HÀNH TRÌNH “HỌC CÁCH YÊU” – Chút Tâm Tình Sau Chuyến Thăm Viếng Bác Ái.

13-10-2022
Bởi: Jos Nguyen OP Có: 0 bình luận 896 lượt xem

HÀNH TRÌNH “HỌC CÁCH YÊU”

FX. Nguyễn Băng Sông

     Trong cuốn sách “Quà Tặng Cuộc Sống” có câu rằng:“ Biển Chết đón nhận và giữ lại riêng cho mình mà không chia sẻ nên nước trong biển Chết mặn chát.” Thật vậy, nếu ta chỉ biết đón nhận mà không biết cho đi thì ta đánh mất ý nghĩa cuộc đời. Ta nhận lãnh yêu thương từ khi còn là một bào thai trong dạ mẹ, và trong suốt hành trình làm người, ta luôn mắc món nợ ân tình. Bởi vậy, hãy trao yêu thương vì ta đã nhận được quá nhiều; hãy yêu như Đức Giêsu đã yêu loài người. Để yêu người khác một cách đúng nghĩa theo mẫu gương của Đức Giêsu, ta phải “học cách yêu”.

Trên mỗi chuyến đi

     Hành trình “học cách yêu” của anh em Thỉnh sinh diễn ra vào ngày 19/04/2022 và địa điểm mà anh em thăm viếng đó là mái ấm Thiên Ân và mái ấm Mai Tâm. Trong mỗi người đều đọng lại những ấn tượng qua mỗi nơi mình đến. Mái ấm Thiên Ân là nơi cưu mang những cụ bà neo đơn, cơ nhỡ, không chốn nương thân. Sau những tháng ngày lang bạt khắp nơi, các cụ bà được quý Seur dòng Trinh Vương cưu mang và nuôi dưỡng. Họ có những hoàn cảnh khác nhau, khác tôn giáo, nhưng ở nơi đây, họ có chung niềm xác tín vào đức tin Kitô giáo. Bởi lẽ họ đã cảm được sự hy sinh quên mình để phục vụ của quý Seur nên đã xin vào đạo Công giáo. Khuôn mặt các cụ bà bỗng trở nên tươi tắn và rạng rỡ khi gặp anh em vì đã lâu rồi chưa ai đến thăm mái ấm. Âm nhạc đã nối kết những con tim xa lạ xích lại gần nhau qua những câu hát tâm tình của anh em và của các cụ bà. Sau đó, anh em thăm hỏi để chia sẻ, động viên và để hiểu hơn về cuộc sống của các cụ. Niềm vui nối tiếp từ mái ấm Thiên Ân đến mái ấm Mai Tâm, đây là nơi đón nhận các em (từ mẫu giáo đến đại học) bị ảnh hưởng bởi HIV. Các em được quý Cha, quý Thầy dòng Camêlô (MI) nuôi nấng và giáo dục. Theo lời quý Cha chia sẻ, họ giáo dục bằng cách đối thoại với các em để hiểu và để thương. Bởi vậy, các em ở đây rất tự nhiên và niềm nở chào đón anh em và dường như không có chút ngại ngùng nào. Những khuôn mặt tươi tắn ấy dường như cũng phảng phất một chút buồn bởi vì hoàn cảnh mồ côi cha mẹ và mặc cảm vì khiếm khuyết của mình. Qua đây, tôi có chút suy nghĩ về phận người và về hành trình đời tu của mình.

