[ĐMX73] Nếu Không Còn Yêu

11-06-2020
Bởi: Thỉnh Viện Đa Minh Có: 0 bình luận 2114 lượt xem

_Giuse Hoàng Sỹ Bình_
Nếu vắng bóng tình yêu, mọi người sẽ không còn tin nhau, sẽ thường lấy mình để làm thước đo người khác, sẽ thiếu cởi mở, thiếu lắng nghe, thiếu đối thoại, sẽ trở nên vô ơn với Thiên Chúa và vô ơn với nhau.

Yêu – dấu chỉ truyền giáo

Anh em xin gì? – Xin lòng thương xót của Chúa và của Anh Em!”. Không phải một cách ngẫu nhiên mà người tu sĩ Đa Minh xướng lên câu này trong ngày tuyên khấn của mình. Nội dung của lời xin này khẳng định tính cốt yếu và không thể thiếu của tình yêu trong đời sống cộng đoàn. Ngoài việc phải cần đến lòng thương xót của Chúa nâng đỡ, họ còn xin tình yêu của anh em, là những người mà họ sẽ sống với, sống cùng đến trọn đời. Hơn hết, họ nhận ra chính giá trị của tình yêu sẽ dẫn đường, soi lối và giúp họ thăng tiến trên con đường tận hiến mà họ đã chọn lựa.

Ơn gọi thánh hiến phát xuất từ sáng kiến đầy yêu thương của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Với sáng kiến diệu vợi ấy, con người được cộng tác vào chương trình cứu độ của Ba Ngôi Thiên Chúa. Bằng đời sống bước theo chân Đức Giêsu trên đường thánh giá, người thánh hiến tự nguyện ký kết một giao ước tình yêu với Đấng là nguồn mạch tình yêu. Tình yêu họ dành cho Giêsu trước hết được thể hiện nơi tình yêu họ dành cho anh em trong cộng đoàn. Tình yêu ấy sẽ lan toả và nên dấu chỉ để người khác nhận biết Chúa. “Trong một bậc sống muốn yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, thì không thể nào không dấn thân yêu thương cả người thân cận với lòng quảng đại đặc biệt, bắt đầu từ những người gần gũi nhất vì họ thuộc về cùng một cộng đoàn”[1]. Quả thế, chính tình yêu đã vun đắp và nối kết biết bao sự đổ vỡ giữa con người với nhau. Nếu không có tình yêu, cộng đoàn khó lòng tìm được niềm vui và bình an đích thực, sẽ trở nên khô khan và cứng ngắc. Sống tình yêu với nhau là một trong những cách truyền giáo mang lại kết quả hữu hiệu nhất. “Tình yêu đã là và vẫn sẽ là sức mạnh chủ đạo của việc truyền giáo.”[2] Mỗi chúng ta mang trong mình sứ vụ truyền giáo, đó là mang tình yêu Chúa đến với tha nhân. Để loan truyền tình yêu Chúa, trước hết chính chúng ta phải sống tình yêu với nhau. Không sống tình yêu với nhau, chúng ta không thể rao truyền tình yêu.

