[Ngày 18 tháng 9] Thánh Gioan Maisan – Một Đời Khiêm Hạ

18-09-2019
Bởi: Ban Văn Hoá Có: 0 bình luận 3631 lượt xem

Phêrô Vũ Đức Duy

Với từng cách thức khác nhau, Thiên Chúa luôn dẫn đưa chúng ta vào một hành trình. Hành trình ấy luôn ẩn chứa nhiều khó khăn, thử thách. Đôi khi, thử thách lớn nhất là việc ta trơ trọi, lạc hướng, vô định và không biết đâu mới là con đường đúng dẫn đến hạnh phúc đích thực. Nhưng Thiên Chúa không bỏ rơi ta, nhưng luôn ở bên để hướng dẫn hầu giúp ta nhận ra con đường Người muốn ta theo. Con đường ấy luôn là một con đường thật kì lạ.

Gioan Maisan đã nhận ra con đường kì lạ ấy, đã tiến bước trong một hành trình dài, vượt qua vô vàn thử thách. Và Thiên Chúa quan phòng luôn dẫn dắt ngài đi trong bình an. Thiên Chúa thường nói với ta trong những tháng năm niên thiếu và chỉ ta thấy dự phóng của cuộc đời mình. Chúa Giêsu mời gọi ta bước theo Người. Để theo Người, ta phải dứt khoát quyết liệt, không khoan nhượng, không lưỡng lự dùng dằng. Sở dĩ Chúa đòi hỏi như thế vì Người biết xác thịt ta yếu đuối. Tinh thần muốn vươn cao nhưng xác thịt cứ muốn kéo ghì ta xuống. Khi còn niên thiếu, Gioan Maisan cũng đã được Thiên Chúa đến ngỏ lời và chàng trai trẻ này đã dứt khoát đi theo lời mời gọi ấy. Sự lên đường của Gioan Maisan đồng nghĩa với việc từ bỏ tất cả mọi sự, để cất bước theo tiếng lòng thổn thức, như Chúa Giêsu dạy: “Ai bỏ cửa nhà, cha mẹ, anh chị em, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp” (Mt 19,29). Thánh Gioan Maisan đã tuân giữ cách nghiêm chỉnh lời dạy ấy. Vâng, Gioan đã bỏ tất cả vì yêu Chúa, và chính vì yêu Chúa cách tuyệt đối mà ngài đủ sức làm được điều đó.

Hành trình đến với ơn gọi của Gioan đầy những chông gai, nhưng với một niềm xác tín tuyệt đối vào Thiên Chúa, và với sự bình an nội tâm sâu xa, Gioan đã hóa mình ra như hư không, xem mình chẳng là gì, để cõi lòng mình được Thiên Chúa lấp đầy. Gioan đã gọi Thiên Chúa là tất cả của đời mình.

Từ khi là một cậu bé chăn chiên nghèo khổ cho tới khi trở thành một thầy trợ sĩ trong dòng Đa Minh, Gioan luôn là một người môn đệ đơn sơ, khiêm tốn, nhiệt thành và trung kiên. Ơn gọi của thánh Gioan Maisan thật đặc biệt và chất chứa nhiều ý nghĩa đối với anh em Thỉnh sinh Đa Minh.

Thánh nhân sinh tại Ribera del Fresno, Tây Ban Nha, năm 1585. Ngài mồ côi cha từ nhỏ. Tuổi thơ của thánh nhân là một tuổi thơ đầy cơ cực, vất vả. Mỗi khi ra đồng chăn cừu, Gioan luôn mang theo bên mình chuỗi tràng hạt Mân Côi để dâng lên Đức Mẹ những lời kinh trong trẻo tựa như tiếng chuông ngân. Bạn có thể hình dung ra khung cảnh thanh bình này: Giữa một bãi cỏ xanh mướt, một cậu bé đạo đức vừa hăng say với công việc thường nhật, vừa hăng say với việc cầu nguyện.

Một đồng cỏ mới

Có lẽ chính Thiên Chúa đã dưỡng nuôi Gioan, và dành riêng Gioan cho Người từ những buổi chăn cừu bình yên như thế. Rồi ta sẽ thấy, sự bình yên thực sự mà Gioan có được là từ việc siêng năng lần chuỗi Mân Côi. Do đó, khi đã khôn lớn, Gioan vẫn cầu nguyện và lần chuỗi ba lần mỗi ngày. Thường thì, một chàng trai khi đã đến tuổi trưởng thành phải xông pha vào đời và đi kiếm tiền,… Việc vẫn là một chàng trai chăn cừu như ngày nào quả là một cuộc sống thật tăm tối và mờ mịt, nhưng Gioan không bao giờ than phiền. Gioan nghĩ: “Thi hành những gì Chúa muốn là điều quan trọng nhất. Đó là tất cả những điều mình phải ghi nhớ”.

