[9/11] Xây Dựng Đền Thờ Thiêng Liêng của Thiên Chúa

09-11-2017
Bởi: Nguyễn Thế Truyền Có: 0 bình luận 2106 lượt xem

9/11 – Kỷ Niệm Cung Hiến Thánh Đường Latêranô – Lễ kính

Gr 47,1-2.8-9.12; Ga 2, 13-22

Suốt ba thế kỷ đầu của Hội thánh, người Kitô hữu không có nhà thờ. Vì sự bách hại dữ dội của đế quốc Rôma lúc bấy giờ, các Kitô hữu đã phải tận dụng các khoảng trống trong các phần mộ được đào dưới lòng đất, còn gọi là hang toại đạo để hội họp cử hành nghi thức bẻ bánh và nghe đọc Lời Chúa. Đầu thế kỷ thứ 4, Côngtăntinốp làm hoàng đế Rôma, ông đã cho bãi bỏ các chỉ dụ cấm đạo, và cho phép các Kitô hữu được tự do xây cất thánh đường để làm nơi hội họp cử hành phụng tự.

Thánh đường Latêranô là ngôi thánh đường đầu tiên được xây cất đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của Hội thánh sau 300 năm bách hại. Vì là nhà thờ chính toà của Đức Giáo hoàng, cũng là Giám mục Rôma, nhà thờ Latêranô được xem là nhà thờ Mẹ của mọi nhà thờ trên thế giới. Với vị trí tại trung tâm thành phố Rôma, nhà thờ Latêranô trở thành biểu tượng hiệp nhất của Hội thánh toàn cầu. Qua việc mừng lễ cung hiến thánh đường vật chất bằng vật liệu gỗ đá, Phụng vụ Lời Chúa hôm nay hướng chúng ta đến ý nghĩa của những ngôi đền thờ thiêng liêng. Ngôi đền thờ thiêng liêng trước hết là chính Hội thánhThân thể mầu nhiệm của Đức Kitô. Và sau nữa, ngôi đền thờ thiêng liêng là chính các Kitô hữu, những viên đá sống động xây dựng nên Hội thánh.

Để có thể hiểu được ý nghĩa của các bài đọc Lời Chúa hôm nay, chúng ta cần tìm hiểu đôi chút về Đền thờ của truyền thống Cựu Ước.

Với người Do thái, Đền thờ Giêrusalem có ý nghĩa rất lớn trong đời sống tôn giáo và thậm chí quyết định sự tồn vong của quốc gia. Đền thờ là dấu chỉ về hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân Người. Chức năng chính của Đền thờ là dành riêng cho việc tế lễ Thiên Chúa. Đồng thời, với một chức năng khác không kém phần quan trọng, Đền thờ là nơi lưu giữ các cuốn sách Lề luật của ông Môsê. Các thầy thượng tế trong dân Chúa được uỷ thác nhiệm vụ tế lễ và gìn giữ các Thánh luật này. Hàng năm, theo Luật mọi người Do thái trưởng thành phải giữ bổn phận hành hương lên Đền thờ Giêrusalem.

Thế nhưng, qua dòng thời gian, đền thờ Giêrusalem đã dần mất đi sự linh thánh và trang nghiêm cần có. Thánh Gioan kể lại: “Lễ Vượt Qua của dân Do thái gần đến, Chúa Giêsu lên Giêrusalem. Người thấy ở trong đền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi bạc”. Như thế, Đền thờ được xây dựng với mục đích linh thánh, đã bị người ta lợi dụng để làm nơi buôn bán, kiếm lời, đổi chác và dĩ nhiên cũng trở thành nơi con người lừa dối lẫn nhau. Và cũng chính tại nơi đây, người ta dễ dàng nhân danh việc đạo đức để chứng tỏ sự giàu có của mình, để rồi khinh dể người khác.

Đức Giêsu không chấp nhận điều đó. Người muốn trả lại ý nghĩa nguyên thủy của đền thờ. Đền thờ phải là nơi Thiên Chúa ngự trị và là nơi con người đến để gặp gỡ Thiên Chúa và gặp gỡ nhau. Người đã “chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ, Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ và bảo những người bán chim câu rằng: ‘Hãy đem những thứ này đi khỏi đây và đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán.’”

