[15 Ngày Với Thánh Đa Minh] Ngày 9 : Con Người Trí Tuệ

13-05-2020
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 1454 lượt xem

Cha thánh Đa Minh của chúng ta còn có một cách thức cầu nguyện khác, rất đẹp, đầy sốt sắng và duyên dáng. Ngài thực hiện cách thức này qua các giờ kinh theo quy định và sau khi cám ơn chung cuối mỗi bữa ăn. Người cha tốt lành này, một người cha rất mực giản dị và tràn đầy tinh thần đạo đức, đã kín múc từ những lời thiêng thánh được hát trong cung nguyện hay trong nhà cơm, lại mau chóng tìm một nơi riêng, trong phòng hay một nơi khác, để đọc sách và cầu nguyện, thinh lặng với mình và hướng về Thiên Chúa. Ngài ngồi đó cách an bình, và sau khi làm dấu thánh giá, ngài đọc cuốn sách nào đó đang mở ra trước mặt : khi ấy tâm hồn ngài trào lên sự xúc động dịu dàng, như thể là ngài đang nghe chính Chúa ngỏ lời với ngài (M 8).

Thánh Đa Minh kín múc lòng nhiệt thành giảng thuyết từ Thánh kinh. Ngài đã đón nhận từ các vị tiền bối lối đọc sách thiêng liêng – lectio divina, và truyền lại cho các anh chị em của ngài. Cha thánh là người giảng thuyết Tin Mừng không mỏi mệt, và cũng là một người say mê đọc Tin Mừng, bởi vì chỉ có một Lời Thiên Chúa. Cùng một lời cần được loan báo trên mái nhà, đồng thời cần được hát lên trong cung nguyện, cần được đọc và suy gẫm trong kinh nguyện, cần được chiêm ngắm trong khẩn cầu, cần được chia sẻ trong đời sống huynh đệ.

Như đã nói, thánh Đa Minh không để lại một khảo luận đạo đức nào, cũng như không một thủ bản nào về luyện tập thiêng liêng. Nhưng khi bổ sung những yếu tố tạo nên nền tảng nội tâm của ngài, người ta khám phá ra rằng thay vì để lại một phương thế, ngài đã để lại một lối thực hành, và điều này tốt hơn. Để đi theo ngài, cần phải bắt chước ngài. Ngài có thể nói như thánh Phaolô : “Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Kitô” (1 Cr 11,1).

Chân phước Gioan Fiesole, một hoạ sỹ thiên tài được biết đến dưới tên Fra Angelico, đã lưu lại trong một căn phòng tại tu viện thánh Máccô ở Firenze một bức tranh tuyệt vời mô tả thánh Đa Minh đang ngồi đọc sách. Khuôn mặt ngài rất trẻ trung vì phản ảnh sự trẻ trung vĩnh cửu của bản văn ngài đang suy niệm. Người ta có cảm tưởng thánh nhân tập trung vào bản văn như thể đang đắm chìm vào đó. Thái độ này phù hợp với cách thức cầu nguyện thứ 8 của cha thánh, mà thiết tưởng cũng nên thuật lại ở đây :

Khi tranh luận với một người bạn đồng hành, có lúc dường như thánh nhân không thể cầm giữ ngôn từ và ý tưởng, có lúc lại lắng nghe cách thanh thản, thảo luận và đấu tranh. Người ta thấy thánh nhân lúc thì khóc, lúc thì cười, nhìn thẳng, mắt cúi xuống, thì thầm với mình và tay đấm ngực.

Nói cách khác, khi đọc Kinh thánh, nhất là các Tin Mừng, cha thánh Đa Minh của chúng ta thật sự chú tâm vào việc đọc sách. Ngài chuyên tâm vào việc đọc sách như chú tâm vào những người đàm đạo với mình. Mọi chứng từ đều quả quyết rằng : Thánh nhân rất mực lưu tâm đến người khác. Vả lại đối với thánh nhân, Tin Mừng không chỉ là một bản văn, nhưng là một ngôi vị. Chúng ta biết rằng ngài đã từng gọi các cuốn sách là những mảnh da chết (xem chứng từ của anh Stephano, VIE tr. 61). Nhưng đối với Kinh thánh và Đấng nói trong đó thì không phải thế. Khi ấy tâm hồn ngài trào lên một cảm xúc dịu dàng, như thể là ngài đang nghe chính Chúa ngỏ lời với ngài.