Thế rồi, trong sự bình yên của lời kinh Mân Côi, Thiên Chúa cho ngài một thị kiến. Một lần nọ, thánh Gioan Tông Đồ, vị thánh bổn mạng mà ngài hằng yêu mến, hiện ra và chỉ cho Gioan thấy một cánh đồng mới. Gioan không còn chăn cừu ở quê nhà nữa, nhưng sẽ đến một nơi khác, rộng lớn hơn, và đàn cừu Gioan sẽ chăn dắt, chăm sóc sẽ là những người nghèo khổ thành Lima.

Hành trình đến đồng cỏ mới đó bắt đầu với việc Gioan khởi hành đến Sivila. Tại nơi ồn ào náo nhiệt này, Gioan nhận ra người dân quá bận rộn kiếm tiền đến nỗi chẳng còn quan tâm đến phép lịch sự và những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Ở đây, Gioan được nhận vào làm trong một cửa hiệu bánh. Một lần nọ, khi có kẻ lấy trộm bánh, người chủ đã cho đánh đòn nhừ người và đuổi Gioan đi. Chính “tai nạn” đó đã làm cho Gioan kinh sợ thành phố này. Và nhờ sự giúp đỡ của các linh mục Dòng Đa Minh, Gioan lại lên đường tiến về Jerez Frontera.

Cũng nhờ sự giúp đỡ đó, Gioan nhận ra ơn gọi đặc biệt của mình, đó là “được phục vụ Thiên Chúa với tư cách là thầy trợ sĩ dòng Đa Minh”, được làm những việc khiêm tốn trong nhà Dòng. Điều đó thật kì diệu. Nhưng đó chưa phải là đồng cỏ mà Chúa muốn dẫn thánh nhân đến. Một giọng nói nhỏ vang lên trong tâm trí Gioan: “Hãy đợi một thời gian nữa trước khi con bước vào đời tu.” Năm tháng trôi qua, Gioan vẫn lăn lộn giữa đời để chờ đợi thánh ý Chúa. Niềm khao khát sống ơn gọi trợ sĩ Đa Minh vẫn luôn nồng cháy nơi Gioan. Gioan buồn rầu vì mãi mà mình vẫn chưa thể thực hiện được niềm khao khát đó. Ngài cầu nguyện rằng: “Con rất mong muốn trở thành trợ sĩ ở tu viện Đa Minh, nhưng vẫn cảm thấy đây không phải là thánh ý Chúa. Ôi! Lạy thánh Gioan Tông Đồ! Con phải đợi đến bao giờ nữa?”

Lời giảng thuyết khiêm nhường

Đời sống vất vả của Gioan sang một trang mới khi sau hai năm làm việc trong một trang trại, Gioan theo một tàu buôn đến Lima, Peru. Trước khi đi, như có gì đó thôi thúc tự trong tâm, Gioan dứt khoát chia tay Tây Ban Nha, quê hương mình: “Tôi phải đi làm tu sĩ. Chúa muốn thế, tôi xin lãnh nhận tu phục dòng Đa Minh vào tháng tới.”

Khi đến Lima, chẳng chút đắn đo suy nghĩ, Gioan đã vui vẻ đến xin gia nhập tu viện thánh Mađalêna, một tu viện nhỏ bé của dòng Đa Minh tại thành phố này. Đây chính là nơi mà chính Thiên Chúa dành sẵn cho Gioan. Trước khi đến Lima, Gioan đã phải trải qua nhiều cuộc hành trình với nhiều kinh nghiệm kỳ thú. Nhưng có lẽ hành trình tiến đến trước cổng tu viện Mađalêna là một hành trình lớn lao nhất. Thầy Phaolô, một tu sĩ Đa Minh, người đã khuyến khích Gioan đi tu, là người đầu tiên đón chào Gioan tại cổng tu viện. Chiều ngày lễ kính thánh Râymônđô Pennafort, Gioan chính thức được mặc áo Dòng. Công việc chính của Gioan trong tu viện là gác cổng. Mặc dù là một thành viên của Dòng Anh em Giảng thuyết, nhưng Gioan lại không thực hiện một bài giảng nào như thánh tổ phụ, hay như nhiều anh em khác. Thánh nhân chỉ đơn sơ và khiêm hạ trong những công việc nhỏ nhặt. Những công việc ấy chính là những lời giảng thuyết của riêng ngài. Và đời sống khiêm hạ kia là một bài giảng thực sự. “Nếp sống khiêm nhường đã thay người làm chứng cho chúng ta: chính đời sống là một sứ điệp”[1]. Ngài đã luôn chuyên chăm cầu nguyện và sống hãm mình. Ngài dành những khoảng thời gian đặc biệt trong ngày để chăm sóc một số rất đông người nghèo khó ở thành phố Lima, bằng cách đón tiếp và chia sẻ phần ăn cho họ. Khi cần, thánh nhân sẵn sàng “nhịn phần lớn thức ăn để nuôi những kẻ thiếu ăn, vì nơi họ, đức tin cho người thấy Chúa Giêsu hiện diện tỏ tường”[2]. Ngài vừa chăm lo đời sống vật chất, vừa chăm lo đời sống đức tin cho họ. Đời sống này “đã không chứng minh rằng đức thanh bần theo tinh thần Phúc Âm, khi được sống trọn vẹn, thật phong phú lắm sao?”[3]

