Mục Lục
__Phêrô Lê Văn Đức__
“Tham dự sống động các cử hành phụng vụ của Giáo hội, đặc biệt là cử hành bí tích Thánh Thể sẽ là một chứng tá truyền giáo có tác động và hiệu quả nhất, vì nơi bí tích này, ta được thông phần vào Nhiệm cục cứu độ của Đức Kitô.”
Lời mở
Trước khi về trời, Đức Giêsu đã căn dặn các môn đệ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mt 28,19-20). Bởi thế, bổn phận của mỗi Kitô hữu là loan báo cho mọi người ơn cứu độ. Công Đồng Vatican II xác định trong Hiến chế Ad Gentes: “Bản chất Giáo hội là truyền giáo”[1]. Trong tiếng Latin, “truyền giáo” là từ “missio,” có nghĩa là sứ vụ, hay việc sai đi, khởi đi từ động từ “mitto” (sai đi). Như vậy, người tín hữu là người được sai đi thực thi sứ vụ. Quả thế, Giáo hội có tồn tại và lớn mạnh như ngày hôm nay là nhờ những bước chân mạo hiểm lên đường loan báo Tin Mừng khắp nơi.
Hằng năm, khi cử hành Ngày Cầu nguyện cho việc truyền giáo, Giáo hội nhắc nhở các tín hữu khi vẫn nhiệt tâm trong các hoạt động truyền giáo, thì trước hết và trên hết, mỗi người phải cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo. Đây là việc quan trọng hàng đầu bởi khi nhìn thấy đồng lúa chín bao la mà thiếu thợ gặt, Đức Giêsu đã không truyền cho các môn đệ bắt tay vào gặt lúa ngay nhưng trước hết phải “xin chủ ruộng sai thợ gặt đến” (Lc 10,2). Bên cạnh đó, Khánh nhật Truyền giáo còn mời gọi mỗi người nhìn lại đời sống truyền giáo của chính mình. Người tín hữu thường sai lầm khi coi trọng sứ vụ truyền giáo chỉ hệ tại ở việc tổ chức nhiều hoạt động, dù rằng các hoạt động ấy luôn cần thiết. Nếu dừng lại ở đó, Giáo hội chỉ như một tổ chức truyền bá học thuyết tôn giáo, không thể mang con người đến ơn cứu độ. Đức Biển Đức XVI mời gọi mỗi người hãy đặt việc cử hành các bí tích, đọc kinh và cầu nguyện làm cách thức truyền giáo hàng đầu trong mọi phương thức truyền giáo. Đức Phanxicô còn nhấn mạnh đến việc sống các cử hành phụng vụ đó bằng việc gắn bó mật thiết với Đức Kitô – vốn là bản chất của người Kitô hữu. Bởi thế, tham dự sống động các cử hành phụng vụ của Giáo hội, đặc biệt là cử hành bí tích Thánh Thể sẽ là một chứng tá truyền giáo có tác động và hiệu quả nhất, vì nơi bí tích này, ta được thông phần vào Nhiệm cục cứu độ của Đức Kitô. . Vậy nên, thiết nghĩ người tín hữu cần tái khám phá những chiều kích cao cả nơi Bí tích Thánh Thể, để nhận ra ý nghĩa của bí tích ấy đối với đời sống truyền giáo, và từ đó mỗi người có thể tự tra vấn rằng: “Với tôi, Bí tích Thánh Thể là gì và tôi đã rao giảng Tin Mừng như thế nào?”
I. Chiều kích hiệp thông trong Thánh Thể
“Hiệp thông” (tiếng Latin: “communionem”) nghĩa là sự liên đới, tình hữu nghị, sự sẻ chia. Thuật ngữ “communionem” trong Giáo hội còn được hiểu là “sự hiệp thông bí tích”. Nhờ các bí tích, các tín hữu được kết hợp với nhau và với Chúa Kitô. Trong quan điểm của thánh Augustinô, từ “hiệp thông” bắt nguồn từ chữ “com” – “với nhau” và chữ “unus” – “nên một”. Từ giữa thế kỷ 15, từ “Communionem” được sử dụng như là tên của bí tích Thánh Thể. Cuối thế kỷ 16, từ này được sử dụng theo nghĩa “hoạt động dự phần vào bí tích Thánh Thể”[2].