Cũng như cha thánh gặp thấy Đức Kitô nơi mỗi người lắng nghe cha loan báo Tin Mừng thì cha cũng gặp chính Chúa mỗi lần suy niệm Tin Mừng. Cha cũng có thói quen chuyển nhanh từ đọc sách sang cầu nguyện, từ cầu nguyện sang nài van, từ nài van sang chiêm niệm. Đó là cách thế của cha. Cách thế ấy đơn giản nhất trong các cách thế. Đó cũng là cách thế Đức Giêsu Phục Sinh sử dụng khi cùng đi đường với ông Clêôpát và bạn đồng hành từ Giêrusalem về Emmau. Chúa đã làm gì ? “Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (Lc 24,27). Thánh Đa Minh, cũng như tất cả những ai bước đi theo thánh nhân, thực thi việc đọc Kinh thánh này, khi ngước mắt lên từ trang sách hay đang khi suy niệm trên đường đi, đều có thể bảo nhau : “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao ? (Lc 24,32).

Thánh Đa Minh không đọc dồn dập như chúng ta đọc hàng đống giấy mỗi ngày. Ngài không bị áp lực phải có cuốn sách này hay cuốn kia. Trong thực tế, ngài có rất ít sách. Theo lời kể của các anh em, những người đồng hành với ngài trong những chuyến đi dài từ Toulouse đến Paris, đến Rôma hay Bologna, thánh nhân chỉ mang theo mình vài cuốn sách và thường lợi dụng những lúc đi đường để suy niệm lâu giờ về các giáo huấn.

Qua lời nói hay bản văn, thánh Đa Minh khuyến khích các anh em trong Dòng chuyên chăm học Tân Ước và Cựu Ước. Người làm chứng điều này (đây là anh Gioan người Tây Ban Nha) đã nghe và đã đọc các thư của thánh nhân. Cha thánh luôn mang theo mình Tin Mừng thánh Mátthêu và các thư thánh Phaolô ; Ngài dành nhiều thời giờ học hỏi sách Tin Mừng cũng như các thư này đến nỗi hầu như thuộc lòng (VIE tr. 55).

Người ta có thể hình dung ra được mối tương giao giữa Lời Chúa với con người bén nhạy này, một người không ngần ngại diễn tả những tâm tư thâm sâu của mình, như có thể thấy qua cách đối xử với các anh em trong đời sống chung : Ngài an ủi họ, khiển trách, vui mừng và khóc lóc vì thương cảm. Ta có thể đọc thấy.

Khi đọc sách như thế, ngài tôn kính cuốn sách, cúi đầu và hôn kính, nhất là sách Tin Mừng. Ngài đọc sách với lời lẽ như là Chúa Giêsu Kitô đoái thương đọc qua môi miệng ngài.

Sao người ta lại không thể diễn tả : như một người yêu nhận được lá thư từ người yêu của mình, say mê đọc thư, đọc đi đọc lại, đọc và cảm xúc, xem lá thư như biểu hiện sự hiện diện của người yêu ? Cha Đa Minh không thuộc số những người nghi ngờ tính trung thực trong lời của Đức Kitô.

Từ đọc sách đến học hỏi

Thời thanh niên, Đa Minh đã được đào tạo vững chắc về thần học, như nhà viết tiểu sử làm chứng.

Thánh nhân đã trải qua 4 năm học hỏi thánh khoa. Ngài đã kiên trì và khao khát kín múc các nguồn mạch từ Thánh kinh đến nỗi không cảm thấy mệt mỏi khi học hành ; có nhiều đêm, dường như ngài không ngủ, dầu vậy, trong tâm tư của ngài, lúc nào trí nhớ sắc bén cũng lưu giữ chân lý ngài đã nghe được qua đôi tai. Điều ngài dễ dàng học được nhờ các ân sủng, thì ngài tưới gội bằng tâm tình đạo hạnh và làm nảy sinh những công trình đem lại ơn cứu độ (LIB s. 7).