***

Dây chằng! Mỗi lần nghe đến hai từ đó tôi lại cảm thấy sợ. Tôi sợ, vì tôi đã trải qua hai lần phẫu thuật vì dây chằng. Khi “biến cố” xảy đến, có lúc tôi rơi vào tuyệt vọng và than trách Chúa. Chúa ơi! Một chân chưa đủ hay sao? Sao phải là hai chân? Con sao chịu nổi?… Nhưng, ý Chúa luôn nhiệm mầu và vượt lên trên ý phàm hèn của tôi. “Được” trải qua hai lần phẫu thuật, tôi đoan chắc rằng chính Chúa muốn dùng “biến cố” đó để dạy cho tôi một “bài học thật nhớ đời” – bài học về tình yêu. Phải chăng hằng ngày tôi còn quá ơ hờ với anh em? Hay tôi đã có phần yêu họ nhưng cái yêu đó chưa đủ lớn? Thế nên, có phải Người muốn tôi nhớ rõ, in sâu vào tâm khảm của mình rằng, tình yêu cần phải luôn hiện diện trong đời sống cộng đoàn? Thật không sai chút nào. Sở dĩ tôi nhận ra điều đó là bởi lẽ chính trong thời gian hậu phẫu thuật, nếu không có anh em trong cộng đoàn giúp đỡ thì tôi không thể tự mình làm được gì. Họ đã chăm sóc tôi. Một sự chăm sóc vì tình yêu và tự nguyện, vượt lên ràng buộc của bổn phận. Nếu chỉ vì bổn phận thì sao mà họ lại ân cần đến thế, và nếu chỉ vì trách nhiệm thì sao lại chu đáo đến vậy? Nhưng không, tất cả chỉ vì yêu. Chính tình yêu mà anh em trao tặng cho tôi không chỉ thức tỉnh tôi mà dường như nó còn chạm đến trái tim những bệnh nhân nằm cùng phòng viện với tôi, đến nỗi có người đã thốt lên rằng: “Hãy xem cách họ yêu mến và phục vụ nhau kìa!”. Nghe họ nói vậy, thay vì than trách Chúa về những gì tôi đang trải qua, tôi lại biết ơn Người, vì bài học “hồng ân” Người gửi đến cho tôi; để rồi mỗi ngày tôi biết, tôi hiểu, tôi nhớ, tôi sống, và tôi mang tình yêu để trao tặng cho anh em. Tôi vui vì phần nào những gì chúng tôi đang sống là một phần trong bài giảng của cha thánh Đa Minh: “Tất cả chúng ta là bài giảng của Thánh Đa Minh, là một phần trong bản văn bài giảng của ngài. Mà trong bài giảng đó, sự đan xen giữa việc say mê chân lý và lòng trắc ẩn đối với con người luôn được bày tỏ”[3].

Chính nếp sống phục vụ, chính sự hiện diện, yêu thương giữa anh em sẽ là khí cụ truyền giáo hữu hiệu nhất. Một cộng đoàn chan chứa tình yêu sẽ thể hiện ra bên ngoài nét thiêng thánh, hạnh phúc và bình an, có sức thu hút mọi người. Chính tình yêu thương cộng đoàn giới thiệu khuôn mặt rạng ngời của Đấng Cứu Thế cho người chưa biết Tin Mừng và từ đó họ muốn được chia sẻ tình yêu bằng hữu, tình yêu huynh đệ ấy: “Hãy xem họ yêu thương nhau thế nào!”. Một cộng đoàn sống yêu thương là lời truyền rao Chúa Kitô và sứ điệp của Người cách mạnh mẽ, thuyết phục và hiệu quả nhất cho những người không muốn nghe về Chúa.

Nếu thiếu vắng tình yêu ?

Sẽ ra sao nếu cộng đoàn vắng bóng tình yêu? Khi đó tương quan giữa mọi người sẽ thế nào? Và cộng đoàn có còn diễn tả được tình yêu sâu thẳm của Thiên Chúa giữa lòng đời?

Nếu vắng bóng tình yêu, mọi người sẽ không còn tin nhau. Chính sự tin tưởng nhau là nền tảng của đời sống cộng đoàn, nếu một khi giữa anh em trong cộng đoàn không tin tưởng nhau nữa thì sẽ nhìn nhau với ánh mắt nghi kỵ, ngờ vực. Anh em không tin nhau vì nói dối nhau, dạy cho nhau nói dối, những người đi trước nói dối thì các em đi sau sẽ nói dối. Không tin vào nhau còn có nghĩa là không tin vào khả năng của nhau. Trong cộng đoàn, chẳng hạn như, khi anh em giao việc cho nhau nhưng lại giao không cặn kẽ, không chỉ bảo tới nơi tới chốn. Hay người được giao việc lại tỏ thái độ lơ là, không chân thành nghe chỉ bảo. Chính sự thiếu tin tưởng nhau sẽ là đầu mối gây nên sự chia rẽ giữa anh em với nhau.