Điều đó có nghĩa là chiều kích hiệp thông được tìm thấy trong chính việc dự phần vào bí tích Thánh Thể. Bí tích ấy là tặng phẩm của ơn cứu độ. Do đó, việc dự phần vào bí tích Thánh Thể cũng là một tặng phẩm của ơn cứu độ. Tặng phẩm ấy cho chúng ta được kết hiệp với Thiên Chúa và với nhau. Như vậy, sự hiệp thông này mang tính hai chiều: chiều dọc hướng lên Thiên Chúa Ba Ngôi, và chiều ngang hướng đến những người Kitô hữu trong cộng đoàn Giáo hội.
Thánh Augustinô đã từng thốt lên trước sự cao cả của mầu nhiệm Thánh Thể: “Ôi bí tích tình yêu! Ôi dấu chỉ hợp nhất! Ôi mối dây bác ái!”[3]. Quả thế, Đức Giêsu không thiết lập Thánh Thể chỉ như một biểu tượng, đại loại như Người biến xương thịt và máu huyết của Người thành bánh và rượu để chúng ta ăn không chán hay để tránh gây cho ta cảm giác ghê sợ. Người hiện diện cách nhiệm mầu dưới hình bánh và rượu là để hướng ta tới nhiều chiều kích cao cả hơn, trong đó có chiều kích hiệp thông, vốn đã được trao ban khi chúng ta chịu phép Thanh Tẩy và được hiện tại hóa cũng như được biểu lộ một cách hoàn hảo nhất nơi Bàn Tiệc Thánh.
Có lẽ, hơn một lần trong đời, người Kitô hữu chúng ta đã từng thắc mắc: Tại sao Đức Giêsu lại trao ban chính mình dưới hình bánh và rượu? Có thể lý do của điều ấy xuất phát từ việc bánh và rượu vốn là những yếu tố chính trong bữa ăn hằng ngày của người dân Israel. Bên cạnh đó, bánh còn là biểu tượng lịch sử của người Do Thái, gợi nhớ tới “bánh không men” trong đêm Chúa giải phóng họ khỏi tay người Ai Cập (x. Xh 12,8) hay bánh manna Chúa dùng để nuôi họ trong sa mạc (x. Xh 16,2-4); còn máu gợi nhớ đến giao ước giữa Chúa với dân mà ông Môsê là trung gian (x. Xh 24,6-8). Tuy nhiên, khi dùng hình bánh và rượu, Đức Giêsu muốn dạy chúng ta hiểu biết sâu hơn về ý nghĩa cao cả của bí tích này. Cành nho cắm xuống đất sẽ sinh hoa kết trái khi đến mùa, hạt lúa gieo vào lòng đất sẽ mục nát và gia tăng gấp bội. Tất cả những hoa màu tự nhiên ấy được trổ sinh từ hồng ân Thiên Chúa khi Người cho mặt trời chiếu sáng cũng như cho mưa xuống. Nhờ sự lao công của con người, những thứ ấy trở thành của ăn của uống để họ hưởng dùng. Bánh và rượu không còn là sản phẩm tự nhiên nhưng là kết quả của trí tuệ và lao công của con người. Vì thế khi tiến dâng lễ vật lên bàn thờ, chúng ta đặt lên đó không chỉ bánh và rượu nhưng chính cuộc đời của chúng ta. Do đó, trong Bí tích Thánh Thể, hy tế của Đức Kitô cũng là hy tế của các Kitô hữu; và mỗi Kitô hữu được hiệp thông với Đức Kitô nơi hy tế này.
Bên cạnh đó, một tấm bánh là kết quả của bao hạt lúa miến được kết lại với nhau, một ly rượu nho là kết quả của bao trái nho thơm được ép và được ủ men cùng nhau. Như thế, bánh và rượu còn là biểu tượng của sự hiệp nhất giữa các tín hữu. Cuốn Didache, một bản văn được viết thời các Giáo phụ, đã nói về điều này như sau: “Tấm bánh bẻ ra này, trước hết đã được gieo vãi trên các núi đồi, sau đó được gặt hái để trở thành một thực tại duy nhất thế nào, thì Giáo hội của Chúa cũng được qui tụ lại từ tận cùng trái đất vào trong vương quốc của Chúa như vậy”[4]. “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cr 10,17). Vì Hội thánh là Thân Thể hữu hình của Đức Kitô, nên Hội thánh được hiệp thông với Đức Kitô là Đầu. Và vì mỗi Kitô hữu là chi thể sống động nơi thân thể ấy, nên các Kitô hữu được hiệp thông với nhau nhờ sự hiệp thông với Đầu là Đức Giêsu.