Về phận người

     Trong cảm nhận của con người có lẽ cái nghèo sâu xa nhất là con người khao khát yêu và được yêu. Và điều mà con người sợ nhất đó chính là cô đơn và bị lãng quên. Vì vậy, con người luôn muốn được chấp nhận và khẳng định bản thân. Nếu như con người dùng cả cuộc đời mình để đắm chìm trong tiền tài, danh vọng hay lạc thú, những thứ chỉ đem lại niềm vui nhất thời, thì con người sẽ rơi vào một tình yêu vị kỷ, tức chỉ biết sống cho chính mình. Hai mái ấm mà anh em chúng ta gặp gỡ  thuộc hai thế hệ khác nhau: Lớp già và lớp trẻ. Hai thế hệ với biết bao khác biệt về tuổi tác, cách nghĩ…nhưng họ đều là những “phận người lênh đênh”. Họ không có một gia đình êm ấm, đủ đầy như chúng ta. Qua chia sẻ của quý Cha và quý Seur về đời sống của họ, ta cảm nhận được họ khao khát yêu và được yêu. Khi anh em đến thăm và trao quà, trên khuôn mặt họ đã biểu lộ niềm vui xen lẫn giọt nước mắt. Bởi vì, sự cô đơn của họ dường như đã được phủ lấp phần nào khi có sự hiện diện của anh em. Họ cảm động không phải vì giá trị của món quà, nhưng là cách chúng ta hiện diện trong món quà đó. Như lời Đức Giáo Hoàng Benedict XVI viết trong Tông huấn “Thiên Chúa là Tình Yêu” rằng: “Sự chia sẻ sâu xa của cá nhân tôi trong nhu cầu và đau khổ của người khác trở nên một chia sẻ của chính bản thân tôi với họ: để quà tặng của tôi không gây sự sỉ nhục nơi người khác, tôi phải trao ban cho người khác không chỉ cái gì của tôi, nhưng trao ban chính bản thân tôi; tôi phải đích thân hiện diện trong quà tặng”. Thật vậy, hành trình bác ái không thể hiểu đơn giản là việc trao nhận quà, mà đó là hành trình “trao tặng chính bản thân”. Sự hiện diện của anh em mang đến niềm vui, khỏa lấp nỗi cô đơn cho những “phận người”, nhưng nó cũng chỉ là tạm thời. Sau ngày hôm đó, họ trở về với những niềm vui thường nhật với nhau, qua sự phục vụ của quý Cha, quý Thầy và quý Seur. Đến đây, tôi lại cảm phục sự quên mình phục vụ của những tu sĩ này. Họ phục vụ không mong đáp đền; họ hy sinh không cần ai nhớ đến; họ dám làm những việc mà nhiều người không dám làm. Qua hành động của các tu sĩ này, tôi đọng lại chút suy nghĩ về ơn gọi của mình.

Về hành trình đời tu

      Nếu có ai đó hỏi điều gì làm cho đời dâng hiến trở nên trọn vẹn, thì tôi sẽ trả lời rằng đó là “khả năng yêu người khác”. Thật vậy, khi mang trong mình cảm thức phục vụ người khác, ta có động cơ tốt đẹp để theo Chúa. Sự học hành, tu tập của chúng ta không phải để vinh danh bản thân nhưng là để sống vì người khác. Tuy nhiên, giữa một thế giới tục hóa, tôn thờ chủ nghĩa vật chất dường như con người chỉ biết sống cho mình. Hành trình theo đuổi tiền tài, danh vọng, địa vị nhằm khẳng định giá trị bản thân đã ăn sâu trong một bộ phận không ít người trong xã hội. Khi chủ nghĩa vật chất lên ngôi đồng nghĩa các giá trị tinh thần bị giảm sút. Sống giữa một xã hội như vậy, những người trẻ đang từng bước chập chững bước vào đời tu có lẽ cũng đã bị tiêm nhiễm phần nào đó hệ tư tưởng này. Tâm lý ngại khó, ngại khổ và sống trong vùng an toàn dường như đã xuất hiện trong mỗi chúng ta, ít là trong suy nghĩ. Qua lời chia sẻ và việc làm của các tu sĩ, tôi thổn thức với những câu hỏi cho chính mình. Tôi đang tìm kiếm điều gì trong đời tu ? Tôi đi tu để làm gì ? Tôi có sẵn sàng sống vì người khác không ? Qua những câu hỏi gợi hứng đó, tôi đúc rút ra cho mình hướng đi trong đời tu đó là phải “học cách yêu”. Bởi lẽ đây là giá trị nền tảng của các giá trị, có yêu thì ta mới an vui phục vụ một cách vô vị lợi được. “Học cách yêu” qua những mảnh đời mà tôi gặp gỡ, qua những người anh em mà tôi sống, yêu bằng một tình yêu đại đồng. Đời tu là cuộc xuất hành ra khỏi cái tôi đóng kín của chính mình để đến với người khác. Nếu chưa biết cách yêu người khác, hãy “học cách yêu” một cách đúng nghĩa. Hơn nữa, là người đang theo ơn gọi Đa Minh, chúng ta được mời gọi để sống đời sống cộng đoàn. Đời tu Đa Minh là sống cho – sống với – sống cùng anh em và tha nhân nên điều đó càng thôi thúc tôi phải “học cách yêu”.  

     Chuyến thăm bác ái ở mái ấm Thiên Ân và mái ấm Mai Tâm vừa qua là dịp để anh em lan tỏa niềm vui Chúa Phục Sinh. Đồng thời, nó cũng giúp anh em nhận ra những phận người với những cảnh đời lênh đênh ở ngoài xã hội. Bước ra khỏi cánh cổng tu viện để anh em thấu cảm với những mảnh đời, và hơn hết, là để anh em tiếp tục “học cách yêu”. Ta hãy gieo suy nghĩ tốt để gặt hành động ý nghĩa, và hy vọng những dòng suy tư này sẽ sinh hoa trái trong việc làm.  

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com