Nếu vắng bóng tình yêu, mọi người sẽ thường lấy mình để làm thước đo người khác. Khi không yêu, con người sẽ thiếu đi sự cảm thông nơi anh em của mình. Vì thế, trong cuộc sống thường ngày, nhiều người thường lấy bản thân mình ra làm tiêu chuẩn đánh giá người khác. Điều này vẫn xảy ra thường xuyên trong đời sống cộng đoàn. Có thể vô tình hay cố ý, có những người luôn xem mình là chuẩn mực, là khuôn mẫu cho người khác; vì vậy mọi người phải giống họ, không giống thì họ sẽ loại trừ, mà nếu không loại trừ được, thì sẽ gièm pha, phê bình. Người môn đệ chỉ có một khuôn mẫu chung mang tên Giêsu. Nhưng điều ta cần làm là đặt mình trước mặt Chúa để xem ta giống Người đến mức nào, hơn là đánh giá người anh em.

Nếu vắng bóng tình yêu, mọi người sẽ thiếu cởi mở, thiếu lắng nghe, thiếu đối thoại. Trong cộng đoàn, nếu chúng ta không cởi mở với nhau thì chắc chắn không thể giúp nhau được. Không cởi mở thì sẽ không hiểu nhau. Không hiểu nhau thì sẽ không thể cảm thông. Khi không thể cảm thông, ta bỏ mặc anh em, chỉ lo vun đắp cho cõi hạnh phúc riêng ta. Khi không thể cảm thông, ta chỉ thích làm những gì ta cho là thoải mái, và không chịu mở rộng con tim để hiểu tâm sự người khác. Ta luôn muốn người khác phải hiểu mình, trong khi ta chẳng bao giờ ngồi xuống lắng nghe đôi dòng chia sẻ của họ. Bởi thế nên con tim ta cứ mãi khô cằn và ích kỷ, khiến ta cứ thích trách cứ mà chẳng biết cảm thông. Vì thế, ta cần tập lắng nghe để có thể hiểu nhau, giúp nhau, làm phong phú cho nhau. Lắng nghe người khác, lắng nghe tiếng lương tâm và lắng nghe tiếng Chúa. Có lắng nghe thì mới biết phải sống thế nào cho hòa hợp với Chúa và với anh em. Khi đã cởi mở, ta dễ dàng lắng nghe, và do đó, cũng dễ dàng đi đến đối thoại.

Tôi giận anh bạn
Tôi nói ra, cơn giận kết thúc.
Tôi giận kẻ thù
Tôi không nói, cơn giận lớn lên”[4].

Khi thiếu tình yêu, chúng ta sẽ cảm thấy khó khăn để đối thoại với nhau. Nhiều lúc chúng ta thường chẳng ứng xử tốt với cơn giận của mình: chúng ta kìm nén cơn giận, và do đó, nó ung nhọt, rồi bùng nổ, phá hủy và gây chia rẽ. Cộng đoàn là nơi được mời gọi để bước vào tình bằng hữu. Vì vậy, mỗi người trong cộng đoàn cần bày tỏ thẳng thắn và chân thành những vướng mắc, những rắc rối với nhau với mục đích tăng cường mối hiệp thông giữa anh em.

Nếu thiếu vắng tình yêu, ta sẽ trở nên vô ơn với Thiên Chúa và vô ơn với nhau. Một điều quan trọng mà chúng ta cần nhận ra: mỗi anh em trong cộng đoàn là một ơn Chúa ban cho ta. Khi chúng ta nhận ra anh em là ơn Chúa ban, ta sẽ trân trọng và yêu quý họ. Bản thân tôi là một người rất kém về máy tính; ngoại trừ việc soạn thảo văn bản, tôi hoàn toàn mù tịt về việc cài đặt những chương trình trong máy. Chính vì thế, tôi phải nhờ đến một số anh em có khả năng giúp tôi làm điều đó. Những anh em đó chính là ơn Chúa ban cho tôi. Và tôi cảm ơn Chúa đã ban “ơn đó” cho tôi.