Như thế, chúng ta thấy được rằng, bánh và rượu không đơn thuần là những hình ảnh gắn liền với môi trường văn hóa của người Do Thái, nhưng sâu xa hơn, hai hình ảnh ấy ẩn chứa chiều kích hiệp thông trong Giáo hội. Nơi Bí tích Thánh Thể, chiều kích ấy được biểu lộ một cách hoàn hảo và cao quý nhất[5].
II. Chiều kích truyền giáo trong Thánh Thể
Mỗi lần cử hành Thánh lễ, Giáo hội hiện tại hóa và rao giảng Mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu Kitô. “Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết” (1Cr 11,27). Mặt khác, do Bí tích Thánh Thể biểu lộ chiều kích hiệp thông một cách hoàn hảo và cao quý nhất, trong khi sứ vụ truyền giáo lại mang hai đặc tính: vừa rao truyền Đức Giêsu cho muôn dân, vừa củng cố sự hiệp thông trong Giáo hội. Do đó, chiều kích hiệp thông trong Bí tích Thánh Thể cũng chính là chiều kích truyền giáo. Điều này ẩn chứa hai hệ quả. Trước hết, khi được kêu gọi thi hành sứ vụ truyền giáo, các Kitô hữu phải sống hiệp thông với Chúa và với nhau. Thứ hai, việc cử hành và sống bí tích Thánh Thể là điều trọng yếu và là căn tính của công cuộc truyền giáo.
“Gìn giữ và phát huy hiệp nhất Giáo hội là một trách nhiệm của mọi tín hữu. Họ tìm thấy trong Bí Tích Thánh Thể, bí tích hiệp nhất của Giáo hội, một môi trường để thể hiện thao thức đó một cách đặc biệt”[6].
Khi cùng lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa để chia sẻ sự sống của Đức Kitô, chúng ta cùng hướng về một thế giới mới, cùng chia sẻ một niềm hi vọng duy nhất và đặc biệt, cùng được biến đổi nhờ Thánh Thần để qua đó, Giáo hội, thân thể Đức Kitô, được hoàn thiện hơn, xứng đáng với Đầu là chính Đức Kitô. Hơn nữa, qua Thánh Thể, chúng ta ý thức được rằng ta chỉ có thể thánh hóa bản thân và tiến tới cùng đích đời người khi vượt ra khỏi bản ngã để kết hợp với người anh em, và cùng với anh em trở nên những chi thể đích thực của Đức Kitô, tức chi thể của Thánh Thể. “Như thế, không có chia rẽ trong thân thể, trái lại các bộ phận đều lo lắng cho nhau. Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang thì mọi bộ phận cũng vui chung” (1Cr 12,24). Nếu chúng ta khước từ người anh em thì chúng ta cũng đang khước từ thân thể Chúa Kitô. “Giả như tất cả chỉ là một bộ phận, thì làm sao mà thành thân thể được? Như thế, bộ phận tuy nhiều mà thân thể chỉ có một. Vậy mắt không thể bảo tay: tao không cần đến mày; đầu cũng không thể bảo hai chân: tao không cần chúng mày” (1Cr 12,20). Cũng thế, thánh Gioan Kim Khẩu đã đặt vấn đề: “Bạn nếm Máu Thánh Chúa, vậy mà bạn lại không nhận ra người anh em;… Bạn làm hổ thẹn Bàn tiệc này, […]”[7]. Khi chúng ta tự tách mình ra khỏi thân thể Đức Kitô, làm sao chúng ta có thể giảng về Người cho những người khác? Vậy nên, nhiệm vụ loan truyền Đức Kitô trước hết phải khởi đi từ việc sống đúng với chiều kích hiệp thông mà Thánh Thể hướng đến. Khi chúng ta nhìn nhận người khác trong tương quan gần gũi, coi người khác cùng là anh em thì đó chính là chứng tá hữu hiệu nhất trong việc rao giảng về Đức Kitô. Chính Người cũng đã khẳng định: “Cứ dấu này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy: là anh em hãy yêu thương nhau” (Ga 13,35).