Vào tuổi trưởng thành, vì dành nhiều thời giờ để giảng thuyết, canh thức và lo lắng cho việc thành lập Dòng, cha Đa Minh không còn rảnh rang để làm công việc của một nhà thần học. Dầu vậy ngài vẫn duy trì mối quan tâm dành cho việc học, với chính bản thân mình cũng như với các anh em thời đầu. Có một mẩu chuyện rất hay minh hoạ cho mối quan tâm muốn kéo dài việc suy niệm từ Lectio divina thành suy tư sâu xa, hướng tới việc giảng thuyết dựa trên những nền tảng vững chắc.

Maître Stavensby, lúc ấy là giám đốc tại Toulouse, và sau đó trở thành Giám mục coi sóc địa phận Coventry và Lichfield ; chính vị này đã kể lại câu chuyện dưới đây, tại triều đình Anh Quốc, 10 năm sau khi biến cố xảy ra.

Một vị giáo sư lừng danh vì dòng dõi, danh giá, tên tuổi đang giữ ghế giảng sư thần học tại Toulouse. Buổi sáng sớm nọ, lúc đang chuẩn bị bài vở để lên lớp, bỗng thấy buồn ngủ, ông gục đầu xuống bàn và ngủ mê đi. Trong giấc ngủ, ông có một thị kiến : bảy ngôi sao hiện ra trước mặt ông. Đang khi ông rất ngạc nhiên vì điều kỳ lạ này, thì các ngôi sao lớn dần lên, cả về ánh sáng lẫn kích thước, đến nỗi soi sáng khắp vùng và toàn thế giới. Ông chợt tỉnh giấc và thấy ngày đã sáng, nên gọi người hầu đem sách vở và ông đi vào lớp. Khi ấy cha Đa Minh cùng với 6 người bạn đồng hành y phục giống nhau tiến đến chào ông. Họ cho ông biết họ là những anh em có nhiệm vụ giảng thuyết cho các tín hữu và chống lại những người theo lạc giáo tại Toulouse. Họ cũng báo với ông là họ mới ghi tên tại lớp học của ông và rất ước ao mong muốn học với ông. Sau đấy, vị giáo sư này trở thành bạn thân và tận tâm của bảy anh em, ông giảng dạy cho họ như là những học trò của mình. Nhớ lại thị kiến trước đó ít lâu, ông hết lòng tận tuỵ đối với Đa Minh và các bạn đồng hành, ông hiểu họ là bảy ngôi sao sáng. Chính vị giáo sư này đã kể lại câu chuyện trên đây cho anh Arnulf và bạn đồng hành, khi họ đang ở Anh quốc, tại triều đình nhà vua (EVA tr. 84).

Như vậy, hoạt động thần học, trước hết là một công trình đức tin nhằm phục vụ việc loan báo Tin Mừng sẽ là một khía cạnh thiết yếu cho người muốn theo học tại ngôi trường của thánh Đa Minh. Người ấy phải không ngừng chuyển từ đọc sách sang suy niệm, từ suy niệm sang chiêm niệm, từ chiêm niệm sang thần học, và từ thần học sang giảng thuyết. Như vậy người ấy thực hiện trọn hảo câu châm ngôn của thánh Tôma Aquinô : Contemplari et contemplata aliis tradere.

Để thi hành hoạt động trí thức đều đặn này, thánh Đa Minh đã thiết lập hai lối thực hành mới nhưng cần thiết để cổ võ việc học : – chuẩn chước, khỏi đọc Kinh Thần Vụ chung, giúp cho các anh em có khả năng có thể làm việc tối đa, – phòng riêng, tạo điều kiện cho các anh em làm việc tốt hơn và hữu hiệu hơn. Tại các phòng riêng, ai muốn thì có thể học hành, viết lách, cầu nguyện, nghỉ ngơi và cả thức đêm, để học hành (x. LIB s. 44).

Không phải là thánh Đa Minh muốn thành lập một Dòng gồm những người trí thức, nhưng ngài muốn dành cho hoạt động trí thức một vị trí cao trong Dòng. Bước đi theo ngài, các anh em phải nỗ lực trung thành với trực giác này.

Từ nay, cầu nguyện với thánh Đa Minh, cũng là cầu nguyện với thánh Tôma Aquinô. Di hài của vị thánh này hiện vẫn được lưu giữ và tôn kính trong nhà thờ Jacobins tại Toulouse.

Từ khóa:

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com