Nếu vắng bóng tình yêu, ta sẽ trở thành người ích kỉ. Ta thường chỉ yêu mến những ai yêu thương mình, tôn trọng mình, đứng về phía mình. Còn những ai không thích ta, quay lưng với ta, cộc cằn với ta, không đồng quan điểm với ta, gây khó khăn cho ta,… thì cho dù ta không ghét họ nhưng ta cũng không yêu thương gì họ. Hôm nay, ta còn dành cho người này nhiều cảm tình; ngày hôm sau, người ấy nói hay làm điều gì đó không hợp ý ta, cái nhìn của ta về người đó bỗng dưng đổi khác. Nếu ta thấy một anh em được lòng ai đó hơn, được nhiều người để ý hơn, có được thành công hơn, ta bỗng dưng nổi cơn ghen tức và cảm thấy bao khó chịu sôi sục trong lòng. Thói ích kỷ trong ta vẫn còn đó, lôi kéo ta đến việc chỉ muốn chiếm giữ cho riêng mình mà thôi. Ai cố gắng chiếm giữ điều ta muốn, ta lập tức ghét họ ngay. Sự ghen tuông vẫn còn chế ngự con người ta. Ai có được điều gì ta không có, cũng sẽ không là đối tượng yêu của ta. Cái cao ngạo của ta vẫn còn tiềm ẩn nơi ta. Ta muốn mình phải là nhất, muốn mọi thứ quy về ta, phục vụ ta. Nếu có ai đó trở nên trổi vượt hơn ta, tình yêu của ta chẳng bao giờ dành cho người ấy. Cái tôi to tướng của ta vẫn còn chiếm đoạt mọi thứ trong ta. Có đời nào ta chịu để mình thua thiệt, chịu thừa nhận mình sai, mình kém cỏi. Ai đụng chạm đến danh dự của mình, buông lời sửa dạy mình, dù lời ấy có đúng đi chăng nữa, cũng sẽ nằm ngoài phạm vi “yêu” của mình thôi. Ta tưởng là ta đã yêu người với con tim quảng đại, nhưng hóa ra là ta chỉ yêu chính ta mà thôi. Cộng đoàn cũng giống như bộ phận của con người vậy, đôi mắt chỉ có nhiệm vụ để nhìn chứ không phải để nghe, chiếc mũi chỉ dùng để ngửi chứ không phải để nói, đôi tai dùng để nghe chứ không phải để suy nghĩ, v.v.. Mỗi người có một nhiệm vụ, một khả năng khác nhau. “Những khác biệt nằm trong chương trình của Thiên Chúa, Đấng muốn người này đón nhận những gì mình cần từ người khác…”[5]. Nếu lúc nào chúng ta cũng coi mình là nhất thì sẽ không sống được với ai. Dần dần ta sẽ nhiễm thói “thượng đội hạ đạp” và thành người nói hành, nói xấu, vu khống và hạ bệ uy tín anh em.

Vậy làm sao để xây đắp tình yêu?

Trở thành niềm vui cho nhau như Chúa Giêsu đã trở thành niềm vui cho chủ tiệc cưới Cana. Chính Đức Giêsu đã trở thành niềm vui tuyệt hảo, nguồn vui sung mãn và dư dật cho chúng ta. Vì thế, chúng ta phải làm sao để chính mình cũng trở thành niềm vui cho anh em. Đừng trở thành tin buồn hay nỗi ám ảnh cho anh em trong cộng đoàn. Đừng biến mình thành một người mà anh em luôn phải dè chừng. Hãy cùng trang bị cho nhau tâm tư của Chúa Giêsu để sống với nhau. Coi mình là số không, vì chính Chúa đã coi mình là không cho đến nỗi chết trên thập giá (x. Pl 2,1-11) .

Chấp nhận nhau như Chúa Giêsu đã chấp nhận người phụ nữ Samari hay cô gái điếm tội lỗi. Nghĩa là, ta cần cố gắng chấp nhận khuyết điểm của anh em, không khơi lên nỗi đau của họ. Khi biết chấp nhận nhau, chúng ta sẽ tìm được bình an, hòa nhập và chia sẻ đời sống với anh em. Thay vì kết án, ta hãy hy sinh vì lợi ích phần rỗi cho nhau. Hy sinh sẽ trở nên vô cùng ý nghĩa, khi nó được gói gọn bằng một tình yêu.