Đối với những người được thầy Gioan cưu mang, họ quả quyết rằng thầy là một vị thánh sống, qua đời sống triệt để theo tinh thần Tin Mừng. Để có được đời sống như thế và để bảo vệ ơn gọi của mình, thầy Gioan luôn phải đấu tranh với mọi cám dỗ mà ma quỷ bày ra trước mắt thầy. Ơn gọi của chúng ta cũng vậy, sự đấu tranh mỗi ngày bằng nếp sống cầu nguyện và khó nghèo sẽ tạo nơi ta một tinh thần thép, để chống chọi với mọi cám dỗ, và hơn hết, với đời sống đức tin của mình, chúng ta đủ sức tiến bước trên hành trình nên thánh. Nhưng với những gì chúng ta thấy và cảm nhận, việc bước đi theo Chúa như Gioan quả thật không dễ dàng. Ở đây, thánh Gioan Maisan cho ta một cách thức tuyệt vời để đối mặt với mọi thử thách, gian nan. Thánh nhân đã học nơi Đức Giêsu sự khiêm nhường và hiền hậu, đã lấy điều đó làm chuẩn mực trong mọi tương quan, như thánh Phêrô dạy: “Anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau” (1Pr 5,5).

Thánh Đaminh đã cứu rỗi các linh hồn bằng việc đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng, còn thầy Gioan Maisan thì rao giảng bằng chính đời sống khiêm hạ với việc chăm sóc người đói khổ, bần cùng. Chính Đức Phaolô VI đã xác nhận điều này khi nói: “Gioan Maisan là chứng nhân kỳ diệu và hùng hồn về đức khó nghèo theo Phúc Âm”[4].

Lạy Chúa, trên hành trình theo đuổi ơn gọi Đa Minh, chúng con sẽ gặp nhiều thử thách chông gai, nhiều lúc sẽ phải “phiêu bạt” khắp nơi như thánh Gioan Maisan đã từng trước khi nhận ra tiếng Chúa cách trọn vẹn. Xin giúp chúng con can đảm dấn thân như thánh Gioan Maisan, can đảm từ bỏ mọi sự, can đảm sống khiêm hạ, can đảm phục vụ mọi người theo tinh thần bác ái, đơn sơ, khiêm nhường để hành trình ơn gọi của chúng con được như lòng Chúa mong ước. Xin thánh Gioan Maisan chuyển cầu cho anh em chúng con là những Thỉnh sinh đang bước đầu tìm hiểu nếp sống Đa Minh, giúp chúng con luôn gắn bó với tình yêu của Chúa, và sẵn sàng sống vì anh em mình.


[1] Trích bài diễn văn của vị Tổng quyền Vincent de Couesnongle, O.P. nhân dịp phong hiển thánh cho chân phước Gioan Maisan (Bài đọc Kinh sách lễ thánh Gioan Maisan)

[2] Trích Bài giảng lễ phong thánh cho chân phước Gioan Maisan của Đức Phaolô VI, ngày 28/9/1975 (Bài đọc Kinh sách lễ thánh Gioan Maisan)

[3] Trích Bài giảng lễ phong thánh cho chân phước Gioan Maisan của Đức Phaolô VI, ngày 28/9/1975 (Bài đọc Kinh sách lễ thánh Gioan Maisan)

[4] Trích Bài giảng lễ phong thánh cho chân phước Gioan Maisan của Đức Phaolô VI, ngày 28/9/1975 (Bài đọc Kinh sách lễ thánh Gioan Maisan)

Từ khóa:

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com