“Thiên chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người“ (Rm 8,28)
Chào đời ngày 09.12.1579, trong một hoàn cảnh rất đặc biệt, cậu bé Mác-ti-nô đã sớm chứng tỏ cho mọi người thấy: lòng yêu mến không cần phải có điều kiện, hay hoàn cảnh thuận lợi. Vì “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định” (Rm 8,28). Lời Kinh Thánh này đã được thực hiện cách trọn hảo nơi cuộc đời tin yêu phó thác của thánh Mác-ti-nô.Mang trong mình dòng máu hiệp sĩ của người cha, Mác-ti-nô đã vượt qua những rào cản của kỳ thị, những khinh miệt và nhiễu nhương của thời cuộc để sống tâm hồn đơn sơ, phó thác, và tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu thương quan phòng của Thiên Chúa. Nhờ dòng máu của người mẹ da den, Mác-ti-nô đã sớm thấu hiểu thế nào là bị ruồng bỏ, bị khinh chê của xã hội. Nhưng hoàn cảnh đau buồn ấy không làm cho cậu bé Mác-ti-nô nổi loạn hay chống đối xã hội. Trái lại, cậu đã dùng những bất công, kỳ thị và thiệt thòi ấy của bản thân để chứng minh cho mọi người thấy rằng, “mọi sự đều có thể sinh lợi ích cho những ai yêu mến Thiên Chúa”.
Thiếu vắng tình thương của người cha, Mác-ti-nô không oán đời hay trách người, cậu vẫn giữ lòng hiếu thảo và trọng kính với cha, nhờ vào việc cậu đã thấu cảm tình thương vô biên của Thiên Chúa là Cha của hết mọi người, không phân biệt sang hèn, đen trắng… Cậu đã khám phá và xây dựng cho mình một triết lý sống dựa trên Lời Chúa: “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là “ráp-bi”, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời” (Mt 23,8-9). Vì thế, cậu đã quên đi cái nghèo, cái bất hạnh của mình để đến với mọi người. Từ những cụ già bị hành hạ, đói lả trên đường, hay những bệnh nhân đau đớn dở sống dở chết, cho tới những chú mèo, chú chuột… tất cả đều nhận được sự quan tâm, chăm sóc và yêu thương của cậu.
Ý thức rằng yêu thương phải được thể hiện bằng hành động, nên khi có điều kiện, cậu đã xin phép được học nghề y, để có thể giúp đỡ và chăm sóc mọi người cách thiết thực nhất. Mác-ti-nô đã làm cho mọi người kinh ngạc, sửng sốt trong thời gian giúp việc cho bác sĩ Ri-ven-đô. Cậu đã thao tác và cứu chữa người bệnh bị thương nặng một cách thành thục và nhuần nhuyễn, giúp cho bệnh nhân thoát khỏi cơn hiểm nghèo. Có thể nói, Mác-ti-nô đã được Thiên Chúa mạc khải cho biết: Thiên Chúa không đánh giá con người theo mầu da nhưng theo tâm hồn.
Sự nổi tiếng và được mọi người yêu mến của Mác-ti-nô đã làm sáng lên trong lòng người mẹ khốn khổ da đen một niềm hy vọng vào tương lai tươi đẹp của cậu. Nhưng bà đã thất vọng khi nghe Mác-ti-nô xin phép từ giã gia đình để đến tu viện Đức Mẹ Mân Côi, và xin Cha Bề Trên cho cậu được vào giúp việc trong nhà Dòng. Tuy chỉ là người giúp việc, nhưng Mác-ti-nô cũng được mặc áo Dòng như những tu sĩ khác. Sau ngày vào sống trong tu viện Đa Minh, thầy Mác-ti-nô đã sử dụng đến kiến thức ngành y để chữa bệnh cho các tu sĩ trong nhà. Quả thật, Lời Chúa đã tác động và trở nên ánh sáng soi đường cho cuộc đời của Mác-ti-nô. Bởi vì chính thầy đã cảm nghiệm sâu sắc thế nào là tình yêu, thế nào là hy sinh cả mạng sống vì người mình yêu.
Để tỏ lòng tôn kính tấm lòng phó thác khiêm nhường bởi đã tin rằng, Thiên Chúa làm mọi sự đều sinh ích cho những ai mến yêu Người, vào năm 1837, Đức Ghê-gô-ri-ô XVI suy tôn thầy Mác-ti-nô lên hàng chân phước. Ngày 06.05.1962, Đức Thánh Cha Gio-an XXIII ghi tên thánh Mác-ti-nô vào sổ các hiển thánh. Chúng con nguyện xin thánh Mác-ti-nô hằng chuyển cầu cùng Chúa cho chúng con biết theo gương thánh nhân, hát lên “bài ca bác ái” trong mỗi cuộc đời, để ca ngợi và tạ ơn Thiên Chúa đã luôn làm cho tất cả mọi sự đều sinh ích lợi cho những ai yêu mến Người, và theo gương thánh Mác-ti-nô trở nên bạn nghĩa thiết với những ai khốn khổ, nghèo hèn.