Nhận ra anh em là thân mình của Chúa và cũng là thân mình của ta. Cùng sống trong một cộng đoàn, ta mang chung với nhau một màu áo, mang chung với nhau một tên gọi, đặc sủng, sống chung với nhau trong một linh đạo. Nên thành công của anh em cũng chính là thành công của ta, thất bại của họ cũng chính là thất bại của ta. Vì thế, chúng ta cần nỗ lực “vực” anh em mình dậy để họ thành công, không để ai phải chịu thất bại. Hơn nữa, chúng ta cần nhận ra Chúa đã đặt anh em bên cạnh ta để ta làm cho họ những gì họ không làm được và họ sẽ làm cho ta những gì mà chính ta không làm được.

Đặt mình vào địa vị người khác để dễ dàng thông cảm cho nhau. Ta phải gạt đi “cái tôi” cá nhân, gạt đi những tổn thương mà ta đang gánh chịu để đứng vào vị trí của họ. Suy nghĩ cho nhau để thấu hiểu nhau hơn. Thông cảm cho anh em một chút, dùng yêu thương để xóa bỏ tranh cãi, hiểu lầm. Mọi người cần luôn hướng về sự hiệp nhất, không chấp nhận sự chia rẽ, không kết bè, phe nhóm, sống thành thật với nhau, không nói hành nói xấu và có cái nhìn tích cực về anh em mình. Hơn nữa, một tinh thần hài hước trong cộng đoàn cũng sẽ góp phần hun đúc tình yêu giữa anh em.

Maria – gương mẫu của tình yêu trong cộng đoàn

Mẹ Maria là mẫu gương tuyệt hảo về tình yêu đối với tha nhân, là một hình ảnh diễn tả đức ái trong đời sống cộng đoàn.

Thứ nhất, khi biết được người chị họ Êlisabet đang mang thai, Mẹ đã không chần chừ, nhưng vội vã lên đường viếng thăm. Niềm vui của người chị họ đã trở thành niềm vui của Mẹ. Chặng đường đầy sỏi đá và xa xôi không ngăn được bước chân Mẹ. Mẹ ra đi đến với người chị họ, không chỉ là bởi sự thúc bách của cảm xúc vui mừng với người chị họ, nhưng Mẹ còn tinh nhạy cảm nhận được những khó khăn mà chị mình sẽ gặp phải trong thời gian này. Mẹ đến là để viếng thăm, để hiện diện và còn để giúp đỡ trong những lúc cần kíp. Trong dạ Mẹ lúc ấy, Ngôi Lời đang hiện diện. Hai mẹ con cùng vượt non cao tìm đến với người khác để trao ban tình thương.

Tiếp đến, một hành động đậm nét yêu thương của Mẹ được thể hiện ở tiệc cưới Cana: sự cảm thông chia sẻ với hoàn cảnh của đôi tân hôn. Nhạy bén trước sự bối rối của chủ tiệc, mà Mẹ đã “ngỏ lời” xin Đức Giêsu ra tay cứu giúp. Sự cảm thông của Mẹ xuất phát từ một trái tim biết nhìn ra xung quanh. Mẹ thấu hiểu trước những thiếu thốn của nhân loại và cảm thông trước những nỗi đau của nhân loại. Mẹ đã để cho Chúa luôn hiện diện bên mình bằng những lối hành xử đậm nét yêu thương.

Trong đời sống cộng đoàn, chúng ta cần nhìn lên Mẹ để sống. Cuộc sống của chúng ta có tươi đẹp hay không, là thiên đàng hay địa ngục là do chúng ta xây dựng. Sẽ tươi đẹp hơn biết mấy khi chúng ta cũng có một tâm hồn nhạy cảm như Mẹ. Một chút hy sinh nghĩ đến người anh em của mình, một suy nghĩ tích cực về người khác, một sự cảm thông dành cho người anh em là yếu tố cốt yếu của hạnh phúc và bình an.


[1] Gioan Phaolô II, Tiếp kiến chung ngày 14-12-1994

[2] Biển Đức XVI, Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo thứ 80 năm 2006 – “Đức ái: linh hồn của truyền giáo”

[3] Fr. Gerard F. Timoner III, O.P., Bài giảng Thánh lễ Bế mạc Tổng tội Biên Hòa 2019.

[4] Timothy Radcliffe, OP., Tại sao là Kitô hữu? (Tp. HCM: Học viện Đa Minh, 2019), tr. 168.

[5] GLHTCG, số 1937

Từ khóa:

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com