, tri mà hành, tri hành hợp nhất”. Theo Vương Dương Minh (1472-1528), tri, hành không tách rời nhau, cũng không phải tri rồi mới đến hành; nhưng cả hai đều khởi phát từ tâm.[6] Ví như sự trọn hảo không phải cảm rồi mới muốn; nhưng là cảm và muốn xuất hiện đồng thời.

Đời tu được quy định bởi kỷ luật, nhưng nhiều khi ta lại không cảm nhận được giá trị đích thực của tinh thần kỷ luật, nên sinh ra sợ hãi, dẫn đến làm việc cách máy móc. Sợ hãi, sợ sai là thái độ, tình trạng len lỏi trong tâm hồn bởi thiếu hiểu biết về căn nguyên. Từ đó, phát sinh tâm lý thu mình lại, làm cho qua chuyện mà không đặt cái tâm vào việc mình đang làm.

Xem thêm: Giới thiệu nội san số 76: Trí trong đời tu

Thiết nghĩ, “Trí” sẽ giúp mỗi người tự phân định, thấu hiểu những lời chỉ dẫn của người có trách nhiệm, hiểu trong thông minh, đào sâu cái nguyên do bên trong. Chỉ khi nắm được tinh thần, hiểu được lý lẽ, ta mới có thể thỏa sức sáng tạo dựa trên những nguyên tắc đã đề ra, mà không câu nệ tiểu tiết, máy móc và nhất là không còn sợ hãi.

Tạm kết

Tìm lại những lời dạy của cổ nhân là để ta hiểu về chữ “Trí” và những nguyên tắc xử sự trong đời thường. Luận bàn về “Trí” giúp ta sống tinh thần khiêm nhường học hỏi, nâng cao tinh thần hiểu biết mọi sự một cách tường tận. Hơn nữa, hiểu được điều đó sẽ giúp mỗi Thỉnh sinh biết cách đối nhân xử thế và thăng tiến mỗi ngày một hơn trên hành trình tu trì theo Đức Giêsu Kitô.


[1] Tra cứu từ điển Hán Nôm từ “Trí”, <https://hvdic.thivien.net/hv/trí>, truy cập ngày 03/3/2023.

[2] Ngô Văn Triện (dịch), Tôn Tử Binh Pháp, Nxb. Hồng Đức, 2019, tr. 65

[3] Đoàn Trung Còn (dịch), Luận Ngữ ,Tứ Thư, Nxb. Thuận Hóa, 2017, tr. 23.

[4] Dẫn theo sách Luận ngữ của Khổng Tử.

[5] Bát Điều Mục (những điều quân tử học để tu thân): Cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.

[6] Vương Dương Minh(1472-1528): Chính trị gia, triết gia nổi tiếng thời Minh.

Từ khóa: , , , , , ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com