Trong một thế giới đầy chia rẽ, bạo lực, hận thù và loại trừ nhau, chiều kích hiệp thông trong Thánh Thể càng phải được đặt lên hàng đầu trong đời sống người Kitô hữu. Đồng thời, người tín hữu, khi thi hành sứ mạng truyền giáo, không được quên việc gắn kết sứ mạng của mình với chiều kích hiệp thông trong Thánh Thể. Hiệp nhất trong Thánh Thể và sống tinh thần đó cách sống động chắc chắn là cách thức truyền giáo hữu hiệu nhất.
III. Người Đa Minh sống chiều kích hiệp thông và truyền giáo
1. Chiêm niệm nơi Bí tích Thánh Thể
ứ vụ của Dòng Đa Minh là “loan truyền danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, trên toàn thế giới”[8], và Dòng thi hành sứ vụ đó cụ thể bằng việc giảng thuyết. Thế nhưng, việc giảng thuyết phải đi liền và gắn bó chặt chẽ với việc cầu nguyện. “Việc giảng thuyết và dạy đạo lý phải phát sinh từ sự sung mãn của việc chiêm niệm”[9] và “bất cứ người Đa Minh nào không tha thiết trở nên một người chiêm niệm thì không sống trọn vẹn tinh thần Đa Minh của mình”[10]. Như thế, nguồn mạch của sứ vụ giảng thuyết chính là đời sống gắn kết mật thiết với Chúa. Nếu nói theo thánh Tôma Aquinô thì người tu sĩ Đa Minh phải “contemplare”, nghĩa là chiêm niệm, trước khi “contemplata aliis tradere”, tức truyền giao cho người khác hoa trái của sự chiêm niệm. Bởi thế, cử hành bí tích Thánh Thể, vốn là trung tâm điểm của đời sống kết hợp với Thiên Chúa, trở thành một bổn phận chính yếu và hàng đầu của đời sống Đa Minh. Thật thế, làm sao người tu sĩ Đa minh có thể giảng về mầu nhiệm Chúa Kitô đã chết và phục sinh nếu không sống với mầu nhiệm đó mỗi ngày? Làm sao thuyết phục được người khác tin vào lương thực trường sinh là Mình Máu Chúa nếu như mỗi ngày chính mình còn không thiết tha với lương thực ấy? Và làm sao hợp nhất những con chiên đang tản mác nếu chính mình đang tự tách khỏi Nhiệm Thể Chúa Kitô? Hiến pháp Dòng đã nói rõ điều này: “Trong phụng vụ, nhất là trong hy lễ Tạ Ơn, mầu nhiệm cứu độ hiện diện và hoạt động, mầu nhiệm mà khi cử hành, anh em tham dự và chiêm ngưỡng, cũng như dùng việc giảng thuyết mà loan báo cho nhân loại, để nhờ các bí tích đức tin, họ được sáp nhập vào Chúa Kitô”[11].
Những vị thánh trong lịch sử Dòng đã nêu gương cho chúng ta về việc sùng kính Thánh Thể. Nếu như không có một đời sống gắn bó mật thiết với Thánh Thể, làm sao thánh Tôma Aquinô có thể sáng tác nên những thánh thi, những giai điệu xúc động, hùng hồn về bí tích cực thánh này? Verbum supermini, Pange lingua, O Salutaris, Tantum ergo, Adoto de devote … đã đi vào đời sống của người tín hữu, diễn tả sự phong phú, cao cả và tuyệt đẹp về mầu nhiệm rất thánh của niềm tin Công giáo (xt. Thánh Tôma với Lễ Mình Thánh Chúa). Và còn rất nhiều vị thánh khác nữa, như Gioan Maisan, Gioan Colônina, Têrêsa Cerda,… Dấu ấn về đời sống giảng thuyết mà họ để lại dù đa dạng: người tử đạo, người sống khó nghèo, người là tiến sĩ Hội Thánh,… nhưng tất cả đều quy hướng về bí tích Thánh Thể, trung tâm đời sống các ngài.