Có lẽ đây là một trong những lần hiếm hoi cho thấy sự phẫn nộ, của Đức Giêsu, Đấng đến không phải để lên án, nhưng là để cứu độ thế gian. Ở đây cho chúng ta thấy một sự dứt khoát của Đức Giêsu đối với việc lạm dụng Đền thờ. Người đã hành động quyết liệt để trả lại cho đền thờ ý nghĩa đích thực của nó, cho dù điều đó có thể làm khó chịu và khơi dậy sự thù ghét của người Do thái. Đức Giêsu đã không nhân nhượng khi phải bảo vệ chân lý: “Hãy trả lại cho Thiên Chúa điều thuộc về Thiên Chúa.” Người đã để cho lòng nhiệt thành nhà Chúa thiêu đốt bản thân và muốn mọi người hiểu rõ điều Người đã tuyên bố: “Nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện” (Mt 21, 13).

Trong Cựu ước, người ta phải nhờ đến Đền thờ Giêrusalem để làm nơi trung gian gặp gỡ Thiên Chúa. Nhưng với các Kitô hữu, khi Đức Giêsu đến vai trò của Đền thờ Giêrusalem chấm dứt. Đức Giêsu chính là Đền thờ của Thiên Chúa, và qua Người, chúng ta gặp được một Thiên Chúa làm người đang ở giữa chúng ta, như lời thánh Gioan: “Đền thờ Đức Giêsu muốn nói ở đây chính là thân thể Người.”

Trong bài đọc I, Ngôn sứ Êdêkien mô tả thị kiến của ông về một Đền thờ có nước từ ngưỡng cửa đền thờ chảy ra và mặt Đền thờ quay về hướng đông. Nước từ Đền thờ chảy đến đâu thì mọi cây cối và sinh vật đều được sống và được chữa lành. Đền thờ ngôn sứ Giêrêmia được thị kiến đó chính là Hội thánh được xây dựng trên nền tảng là Đức Giêsu Kitô. Hội thánh chính là Đền thờ Giêrusalem mới của thời Tân Ước. Chính trong Hội thánh, ân sủng cứu độ của Thiên Chúa tuôn trào qua các bí tích, nhờ đó mọi người được dưỡng nuôi và được chữa lành. Cũng chính trong Hội thánh, Lời của Thiên Chúa được ngỏ với dân mới của Người.

Hội thánh – Thân thể của Đức Kitô bao gồm các Kitô hữu, những người nhờ ân sủng của phép Rửa, được trở nên viên đá sống động xây nên đền thờ Thiên Chúa là Hội thánh. Từng viên gạch nếu để riêng rẽ và không có nền tảng sẽ không thể làm nên một toà nhà hay một đền thờ vật chất. Cũng vậy, nếu từng Kitô hữu không có sự gắn kết với nhau và không có nền tảng vững chắc là sự gắn bó với Đức Kitô, thì không thể xây dựng Hội thánh – Đền thờ thiêng liêng của Thiên Chúa.

Nhân ngày mừng lễ kỷ niệm ngày cung hiến thánh đường Latêranô, Mẹ của các nhà thờ Công giáo trên toàn thế giới hôm nay, các Kitô hữu được mời gọi ý thức hơn ơn huệ lớn lao là trở nên những viên đá sống động xây dựng nên Hội thánh – Đền thờ Thiên Chúa. Các Kitô hữu không chỉ góp công, góp của xây cất những ngôi nhà thờ vật chất để có nơi thờ phượng xứng đáng, mà quan trọng hơn là xây dựng Đền thờ thiêng liêng của Thiên Chúa bằng chính đời sống đức tin, tình yêu thương và sự hiệp nhất. Amen.

Từ khóa: ,

  • THỈNH VIỆN ĐA MINH VIỆT NAM
    Địa chỉ: 70/1 Tổ 1, Kp Bình Đường 3, P. An Bình, Tp. Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
    Địa chỉ cũ: 1116, đường số 6, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. HCM - Xem bản đồ
    Email: thinhviendaminh@gmail.com