2. Hiệp nhất trong đời sống cộng đoàn
Sống bí tích Thánh Thể, tức là sống hiệp nhất, là sứ mạng truyền giáo của Giáo hội. Đối với Dòng Đa Minh, sống bí tích Thánh Thể được biểu lộ qua đời sống cộng đoàn, một yếu tố then chốt và cốt lõi giúp cho việc sống linh đạo Đa Minh được nên trọn. Sự hiệp thông trong bí tích Thánh Thể đòi hỏi người tu sĩ Đa Minh phải thi hành sứ vụ giảng thuyết cùng với nhau: “Tác vụ giảng thuyết là công việc cộng đoàn, và trước hết phải thuộc về toàn thể cộng đoàn”[12], và trước khi hướng ra bên ngoài thì người Đa Minh cần xây dựng Hội Thánh ngay chính trong cộng đoàn mình đang thuộc về[13]. Như thế, từ ban đầu, đời sống huynh đệ là một lời chứng, một lời giảng hùng hồn nhất để mang nhiều linh hồn trở về với Chúa. Cuộc “thánh thuyết” ấy vẫn có giá trị đến ngày nay.
Chia sẻ trong thánh lễ Bế mạc Tổng hội Biên Hòa 2019, cha Tổng quyền Gerard F. Timoner, OP. đã đặt câu hỏi: “Tại sao Thánh Đa Minh lại để lại quá ít những bài giảng của ngài?” Và rồi ngài trả lời: “Để mỗi chúng ta là một phần trong bài giảng của ngài”. Tác phẩm hay nhất, tuyệt vời nhất của Dòng không phải là cuốn sách đồ sộ hay bài giảng hùng hồn của bất kỳ cá nhân nào. Tác phẩm hay nhất ấy là “cuốn sách”, là “bài giảng” mà mỗi chữ, mỗi ý đều là công góp của từng cá nhân một trong cộng đoàn.
Lời kết
Tựu trung, Khánh nhật Truyền giáo mời gọi ta suy tư lại ý nghĩa sự hiệp thông trong đời sống Kitô hữu, mà sự hiệp thông ấy được biểu lộ cách đặc biệt nơi bí tích Thánh Thể. Anh em Thỉnh sinh Đa Minh là những người yêu mến nếp sống Dòng Giảng, và đang tập luyện việc thi hành “sứ vụ mặt trăng”, tức phản chiếu ánh sáng của Chúa Kitô mặt trời, theo cách thức “Nói với Chúa và nói về Chúa”. Thế nhưng, nếu độ sáng của mặt trăng phụ thuộc vào khoảng cách của mặt trăng với mặt trời thế nào thì người Thỉnh sinh Đa Minh, đang khi vẫn chú tâm vào việc học hành, còn được mời gọi dành thời gian xứng hợp cho việc cùng với anh em chiêm ngắm và đón rước Thánh Thể mỗi ngày. Ước mong sao, sự gần gũi và liên hệ mật thiết ấy với Chúa Kitô sẽ là động lực thúc đẩy mỗi anh em Thỉnh sinh can đảm dấn thân vì ơn cứu độ các linh hồn.
[1] Ad gentes, số 2.
[2] Theo từ điển Etymonline
[3] Trích lại trong GLHTCG, số 1398.
[4] J.B. Lightfoot chuyển ngữ và biên tập (bản Anh ngữ), The Didache or The Teaching of the Lord to the Gentiles – By the twelve apostles, chương 9, câu 8.
[5] X. Ecclesia De Eucharistia, số 38
[6] Ecclesia de Eucharistia, số 42.
[7] Trích lại trong GLHTCG, số 1397.
[8] Hiến pháp nền tảng § I.
[9] Hiến pháp nền tảng § IV.
[10] William A. Hinnebusch, OP., Linh đạo Đa Minh, tr. 39.
[11] Sách Hiến pháp và Chỉ thị Anh Em Dòng Giảng Thuyết (SHC), số 57.
[12] SHC 100 §I
[13] X. SHC 3 §II.